– Bao nhiêu lần mẹ đã nói với các con rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn. Đi rửa ngay, cả ba đứa. Không được trở lại bàn cho đến khi đã rửa tay sạch sẽ.
Ba chiếc ghế được kéo lui. Cả ba đứa rời bàn trong khi bà mẹ tiếp tục cho đứa bé một tuổi ăn.
“Bao nhiêu lần mẹ đã nói với các con”. Hàng ngàn lần bởi hàng ngàn bố mẹ đã nói như thế trong một giọng điệu thất vọng. Câu nầy có mục đích diễn tả một sự chán nản thất vọng. Thật là vô ích nếu nó được dùng như một phương cách huấn luyện. Sự kiện cho thấy rằng chỉ nói mà thôi không phục vụ công việc giáo dục cách tốt đẹp được. Trẻ con học rất nhanh. Nói ít thường cho đứa trẻ thấy rằng hành động mới thích hợp cho những bất tuân của nó. Từ đó trở đi, đứa trẻ biết hành vi của nó như thế thì không được ổn.
Tại sao 3 đứa trẻ tiếp tục trở lại bàn ăn mà không rửa tay? Mục đích ẩn giấu của chúng là gì? Cái gì sẽ xảy ra như một kết quả đương nhiên? Bà mẹ sẽ làm gì? Bà hồi hộp về chuyện đó?
Cả 3 đứa thấy rằng đứa bé nhất đang lôi kéo sự chú ý của mẹ. Thình lình bà để ý đến những bàn tay dơ. Bây giờ 3 đứa khác cũng được bà chú ý. Chúng đã chống lại một luật lệ và đã chiếm được một sự đáp trả. Bà mẹ đã chú ý đến bàn tay của chúng và phục vụ đúng mục đích của chúng. Thật là khùng mới đi rửa tay như chúng đã được bảo. Nếu vậy làm sao có thể làm cho bà mẹ bận rộn với chúng.
Nếu bà mẹ thật sự muốn thay đổi hạnh kiểm của các đứa trẻ, bà phải hành động. Lời nói không có giá trị. Không trọng kính con trẻ, bà không thể quyết định điều chúng nó sẽ làm. Nhưng bà có thể quyết định điều bà sẽ làm. “Mẹ sẽ không ngồi vào bàn với các con khi các con có những bàn tay bẩn thỉu dơ dáy”. Và bà thu dọn các dĩa và không phục vụ thức ăn cho những ai có bàn tay bẩn thỉu. Lần thứ hai, bà mẹ thấy những bàn tay bẩn thỉu ở bàn ăn, bà không cần phải nói lý do bà không phục vụ thức ăn. Bây giờ tình hình được thay đổi. Con cái không còn có mẹ bận rộn với chúng nữa. Vậy, những bàn tay bẩn thỉu đó còn có mục đích gì bây giờ?
Bà mẹ nhìn ra chiếc cửa sổ nhà bếp để xem cậu bé Vĩnh 8 tuổi, lớn nhất trong 4 đứa, đang nhắm cửa sổ của người bạn với chiếc súng liên thanh của nó.
– Vĩnh con ơi, lại đây mẹ muốn nói với con!
Cậu bé hạ súng xuống và chạy tới mẹ, người đang mở cửa cho nó. Bà dẫn nó tới một chỗ trong vườn, đặt nó ngồi trên bục gỗ, còn bà ngồi trên chiếc ghế và nói:
– Con ơi, con biết rằng khi bố mẹ mua cho con chiếc súng nầy, bố mẹ đã nói với con về những nguy hiểm của nó. Bố mẹ đã thiết kế một phòng riêng để nó không làm hại ai, cũng không làm hư hỏng đồ vật. Có phải không?
Cậu bé nhìn mẹ với sự ngây thơ, mắt mở rộng, và cho một ấn tượng thích thú trong buổi hội ngộ, nhưng không trả lời.
