Ngày thứ tư (07-08-2024) – Trang suy niệm

06/08/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư tuần 18 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Gr 31, 1-7

“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở”.

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Ta sẽ là Thiên Chúa của mọi chi tộc Israel, và chúng sẽ là dân Ta”. Chúa phán thế này: “Dân thoát khỏi tay gươm, đã được nghĩa trong rừng vắng: Israel sẽ đi vào nơi an nghỉ của mình. Từ xa Chúa đã hiện ra với ta mà phán rằng: “Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, bởi đó Ta đã xót thương dắt ngươi đến. Rồi Ta lại kiến thiết ngươi, hỡi trinh nữ Israel, ngươi sẽ được tái thiết. Ngươi lại mang những trống cơm, sẽ bước đi với hội hát vui mừng. Ngươi lại trồng nho trên các núi đồi Samaria; kẻ vun trồng cứ vun trồng và sẽ không hái trái nho khi chưa đến mùa. Vì sẽ đến ngày những người canh gác trên núi Ephraim sẽ kêu lên: “Hãy chỗi dậy, chúng ta đi lên Sion, đến cùng Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Vì Chúa phán thế này: “Hỡi Giacóp, hãy nhảy mừng, hãy hét to vào đầu dân ngoại; hãy nói cho người ta nghe; hãy ca hát và nói lên rằng: ‘Lạy Chúa, xin cứu dân Chúa; những kẻ còn sót lại trong Israel’”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Gr 31, 10. 11-12ab. 13

Đáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).

1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Đấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình.

2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người.

3) Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế. Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan; sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 15, 21-28

“Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

07/08/2024 – THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN

Th. Xít-tô II, giáo hoàng và các bạn tử đạo

Mt 15,21-28

ĐIỀU LÀM CHÚA KHUẤT PHỤC

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.” (Mt 15,28)

Suy niệm: Kinh Thánh nhiều lần nhắc tới chó, nhưng đều là với giọng điệu chê bai, miệt thị. Thánh Phao-lô dùng nó như một lời rủa sỉ nhục (Pl 3,2); sách Khải Huyền thì gọi hạng người “phù thuỷ, sát nhân, gian dâm, thờ ngẫu tượng…” là “quân chó má” (Kh 22,15). Còn người Hy Lạp gọi ai là chó là có ý nói người ấy trơ tráo không biết xấu hổ là gì. Sống giữa hai nền văn hoá ấy, người đàn bà xứ Ca-na-an hẳn là cảm thấy nhục nhã lắm khi bị ví với chó. Nhưng vì thương đứa con gái của mình bị quỷ ám và hẳn bà tin vào Chúa và biết rằng Ngài có ý thử mình nên bà kiên trì kêu xin cách khiêm nhường: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Lòng khiêm nhường thẳm sâu và niềm tin vững mạnh cùng với tình yêu tha thiết bà dành cho con gái đã khuất phục được Đức Ki-tô và Ngài đã ban cho bà điều bà kêu xin: “Lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Mời Bạn: Chúa nói: Chỉ cần lòng tin lớn bằng hạt cải là có thể chuyển núi dời non (x. Mt 17,20). Lòng tin mạnh mẽ và khiêm nhường thẳm sâu như của người đàn bà Ca-na-an này còn có thể lay chuyển được cả Thiên Chúa nữa. Bạn cứ kiên trì cầu xin Chúa với tất cả lòng tin của bạn nhé, chắc chắn Chúa sẽ ban cho bạn gấp bội, điều bạn cầu xin.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy cầu xin Chúa thật tha thiết xin Ngài ban cho điều bạn đang hết sức mong đợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, và cho chúng con biết kiên trì và khiêm tốn trong khi cầu xin. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Đức Giêsu chữa bệnh từ xa,
tại Tia và Xiđon, vùng đất của dân ngoại.
Nhưng chuyện chữa bệnh không quan trọng lắm.
Chuyện quan trọng là lòng tin của người phụ nữ Canaan.
Hẳn bà biết ít nhiều về Do Thái giáo, khi gọi Đức Giêsu là Con Vua Đavít.
Con Vua Đavít là tước hiệu người Do Thái dùng để chỉ Đấng Mêsia.
Bà tin Đức Giêsu có thể chữa lành con gái của bà.

