Bí quyết gần gũi qua những việc nhỏ

25/05/2021

Để một cuộc hôn nhân tốt đẹp điều quan trọng là vợ chồng biết chia sẻ với nhau mọi sự, cả những giá trị sâu xa nhất xác tín tự đáy lòng.

Bí quyết bàn thạch có lẽ là món quà lớn nhất tôi có thể trao tặng bạn trong quyển sách này. Nó thật quan trọng đến mức sinh tử, tôi hầu như đặt nó ở hàng đầu.

Bao nhiêu công trình nghiên cứu đều cho thấy bí quyết này như một lời tiên báo mạnh mẽ nhất nói đến sự thành công của một cuộc hôn nhân. Các linh mục và các mục tử đều khuyên dạy mọi mối quan hệ thành công tốt đẹp đều khởi đầu sống bí quyết đó. Không có nó, nền tảng của các bạn sẽ lung lay. Quan hệ có thể kéo dài, nhưng sẽ luôn có những chao đảo từ trong gốc rễ cuộc sống khiến cho hôn nhân của bạn không đứng vững, không an bình như lòng bạn mong ước sâu xa.

Vậy, đâu là bí quyết bàn thạch? Cầu nguyện. Cầu nguyện dẫn đôi vợ chồng cùng nhau đi vào một đời sống thiêng liêng của một cặp đôi. Một đời sống thiêng liêng cùng nhau sẽ cho các bạn những giá trị, những xác tín chung sâu xa tự trong lòng để cả hai vợ chồng lái con thuyền hôn nhân – gia đình cùng theo một hướng đồng thời trong mọi hoàn cảnh. Một sự kết hợp sâu xa như thế sẽ nối kết hai bạn lại với nhau như một cặp đôi, và dây liên kết ấy sẽ nâng đỡ đôi bạn theo những cách thức bạn không ngờ, không thấy trước từ ban đầu. Đời sống thiêng liêng cùng nhau đó của hai bạn như chất vữa kết dính các viên gạch xây nên ngôi nhà các bạn, thu hút các thành phần khác nhau của đời sống lại và giữ chặt trong một toàn thể thống nhất.

Khi đứa con của bạn một đêm nọ không về nhà, bạn nóng ruột ngóng đợi và không biết phải làm sao, khi ấy bí quyết bàn thạch sẽ giúp bạn trải qua thời khắc thử thách ấy thành công. Khi bạn muốn mà không thể có con, bí quyết bàn thạch sẽ giúp tình yêu của hai bạn an ổn và hướng dẫn hai bạn. Khi chồng bạn bị ngưng việc hoặc khám bệnh thấy bị mắc bệnh ung thư, bí quyết bàn thạch sẽ là người bạn thân tín của bạn. Hầu hết trong mọi trường hợp, khi hai bạn đối diện với những chuyện rất quan trọng phải quyết định, bí quyết này sẽ giúp nhắc nhở hai bạn cái gì thật sự có giá trị nhất và cái gì là quan trọng tối hậu, đối với hai bạn, vì hai bạn có cùng chung một niềm tin. Hai bạn cùng yêu quí những điều gì đáng giá nhất trong cuộc đời.

Hầu như mọi nghiên cứu đã khảo sát đều thấy rằng các cặp vợ chồng có cùng một đức tin và thực hành sống đức tin ấy cùng nhau, thì tỉ lệ li dị nơi họ rất thấp. Điều đó không có nghĩa là mọi cuộc hôn nhân khác đều sẽ hỏng, nhưng chỉ cho thấy rằng họ khó đứng vững trước những kiểm nghiệm của thời gian và thử thách. Ở Mỹ, ngày càng thấy gia tăng thách thức việc tìm được một người bạn đời có cùng đức tin và thực hành đức tin ấy cùng cách thức như mình. Xã hội chúng ta ngày nay càng ngày càng trở nên thế tục hóa và có vẻ như thù địch với tôn giáo. Chúng ta cũng sống trong bầu khí xã hội đa văn hóa, đa nguyên trong mọi lãnh vực, nhiều người không muốn tìm kiếm đào sâu cho tới cội rễ đức tin và thực hành tín ngưỡng của mình. Thay vào đó, họ sống cuộc đời mình hời hợt như một bức tranh mẫu dệt thêu bởi nhiều thứ văn hóa, không bao giờ dấn thân sâu vào một cam kết hay giá trị nào cả.