– Con có biết rằng súng đó có thể làm bể kiếng cửa sổ của bà bạn bên cạnh không? Cậu bé nhướng mắt lên. Con thấy đó, có một sức mạnh với những viên đạn nầy. Nếu trúng ngay góc, cửa sổ sẽ bị bể. Con có muốn làm điều đó không? Cậu bé hạ mắt xuống. Con ơi, con biết rằng nếu con làm bể cửa sổ của người ta, con phải đền đó. Con có muốn điều đó xảy ra không? Cậu bé liếc nhìn mẹ nhưng vẫn không nói gì. Con không muốn đem súng xuống lầu dưới và chơi trong phòng mà bố mẹ đã làm sẵn cho con bắn súng sao? Mẹ nghĩ như vậy thì lịch sự biết bao.
Cậu bé gật đầu, lê bước, và nói:
– Con ra ngoài chơi.
– Tốt, nhưng con phải bỏ súng trong phòng.
– Vâng, vâng, cậu bé đáp lại với cái nhún vai.
Một ít ngày sau, bà mẹ khám phá ra con mình bắn chai và lon ở dãy nhà gần đó. Bà mẹ gọi nó về để khuyến dạy. Bà mẹ lập lại những lời cảnh cáo. Bà mẹ lại nhắc nhở nó về những nguy hiểm của cây súng. Một lần nữa, sau khi nghe xong, nó bỏ cây súng trong phòng và chạy ra ngoài chơi trò chơi khác.
Bà mẹ với quan niệm nên dùng lý luận với đứa trẻ, đã không tin rằng bà nên dùng hình phạt hoặc áp đặt đứa trẻ. Vì thế, bà không làm gì khác ngoại trừ lời nói. Nhiều cha mẹ đã nói quá nhiều. Đứa trẻ có mục đích đàng sau hành vi của nó, và vì thế không có ý định thay đổi. Nó cảm thấy quá nhàm và vô nhiễm. Nó trở thành “Mẹ Điếc”. Cái điếc nầy bao gồm bất cứ ai muốn dùng lời như một phương tiện để hướng dẫn. Bố mẹ và thầy cô biết một số lớn trẻ con không muốn nghe một lời họ nói. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục phương cách vô ích đó bằng cách tăng gấp bội những cố gắng vô dụng của họ.
Lời nói được xem là phương tiện của đối thoại. Tuy nhiên, trong tình thế xung khắc, đứa trẻ không muốn nghe, và lời nói trở nên khí giới. Không có gì có thể chuyển tới đứa trẻ bằng lời nói vào lúc xảy ra sự xung đột. Vào lúc đó, nó chỉ muốn làm ngơ giả điếc. Bất cứ gì được nói ra cho nó sẽ trở thành đối tượng cho những đáp lời của nó. Một trận chiến bằng lời xảy ra. Ngay cả đứa bé không nói gì đáp lại, nó cũng kháng cự và kháng cự trong hành động chứ không phải bằng ngôn từ. Cố ý kháng cự hoặc gây thiệt hại là những hình thức hành động thông thường nhất của đứa trẻ.
Cậu bé Vĩnh có vẻ lắng nghe vì hành động đó có mục đích. Nó thật sự không nghe một lời nào cả. Nó không có ý thực hành những chỉ dạy nó nhận được. Tỏ ra lắng nghe là giá ít nhất phải trả để đạt cái đích của nó. Nếu bà mẹ thật sự quan sát và hiểu được cách diễn tả trên vẻ mặt của nó, bà sẽ thấy rằng nó đang đánh lừa bà.
Nếu lý luận không kết quả và bà mẹ không tin vào sự trừng phạt, phải làm gì bây giờ? Bà mẹ có thể hành đông. Bà có thể lấy súng khỏi cậu bé và nói: “Mẹ lấy làm hối tiếc thấy con không thích tuân theo luật lệ. Con có thể có lại súng khi con tỏ ra tử tế”. Điều đó có thể làm một hoặc hai lần. Sau đó, chiếc súng nên lấy đi. Tuyệt đối không cần nói thêm điều gì nữa cả.
