Gia đình là chốn đi về của ký ức, là bến đỗ neo giữ yêu thương của đời người. Đọc mấy mẩu truyện ngắn dưới đây, có lẽ bạn sẽ biết trân quý tổ ấm của mình hơn.
Câu chuyện thứ nhất
Cha bỏ nó từ lúc nó còn mới đỏ hỏn. Mẹ và ngoại nuôi nó lớn lên trong nghèo khó. Cả nhà rau cháo nuôi nhau, bữa no bữa đói. Nhưng trong nước mắt vẫn có cả nụ cười, trong khổ đau vẫn có phút giây hạnh phúc. Mấy năm sau, ngoại mất. Từ độ ấy, đêm nào nó cũng khóc ngằn ngặt. Mẹ ôm nó vào lòng, nước mắt lăn dài, đặt tay lên ngực trái, nói: “Ngoại vẫn ở đây mà! Ngoại có đi đâu đâu!”. Thế là nó nín.
Mấy năm sau nữa, rồi mẹ nó cũng theo ngoại mà đi… Trong lễ tang, dì nó khóc mãi. Nó lại gần, lắc lắc tay dì, đặt lên ngực trái: “Mẹ vẫn ở đây mà! Mẹ có đi đâu đâu!”. Nó dỗ mãi mà dì chẳng nín, lại còn ôm nó khóc lớn hơn…
Câu chuyện thứ hai
Cha luôn ao ước tặng mẹ một chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà, đeo vòng rất đẹp. Nhưng mỗi khi cha định mua, mẹ lại can. Mẹ bảo: “Để tiền ấy mua sách vở cho tụi nhỏ”. Bao nhiêu năm qua đi, bàn tay mẹ đã sạm đen, chai sạn vì sương gió cuộc đời. Bao nhiêu năm qua đi, chị em tôi cũng trưởng thành cả, rồi lập gia đình, rồi sinh con. Bao nhiêu năm ấy, mẹ vẫn chưa một lần đeo vòng cẩm thạch.
Ngày sinh nhật mẹ, chúng tôi mua tặng bà một chiếc vòng đẹp nhất. Mẹ vui lắm, cứ cười mãi. Bà cất kỹ trong tủ, chỉ thi thoảng mới mang ra ngắm nghía một lát. Tôi hỏi: “Sao mẹ không đeo?”. Mẹ nheo mắt cười: “Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ cần nhìn cũng thấy vui”. Chị em tôi chẳng ai bảo ai, lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau mà rưng rưng lệ.
Câu chuyện thứ ba
Mẹ có 7 người con, chị nghèo nhất. Chồng chị mất sớm, con hãy còn tuổi ăn tuổi chơi. Hai người chỉ còn biết nương tựa vào nhau mà sống. Lễ thượng thọ 70 tuổi của mẹ, cả nhà xúm xít bàn bạc. Người nói nên chọn nhà hàng này, người bảo phải thuê bao nhiêu mâm, người lại lên danh sách khách mời. Thật ồn ã. Thật vui. Mẹ cười tủm tỉm. Lúc ấy, chị lặng lẽ đến bên mẹ, thì thầm vào tai bà: “Mẹ ơi, mẹ thèm ăn món gì để con nấu cho mẹ?”.
Tiệc thượng thọ chưa tan, mẹ đã đòi về sớm. Bà mệt. Ai cũng lắc đầu, tặc lưỡi: “Sao mẹ không ăn gì?”. Tiệc tan, ai về nhà nấy. Mọi người vào tìm mẹ, thấy bà ngồi dưới bếp thủng thẳng ăn cơm với tô canh chua lá me và đĩa bống kho tiêu. Mâm cơm chính tay chị làm.
Câu chuyện thứ tư
Cô giáo cho cả lớp xem bức ảnh chụp một gia đình. Có một cậu bé màu da khác với mọi người. Một bạn nam đứng dậy: “Thưa cô, cậu ấy là con nuôi phải không ạ?”. Cô khẽ mỉm cười: “Tại sao con biết?”. Bạn nam lắc đầu, tiu nghỉu ngồi xuống. Một cô bé bẽn lẽn thưa: “Thưa cô, con biết rất nhiều về con nuôi ạ!”. Có tiếng vặn hỏi ở dưới lớp: “Thế con nuôi là gì?”. Cô bé đứng thẳng dậy, ưỡn ngực, vẻ mặt tươi tỉnh, hai bím tóc lúc lắc, lúc lắc, dõng dạc nói: “Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ chứ không phải từ trong bụng!”.
Câu chuyện thứ năm
Chồng tôi sinh ra đã vào trại trẻ mồ côi. Trừ tiếng khóc lúc lọt lòng, anh không hề khóc thêm một lần nào nữa. Năm 20 tuổi, cuối cùng anh cũng tìm được mẹ của mình. Nhưng hai mẹ con vẫn không được đoàn tụ cùng nhau. Một lần nữa, mẹ anh lại đành chối bỏ con. Anh lẳng lặng ra đi, không rơi một giọt nước mắt. Năm 40 tuổi, một lần anh tình cờ đọc được trên báo tin tìm con của mẹ mình. Anh bật khóc. Tôi hỏi tại sao khóc. Anh nói: “Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc chắn mẹ còn khổ tâm hơn anh”.
***
Tôi còn nhớ lời của một bài hát rất nổi tiếng của Phương Thảo – Ngọc Lễ, hát rằng: “Gia đình gia đình. Ôm ấp những ngày thơ. Cho ta bao kỷ niệm thương mến. Gia đình gia đình. Vương vấn bước chân ta đi. Ấm áp trái tim quay về”. Hai chữ gia đình lắm thiêng liêng ấy mấy ai thấu hiểu? Khi còn bé, ai cũng mong muốn sớm trưởng thành, tự do bay nhảy đến những chân trời lạ bằng đôi cánh của riêng mình. Nhưng những khi bị sóng gió cuộc đời đánh ngã, ta chỉ mong được trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ, của cha.
Nhà thơ thời Đường, Hạ Tri Chương, trong một bài thơ nổi tiếng nhất của mình đã viết:
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nghĩa là: Lúc nhỏ xa nhà, lúc già về thăm. Giọng quê không thay đổi, chỉ có tóc đã điểm bạc.
Đời người như dòng sông cuộn chảy, nước trôi qua cầu không giữ lại được. Trong dòng đời đen bạc, trong loạn thế thị phi, chỉ có gia đình mới là sợi dây níu giữ tình yêu, lòng trắc ẩn của con người.