Một nghiên cứu của Đại học Texas tại San Antonio nhận thấy rằng các cặp cùng một niềm tin và cùng thực hành thờ phượng thường xuyên thì không những cuộc sống hôn nhân của họ được thỏa mãn ở mức độ cao hơn, mà còn thỏa mãn sâu xa hơn nữa nếu họ cùng tích cực tham gia hoạt động Giáo hội bằng những cách khác. Nhất là, khi các cặp cùng cầu nguyện với nhau và thực hành những việc đạo đức trong gia đình, cuộc sống hôn nhân của họ được thỏa mãn cao nhất, kết quả được cho thấy ở những người tham dự cuộc thăm dò nghiên cứu nơi 1.387 cặp.

Ngoài ra, một nghiên cứu của Đại học Virginia cho thấy rằng chỉ cần các cặp cùng nhau tham dự thực hành thờ phượng tỉ lệ li dị cũng đã giảm khoảng dưới 35 phần trăm. Mạnh hơn nữa, một thăm dò của Hội đồng Gia đình của Georgia cho thấy rằng các cặp mà cầu nguyện cùng với nhau thì chỉ có 7 phần trăm được xem thực sự là li dị, so với con số 65 phần trăm li dị những cặp không bao giờ cầu nguyện chung với nhau. Các bạn biết rồi đấy.

Trong một thời đại khi mà tuổi thọ các cuộc hôn nhân của những người nổi tiếng chỉ tính bằng giờ hoặc ngày, và tỉ lệ li dị luôn được cho là khoảng 50 phần trăm, chúng ta thấy rõ ràng hôn nhân quả là một vấn đề khó sống. Và khi các bạn không có cùng một niềm tin, hôn nhân còn khó khăn hơn nữa. Thực tế hầu như là không thể được.

Nghiên cứu của chúng tôi tại Học viện Công giáo Dynamic cho thấy rằng khi cả hai vợ chồng cùng thực hành tích cực đức tin Công giáo của mình, thì tỉ lệ li dị dưới 11 phần trăm. Nói cách khác, hôn nhân của bạn hầu như được bảo đảm phát triển tốt đẹp khi các bạn đi lễ, quảng đại dâng hiến, nhiệt thành phục vụ, và cầu nguyện cùng nhau. Khi các bạn sống điều đó cách thường xuyên chứ không chỉ lúc nắng lúc mưa, xác suất thất bại của hôn nhân các bạn rơi từ 50 xuống còn 11 phần trăm. Sụt gần 80 phần trăm không còn li dị nữa, chỉ cần hai bạn cùng nhau thực hành sống đức tin tích cực. Cùng một đức tin và có chung những xác tín căn bản đồng nghĩa các bạn sẽ có một cuộc hôn nhân sung mãn. Sẽ có những hoa trái tốt đẹp.

Để một cuộc hôn nhân tốt đẹp điều quan trọng là vợ chồng biết chia sẻ với nhau mọi sự, cả những giá trị sâu xa nhất các bạn xác tín tự đáy lòng. Quan hệ của bạn với Chúa là trung tâm điểm con người của bạn và chi phối mọi sự bạn làm. Khi bạn và người bạn đời của bạn không có chung điều ấy, đó là các bạn đang hát một bài song ca với hai bản hòa âm phối khác nhau.

Quyển sách Tôbia không được nghe đọc nhiều trong phụng vụ thánh lễ trong năm, nhưng trong đó các bạn sẽ nhặt được một viên đá quí rất đẹp nhắc ta nhớ đến bí quyết bàn thạch này. Khi Tôbia biết được Chúa đã chọn cho mình Sara làm vợ, ông lập tức đem lòng yêu quí nàng, dù chưa một lần gặp mặt. Anh đặt niềm tin vào Thiên Chúa trên hết mọi sự. Quan hệ cũng như hôn nhân của anh được tin cậy phó thác vào bàn tay Chúa.

Sara đã đính hôn trước đó, trong thực tế nàng đã từng cả thảy sáu lần rồi! Và mỗi lần người-lẽ-ra-là-chồng nàng đều bị quỉ giết chết khi sắp gần nàng đêm động phòng. Một loạt sáu lần như thế. Không hay chút nào.

Thế nhưng, cho dù có cái vết mang điềm tai họa như thế, Tôbia tin tưởng vào Thiên Chúa và kế hoạch quan phòng của Ngài. Anh vẫn cưới Sara mặc cho cảnh báo nguy hiểm của bao nhiêu người chứng kiến. Khi đôi tân hôn đứng trước đêm động phòng với quỉ ma, nguy hiểm, và sự chết kề bên, đôi bạn lập tức hướng về Chúa. Họ quì xuống và cùng nhau cầu nguyện.