-o0o-
“Xuân Thi, con kéo quần lên. Con sẽ vấp té ngay bây giờ. Đi lên lầu ngủ đi”. Bà mẹ quay sang khách của bà và nói: “Tôi mua những bộ đồ ngủ bán hạ giá ngày hôm qua. Bộ đồ nầy rộng đối với nó, nhưng biết con trẻ thích cái gì mới. Nó chỉ muốn mặc bây giờ.Tôi muốn nó mặc cho cả sang năm nữa. Nó lớn lên là vừa”. Bây giờ mọi người đang nhìn cô bé đang đứng trên cầu thang mỉm cười cách vui vẻ với mọi người. Cô liếc nhìn xuống chân, đang bị phủ kín bởi hai ống quần quá dài và rồi lại liếc lên nhìn mọi người mỉm cười hạnh phúc. Bà mẹ lại ra lệnh: “Xuân Thi, con kéo quần lên để vấp té đó. Đi lên lầu đi con”. Cô bé chậm rải xoay chiếc quần và từ từ kéo nó lên, đoạn quay lại nhìn mọi người. Bà mẹ quay lưng về phía nó. Nó đứng lại một lúc lắng nghe người lớn nói chuyện. Bà mẹ quan sát cái nhìn của người khách, quay lại và nói: “Xuân Thi, coi chừng té đó. Kéo quần lên và đi lên lầu! Anh ơi, xuống bế con lên”. Cô bé quay lại và bò nhanh lên lầu, vừa đến đỉnh cầu thang thì ba nó đến.
Biết bao nhiêu lần chúng ta thấy nguy hiểm vây quanh con cái chúng ta và chúng ta cảnh cáo chúng ý tứ. Nếu chúng lắng nghe chúng ta, chúng sẽ cảm thấy sợ hãi không dám hành động. Bà mẹ nói quá nhiều. Bà dùng ngôn từ, sự sợ sệt để đe dọa.
Cô bé biết cách điều khiển những ống chân của chiếc quần dài. Cử động của cô bé cho thấy sự nhuần nhuyễn, không để ý đến nguy hiểm liên quan. Cô bé có bộ đồ ngủ và mẹ nó dưới sự điều khiển của nó. Nó cảm thấy thích thú có mẹ nó tỏ ra quan tâm nhiều đến nó. Nó biết rằng lẽ ra nó đã lên giường ngủ, nhưng lợi dụng cơ hội để lôi kéo sự chú ý của mẹ nó khỏi người khách để chú ý đến nó. Tình thế càng đầy gian truân thử thách, chiến thắng càng lớn lao. Và mẹ nó đã làm đúng như nó nghĩ.
Nhiều lúc, lẽ ra bố mẹ tốt hơn không nên nói gì cả. Có những bố mẹ đã làm thử lần đầu và cảm thấy những cố gắng đó quả thật có kết quả lớn. Họ cảm thấy có áp lực lớn lao phải làm một cái gì trước tình trạng đó. Nhưng không lâu, họ khám phá ra rằng sự yên lặng của họ làm giảm đi sự căng thẳng của tình thế và thường giữ gia đình có được sự hài hòa. Tuy nhiên, có một số bà mẹ thường hay quát to và hàm răng nghiến lại.
Bà mẹ không nên nói nhiều với cô bé về bộ đồ ngủ. Điều bà nên làm là cho cô bé sự chọn lựa hoặc tự đi vào giường hoặc được bế vào giường.
