Ngày thứ tư (18-07-2018) – Trang suy niệm

17/07/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần XV Mùa Thường Niên Năm chẵn

Is 10, 5-7. 13-16

“Cái cưa có thể tự cao tự đại đối với thợ cưa sao?”

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Chúa phán: “Khốn cho Assur, là cây roi cơn giận của Ta. Cây gậy trong tay nó là cơn thịnh nộ của Ta. Ta sẽ sai nó chống lại dân ngoại dối trá, và truyền lệnh cho nó đi chống lại dân chọc giận Ta, để nó cướp bóc, mang chiến lợi phẩm về chà đạp dưới chân như bùn ngoài đường phố. Nhưng chính nó không đồng quan điểm như vậy, và lòng nó không tưởng nghĩ như thế. Trái lại, lòng nó ưa thích phá hoại, và huỷ diệt nhiều dân tộc. Vì chưng, nó nói rằng: ‘Tôi đã dùng sức mạnh cánh tay tôi, và dùng sự khôn ngoan của tôi mà làm việc ấy, vì tôi thông minh. Tôi đã dời đổi biên giới các dân, đã cướp lấy kho tàng các vua quan, và như người hùng, tôi lật đổ truất phế các thủ lãnh. Tay tôi lấy của cải các dân như bắt tổ chim. Tôi vơ vét cả hoàn cầu như lượm các trứng rơi, không một ai đập cánh hoặc mở miệng kêu la’.

“Lẽ nào cái rìu lại khoe mình với kẻ cầm rìu sao? Lẽ nào cái cưa lại tự cao tự đại với thợ cưa sao? Lẽ nào cây roi có thể chống lại người cầm roi, và cây gậy có thể nâng tay người cầm gậy sao, vì nó chỉ là gỗ cây? Bởi đó Chúa tể là Thiên Chúa các đạo binh sẽ gửi sự điêu tàn đến giữa cảnh mầu mỡ của nó; và từ dưới cảnh vinh quang của nó, một ngọn lửa sẽ bốc cháy lên như ngọn lửa của một đám cháy”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 93, 5-6. 7-8. 9-10. 14-15

Đáp: Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa (c. 14a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, chúng chà đạp dân riêng Chúa, và làm khổ gia nghiệp của Ngài. Chúng bóp cổ khách kiều cư, người quả phụ, và chúng sát hại những kẻ mồ côi. – Đáp.

2) Chúng nói rằng: “Chúa không nhìn thấy, và Thiên Chúa nhà Giacóp cũng chẳng hay”. Đồ ngu xuẩn trong dân, các ngươi nên hiểu biết; lũ dại khờ, bao giờ các ngươi mới nhận ra? – Đáp.

3) Đấng làm ra tai, há chẳng biết nghe? Đấng nặn ra mắt, há không nhìn thấy? Đấng giáo dục chư dân, há không sửa lỗi? Đấng dạy bảo thiên hạ, há chẳng thông minh? – Đáp.

4) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Người. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 11, 25-27

“Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. 

Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

18/07/2018 – THỨ TƯ TUẦN 15 TN

Mt 11,25-27

MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN

“… Vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)

Suy niệm: Ai lại chẳng trải qua tuổi ấu thơ? Thế nhưng nơi trẻ nhỏ bạn thấy điều gì? Trước hết, các em bé bỏng, yếu ớt, đơn sơ, không tự vệ, không biết đi, không biết nói… bất lực. Chính vì biết mình bé nhỏ, yếu đuối, nghèo nàn, đơn sơ, mà các em biết sống tin tưởng, phó thác hoàn toàn trong vòng tay của cha mẹ. Chúa Giê-su dạy chúng ta phải có những đặc tính trẻ thơ đó trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha để trở nên người bé mọn ngõ hầu đón nhận mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Lòng tín cẩn đơn sơ, không tự phụ kiêu căng của những người bé mọn sẽ được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc và mạc khải cho biết về Thiên Chúa.