Tôbia ngồi dậy, ra khỏi giường và nói với vợ: «Đứng lên, em! Chúng ta hãy cầu nguyện, nài xin Đức Chúa để Người thương xót và bảo vệ chúng ta».

Cô đứng lên, và họ bắt đầu cầu nguyện và xin cho mình được cứu thoát. Tôbia bắt đầu như sau:

“Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng con. Xin chúc tụng Chúa, xin chúc tụng Thánh Danh đến muôn thuở muôn đời! Các tầng trời và toàn thể công trình của Chúa phải chúc tụng Chúa đến muôn thuở muôn đời!
Chính Chúa đã dựng nên ông Ađam, dựng nên cho ông một người trợ thủ và nâng đỡ là bà Evà, vợ ông.
Và dòng dõi loài người đã sinh ra từ hai ông bà.
Chính Chúa đã nói: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ thủ giống như nó’.
Giờ đây, không phải vì lòng dục, mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành.
Xin Chúa đoái thương con và em con
cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già.”
Rồi họ đồng thanh nói: “Amen! Amen! ” Sau đó, họ ngủ luôn cho đến sáng. (Tb 8,4-9)

Quan hệ của họ bén rễ trong đức tin. Thiên Chúa là Bàn thạch nền tảng hôn nhân của họ. Tôbia đã thử nghiệm lí do của mình cho cuộc hôn nhân trước mặt Chúa. Anh muốn quan hệ hôn nhân này được xây dựng dựa trên đức tin và thành tín hơn là bởi lòng dục thiếu chín chắn. Hôn nhân của họ không chỉ tồn tại sau đêm tân hôn, nhưng lời cầu nguyện tuyệt vời này còn là bản mẫu cho mọi hôn nhân khác phải noi theo. Đức tin và sự thành tín là nền tảng tạo nên hôn nhân bền vững.

Khi bạn có con cái, thách đố còn nhiều và gay go hơn nữa. Thời gian biểu sinh hoạt cuộc sống trở nên khít khao hơn, tiền bạc hiếm hoi hơn, con cái ngày càng lớn lên và chúng có những quyết định riêng độc lập, và còn nhiều điều khác khó hơn nữa. Bí quyết bàn thạch càng trở nên quan trọng hơn cho hôn nhân và gia đình bạn. Trước hết, hai vợ chồng ít quan tâm chăm sóc nhau hơn. Có cùng quan điểm về Thiên Chúa và cuộc sống sẽ trang bị cho đôi bạn khí cụ giúp ích giai đoạn này khi mà hai bạn ít có thời gian dành cho nhau. Thứ đến, giờ đây bạn có ít sinh linh bé bỏng cần cậy nhờ bạn chuẩn bị cho cuộc sống thể lí chúng. Bạn chỉ có thể giúp chúng lớn lên để thành người mà Thiên Chúa muốn và định theo ý Ngài. Bí quyết bàn thạch sẽ giúp bạn xây dựng đức tin trong cuộc sống gia đình và nơi linh hồn con cái bạn.

Bạn có thể chọn xây dựng một tập quán truyền thống gia đình với con cái bạn trong mùa Vọng chuẩn bị đón mừng Lễ Giáng sinh chẳng hạn. Các tập tục làm nên ý nghĩa và nội dung cuộc sống trong gia đình bạn. Sau này khi chúng đã lớn, chúng sẽ vẫn nhớ – và thường hỏi bạn phải làm sao – các truyền thống ấy, liệu có cùng nhau trang trí nhà cửa một mùa Vọng nào đó hoặc có đi đến các trung tâm giáo dưỡng người vô gia cư dịp lễ Tạ Ơn năm nay không.

Bạn có thể quyết định dành một tuần lễ dịp hè mỗi năm đi phục vụ với một nhóm truyền giáo trong giáo xứ bạn. Bạn có thể xây dựng một thói quen đọc kinh và Lời Chúa hằng ngày hoặc đọc sách đạo đức trong gia đình để con cái bạn học được các thói quen tinh thần lành mạnh. Bí quyết bàn thạch cũng có thể được diễn tả qua những lời sau đây của thánh Phaolô trong thư Côlossê chương 3: «Dù làm bất cứ điều gì, con hãy làm vì Danh Chúa Giêsu».