Vào một ngày chủ nhật, cậu bé Văn Nghi 5 tuổi đứng trong góc của lớp học khóc. Bà mẹ dỗ và năn nỉ nó nín: “Nếu con không nín, mẹ sẽ bỏ con ở đây và mẹ đi”. Thằng bé càng khóc to hơn. “Bây giờ thi mẹ thật sự đi”. Thằng bé thét và di chuyển dần dần về phía cửa theo sau mẹ nó. Bà ra khỏi cửa và quay trở lại trong khi cậu bé gào thét. “Văn Nghi, con phải ở đây và im ngay tức khắc”. Cô giáo bước vào. “Chị ơi, tại sao chị không tiếp tục đi làm công việc của chị? Cậu bé sẽ không sao!” “Tôi sợ nó rời khỏi đây. Chúng tôi vừa có chút lộn xộn trước khi rời khỏi nhà”. “Tôi bảo đảm cậu bé sẽ nhập cuộc với chúng tôi khi nó sẵn sàng. Chúng tôi rất vui mừng Văn Nghi cùng làm việc với chúng tôi, phải không Văn Nghi? Hãy nhớ chúng ta là bạn”. Bà mẹ rời đi và cậu bé cũng ngưng khóc, nhưng vẫn còn ở trong góc một chặp. Cô giáo đi vào lớp. Sau đó cậu bé cũng nhập bọn.
Đối diện với một đứa bé khóc la, muốn làm loạn, bà mẹ cảm thấy bất lực và cố gắng áp lực con mình khuất phục bằng lời nói và cuối cùng đe dọa là điều mà chính bà không có ý thi hành chút nào. Bà chỉ muốn làm cho nó ngưng khóc thay vì giải thoát chính mình khỏi áp lực của nó. Khóc thường được gọi là “thủy lực”.
Cậu bé Vĩnh Phúc leo lên những chiếc xe đẩy đồ ăn trong siêu thị và rồi lại lên ngồi trên trục quay ở lối đi vào. “Vĩnh Phúc, xuống ngay nếu không con sẽ bị thương”. Cậu bé không chịu nghe mẹ và còn dùng đầu gối đu đưa vào thành sắt. “Con ơi, xuống ngay trước khi con bị thương tổn”. Bà mẹ kéo chiếc xe ra khỏi hàng. Cậu bé đứng lên và chận bít lối đi, không cho một người nào vào được. Bà mẹ gọi: “Vĩnh Phúc, con tránh lối để người ta đi qua”. Cậu bé nhường lối nhưng lại leo lên những chiếc xe khác. “Con ơi, đi mau”, bà mẹ tiến bước về phía trước mà không có nó. Cậu bé tiếp tục chơi ở đó cho tới khi bà mẹ mua đồ xong và đi theo nó để nói với nó rằng bà chuẩn bị đi về nhà.
Biết bao nhiêu lần bố mẹ cảm thấy lời nói có hiệu lực trừng phạt. Khi đứa trẻ không chịu đáp lời, bố mẹ thường xếp đặt chiến thuật rút lui, bỏ đứa trẻ thành kẻ chiến thắng, không giáo dục, không cưỡng chế, không ràng buộc, nghĩa là không còn muốn làm gì nữa để giáo dục nó trong vấn đề cộng tác. Bố mẹ ý thức cách lờ mờ về vấn đề giáo dục nầy và chờ dịp khác cố gắng gấp đôi để dạy đứa trẻ bằng cách lý luận với nó, và rồi kết quả cũng chỉ như vậy thôi.
Để đưa chúng ta ra khỏi khó khăn đó, chúng ta phải học dùng hành động thay cho lời nói. Chúng ta phải chấp nhận câu nầy: Trong lúc xung đột, hãy im lặng và hành động.
Cậu bé Vĩnh Phúc là “mẹ điếc”. Với một đứa trẻ như vậy, bà mẹ nên giữ im lặng và hành động. Trái lại, ở đây bà hy vọng nó cộng tác với sự đe dọa về nguy hiểm. Cậu bé biết rõ hơn. Nó hoàn toàn ý thức về điều mà thân thể nó có thể làm và rất ít nguy hiểm liên quan. Rất ít trẻ bị thương khi leo lên những chiếc xe đẩy hay trục quay trong siêu thị.
