Ngày thứ tư (16-10-2024) – Trang suy niệm

15/10/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Gl 5, 18-25

“Những ai thuộc về Đức Kitô, thì đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng vào thập giá”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, nếu anh em được Thánh Thần hướng dẫn, anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa. Vả chăng người ta thừa hiểu sự nghiệp của xác thịt là: tà dâm, ô uế, phóng đãng, buông tuồng, thờ lạy thần tượng, phù phép, thù hằn, kình địch, ghen tương, giận dữ, cãi lẫy, bất bình, bè phái, giết người, say sưa, mê ăn uống, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng nói rằng: hễ những ai phạm các điều lỗi đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.

Còn hoa quả của Thánh Thần là: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết. Lề luật không chống lại các điều ấy. Vả chăng, những ai thuộc về Đức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, chúng ta cũng hãy ăn ở theo Thánh Thần. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

A+B=Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (c. Jo 8,12).

A=Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

B=Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

A=Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường lối người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

A+B=Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống .

ALLELUIA: Mt 4, 4b

– Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 11, 42-46

“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!”

Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

16/10/2024 – THỨ TƯ TUẦN 28 TN

Th. Ma-ga-ri-ta A-la-cốc, trinh nữ  Lc 11,42-46

SỐNG CÔNG BẰNG VÀ YÊU MẾN

“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42)

Suy niệm: “Không ít bạn trẻ vì muốn ‘long lanh’ hơn dưới mát bạn bè đã khoác lên mình nhiều loại ‘nước sơn’ vật chất dễ dàng ‘bong tróc’,” Thái Bình nhận định trên báo Tuổi Trẻ như thế. Không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người ngày nay cũng sính mua sắm hàng hiệu, xe đời mới, điện thoại di động đắt tiền, v.v… để khẳng định mình là đẳng cấp khác biệt, là sành điệu. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, nhiều người cũng có xu hướng chuộng hình thức, làm đầy đủ các nghi lễ bề ngoài rình rang cho mọi người thấy: đi nhà thờ đều đặn, thường xuyên đọc Kinh Thánh, lần hạt, làm việc bác ái… nhưng bên trong tâm hồn họ có thể là tối tăm như địa ngục, có thể là thiếu hẳn tình yêu thương và đức công bình, bởi lẽ tâm hồn họ chất chứa tính kiêu ngạo, khinh người, đối xử bất công với đồng loại… Chúa đã lên án lối sống vụ hình thức đó, và đề cao một lối sống công bình và yêu thương phục vụ.

Mời Bạn: Biết bao lần bạn đã vô tình hay cố ý chạy theo trào lưu xã hội chuộng hình thức bên ngoài; còn việc sống đạo thì chỉ dừng lại ở mức tối thiểu: làm cho vừa đủ những điều khoản luật buộc mà thôi. Nếu như thế bạn đã bỏ quên căn tính cốt lõi của lề luật là công bình và yêu thương rồi đó.

Sống Lời Chúa:  Xác tín việc thực thi công bình và phục vụ trong yêu thương là cốt lõi của việc sống đạo và loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách các nhà lãnh đạo.
Họ là những người Pharisêu, những nhà thông luật.
Họ được dân chúng kính nể vì học thức, vì chức vụ, vì đời sống đạo đức.
Nhưng họ cũng có những khiếm khuyết cần sửa đổi.

Đức Giêsu ba lần nói “Khốn cho” đối với người Pharisêu (cc. 42-44).
Khốn cho thứ nhất vì họ quá chú tâm giữ những điều lặt vặt, phụ thuộc,
mà xao lãng cái chính yếu và quan trọng.
Họ nộp thuế 10% về những thứ rau cỏ ngoài vườn để tỏ lòng đạo đức.
Tiền thuế này được dùng để giúp đỡ các tư tế và các thầy Lêvi.
Nhưng tiếc là họ không để ý đến sự công bình đối với tha nhân,
và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa (c. 42).
Tương quan hai chiều của họ bị tổn thương.
Việc nộp thuế, dâng cúng cho nhiều cũng không sao kéo lại được.
Đức Giêsu đòi giữ cả hai, nhất là những bổn phận chính yếu:
“Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ.”