Khi bạn xây dựng những thói quen đạo đức này trong cuộc hôn nhân, gia đình và cuộc sống của bạn, bạn có thể xây dựng được một ngôi nhà kiên cố đứng vững được xuyên qua những bão tố lớn nhất cuộc đời. Bạn giống cách nào đó như anh Th. B. một người Việt Nam nhập cư ở Hoa Kỳ. Anh có vợ người Đức, và họ dọn đến ở một nơi vùng đồi núi California và bắt đầu xây dựng ngôi nhà mơ ước.

Th. B. tự làm hết mọi việc. Anh đổ nền xây móng. Dựng các cột, xây tường, làm cửa nẻo, đặt mái. Anh lắp đặt hệ thống các thứ ống dẫn nước, khí, đường điện. Th. B. tự mình làm tất tần tật. Anh lao động trong hai năm, chỉ mua những vật liệu tốt bền nhất cho công việc xây dựng và kiến trúc. Anh muốn căn nhà của mình phải thật tuyệt vời. Anh trát vữa stucco trên hết các tường nhà để chống cháy.

Khi xảy ra cháy rừng trong vùng, Th. B. đã sẵn sàng ứng phó. Tất cả mọi người đều sơ tán khỏi nhà. Anh cho vợ và con gái chạy lánh nạn, còn anh ở lại trong căn nhà mình đã xây. Hầu hết thời gian anh chỉ ngồi ở trên mái nhà, tưới đẫm nước giữ cho mái ẩm ướt và mát. Th. B. đã dồn hết bao công sức tiền bạc của mình cho căn nhà đó làm sao anh có thể chấp nhận bỏ nó dễ dàng được.

Ngày nay, nếu có ai đi qua vùng đó, người ấy sẽ thấy một vùng đồi núi bị hỏa hoạn tàn phá và cháy nhiều thành than. Không còn cây cối. Chỉ còn sót lại một vài ống khói và mấy cái bàn cầu vệ sinh trơ trọi gần trên đỉnh ngọn đồi. Bạn cũng sẽ thấy Th. B. và gia đình anh vẫn sống trong căn nhà mơ ước ấy mà anh đã xây chỉ với những vật liệu tinh tế nhất. Cách nào đó, Th. B. giống như người mà Đức Giêsu ví đã xây nhà trên nền đá chứ không trên cát. Khi mưa sa bão táp lũ dâng, nhà của anh vẫn đứng vững vàng, hiên ngang.

Khi các bạn xây dựng hôn nhân của mình trên nền những giá trị của đức tin chung của hai người, và các bạn thực hành thường xuyên đức tin ấy cùng nhau, các bạn sẽ có một cuộc sống, gia đình vững vàng trước giông tố cuộc đời. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ né tránh được các khó khăn thử thách; nhưng chỉ có nghĩa rằng bạn sẽ có sức mạnh và nguồn lực chiều sâu để vượt thắng chúng.

Thiên Chúa không phải là một sức mạnh mơ hồ, xa xăm đối với những ai sống cầu nguyện thường xuyên, Ngài là một người bạn thân thiết gần gũi, và nhà tham vấn khôn ngoan. Những người đó đang lắng nghe tiếng Chúa trong cuộc sống của họ. Họ biết rằng làm theo thánh ý Chúa là cách duy nhất dẫn đến hạnh phúc bền vững trong thế gian hay thay đổi này (và cả thế giới bên kia). Vấn đề là những tín hữu Công giáo ấy có dành thời gian để cầu nguyện, một nơi chốn để cầu nguyện, và có một nội dung chất liệu để cầu nguyện.

Khi các bạn thiết lập một thói quen cầu nguyện chung với nhau – có thể đơn giản chỉ năm đến mười phút mỗi ngày – cuộc sống hôn nhân của bạn sẽ triển nở một cách bạn không ngờ. Bạn sẽ có những năng lực mới và Thiên Chúa sẽ mở cho bạn một viễn cảnh cho tương lai và gia đình bạn. Một lần nữa tôi nhắc lại, điều quan trọng là bạn tạo lập một thói quen đơn giản – năm mười phút mỗi ngày. Thỉnh thoảng dâng lên Chúa lời cầu nguyện nơi này nơi kia trong từng hoàn cảnh (“Ô, Chúa ơi, xin giúp con tìm thấy chiếc điện thoại lạc đâu rồi”, hoặc “Ô, lạy Chúa cho con qua được cơn bão này về tới nhà bình an”) cũng là điều rất tốt. Nhưng thói quen cầu nguyện thường xuyên là điều hoàn toàn khác. Đó là bạn đang đổ nền móng vững chắc cho cuộc sống của bạn.