Khi bà mẹ thấy rằng lời nói của bà không có ấn tượng nào, bà rút lui, bỏ cậu bé thành kẻ chiến thắng, không kiềm chế được. Nhưng sau cùng bà đến nói với nó rằng bà đi về để nó không bị bỏ lại trong tình thế lạc lõng bơ vơ. Cậu bé có bà mẹ được huấn luyện để lo cho điều nó muốn hơn là bà có cậu bé được huấn luyện cho hành vi thích hợp.
-o0o-
Hành vi quậy rối của trẻ con trong siêu thị đã trở nên quá thông thường đến nỗi có thể chấp nhận được như bình thường. Thật ra siêu thị không phải là sân chơi. Trẻ con nên được huấn luyện để hiểu sự khác biệt đó và để có hành động thích hợp.
Trước khi vào siêu thị, bà mẹ có thể nói: “Con ơi, siêu thị chứ không phải sân chơi. Con có thể đi theo mẹ và giúp mang đồ cho mẹ. Và nếu có cậu bé nào nhảy lên xe, bà mẹ ngay tức khắc nắm lấy tay, dẫn nó ra khỏi siêu thị và cho vào xe. “Mẹ xin lỗi vì con không có hành vi tử tế trong siêu thị cho nên con phải ngồi trong xe chờ mẹ”.
Với một hành vi cứng rắn như thế, bà mẹ có thể tỏ cho cậu bé thấy rằng bà muốn giáo dục. Bà không cần nói cho nó vào lần đi chợ kế tiếp, nhưng cho phép nó một sự chọn lựa đi với bà nếu nó nghĩ nó có thể tự chế. Bà phải chống lại sự cám dỗ dùng lời nói để đe dọa như : “Nếu con không tử tế con phải ở trong xe. Con không muốn điều đó xảy ra phải không? Vậy con phải nên tốt, có đúng không?” Nó sẽ không bao giờ.
Cu bé Quân 4 tuổi chạy dậm trên những luống vườn mà mẹ nó vừa gieo hạt giống. “Quân, con đi ra khỏi vườn ngay”. Cu bé cứ chạy qua chạy lại trên đó dường như không muốn nghe lời mẹ. “Quân, con chạy ra ngoài kia ngay. Con dậm nát hết rồi”. Nó vẫn tiếp tục chạy qua chạy lại. Bảo những 4 lần, mẹ nó mới quát lớn. Nó vẫn cứ thế, vừa chạy vừa cười cho tới khi mệt, nó chạy tới bụi cây và ngồi xuống trong bóng mát. Mẹ nó liếc nhìn nó và tiếp tục công việc của bà.
Một ít ngày sau, cậu bé chạy sang vườn người hàng xóm và cũng chạy trên những luống họ mới gieo. Một cách cố ý, nó bước mạnh lên những luống đã được làm đàng hoàng. Bà láng giềng nắm lấy tay nó lôi ra ngoài cửa vườn. “Cậu bé ơi, coi kìa. Cậu không được vào vườn nầy”. Nhìn lên, bà thấy mẹ nó đang đến với nó và cũng thấy rằng bà mẹ đã nghe biết tất cả những điều đó. Bà mẹ mới hỏi: “Nó đã quậy phá phải không?” Bà láng giềng đáp lại cách giận dữ: “Dĩ nhiên là nó đã phá phách. Tôi không muốn nó ở trong vườn nầy bây giờ và về sau”. Bà mẹ đáp : “Cho tôi xin lỗi”. Bà láng giềng tiếp tục: “Nó chẳng kể gì đến tôi. Tốt hơn là nó không trở lại vườn nầy nữa”. Cậu bé bật khóc. Bà mẹ an ủi và bế nó lên. Bà mẹ trở về vườn của bà với đứa bé đang khóc tựa vào vai bà trong lúc bà an ủi nó chống lại bà già nhà quê đó.
Quân là một cậu bé có hành vi không tốt, nó cảm thấy rằng ngoại trừ hành động theo cách của nó, nó không có chỗ đứng. Nó là một bạo chúa. Nó làm như nó thích và không ai có thể ngăn cản được, ít ra là không với lời nói. Nó chỉ ngưng nhảy nhót trên mảnh vườn của má nó khi nó mệt mỏi sau khi đã làm mẹ nó chán đủ. Sự cảnh cáo liên tục của mẹ nó không có ích gì với lỗ tai điếc. Vì bà không làm gì cả ngoại trừ chỉ nói, nên cậu bé cứ tiếp tục làm như nó thích.