Khốn cho thứ hai vì họ thích tiếng khen từ người đời.
Không yêu mến Thiên Chúa, nhưng họ lại yêu mến ghế đầu nơi hội đường,
và yêu thích được chào hỏi nơi công cộng (c. 43).
Địa vị, tiếng tăm là điều họ tha thiết tìm kiếm.
Mọi việc họ làm đều nhằm tôn vinh cho cái tôi.
Chính vì thế một đời sống bề ngoài có vẻ sống cho Chúa,
kỳ thực lại là một tìm kiếm hư danh cho chính mình.
Khốn cho thứ ba gắn liền với sự giả hình trên đây.
Đức Giêsu ví họ với mồ mả người chết chôn dưới đất.
Vì không có gì làm dấu, nên chẳng ai biết đó là mồ mả để tránh.
Nhiều người giẫm lên nên bị ô nhơ mà không hay.

Nghe Đức Giêsu nói, một nhà thông luật cảm thấy bị xúc phạm.
Đức Giêsu cũng sẽ nói ba lần Khốn cho đối với các vị này.
Họ là những nhà chuyên môn giải thích luật và là thầy dạy dân chúng.
Khốn cho đầu tiên vì họ đã làm cho luật trở nên một gánh quá nặng.
Những giải thích của họ làm sinh ra bao cấm đoán và đòi buộc
vượt xa những gì chính bản văn lề luật đòi hỏi.
Thí dụ trong ngày sabát, có 39 loại công việc không được phép làm.
Luật thay vì là nguồn vui, nguồn hạnh phúc, thì lại trở nên ách nặng nề.
Nhiệm vụ của người thông luật không phải chỉ là dạy luật,
mà còn là giúp người khác giữ luật.
Với thái độ đứng ngoài, không muốn động vào,
không muốn trợ giúp, dù bằng một ngón tay (c. 46),
người thông luật sẽ không làm cho người ta cảm thấy tình yêu Thiên Chúa.

Những lời Khốn cho của Đức Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ
vẫn còn nguyên giá trị cho Hội Thánh của các Kitô hữu hôm nay.
Để có thể xây dựng một Hội Thánh Việt Nam cho kỷ nguyên mới,
chúng ta cần tránh những lỗi của người xưa.

Cầu nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG MƯỜI

Yêu Thương Bằng Con Đường Dâng Hiến

Lòng bác ái và sự hy sinh của Mẹ Tê-rê-sa, phát xuất từ tình yêu đối với Đức Kitô, đã trở nên một thách đố cho thế giới. Thế giới này vẫn thường được thấy như là một thế giới của ích kỷ và dục vọng, một thế giới đầy tham lam, đầy những đam mê danh lợi và quyền lực.

Đứng trước những sự dữ của thời đại chúng ta, chứng tá của Mẹ Tê-rê-sa nêu bật – không phải bằng lời nói mà bằng chính những hành động hy sinh cụ thể – giá trị siêu vượt của tình yêu Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Tình yêu này kêu gọi các tội nhân hoán cải và mời họ sống theo Chúa Kitô: “Mang niềm vui đến cho người nghèo” (Lc 4,18).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/10

Thánh nữ Hedviges nữ tu

Thánh nữ Magarita Maria Alacoque, trinh nữ

Thánh Gêrađô, tu sĩ

Gl 5, 18-25; Lc 11, 42-46.