Cầu nguyện thường xuyên mỗi ngày chính là mối quan hệ của bạn với Chúa. Không cầu nguyện thì thực sự không có quan hệ. Không có giao tiếp thì không có quan hệ, nhất là với Thiên Chúa. Và khi các bạn cầu nguyện như một đôi cùng nhau, là bạn đang mời gọi rước ơn Chúa vào trong cuộc đời mình, và Thánh Thần Người sẽ ngày càng giúp bạn lớn lên tiến bước trong cuộc sống. hãy nhớ rằng hai bạn đang giúp nhau cùng đi lên trời.

Sau đây là những gợi ý nội dung giúp cho tiến trình cầu nguyện:

1) BIẾT ƠN

Bắt đầu cầu nguyện bằng dâng lời cảm mến tri ân Chúa về những gì tuyệt vời chúng ta nhận được ngày hôm nay.

2)THỨC TỈNH

Nhìn lại những lúc bạn sống thực hoặc không thực sự là mình hai mươi bốn giờ qua. Nói với Chúa về những tình cảnh đó và xin Ngài ban ơn giúp biết tỉnh thức hơn nữa khi xảy ra lại những tình huống như vậy.

3) NHỮNG THỜI KHẮC Ý NGHĨA

Cố định hình một điều gì đó bạn trải nghiệm ngày hôm nay và tìm khám phá xem Chúa đang muốn ngỏ điều gì với bạn qua sự kiện đó.

4) BÌNH AN

Xin Chúa tha thứ những sai lầm đã làm hay tội lỗi đã xúc phạm (với chính mình, người khác, hoặc với Chúa) và xin Ngài thương ban sự bình an sâu xa trường tồn trong tâm hồn.

5) TỰ DO

Nói với Chúa rằng Ngài đang mời gọi bạn thay đổi cuộc sống như thế nào để kinh nghiệm được điều rất ý nghĩa là sự tự do, vốn đến từ chỗ bạn biết mình là ai, bạn đang ở đâu, bạn đang làm gì. Ngài có đang mời gọi bạn suy xét lại lối sống của mình không? Chúa có đang yêu cầu bạn buông bỏ cái gì đó hay một ai đó không? Ngài đang xin bạn tiếp tục điều gì đó hoặc sống tử tế với ai đó không?

6) CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI KHÁC

Cầu nguyện cho ai đó mà bạn cảm thấy cần cầu xin cho họ ngày hôm nay, và ai đó xin bạn cầu nguyện cho họ thời gian gần đây. Để một thời gian cầu nguyện cho những người này cụ thể đích danh, và xin Chúa chúc lành cho họ và hướng dẫn họ.

7) KẾT THÚC BẰNG ĐỌC KINH LẠY CHA. Hôn nhân không phải là một gian hàng trái cây, nhưng là một thửa vườn bạn phải lao tác chăm nom hằng ngày.

Bạn hãy hình dung một cặp vợ chồng đang ngồi ở bộ ghế trường kỉ phòng khách cuối một ngày làm việc mệt nhọc. Anh chồng đang mải mê bị cuốn hút vào trận đá banh ngoại hạng Anh giữa MU và Man City. Còn chị vợ ngồi ở đầu kia chiếc đi-văng, cuộn mình trong chiếc mền mỏng đọc một quyển truyện ngắn. Đến một lúc, chị buông quyển sách và phá tan cái không khí lạnh lẽo buột miệng nói: “Ông xã à, từ lâu anh chẳng bao giờ còn nói với em là anh yêu em nữa”. Anh ngoái lại nhìn chị, chưa đầy một giây, rồi lại tiếp tục theo dõi trận đá banh, nói “Em ơi, anh đã nói anh yêu em hồi ta cưới nhau rồi còn gì. Nếu như có gì thay đổi, anh sẽ cho em biết”.

Nếu tôi hỏi bạn liệu bạn có nghĩ rằng cặp vợ chồng đó sẽ sống cuộc hôn nhân của họ ổn không, có lẽ bạn sẽ cười và nói có gì nghiêm trọng đâu mà không ổn. Cặp vợ chồng này còn thiếu một cái gì ? Đó là thiếu bí quyết trở nên gần gũi qua làm cho nhau những việc nhỏ.

Các nhà nghiên cứu về Hôn nhân Dr. John Gottman và vợ, là Julie, cho là họ có thể tiên đoán chính xác tới 94 phần trăm rằng một cặp vợ chồng sẽ li dị trong tương lai hay không sau khi đã quan sát họ xử sự với nhau trong mười phút. Chỉ mười phút.

