Ngày thứ tư (16-01-2019) – Trang suy niệm

15/01/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần I Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 2, 14-18

“Người phải nên giống anh em mình mọi đàng”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người, mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng, Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9.

Đáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. – Đáp.

2) Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. – Đáp.

3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. – Đáp.

4) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaác. – Đáp

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 1, 29-39

“Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.

Chiêù đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/01/2019THỨ TƯ TUẦN 1 TN

Mc 1,29-39

CHÚA VÌ YÊU…

“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.” (Mc 1,32)

Suy niệm: Ngày hưu lễ mà nào Chúa có được nghỉ ngơi gì! Suốt cả ngày giảng dạy ở hội đường và trừ quỷ, tối đến Chúa về nhà hai anh em ông Si-mon và An-rê hẳn là để ngả lưng một chút. Thế mà dân chúng cũng đâu có để Ngài yên: Không được gồng gánh gì đi ngang qua thành trong ngày sa-bát (x. Gr 17,24) thì họ đợi đến lúc mặt trời lặn mới “đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.” Một ông bác sĩ có “hút” khách đến mấy đi nữa, hẳn sẽ cho họ “vé giữ chỗ” và hẹn họ đến khám bệnh vào ngày hôm sau thôi. Chúa Giê-su, vị lương y chữa trị tâm hồn khỏi tật bệnh tội lỗi, tai ách của ma quỷ, Ngài không hành xử như thế. Ngài không nổi nóng, không bất nhẫn vì bị quấy rầy, phiền hà. Trái lại Chúa vì yêu nên đón nhận tất cả, chữa lành tất cả để làm chứng cho sự thật này là Ngài yêu thương và muốn cứu độ mọi người. Vì yêu, Ngài lại lên đường đến những nơi khác để tiếp tục hành vi cứu thế cho đến khi hoàn tất chương trình cứu độ bằng cái chết trên thập giá, bởi vì Ngài sinh ra và đến trong thế gian là để làm việc đó.

Mời Bạn: Chúa vì yêu đã làm tất cả những điều đó để đem ơn cứu chuộc đến cho bạn. Phần bạn, bạn đã cảm nhận được tình yêu của Chúa trong cuộc đời bạn như thế nào? Bạn có vì yêu Chúa mà sẵn sàng xả thân phục vụ anh chị em mình chưa?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn chú ý làm thật chu đáo công việc bổn phận với ý hướng vì yêu mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vì yêu mà hiến thân cứu độ chúng con. Xin cho con biết vì yêu Chúa mà hiến thân làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG GIÊNG

Thờ Ơ Hay Chống Lại Các Giá Trị Của Gia Đình Là Tự Chuốc Lấy Tai Họa

Quyền lợi của gia đình, như chúng ta thấy, không phải chỉ là những vấn đề thuần túy thuộc địa hạt tâm linh tín ngưỡng mà xã hội trần thế có thể phớt lờ không đếm xỉa đến. Để thực thi sứ mạng của mình, Giáo Hội tích cực cổ võ cho các giá trị nền tảng của gia đình. Nhưng các nhà cầm quyền dân sự cũng phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ và đề cao các quyền lợi giúp thăng tiến và nâng đỡ đời sống hôn nhân.

Vận mệnh của cộng đồng nhân loại gắn kết chặt chẽ với “sức khỏe” của gia đình xét như một cơ chế trong xã hội. Khi quyền bính trần thế xem thường những giá trị mà gia đình Kitôhữu đem lại cho xã hội và khi quyền bính trần thế bàng quan đứng ngoài các giá trị đạo đức ấy, thì điều sẽ xảy ra là gia đình bị sụp đổ trong xã hội. Đồng thời, một thái độ dễ dãi đối với tình trạng sống chung chạ bên ngoài mối ràng buộc hôn nhân xem ra có thể là giải pháp cho một số vấn đề nào đó nhất thời. Song, về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hoại ghê gờm chính bản chất và phẩm cách của hôn nhân. Một xã hội như thế không thể tránh khỏi các hậu quả cay đắng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

NGÀY 16/1

Dt 2, 14-18; Mc 1, 29-39.

LỜI SUY NIÊM: “Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum. Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê, có ông Gioan và ông Giacôbê cũng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức, họ nói cho Người biết tình trạng của bà, Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.”

          Chúa Giêsu đến nhà hai ông Simon và Anrê có hai ông Gioan và Giacôbê cùng theo, điều này gợi cho mỗi người chúng ta thấy được sự quan tâm của Người đối với các Tông Đồ, những người đã được Người chọn gọi mà họ đã đáp lại lời Người, và khi Người biết được người thân trong gia đình bị bệnh thì Người đã chữa lành.

          Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng con niềm tin là Chúa đang hiện diện trong mỗi gia đình. Xin cho chúng con biết trình bày cùng Chúa, những hoàn cảnh thực tại của mỗi thành viên trong gia đình để được Chúa ban ơn và chữa lành, giúp được vui sống bình an.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Giêng

 Giấc Mơ Của Mẹ Têrêxa Calcutta  

Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Aùi chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:

“Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: “Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ”.

Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: “Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng”. 

Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ. 

Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.

Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: “Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng”.

Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh

Bài đọc: I Jn 4:11-18; Mk 6:45-52.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu hòan hảo lọai trừ sự sợ hãi.

Con người sợ nhiều thứ trong cuộc đời: sợ mất những gì đang sở hữu, sợ đau vì phải chịu đủ thứ bệnh tật, sợ ma quỉ, sợ chết, và sợ bị Thiên Chúa phạt. Những nỗi sợ hãi này làm con người trở nên nhát đảm, không dám sống và làm chứng cho sự thật. Sợ hãi tự nó không xấu, nhưng nếu sau khi được thuyết phục bởi lý trí không nên sợ, mà con người vẫn sợ, lúc đó sợ hãi trở thành tội. Khi nào con người không còn sợ hãi nữa, lúc đó con người mới thực sự biết sống. Các Bải Đọc hôm nay xoay quanh tình yêu và sợ hãi.

Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan quả quyết: “Tình yêu hòan hảo lọai trừ sự sợ hãi.” Nếu con người thực sự tin vào tình yêu Thiên Chúa, con người sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì, vì Thiên Chúa hằng yêu thương, quan tâm, và săn sóc mọi sự cho con người. Trong Phúc Âm, các môn đệ sợ bị chìm thuyền vì gió bão, các ông sợ vì có người đi cạnh thuyền như bóng ma; nhưng Chúa Giêsu củng cố niềm tin của các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tình yêu hòan hảo là tình yêu Thiên Chúa.

1.1/ Hai điều kiện để có được Thiên Chúa:

(1) Tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa: Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho con người về tình yêu Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Jn 3:16). Trong Bài Đọc hôm nay, Thánh Gioan làm chứng lại điều này: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.” Và ngài còn đẩy xa hơn: “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.” Điều này hiển nhiên, vì Cha và Con không thể tách rời nhau, hễ có Cha là có Con; vì thế, khước từ Đức Kitô là khước từ tình yêu Thiên Chúa.

(2) Giữ giới luật yêu thương Đức Kitô dạy: Khi một người đã có tình yêu Thiên Chúa ở lại trong lòng, họ không thể sống ngược lại với sự thúc đẩy của tình yêu này: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” Hệ quả là người ấy sẽ dùng đủ mọi cách để đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa, và yêu thương anh em như Thánh Gioan khuyên nhủ: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau,
thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.” Gioan mặc khải cho chúng ta một khía cạnh khác của tình yêu khi ngài nói: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta.” Chúng ta đã nói trong đọan trên: hễ có Con là có Cha, vì Cha-Con không thể tách rời nhau. Ở đây, chúng ta nhận diện ra vai trò của Ngôi Ba Thiên Chúa; hễ có Cha và Con, là cũng có cả Thánh Thần; vì Ba Ngôi Thiên Chúa không thể tách rời nhau. Thánh Thần là tình yêu liên kết giữa Cha và Con.

1.2/ Tình yêu hòan hảo lọai trừ sự sợ hãi: Tình yêu hòan hảo là tình yêu Thiên Chúa; khi con người đã có được tình yêu Thiên Chúa, con người không nên sợ hãi gì cả, vì:

(1) Thiên Chúa uy quyền: Ngài có thể làm mọi sự, và Đức Kitô đã chiến thắng tất cả quyền lực trong vũ trụ này, ngay cả quyền lực của ác thần và sự chết.

(2) Thiên Chúa yêu thương: Ngài trung thành yêu thương tới cùng; vì thế, chúng ta không sợ Ngài sẽ đổi ý, nhưng sợ chính chúng ta sẽ đổi ý mà thôi. Thánh Gioan khuyên con người không nên sợ ngay cả Ngày Phán Xét: “Dựa vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta, đó là chúng ta có thể tự tin trong Ngày Phán Xét, vì Đức Giêsu thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này.”

Nếu một Thiên Chúa uy quyền có thể làm mọi sự và yêu thương đến độ ban Người Con Một để cứu chuộc con người, chúng ta không còn bất cứ lý do nào để sợ hãi, như Gioan nói: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.”

2/ Phúc Âm: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

2.1/ Chúa Giêsu có uy quyền trên gió bão: Ngay sau Phép Lạ “Bánh hóa nhiều,” là Phép Lạ “Đi trên biển và truyền sóng gió phải im lặng.” Thánh Marco tường thuật: “Lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bethsaida trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông.” Khi Người lên thuyền với các ông, sóng gió lặng im. Theo trình thuật, Chúa Giêsu, tuy lên núi cầu nguyện, nhưng mắt Ngài không quên theo dõi các ông. Khi thấy các ông lâm nguy, Ngài đến và giúp các ông thóat khỏi nguy hiểm của gió bão.

2.2/ Các Tông-đồ sợ hãi: Là con người, các ông lo sợ tất cả những gì đe dọa đến sự sống. Trình thuật hôm nay tường thuật 2 nỗi lo sợ của các ông:

(1) Sức mạnh của gió bão: là nỗi lo sợ cho những người sống về nghề thuyền chài. Gió bão có thể làm thuyền chìm và lấy đi mạng sống con người. Hồ Galilee được nhiều người gọi là Biển Hồ vì kích thước to lớn của nó (21km/13km/204m).

(2) Quyền lực của ma quỉ: Cộng với nỗi lo sợ gió bão là nỗi lo sợ ma quỉ. Người Do-Thái tin quyền lực của ma quỉ, và Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ ra khỏi con người. Các ông nhìn ra Chúa, nhưng không thể hiểu một người mà có uy quyền đi trên mặt nước; vì thế, “khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt.”

2.3/ Chúa Giêsu trấn an các Tông-đồ: Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Một khi có Chúa Giêsu đồng hành, con người sẽ không phải sợ hãi bất cứ một quyền lực nào: sóng gió phải yên lặng, ma quỉ phải nghe lời, điều không thể trở thành có thể.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta sợ hãi nhiều thứ và chưa có bình an, vì chúng ta chưa sở hữu và chưa tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu của Thiên Chúa.

– Để có được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải tin tưởng hòan tòan nơi Đức Kitô và giữ các giới răn của Ngài, nhất là giới luật yêu thương.

– Sợ hãi là khuynh hướng tự nhiên của con người; nhưng tình yêu Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sợ hãi trong cuộc đời, để có thể sống bình an và đạt được ý nghĩa của cuộc sống.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************