Lời Suy Niệm: “Khốn cho cả các ngươi nữa, hỡi các nhà thông Luật! Các ngươi chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nỗi, còn chính các ngươi, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” (Lc 11.46)

          Đây là những lời Chúa Giêsu đang khiển trách các người Pharisêu và các nhà thông Luật, nhưng cũng là lời Người đang kiển trách đối với mọi thành phần trong dân Chúa. Bởi vì chúng ta đã không sống với con tim bằng thịt của mình, nhưng đã sống với sự so tính của trí óc hẹp hòi của mình, đã làm cản trở những tâm hồn muốn đến với Chúa với Giáo Hội.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con sống trong sự thật, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn hướng đến sự thật, tôn trọng sự thật, sẵn sàng làm chứng sự thật có trách nhiệm, giúp cho việc sống cộng đồng được trật tự và được xứng đáng là con cái của sự thật. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 16-10

Thánh MAGARITA MARIA ALACOQUE
Đồng Trinh (1647 – 1690)

Thánh Magarita sinh ngày 22 tháng 6 năm 1674 tại Lauthecour miền Charolais. Ngài là con thư năm của ông Claude Alacoque, một viên chức triều đình. Khác với các trẻ em cùng tuổi chỉ ham chơi, Magarita dường như hiểu rằng chỉ có yêu mến Chúa mới là điều quan trọng. Biết được điều gì không đẹp lòng Chúa là Ngài bỏ ngay. Mới 4 tuổi, Ngài đã lần chuỗi Mân côi hàng ngày và thường lẻn vào rừng để suy gẫm cầu nguyện.

Lên 8 tuổi, Magarita gặp thử thách lớn lao. Cha Ngài từ trần. Không đòi được tiền nợ. Mẹ Ngài phải dẫn con về quê ngoại, sống với những người tham lam quê mùa. Họ rút tỉa gia tài của gia đình Ngài đến nỗi phải đi ở đợ. Magarita được gửi học tại tu viện thánh Clara. Nơi đây, Ngài được rước lễ lần đầu và khoảng 9 tuổi.

Magarita lại gặp một thử thách nữa vào năm 14 tuổi. Khi ấy Ngài ngã bệnh nặng. Nhưng rồi Ngài đã được chữa lành sau khi khấn hứa sẽ trở thành con Đức Mẹ. Khỏi bệnh Ngài bị cám dỗ sống đời vui chơi phù phiếm. Không chịu thỏa hiệp với nếp sống như thế, Ngài bị người chung quanh đối xử tàn tệ. Muốn đi dự lễ, Ngài phải mượn áo. Có những ngày Ngài bị bỏ đói. Khi mẹ lâm bệnh, Ngài phải đi ăn xin để chạy chữa cho mẹ. Dầu vậy, Ngài chỉ ham đọc truyện các thánh và muốn bắt chước các Ngài, sống đời hy sinh bác ái.

Biết Chúa gọi mình, Magarita cố gắng để mình đỡ bất xứng với ơn gọi. Nhân dịp năm thánh, Ngài xưng tội chung và đã mất 15 ngày để xét mình. Hai mươi tuổi, Ngài được thêm sức và nhận thêm tên thánh Maria. Sau nhiều chiến đấu cực nhọc, ngay với chính mình, tháng 6 năm 1671, Magarita vào dòng thăm viếng ở Paray-le-Monnical, sống với 40 nữ tu quý phái mà một số không có ơn kêu gọi:

Trong cuộc tĩnh tâm dọn mình khấn dòng, Chúa nói với Ngài: – Này là vết thương cạnh sườn Cha, nơi đây con hãy ẩn náu bây giờ và mãi mãi.

Ngày 6 tháng 11 năm 1672, Ngài khấn dòng. Ngài được Chúa Giêsu cho thấy một thánh giá phủ đầy hoa và nói: Đây là giường các bạn tình trinh khiết của ta nằm, dần dần hoa rụng xuống và chỉ còn lại những gai. Thị kiến này tiên báo cuộc đời đầy chông gai thánh nữ sẽ trải qua. Nhưng Ngài chỉ biết hiến thân cho Chúa “như một tấm vải căng trước mặt họa sĩ”. Ngài sẽ còn xuất thần và được nhiều thị kiến nữa.

Thị kiến đầu tiên trong bốn thị kiến quan trọng xảy ra vào dịp này, Chúa Giêsu tỏ trái tim Người ra: – Trái tim Cha cháy lửa yêu thương đối với loài người và cách riêng đối với con, đến nỗi không còn giữ trong lòng được nữa, ngọn lửa này con phải trải rộng ra.