Làm sao mà họ dám tuyên bố như thế? Họ tìm xem có cái tỉ lệ 5/1 hay không, giữa những động thái tích cực và động thái tiêu cực hai người dành cho nhau. Những tương tác tích cực bao hàm những điều rất đơn giản như là một nụ cười, cái chạm nhẹ trên cánh tay, nhìn sâu vào mắt của vợ/chồng bạn, quan tâm đến điều nàng/chàng đang nói, nói một lời biết ơn, một cái ôm thoảng hoặc cười đùa với nhau. Tương tác tiêu cực bao gồm những thái độ như trừng mắt, tỏ ra lạnh lùng, đằng hắng xua tay, cười nhạo, bỏ ngoài tai hay chối bỏ những gì người bạn đời đang nói.

Khi nghe chuỗi danh sách ấy, tôi hi vọng bạn nhận thấy rằng mình cũng đã có thể hiện những động thái ứng xử nhỏ nhặt này lúc nào đó trong ngày sống, thường xuyên hay thỉnh thoảng riết thành một thói quen. Thói quen thì dễ hình thành nhưng khó chừa bỏ. Chẳng hạn, nếu tôi đã có thói hay trợn mắt mỗi lần vợ tôi ngỏ ý nhờ giúp đôi việc nhà, hoặc nếu tôi thường bỏ ngoài tai lời nàng nói vì đang mê xem đá banh, thay đổi thói quen ấy là tôi sẽ phải làm phần việc nào đó (không cần nhắc tới việc vợ đã kiên nhẫn thế nào đó rồi!).

Nhưng đó là quan điểm của John và Julie Gottman. Hôn nhân bao gồm những điều nhỏ nhặt. Các cuộc hôn nhân sống hay chết dựa trên cơ sở cuộc sống hằng ngày, điều đó không vì một quyết định to lớn hay một hành động cao cả nào đó. Hôn nhân nghĩa là tôi chọn yêu thương, và yêu thương nghĩa là hành động qua làm những việc nhỏ. Không chỉ nói “anh yêu em” tại buổi lễ tân hôn và rồi sau đó rút vào cuộc sống riêng tư thường nhật đều đặn, là đủ.

Xem xét nghiên cứu của nhà Gottman, ta thấy phân tích của họ về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày thật đáng lưu ý vì phù hợp với những điều Kitô hữu chúng ta đã nghe biết. Chúng ta hãy nhớ lại lời của thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Colossê 3,12-17:

 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.

Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó.

Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan…

Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

Với những lời ấy, thánh Phaolô mô tả làm những việc nhỏ giống như mặc một bộ quần áo mới. “Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm nhu, ôn hòa, và nhẫn nại … tha thứ cho nhau … yêu thương nhau, bình an … tri ân”. Kết hôn bằng nhiều cách giống như ta hoán đổi bộ áo cũ mặc lấy một bộ áo mới. Thật ra, đó là cách thức những Kitô hữu thuở ban đầu nghĩ về phép rửa tội: biến đổi từ một con người cũ thành con người mới được biểu trưng bằng việc ta thay đổi áo mặc.

Quần áo cũ của bạn như là chính con người bạn vậy. Khi bạn còn độc thân, bạn có thể tập trung hầu hết năng lượng và sự chú ý đến chính bản thân mình và những gì bạn muốn. Nhưng bây giờ bạn đã kết hôn. Bộ áo mới hiện giờ của bạn là người bạn đời và các mối quan hệ của bạn: bạn hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm nhu, ôn hòa, nhẫn nại, tha thứ cho nhau, yêu thương nhau, bình an, và biết ơn.

Hãy nhớ rằng, bạn xây dựng hôn nhân của mình dựa trên những đối xử hằng ngày tích cực và những động thái tích cực ấy phải lấn át những thái độ tiêu cực với tỉ lệ 5/1. Mỗi lần có một ứng xử tiêu cực, người chồng và người vợ cần phải cân bằng lại bằng năm lần với thái độ tích cực. Nói cách khác, mỗi khi lỡ nói một lời ác ý bạn phải làm năm lần hoặc cười, hoặc tỏ bày niềm cảm mến, vỗ về yêu thương, lắng nghe ân cần, hay nhìn sâu vào mắt vợ/chồng bạn.