Mời Bạn: Không gì làm cho Thiên Chúa xa lánh loài người hơn là tính kiêu ngạo và tự mãn. Chúa muốn bạn và tôi cần phải có tâm tình đơn sơ, chân thành khao khát để đón nhận ý Chúa và được Chúa mạc khải mỗi khi học hỏi và tiếp xúc với Lời và Giáo Lý của Chúa. “Nếu các con không nên giống trẻ nhỏ, các con chẳng được vào Nước Trời.”

Chia sẻ: Theo bạn những người hiền triết khôn ngoan đó là ai? Tại sao họ không được đón nhận mạc khải của Thiên Chúa? Bạn thuộc hạng người hiền triết hay là người bé mọn của Thiên Chúa?

Sống Lời Chúa: Dù bạn là nhân vật gì đi nữa, trước mặt Chúa bạn chỉ là bé nhỏ. Mời bạn luôn ý thức thân phận đó của mình để luôn sống như người con bé nhỏ đơn sơ phó thác vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sống suốt đời với tâm hồn khiêm nhường, bé mọn theo lời Chúa dạy.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG BẢY

Tiếng Nói Cuối Cùng Là Tiếng Nói Yêu Thương

“Ai có thể giải thích sự tội?” – tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên như thế (Tv19,13 theo bản La tinh). Sự quan phòng của Thiên Chúa soi rọi ánh sáng trên sự phản nghịch bi đát của con người, để chúng ta có thể học biết tránh tội.

Con người được tạo dựng trong tư cách là một hữu thể có lý trí và tự do trong một thế giới mà sự tội không những có thể xảy ra mà còn được thấy như là một thực tại ngay từ đầu. Tội lỗi là sự chống đối triệt để đối với Thiên Chúa. Nó là điều mà Thiên Chúa dứt khoát không muốn. Tuy nhiên, Ngài vẫn cho phép nó xảy ra khi tạo dựng con người có tự do. Ngài cho phép xảy ra sự tội – là kết quả của sự lạm dụng tự do đã được Ngài ban cho.

Từ thực tế không thể đảo ngược này (được chúng ta biết đến nhờ mạc khải và được chúng ta kinh nghiệm trong thế giới đã sa ngã của chúng ta), chúng ta biết rằng rất cần có sự tự do trong thế giới thụ tạo này, cho dù nó có thể bị lạm dụng, hơn là chúng ta bị tước mất tự do – nhằm để khỏi có nguy cơ phạm tội. Đó là góc nhìn thích đáng đối với sự khôn ngoan có tính quan phòng của Thiên Chúa – trong đó Thiên Chúa nhìn thấy cứu cánh của mọi sự.

Đành rằng Cha nhân lành của chúng ta cho phép tội xảy ra, nhưng Ngài đã nhìn thấy trước từ đời đời con đường cứu độ bằng tình yêu của Ngài. Thật vậy, sự tự do được ban cho con người là để con người có thể yêu thương. Người ta không thể yêu thương nếu không có tự do đích thực. Và trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và ơn cứu độ, tình yêu luôn luôn là tiếng nói quyết định cuối cùng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18/7

Is 10, 5-7. 13-16; Mt 11, 25-27.

LỜI SUY NIỆM: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

            Chúa Giêsu nói điều này qua kinh nghiệm của Người. Người thấy các kinh sư, là những người khôn ngoan, là những bậc thầy, đã từ chối những giáo huấn của Người, chỉ vì tính kiêu căng, tự cao cho mình là khôn ngoan, đã dư thừa hiểu biết, và thỏa mãn với những gì mình đang có, đã làm chật kín con tim và trí óc rồi, không còn chỗ chứa thêm các giáo huấn của Người. Trong khi đó, đám đông nghèo khó, đơn sơ mộc mạc lại đón nhận Người một cách yêu thích quý mến và tôn trọng; nhờ đó Lời giáo huấn của Người đã biến đổi được tâm hồn và đời sống của họ.