Chúa Giêsu đã xin thánh nữ trái tim của Ngài và đặt vào lòng mình. Ngài cảm thấy như ở trong hỏa lò. Khi Chúa Giêsu trả lại trái tim, MAGARITA phải chịu mãi cơn đau đớn bên sườn và phải trích máu cho nhẹ bớt cơn đau.

Trong thị kiến thứ hai, thánh nữ viết: – Người quả quyết với tôi rằng: chúng ta phải tôn kính trái tim Chúa dưới hình thể trái tim con người.

Thị kiến thứ ba diễn ra ngày thư sáu đầu tháng nào đó không được rõ. Đức Kitô dạy Ngài rước lễ mỗi thứ sáu đầu tháng.

Những thị kiến này kéo theo một thứ đau đớn thân xác. Thánh nữ đều vui nhận hết. Tuy nhiên Ngài còn bị dằn vặt về tinh thần. Bề trên và chị em trong dòng cho rằng: Ngài bị ám ảnh vì bệnh hoạn, đến mùa thu năm 1674, Thiên Chúa hứa gửi một tôi tớ để trợ lực thánh nữ. Tháng 2 năm 1675, cha Claude la Colombiere khấn trọn tại Lyon. Ngay sau đó, cha được cử về làm bề trên dòng tên ở Paray, dưới sự ngạc nhiên của tất cả những ai đã theo dõi việc làm sáng giá của cha ở Paris.

Không hề có kinh nghiệm về những cuộc xuất thần, cha có trí khôn rất bén nhậy và bằng lòng với việc yêu mến Chúa Kitô trong “mây mù của sự bất tri”. Khi gặp Magarita, cha đã nói với mẹ Samaise: – Chị là một linh hồn ưu tuyển.

Cha đã xác quyết cho thánh nữ về đường lối của Ngài.

Thị kiến trọng đại nhất diễn ra trong tuần bát nhật kính Mình thánh Chúa năm 1676. Trước Thánh Thể trưng kính trên bàn thờ, thánh nữ đã nghe những lời này: – Này là trái tim đã yêu thương loài người không còn tiếc rẻ gì, đến độ mỏi mòn tiêu hao để làm chứng tình yêu đối với họ.

Và xin thánh nữ dành riêng ngày thứ sáu sáu tuần bát nhật kính Thánh thể, để tôn thờ trái tim Người. Hôm đó, người ta rước lễ và long trọng làm việc đền tạ. Cha Lolombière dạy thánh nữ viết ra tất cả các thị kiến của Ngài rước khi cha dời đi Luân Đôn .

Cuộc bách hại của cộng đoàn lên tới cao điểm ngày 20 tháng 11 năm 1677, Chúa đã đòi thánh nữ Magarita dâng mình làm hiến vật cho sự công thẳng của Chúa, để đền bù những tội phản nghịch cùng đức ái của cộng đoàn. Khi thánh nữ quỳ xuống để làm như vậy, thì mọi người nghĩ rằng: Ngài bị mất trí. Đêm hôm sau thật khó tin nổi. Ngài nói rằng: đau khổ trong đời gộp lại cũng không thể sánh nổi với những gì Ngài đã phải chịu đêm ấy.

Lễ lên trời năm 1678, mẹ Saumaise rời chức vụ. Ngày 17 tháng 6 mẹ Greyfié được Chúa quan phòng đưa lên để làm sáng tỏ vấn đề. Trắc nghiệm thánh nữ, mẹ thấy thánh nữ rất mực khiêm tốn. Mẹ còn quyết định rằng: thánh nữ phải được lành bệnh hoàn toàn trong một thời gian nhất định, để chứng tỏ rằng các thị kiến là chân thực.