Những điều nhỏ nhặt là quan trọng vì cuộc sống làm nên từ những điều nhỏ nhặt. Hầu như ngày nào cũng giống như ngày nào, là : ta thức dậy, tắm rửa, mặc quần áo, chăm chút con cái, ăn sáng, đi làm, chạy việc lặt vặt, luyện tập thể dục, di chuyển đi-về, v.v… Và nếu bạn không cẩn thận, những thói quen nho nhỏ, và các mối tương quan sẽ bị xói mòn bởi vì bạn đang thiết lập một kiểu cách hành động giống như nhau mỗi ngày. Việc bạn chú ý, quan tâm đến vợ/chồng bạn có thể không nằm trong kế hoạch, chương trình đó. Nhưng những điều nhỏ làm nên chuyện lớn. Có thể một chuyến đi nghỉ hè hoành tráng và lãng mạng hai năm một lần là điều tốt, nhưng nó không bù đắp được cuộc sống hai năm qua chỉ toàn những ứng xử với nhau tiêu cực, những thái độ lạnh nhạt, những cái trừng mắt, thiếu quan tâm đến người bạn đời. Đời sống và hôn nhân dệt nên bởi những điều nhỏ nhặt.

Thánh Têrêxa Lisieux dạy chúng ta cũng nguyên tắc ấy áp dụng trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Linh hồn chúng ta được lớn lên hay nhỏ đi bởi những điều đơn sơ bé nhỏ ta chọn sống mỗi ngày. Chị thánh nhắc chúng ta, “cách duy nhất tôi có thể biểu lộ tình yêu của tôi là gieo rắc những bông hoa, những bông hoa này là mỗi hi sinh nhỏ bé, những lời nói nơi này nơi kia, và làm những việc nhỏ nhất vì tình yêu”. Nói cách khác, trong đời sống đức tin của bạn, mỗi khi bạn dâng những hi sinh nhỏ bé cho Chúa và vì Chúa mỗi ngày, linh hồn bạn sẽ mạnh mẽ hơn, và tình yêu của bạn sẽ sâu sắc hơn. Cũng thế, trong cuộc sống hôn nhân, khi bạn chọn làm những hi sinh nhỏ bé vì ích lợi của người bạn đời, tình yêu của bạn sẽ sâu sắc hơn, quan hệ của bạn sẽ mạnh mẽ hơn.

Những điều nhỏ nhặt này cũng sẽ làm những điều kì diệu. Khi hằng ngày bạn hành động như thể vì yêu mến và hâm mộ vợ/chồng bạn, thì bạn sẽ thực sự yêu mến và hâm mộ nàng/chàng. Khi bạn cười vui, lắng nghe, âu yếm và quí trọng nàng/chàng trong những chuyện nhỏ nhặt ấy, tình yêu của bạn sẽ nên sâu sắc và bền vững.

Bạn cũng sẽ nhận thấy rằng khi chú ý đến những chuyện nhỏ nhặt đó có nghĩa là bạn không chăm chú vào, hay không quá bận lòng đến những thiếu sót của người bạn đời của bạn. Những việc nhỏ sẽ giúp bạn sống tích cực như khi bạn quí trọng những ưu điểm và phẩm chất tốt của người bạn đời hấp dẫn bạn thuở ban đầu.

Những bông hoa nhỏ ấy sẽ giúp bạn tránh được những khinh khi, chỉ trích, cố thủ, tấn công vốn là những mối nguy hiểm thực sự cho cuộc hôn nhân sớm kết thúc.

Khi hai vợ chồng thường xuyên tỏ thái độ khinh miệt và chỉ trích nhau, rõ ràng hôn nhân bắt đầu đổ vỡ. Khi hằng ngày hai người tức giận trở thành như chuyện cơm bữa, quan hệ hôn nhân trên bờ vực vỡ tan. Chính hành vi thái độ của bạn đang hủy diệt con người mà Chúa đã ủy thác cho bạn. Đó không phải là ý Chúa. Mối quan hệ của bạn bị khống chế  bởi sự giận dữ và bực bội thì không ổn chút nào.

Dĩ nhiên, cả những cuộc hôn nhân khỏe mạnh nhất vẫn có mâu thuẫn. Vấn đề là liệu sẽ tiếp tục có mâu thuẫn nữa hay không. Đúng hơn, vấn đề là làm thế nào để đấu tranh trong yêu thương và tốt đẹp nhất. Những cuộc hôn nhân phát triển tốt đẹp có chung một kiểu giải quyết mâu thuẫn cho phép hôn nhân vượt qua yên lành những mâu thuẫn mà mọi mối quan hệ đều có. Cả hai vợ chồng có thể tranh cãi quyết liệt, nói to tiếng, nhưng khi ấy họ đi tới và nhanh chóng ra khỏi xung đột, không tranh cãi nữa ngay khi nó kết thúc. Hoặc có thể họ thụ động hơn, tránh xung đột hay mau mắn xua tan mâu thuẫn hơn là đối phó với nó. Nhưng vì cả hai vợ chồng đối diện với mâu thuẫn cùng một kiểu cách, họ cùng nhau đi qua nó yên bình.