            Lạy Chúa Giêsu. Không phải sự khôn ngoan xua đuổi Phúc Âm, nhưng chính lòng kiêu ngạo; Không phải sự ngu dốt đón nhận Phúc Âm mà chính lòng khiêm nhường. Chúa không gắn liền đức tin với sự ngu dốt, nhưng Chúa gắn liền sự hạ mình với đức tin. Xin cho chúng con nhận ra mình đang cần có Chúa và tin luôn vào Lời Chúa. Để sống.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Bảy

Tình Yêu Mời Gọi 

Vua Friedrich Wilhelm cai trị nước Phổ vào khoảng đầu thế kỷ thứ 18. Ông nổi tiếng là người nóng nảy khó tính. Ông không thích những nghi thức rườm rà. Ông chỉ thích đi dạo một mình giữa các đường phố Berlin. Thích sống đơn giản, nhưng ông lại rất nhạy cảm với bất cứ một sự xúc phạm nào của thần dân. Nếu chẳng may có người nào chạm đến ông giữa đám đông, ông sẽ không ngần ngại dùng gậy đập túi bụi vào người đó. Thành ra, khi thấy đức vua đang đi đến, mọi người đều tìm cách lẩn tránh.

Lần kia, khi ông dang đi giữa phố Berlin, một người đàn ông đang đi tới, bỗng lẩn tránh đi nơi khác. Vừa ngạc nhiên, vừa bực tức vì dân chúng lẩn tránh mình, vua Friedrich mới chận người đàn ông lại và hỏi lý do tại sao ông ta lẩn tránh đi nơi khác. Người đàn ông luống cuống mãi, cuối cùng đành phải thú nhận rằng sở dĩ ông ta lẩn tránh nhà vua là vì sợ hãi. Nghe đến đó, vua Friedrich nổi tam bành, ông túm lấy vai người đàn ông đáng thương, vừa lắc mạnh, vừa thét lên: “Tại sao ngươi dám sợ ta. Ta là vua của ngươi. Ngươi phải yêu mến ta. Ngươi phải yêu mến ta, ngươi có biết điều đó không?”.

Chỉ có con người mới biết yêu bởi vì chỉ có con người mới có tự do. Không ai có thể cưỡng bách người khác phải yêu mình… Tạo dựng con người có tự do, Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do ấy. Ngài không cưỡng bách con người phải yêu mến Ngài, nhưng chỉ mời gọi và tỏ tình. Bằng công cuộc tạo dựng, bằng cuộc sống và cái chết của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người… Tình yêu luôn đi bước trước. Bước trước ấy là một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một món quà, một nghĩa cử.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 15 TN2

Bài đọc: Isa 10:5-7b, 13-16; Mt 11:25-27

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho người bé nhỏ khiêm nhường.

Càng giầu có, văn minh, tiến bộ bao nhiêu, con người càng sống xa Thiên Chúa bấy nhiêu. Triết gia hiện sinh F. Nietzsch tuyên bố: “Tôi đã giết Thiên Chúa.” Các ông tổ của thuyết cộng sản đã tuyên bố: “Tôn giáo chỉ là thuốc phiện làm mê ngủ con người.” Kể từ cuộc cách mạng Pháp đến nay, vì khoa học mang lại cho nhân loại nhiều thành quả: xe hơi, máy bay, vệ tinh, điện tín, điện thoại, máy vi tính… nhiều người chủ trương phải xét lại tất cả mọi lãnh vực, ngay cả lãnh vực niềm tin. Vì chủ trương như thế, nên nhiều người đã bỏ đạo; vì họ cho khoa học có thể cắt nghĩa tất cả các hiện tượng trong trời đất mà không cần nại đến sự hiện hữu của Thiên Chúa như người xưa thường tin.

Các bài đọc hôm nay muốn cho con người thấy chủ trương như thế chỉ là hoang tưởng, là đánh lừa chính mình. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah muốn con người nhận ra chân lý: Thiên Chúa quan phòng mọi sự trong trời đất. Ngài có thể dùng Assyria như dùng một chiếc roi để đánh phạt con cái Israel. Sau khi đã hoàn thành mục đích Ngài có thể bẻ gãy cây roi bằng cách dùng thế lực của Babylon để tiêu diệt thế lực của Assyria, và cứ như thế. Tất cả chỉ là cái búa rìu trong tay thợ, và chiếc búa rìu làm sao hiểu được ý tưởng của người dùng nó? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng với mục đích dạy dỗ các môn đệ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cái rìu lại lên mặt với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao?