Năm 1684, mẹ Greyjié rời Paray, một thế hệ các nữ tu trẻ xuất hiện. Magarita được chỉ định làm giáo tập. Ngày 20 tháng 6 năm 1685, lễ thánh Magarita nhằm ngày thứ sáu, Magarita dạy các tập sinh, thay vì tặng quà cho Ngài, hãy dâng cho Chúa một vinh dự. Họ dọn một bàn thờ nhỏ và đặt hình Trái tim bị thương tích có mão gai và lửa chung quanh. Tháng 6 năm 1686, các nữ tu tôn kính trái tim Chúa trong nguyện đường. Ngày 07 tháng 9 năm 1688, một nguyện đường nhỏ đầu tiên trong vườn được thánh thiến để kính trái tim.

Ngày 08 tháng 10 năm 1960, Magarita mang bệnh và ngày 17 tháng 10 năm đó Ngài từ trần, lúc 43 tuổi. Các nữ tu thấy Ngài trở nên xinh đẹp lạ lùng. Ngài được phong chân phước năm 1864 và tuyên thánh 1920.

******************

Ngày 16-10

Thánh HEDVIGA
Nữ Tu (1174 – 1243)

Thánh nữ Hedviga sinh tại Bavaria vào khoảng năm 1174. Ngay từ hồi 4 tuổi, Ngài đã được gửi học tại tu viện. Lên 12 tuổi, Ngài kết hôn với Henri, bá tước miền Silêsia.

20 tuổi, thánh nữ Hedviga đã là mẹ của sáu người con, ba trai ba gái. Năm 1209, họ quyết định hiến thân cho Thiên Chúa để sống đời khiết tịnh nhưng vẫn chu toàn trách vụ thuộc bổn phận mình. Họ sống như anh em, lo cho con cái lẫn các gia nhân sống đạo đức mà không dung túng cho bất cứ một chuyện dèm pha nào. Mỗi ngày nữ bá tước nuôi cho 13 người ăn, để kính Chúa Giêsu và 12 tông đồ. Ngài mặc một áo nhặm bên trong các y phục thường ngày, khiến Ngài phải chịu nhiều hy sinh lớn lao.

Nhưng các đau khổ tinh thần còn lớn lao hơn, như xé nát lòng người. Vị bá tước dầu đáng kính nhưng lại có khuyết điểm là thương riêng Conrad, người con thứ hơn các người con khác. Ông coi Conrad như người kế vị mình. Sự thiên tư này đã là nguồn gốc gây nên mối thù oán… dữ dằn giữa người anh út với anh mình. Họ gây chiến đấu với nhau và Conrad bại trận. Sau đó ít lâu, Conrad từ trần trong tinh thần sám hối. Nhưng những tranh chấp tương tàn và những cái tang này đã làm cho vị bá tước còn tránh xa thế sư hơn nữa.

Thánh nữ Hedviga thiết lập một nhà dòng khổ tu ở gần Breslau… Gertrude, người con gái duy nhất còn sống cho tới khi thánh nữ từ trần sẽ làm bề trên tu viện này. Nơi đây các em gái mồ côi và nghèo túng tìm được chỗ dung thân, chúng được đào tạo để trở nên những bà mẹ tốt trong gia đình hơn là để theo đuổi ơn kêu gọi. Riêng thánh nữ Hedviga lại đóng vai trò người tôi tớ rửa chân cho các người phong cùi. Lời Ngài mang lại hạnh phúc cho những ai tới gần và gặp gỡ Ngài.

Trong một cuộc chiến, bá tước Henri bị bá tước miền Warzava cầm tù. Ong này từ chối mọi thỏa hiệp, để cứu cha, công tử Henri II muốn khởi binh. Nhưng thánh nữ Hedviga muốn tránh đổ máu nhiều hơn nữa, Ngài đích thân đến gặp kẻ chiến thắng. Gặp Ngài, ông ta bỗng dịu lại và chấp nhận thỏa hiệp. Vị bá tước được trả tự do. Nhưng vì vết thương quá trầm trọng, ông qua đời năm 1238.

Hedviga đau lòng, nhưng vâng ý Chúa, Ngài mặc áo dòng ở Treibnitz, và dù không tuyên bố lời khấn, Ngài trung thành với các bổn phận, dưới sự điều khiển của con mình là Gertrude. Làm những việc thấp hèn, phục vụ những người nghèo khổ, Ngài nói với các nữ tu: – Các chị là hôn thê của Chúa Giêsu, còn tôi chỉ là tôi tớ Người.