Tuy nhiên, hầu hết các cuộc hôn nhân ốm yếu có mâu thuẫn không bao giờ chấm dứt. Tức giận và phê phán cứ diễn ra trong mỗi câu chuyện, quần suốt trong nhà như mây vần vũ. Những vết thương cũ cứ mỗi lần lại trồi lên khuấy động. Hơn nữa, một số cuộc hôn nhân không hạnh phúc không hề có xung đột. Vì giữa hai vợ chồng không có đối thoại đủ để có thể xảy ra mâu thuẫn. Hậu quả là thương tổn trở thành ác cảm, ác cảm mưng mủ trở thành oán hận. Từ đó oán hận dẫn đến khinh miệt và chỉ trích, điều đó giống như axít của chiếc bình ác-quy ăn mòn mối quan hệ dần theo thời gian.

Để tránh điều đó, bạn hãy đầu tư thái độ ứng xử tích cực so với tiêu cực với tỉ lệ 5/1. Tương tác đúng lúc, tương tác thường xuyên, tương tác đều đặn. Tương tác qua những việc bé nhỏ, đơn sơ. Khi bạn làm thế, bạn khám phá rằng nhiều cuộc tranh cãi đơn giản là sẽ không bao giờ xảy ra. Sẽ giảm bớt phê phán, và gia tăng tình thương yêu.

Một cách thức A. và tôi cố gắng thực hiện là cùng đi dạo với nhau. Chúng tôi đi dạo với nhau ba mươi đến bốn mươi lăm phút khoảng bốn buổi tối mỗi tuần. Dĩ nhiên đi bộ sẽ tốt cho sức khỏe thể lí, nhưng nó còn tốt hơn cho mối quan hệ của chúng tôi. Trước hết, đi bộ giúp ích chỉ vì chúng tôi ở bên nhau. Kế đến, quan hệ của chúng tôi trở nên sâu sắc hơn bởi vì chúng tôi dùng thời gian để nói chuyện với nhau về chuyện này chuyện nọ, mọi chuyện nhỏ to trong nhà ngoài phố. Và chúng tôi tương tác, lắng nghe, nhìn thấu nhau, cười vui, âu yếm và nói tử tế với nhau. Đi dạo tạo nên nhiều tương tác tích cực cho chúng tôi.

Cũng như thế, chúng tôi làm việc sắp xếp để có thể ăn trưa với nhau một hay hai lần một tuần, tùy theo chương trình và di chuyển do công việc. Những chuyện nhỏ có thể là nhỏ nhặt nhưng quan trọng. Chọn tạo tích cực những việc nhỏ sẽ làm hôn nhân của bạn thành công. Chọn lựa chỉ là như thế: chọn. Lên kế hoạch sống những chuyện như đi dạo hay hẹn hò, đó là bạn xây dựng thói quen của mình về những việc nhỏ, và thói quen ấy sẽ thấm tràn vào những ứng xử của đôi vợ chồng.

Giáo huấn của Giáo hội cũng như những khảo cứu chắc chắn đều nói yêu thương hệ tại ở việc làm hơn là cảm xúc. Đó là một chọn lựa và là một hành vi hơn là cảm xúc. Khi bạn hành động yêu thương cũng sẽ là lúc bạn cảm thấy mình yêu thương.

Và khi bạn cố gắng tạo ra 5 hành vi tương tác tích cực này đối lại với cái tiêu cực, bạn sẽ thấy hôn nhân của bạn trở nên mạnh khỏe hơn. Khi ấy bạn đang xây dựng một hôn nhân bền vững. Đó như là một kiểu mẫu, có lẽ như thế, nhưng nó đúng cho hôn nhân. Bạn đối xử với nhau thế nào điều đó góp phần làm thế giới tốt đẹp hơn.

 Tác giả: Dr. Allen Hunt
Chuyển ngữ: Louis Tuấn
Trích từ:
“The 21 Undeniable Secrets of Marriage”

Nguồn: hdgmvietnam.com