Người phụ nữ trực tiếp gặp Đức Giêsu và ngỏ lời nài xin:
“Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm.”
Người mẹ đau vì con của mình đau.
Bà kêu xin Đức Giêsu thương mình, bằng cách chữa lành cho cô con gái.
Nhưng bà chỉ gặp sự thinh lặng như thể Người không nghe thấy.
Dầu vậy bà vẫn không ngừng đi sau và kêu to.
Tiếng kêu dai dẳng của bà đuổi theo các môn đệ khiến họ bực bội.
Khi không chịu nổi được nữa, họ mới chạy đến với Thầy Giêsu.
“Xin Thầy cho bà ấy đi đi, vì bà ấy cứ kêu sau lưng chúng ta mãi.”
Có vẻ các môn đệ muốn Thầy gặp bà và cho điều bà cần.
Cho đến nay vẫn chưa có cuộc đối thoại giữa bà và Đức Giêsu.
Người phụ nữ vẫn là người độc thoại.
Nhưng Đức Giêsu vẫn chưa muốn nói chuyện với bà.
Người chỉ nói với các môn đệ và xác định sứ vụ của mình:
“Thầy chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Israel thôi.”
Đây là lời từ chối đầu tiên, rõ ràng và dứt khoát.
Nó như đặt một dấu chấm hết cho mọi hy vọng của người mẹ.
Đức Giêsu như muốn nói: Đừng kêu la vô ích.
Chị không phải là chiên của nhà Israel.
Dân ngoại lúc này không phải là sứ vụ của tôi,
vì Cha tôi chưa sai tôi đến.

Lòng tin của người phụ nữ bị thử thách đến tột độ.
Chắc bà bị cám dỗ bỏ đi vì sự thinh lặng lạnh lùng,
và sự từ chối cương quyết của Đức Giêsu.
Nhưng trái tim của một người mẹ không cho phép bà làm thế.
Bà trở nên táo bạo hơn và dám vượt lên trước để gặp Đức Giêsu.
Trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục nài xin:
“Lạy Ngài, xin giúp tôi” (c. 25);
khác với lúc nãy: “Lạy Ngài, xin thương xót tôi” (c. 22).
Cả hai lời nài xin đều nhắm đến người con, dù có vẻ bà chỉ xin cho bà.
Xin giúp tôi bằng cách giúp con tôi khỏi móng vuốt quỷ dữ.
Hạnh phúc của người mẹ gắn liền với hạnh phúc của con,
vì tình yêu nối kết cả hai nên một.
Tuy vậy lời nài xin này của trái tim người mẹ
dường như vẫn chưa đụng được vào trái tim Thầy Giêsu.
Người đưa ra lời từ chối thứ hai
quyết liệt hơn và có thể gây tổn thương nghiêm trọng:
“Không nên lấy bánh dành cho con mà ném cho chó.”
Con ở đây là dân Israel, là người trong nhà, có quyền hành.
Dân ngoại đôi khi được ví với chó nuôi trong nhà.
Hai bên không ở trên cùng một mặt phẳng.
Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái.
Họ tự hào về tính ưu việt của mình
trong tư cách là Dân riêng của Chúa.
Nói chung họ cho rằng chỉ họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

Người phụ nữ không phản đối cái nhìn của Đức Giêsu
Bà không cảm thấy mình bị xúc phạm và giận dữ bỏ đi.
Trái lại, bà đón nhận cái nhìn ấy và tìm thấy một kẽ hở cho ơn Chúa:
“Thưa Ngài đúng thế.
Nhưng chó con cũng được ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ.”
Bà chấp nhận mình chỉ là chó con nuôi trong nhà,
không phải là ông chủ đang ngồi tại bàn ăn.
Bà tin rằng dù mình không đủ tư cách
để ngồi dự bàn tiệc cánh chung như những người Do Thái,
bà vẫn có thể được hưởng chút vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống.
Bà vẫn giữ niềm hy vọng ngay khi bị từ chối thẳng thừng.
Chính lời từ chối của Đức Giêsu lại mở ra niềm hy vọng.