Sau ba năm goá bụa, thánh Hedviga còn chịu một nỗi thống khổ chót, đó là cái chết của Hênri II… Ông đã ngã gục trong cuộc chiến chống lại người Rartares. Thánh Nữ Hedviga đã linh cảm thấy trước về cái chết này. Một bản tường thuật ghi lại rằng, vào một buổi tối hôm khởi chiến, thánh nữ đánh thức một chị bạn và nói: – Demundis ơi ! chị biết, tôi đã mất con rồi. Đứa con yêu dấu đã xa tôi như con chim gãy cánh. Tôi sẽ không còn thấy nó trên trần gian này nữa.

Ba ngày sau, một nguồn tin xác quyết này, thánh Hedviga nói: – Đó là ý Chúa. Điều Chúa muốn và vui thỏa cũng phải làm cho chúng ta mãn nguyện.

Và vui mừng trong Chúa Ngài nói: – Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con được những đứa con như vậy. Suốt đời nó thương mến con và không hề làm gì cho con đau lòng. Con muốn có nó trong đời. Nhưng con hết lòng chúc tụng Chúa về việc đổ máu của nó, khiến nó được kết hợp với Chúa trên trời là đấng tạo thành nên nó.

Thánh nữ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường thăng tiến. Ngài đã trải qua những buổi cầu nguyện thâu đêm. Các sử gia còn ghi lại nhiều phép lạ thánh nữ đã thực hiện. Cuối cùng, Ngài được mạc khải cho biết trước giờ chết của mình.

Dầu không có gì trầm trọng, Ngài đã xin được lãnh các bí tích sau hết. Khi vừa rước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện được hai tiếng: “Lạy Chúa, Lạy Chúa” thì Ngài từ trần. Hôm đó là ngày 15 tháng 10 năm 1243, năm 1267, nghĩa là 24 năm sau, Ngài được suy tôn lên bậc hiển thánh .

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

16 Tháng Mười

Xin Cho Chúng Con Lương Thức Hằng Ngày

Hôm nay là ngày quốc tế về lương thực do tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc đề xướng.
Nói đến lương thực, nhất là trong một quốc gia nghèo đói như Việt Nam, có lẽ tự nhiên, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến cái đói trên thế giới.

Ðói không chỉ là một trạng thái cần ăn uống, nhưng được các chuyên viên về thực phẩm và sức khỏe định nghĩa như là một tình trạng thường xuyên của một người không đủ ăn để có thể có một cuộc sống lành mạnh. Danh từ chuyên môn thường được dùng để chỉ tình trạng này là dưới mức dinh dưỡng. Nạn nhân dễ thấy nhất của tình trạng này là các trẻ em của những nước nghèo.

Mỗi năm người ta tính có đến 15 triệu trẻ em chết vì nhiều nguyên do có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mỗi ngày, trên khắp thế giới, có khoảng 40 ngàn trẻ em chết vì đói. Số người chết vì đói ăn cũng tương đương với số thương vong nếu cứ ba ngày có một trái bom hạt nhân được ném xuống một vùng đông dân cư.

Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến nạn đói kém. Người ta cho rằng nguyên nhân chính nằm trong chính sách kinh tế, chế độ chính trị, xã hội. Nhưng tựu trung, căn rễ sâu xa nhất vẫn là sự ích kỷ của con người. Nếu một phần mười những người giàu có trên thế giới biết san sẻ cho những người nghèo, thì có lẽ thế giới này không còn có những trẻ em chết đói mỗi ngày nữa. Nếu ngay cả trong một quốc gia, người ta biết dùng tiền bạc để mua cơm bánh cho con người hơn là đầu tư vào khí giới, thì chắc chắn sẽ không còn cảnh người chết đói nữa.