Bà hàng xóm thì khác, bà hành động. Bà nắm cổ nó dẫn ra khỏi vườn. Dĩ nhiên, bà tỏ sự giận dữ với cả hai mẹ con qua lời phê bình về sự không vâng lời của nó. Đáp lại, bà mẹ cậu bé cảm thấy nó bị tấn công và ngay tức khắc an ủi nó.
Nếu cậu bé hành động trong cách thế đó tạo nên sự giận dữ và thù địch, nó nên bị quở trách để từ bỏ hành vi quậy phá của nó hơn là được che chở chống lại người ta với tình cảm bệnh hoạn đó. Với cảm giác tội nghiệp nó, bà mẹ đã khuyến khích nó đi xa hơn nữa trong tư thế hành xử như một bạo chúa. Bây giờ nó biết rằng nó có thể làm như nó thích không chỉ ở nhà, mà hơn nữa mẹ nó còn bảo vệ nó khỏi những hậu quả của việc làm theo ý nó thích ở bên ngoài. Nhưng hành vi bạo chúa của cậu bé sẽ không được chấp nhận ở bất cứ nơi nào trong xã hội. Bạo chúa không còn có chỗ trong xã hội. Thật ra cậu bé muốn thuộc về trong một nhóm. Nó sống một mình trong thế giới người lớn. Và nó là đứa trẻ được cưng chiều nhất vì nó được sinh sau đến nỗi bố mẹ đều chiều theo những ước muốn kỳ cục của nó và tự biến họ thành những người đầy tớ đáng thương. Làm như thế, họ đã làm hư đi cái bản tính tự nhiên “muốn thuộc về” bằng sự hữu dụng, và họ đã khuyến khích nó có quan niệm sai lầm rằng nó có thể thuộc về chỉ nếu nó có quyền hành trên tất cả những người lớn không quyền.
Để giúp cậu bé ra khỏi lối đi sai lầm đó, bố mẹ nó phải nhận thức ra cái quan niệm sai lầm của họ về cách thế diễn tả tình yêu. Và rồi họ phải hành động hơn là nói.
Cậu bé lẽ ra nên được cho một ấn tượng sâu đậm hơn trong cảnh vườn đó nếu bà mẹ nắm lấy tay nó và dắt cổ nó về nhà. “ Mẹ rất tiếc con đã không có hành vi tử tế. Con không được ra ngoài cho đến khi con sẵn sàng”. Bà mẹ không cần cắt nghĩa dài dòng về hành vi của nó. Nó biết rất rõ rằng nó không nên chạy trên luống vườn được trồng trọt của người ta. Như là một bạo chúa, chắc chắn lối răn dạy mới nầy sẽ gặp phải sự chống cự mãnh liệt của nó. Vì thế, bố mẹ phải cứng rắn. Khi nó lại giẫm lên lối trồng trọt trong vườn, bà mẹ dẫn nó vào nhà và nói: “Con không được ra khỏi đây cho tới khi nào con biết xử sự lịch sự”. Cậu bé nên được cho cơ hội để làm lại cuộc đời và luôn bị dẫn độ về nhà mỗi khi nó tỏ ra không muốn cộng tác. Bao lâu bà mẹ còn giữ được thái độ trầm tĩnh và yên lặng thiết lập quyền hạn để giữ trật tự thì sẽ không có sự tranh chấp quyền hành. Sự cứng rắn của bà sẽ được hiểu và dĩ nhiên hành động của bà sẽ mang lại sự trọng kính. Cậu bé cần học sự kính trọng. Hành động chứ không phải lời nói sẽ mang lại kết quả đó.
Lm. Lê Văn Quảng
Nguồn: http://tinmung.net