1.1/ Assyria không hiểu sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.

Ngôn sứ Isaiah nhìn thấy trước những ngày mà Thiên Chúa sẽ dùng Assyria như dùng chiếc roi để sửa phạt con cái Israel, vì họ xa rời Thiên Chúa và không chịu tuân giữ những điều Ngài truyền dạy.

Assyria không hiểu ý định của Thiên Chúa. Họ nghĩ họ thắng được Israel và các quốc gia khác là do sức mạnh quân sự của họ. Vì thế, họ hãnh diện tuyên xưng thành quả đạt được: “Nhờ sức mạnh tay ta, ta đã hành động, và nhờ sự khôn ngoan của ta nữa, vì ta thông minh. Ta đã xoá bỏ ranh giới các dân tộc và chiếm đoạt những kho tàng của chúng. Như một đấng anh hùng, ta đã khuất phục dân cư.”

1.2/ Thiên Chúa sẽ dùng Babylon để tiêu diệt Assyria.

Ngôn sứ Isaiah cho thái độ kiêu ngạo của Assyria là hoang tưởng. Ông ví thái độ của Assyria như chiếc rìu trong tay người thợ, hay như chiếc cưa trong tay người cầm cưa. Ngôn sứ đặt câu hỏi cho họ: “Cái rìu lại lên mặt với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao? Như thể ngọn roi kéo được kẻ giơ nó lên, cây gậy nhấc được kẻ không phải là gỗ vậy!” Họ sẽ phải mở mắt để nhận ra họ chỉ là chiếc roi Thiên Chúa dùng để đánh phạt con cái Israel mà thôi.

Vì tội kiêu ngạo và ác độc, Thiên Chúa sẽ bẻ gãy cây roi Ngài đã dùng. Ngài sẽ dùng Babylon để tiêu diệt Assyria, Babylon sẽ như “một ngọn lửa sẽ bốc lên như ngọn lửa một đám cháy” để thiêu rụi Assyria. nhưng cả hai đều không hiểu ý định của Thiên Chúa. Vua quan Babylon nghĩ họ thắng Assyria được là do sức mạnh quân sự của họ.

2/ Phúc Âm: Tại sao những người bé nhỏ hiểu được mầu nhiệm Nước Trời?

2.1/ Thiên Chúa thích mặc khải cho những kẻ bé mọn: Có mấy từ chuyên môn chúng ta cần hiểu ở đây:

– Giấu (kru,ptw): có hai trường hợp: (1) Cất giấu đi để đừng ai nhìn thấy; ví dụ: giấu vàng trong ruộng. (2) Giấu kín để đừng ai khám phá ra; ví dụ: giấu tông tích hay những điều bí ẩn của mình. Chúa Giêsu muốn nói về trường hợp thứ hai này.

– Mặc khải (avpokalu,ptw) có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.

– Kẻ bé mọn (nh,pioj): có thể chỉ một trẻ nhỏ hay những ai chưa tới tuổi thành niên như luật pháp ấn định (ví dụ, 18 tuổi).

(1) Thánh Phaolô so sánh tình trạng không trưởng thành của các tín hữu như trẻ thơ, họ nhìn những vấn đề thiêng liêng dưới con mắt của trẻ thơ. Họ vẫn còn bú sữa, chứ chưa thể lãnh nhận thức ăn dành cho người lớn, những người đã trưởng thành (te,leioj) (I Cor 3:1).

(2) Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sofo,j, suneto,j) với kẻ bé mọn (nh,pioj), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ. Khi con người lãnh nhận kiến thức về Thiên Chúa, họ phải có thái độ của trẻ: cái gì cũng là mới cả với các em.

2.2/ Kiến thức về Thiên Chúa: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là “evpiginw,skw,” biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.

(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: Ai thấy Thầy là thấy Cha. Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa và không hoàn toàn vào sức mình.

– Đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí; không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Không hiểu được một vấn đề không chỉ có nghĩa là điều ấy vô lý; mà còn có nghĩa là mình dốt không hiểu được điều ấy.

– Chúng ta không thể hiểu được Mầu nhiệm Nước Trời nếu Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, không mặc khải cho chúng ta. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************