Tại một vài quốc gia kỹ nghệ đang chuyển mình để bước vào cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ ba, người ta thường nói đến kỷ nguyên điện toán, thụ thai trong ống nghiệm… Thế nhưng, tại rất nhiều nơi trên thế giới, mỗi ngày vẫn có đến 40 ngàn trẻ em chết vì đói ăn… Thế giới của chúng ta quả là một nhân thể bệnh hoạn. Một nơi nào đó trong cơ thể, một số bộ phận phát triển một cách dư dật, một nơi khác, nhiều cơ phận đang chết dần chết mòn vì thiếu tiếp tế.

Có lẽ nhân loại chúng ta không chết đói cho bằng vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của đồng loại. Những người dư dật nhưng không biết san sẻ cũng là những người đang chết dần trong ích kỷ. Con người cần có cơm bánh để sống đã đành, nhưng con người cũng cần có tình thương để tồn tại. Kẻ đón nhận tình thương cũng được sống mà người san sẻ tình thương cũng được sống.

Chúng ta phải làm gì để được sống? Dĩ nhiên, chúng ta phải có đủ cơm bánh hằng ngày. Nhưng câu trả lời mà mỗi người Kitô phải tự nói với mình là: để được sống, tôi cần phải làm cho người khác được sống. Ðó là sự sống đích thực của chúng ta. Bởi vì ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 28 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Gal 5:18-25; Lk 11:42-46.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hai lối sống: theo Thánh Thần hay theo xác thịt.

Đối phương của Thánh Phaolô tố cáo: Vì muốn chiêu mộ nhiều tín hữu nên Phaolô rao truyền một thứ đạo quá dễ dàng: chỉ cần tin mà không cần giữ Lề Luật. Thánh Phaolô trả lời cho họ bằng cách phân biệt 2 lối sống: theo Thánh Thần và theo Lề Luật. Ngài tố cáo họ đã sống theo lối sống thấp hèn của Lề Luật. Những người đặt niềm tin nơi Chúa Kitô sống một lối sống cao hơn mà Lề Luật không bao giờ có thể đạt tới, đó là lối sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng vạch ra những tật xấu của các Kinh-sư và Luật-sĩ vì lối sống theo Lề Luật của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: So sánh hai lối sống: theo Thánh Thần và theo xác thịt (Lề Luật)

Theo đạo lý của Thánh Phaolô: Con người trở nên công chính không bằng việc giữ Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô thể hiện qua đức bác ái. Tương xứng với đạo lý này là hai lối sống: nếu một người chọn trở nên công chính theo Lề Luật, người ấy sẽ sống theo lối xác thịt; nếu một người chọn trở nên công chính bằng niềm tin vào Đức Kitô, người ấy sẽ để cho Thánh Thần hướng dẫn, và không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

1.1/ Lối sống theo xác thịt: Thánh Phaolô liệt kê một số các dấu hiệu của lối sống theo xác thịt:

– dâm dục, ô uế, hoang đàng: để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn của xác thịt;

– thờ bụt thần, dùng phù phép: không tin tưởng nơi sức mạnh của Thiên Chúa;

– hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận: hòan tòan ngược lại với đức bác ái;

– tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ: không xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đòan;

– say sưa, chè chén: để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của xác thịt.

Nếu một người để mình sống theo những khuynh hướng này, Thánh Phaolô cảnh cáo: “Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.”

1.2/ Lối sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô liệt kê 9 dấu hiệu cuả lối sống theo Thánh Thần mà ngài gọi là hoa quả của Thánh Thần. Đây là những nhân đức mà con người có thể luyện tập được khi để cho Thánh Thần hướng dẫn:

(1) Bác ái (Charity): hoa quả đầu tiên và quan trọng nhất của lối sống theo Thánh Thần;

(2) Hoan lạc (Joy): niềm vui trong tâm hồn chứ không phải niềm vui vì lợi lộc vật chất;

(3) Bình an (Peace): không sợ hãi trước một đau khổ nào, vì luôn tin nơi Thiên Chúa;

(4) Đại lượng (Generosity): không lấy ác báo ác, nhưng luôn rộng lượng tha thứ;

(5) Tử tế (Kindness): sẵn sàng giúp đỡ những người cần đến và tử tế với mọi người;

(6) Từ tâm (Goodness): có lòng thương xót cho mọi người;

(7) Hiền hoà (Gentleness): không to tiếng la lối, chửi mắng, hay đánh đập người khác;

(8) Trung tín (Faithfulness): trung thành với những gì đã thề hứa dẫu gặp khó khăn;

(9) Tiết độ (Self-control): tự chủ trong mọi lãnh vực ăn, uống, ngủ, và hưởng thụ.

