7 sai lầm khiến một đứa trẻ nói dối

06/09/2022

Nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực khi con liên tục nói dối dù đã áp dụng rất nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, đôi khi việc nói dối không hoàn toàn là do lỗi của trẻ.

7 sai lầm thường gặp sau đây sẽ giúp cha mẹ biết được liệu mình có đang vô tình đẩy con trở thành người nói dối không.

Trẻ nói dối vì sợ bị phạt

Thông thường, trẻ nói dối vì chúng biết khi nói ra sự thật sẽ phải nhận một hình phạt nào đó. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Trẻ nhỏ thuộc Đại học California, Santa Barbara, tình trạng này thường bắt đầu xảy ra khi trẻ lên 5-6 tuổi. Đó là giai đoạn trẻ bắt đầu học cách phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế.

Vì vậy, cha mẹ hãy cố gắng khuyến khích trẻ nói ra sự thật và bớt đi những hình phạt nghiêm khắc để trẻ không quá sợ. Dần dần, chúng sẽ học được sự trung thực.

Trẻ nói dối vì không muốn cha mẹ thất vọng

Thấy cha mẹ buồn phiền khi nói ra sự thật, trẻ sẽ chọn cách nói dối. Nếu phản ứng của cha mẹ trở nên nhẹ nhàng hơn, không quá gay gắt, chúng sẽ bớt sợ làm cha mẹ buồn hơn, từ đó sẵn sàng mở lòng.

Cha mẹ có thể giải thích với trẻ rằng: “Mẹ sẽ không buồn vì điều đó, ngược lại mẹ thấy vui vì con nói ra sự thật”. Và dù sự thật trẻ nói ra có nghiêm trọng đến đâu, cha mẹ cũng cần kiềm chế cơn giận trước mặt trẻ.

Trẻ không nói dối mà tự tưởng tượng ra câu chuyện

Trẻ kể cho cha mẹ nghe về những thứ chúng tưởng tượng. Đây là kiểu “nói dối” thường thấy ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, khi chúng chưa có khả năng phân biệt được giữa tưởng tượng và thực tế.

Cha mẹ cần lắng nghe và chọn biện pháp mềm mỏng hơn những lời “nói dối” như vậy sẽ biến mất theo thời gian khi trẻ lớn lên.

Trẻ nói dối vì không nhớ

Trẻ có thể nói sai sự thật khi chúng vô tình quên một số việc đã làm. Ví dụ, nếu một đứa trẻ 2 tuổi bị bắt phải thừa nhận đã thả cuộn giấy vệ sinh vào bồn cầu và đứa trẻ đó khẳng định không làm, đơn giản có thể do chúng không còn nhớ đã làm việc đó và chúng tin rằng mình đang nói thật.

Kiểu nói dối này hoàn toàn không đáng lo ngại. Các bậc phụ huynh chỉ cần cố gắng giải thích cho trẻ một cách kiên nhẫn về hành động của mình.

Trẻ nói dối vì được “lập trình” để trả lời đúng

Người lớn thường đặt câu hỏi và chờ đợi một câu trả lời duy nhất từ trẻ. Ví dụ, mẹ hỏi con “Món này có ngon không con?” và hy vọng trẻ trả lời là “Ngon ạ”. Nếu liên tục hỏi cùng một câu, trẻ dường như bị “lập trình” sẵn để đưa ra câu trả lời thỏa mãn ý muốn của cha mẹ mặc dù đó không phải cảm nhận thật của trẻ.

Trong trường hợp này, cha mẹ cần khuyến khích trẻ nói ra cảm nhận bằng cách đặt câu hỏi “Vậy con muốn ăn gì nào, con yêu?” và giải thích để trẻ hiểu rằng, trẻ hoàn toàn không cần nói dối chỉ để làm hài lòng người khác.

Trẻ sợ bị mọi người chê cười

Trong suy nghĩ của trẻ, chỉ có người xấu mới có những hành động không tốt và bị mọi người ghét bỏ khi biết được sự thật. Vì thế, khi trẻ lỡ làm việc gì chưa đúng, việc đầu tiên chúng nghĩ đến là nói dối để không ai biết chuyện đó. Trẻ rất sợ nếu nói ra sự thật sẽ bị chê cười.

Cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu rằng ai cũng từng mắc phải sai lầm, kể cả đó là người tốt. Quan trọng nhất là cần phải biết chịu trách nhiệm trước những hành động bản thân gây ra.

Trẻ nói dối vì cha mẹ cũng nói dối

Trẻ con là bản sao của cha mẹ. Khi sống trong một môi trường cha mẹ thường xuyên nói dối lẫn nhau hoặc với người khác mà trẻ biết được, chúng cũng sẽ học cách nói dối.

Cách hiệu quả nhất để giáo dục trẻ không nói dối trong trường hợp này là cha mẹ phải là tấm gương tốt của trẻ, không nên nói dối và dám nhận lỗi nếu mắc khuyết điểm.

Trường Giang (Theo Brightside)

Nguồn: https://vietnamnet.vn/