Giáo Hội, trong Sách GLCG, số 1832, liệt kê thêm 3 hoa quả của Chúa Thánh Thần:

(10) Kiên nhẫn (Patience): không dễ thay đổi khi phải đương đầu với khó khăn;

(11) Đơn giản (Modesty): không để cho của cải vật chất chi phối cuộc đời;

(12) Trong sạch (Chastity): giữ thể xác và tâm hồn luôn trong trắng.

Thánh Phaolô khẳng định: “Không có luật nào chống lại những điều như thế.” Hơn nữa, Lề Luật chỉ có thể ngăn cấm con người để đừng phạm tội, nhưng không thể giúp cho con người sống theo những tiêu chuẩn cao thượng như thế. Nhưng những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào Thập Giá cùng với các dục vọng và đam mê. Đồng thời, Thánh Thần của Đức Kitô sẽ giúp con người đạt được mức tòan thiện của cuộc sống.

2/ Phúc Âm: Tai hại của việc sống theo Lề Luật

2.1/ Chúa Giêsu mắng chửi các Biệt-phái: Thuế Thập Phân là 10% cho tất cả các hoa mầu ruộng đất, trả trực tiếp cho những người Levites; và họ sẽ trả 10% những gì họ thu được cho các tư tế. Chúa Giêsu không kết tội họ vì bắt người ta nộp thuế Thập Phân, nhưng trách họ về bốn tội sau đây:

(1) Xao lãng lẽ công bằng: cất giấu các lợi nhuận thu được để dùng riêng;

(2) Thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa: vì quá chú trọng đến các nghi lễ bên ngòai (Mk 7:6);

(3) Thích hư danh: thích ngồi ghế đầu trong hội đường để mọi người nhìn thấy, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng để thấy mình quan trọng;

(4) Đánh lừa thiên hạ: “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” Lề luật dạy: hễ động vào mồ mả là trở thành ô uế cho dù có biết hay không. Chúa ví các Kinh-sư cũng nguy hiểm như các mồ mả không làm dấu vì sự giả hình của họ.

2.2/ Mắng chửi các Luật-sĩ: Lề Luật tự nó không xấu mà còn giúp để giữ trật tự; nhưng Chúa mắng chửi các Luật-sĩ vì họ lợi dụng Lề Luật để ức hiếp tha nhân. Ví dụ: để tránh giữ luật đi xa trong ngày Sabbath, họ dùng giây để làm cho giới hạn của nhà họ được rộng lớn hơn; để lấy tài sản của một người phải giúp cha mẹ, họ dùng luật Coban: của dâng cho Thiên Chúa không ai được đụng tới (Mk 7:11). Và còn trăm ngàn cách khác họ có thể đi chung quanh để buộc tội người khác và kiếm lợi nhuận cho mình. Vì thế, Đức Giêsu nói với họ: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Người Công Giáo không phải là người chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô rồi muốn làm gì thì làm; nhưng họ phải từ bỏ lối sống theo xác thịt và học sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

– Mười hai dấu hiệu để thấy nếu một người sống theo lối sống của Thánh Thần: bác ái, vui tươi, bình an, kiên nhẫn, đại lượng, trung thành, từ tâm, tốt lành, hiền hậu, đơn giản, tiết độ, và trong sạch.

– Ngược lại lối sống theo Thánh Thần là lối sống theo xác thịt hay Lề Luật mà Chúa Giêsu mắng chửi các Kinh-sư và Luật-sĩ. Họ coi thường Thiên Chúa, háo danh, và dùng Lề Luật để đối xử bất công và đánh lừa tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************