Đức Giêsu bị ấn tượng bởi lòng tin của bà.
Người kêu lên: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật.”
Đức Giêsu từng ngỡ ngàng trước lòng tin của viên bách quản (Mt 8,10-11).
Giờ đây Người đối diện với lòng tin của một người mẹ thương con.
Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin,
khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối.
Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.
Lòng tin mạnh mẽ và khiêm hạ của người mẹ đã chinh phục Đức Giêsu,
và cuối cùng đã chạm được vào trái tim của Người.
Đức Giêsu đã để mình bị cuốn đi, ngỡ ngàng và ngây ngất…

Bây giờ Người mới thực sự nói chuyện với bà: “Này bà…”
Người sẽ làm điều trước đây Người không định làm.
Người sẽ đáp lại lòng tin của bà, lòng ao ước của bà
chỉ bằng một lời nói từ xa cho một cô bé chưa hề gặp mặt:
“Hãy xảy ra cho bà như bà muốn”.

Cô bé đã được chữa lành kể từ lúc đó.
Mẹ cô đã được thương xót và trợ giúp.
Đức Giêsu không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao.
Người vẫn nghe tiếng kêu của con người và chấp nhận những ngoại lệ.
Ngoại lệ cũng nằm trong Ý Cha.
Ý Cha vẫn mở ra mới mẻ từng ngày đòi ta phải tìm kiếm liên tục.
Ngoại lệ hôm nay sẽ mở đường cho sứ vụ ngày mai:
“Các con hãy đi, hãy làm cho mọi dân tộc thành môn đệ,”
để “nhiều người từ Đông sang Tây sẽ đến và dự tiệc trong Nước Trời.”

Xã hội hôm nay không thiếu những bà mẹ khổ vì con mình bị ám.
Ám vì đủ  thứ nghiện ngập do cuộc sống đem lại.
Các bà mẹ thấy mình bất lực, chỉ biết hy vọng vào Chúa.
Nhiều khi có cảm tưởng Chúa không nghe và lạnh lùng trước nỗi đau.
Hãy có lòng tin lớn của người phụ nữ Dân ngoại,
tiếp tục tin, tiếp tục yêu, tiếp tục hy vọng
và biết mình có thể chạm được vào trái tim của Thiên Chúa.

Lời nguyện:

Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG TÁM

Không Gì Có Thể Tách Chúng Ta Ra Khỏi Tình Yêu Thiên Chúa

Thánh Tông Đồ Gia-cô-bê cũng diễn tả tương tự khi ngài dạy các Kitôhữu thái độ đương đầu các thử thách với niềm vui và kiên nhẫn: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).

Cuối cùng, trong Thư gửi các tín hữu Rôma, Thánh Phaolô so sánh những đau khổ của con người và của vũ trụ với ‘cơn đau sinh nở’ của mọi tạo vật. Ngài nhấn mạnh rằng đây là ’những tiếng rên siết’ của những ai lãnh nhận Thần Khí như ‘ơn huệ mở đầu’ nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là ‘cứu chuộc thân xác chúng ta nữa’(Rm 8,22-23).

Rồi, Thánh Phaolô ghi nhận về đau khổ: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định…” (Rm 8,28). Cũng trong văn mạch này, ngài tuyên bố: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35).

Với cảm nhận sâu xa ấy về tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Thánh Phaolô kết luận: “Tôi tin chắc rằng: dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Ở đây Thiên Chúa, Cha chúng ta đang yêu thương chúng ta đời đời trong Đức Kitô. Ngài là người Cha dạy bảo chúng ta trong sự quan phòng yêu thương của Ngài: “Con hãy kiên trì để cho Ta sửa dạy; Ta đối xử với con như con cái. Thật vậy, có đứa con nào mà người Cha không sửa dạy?… Ta sửa dạy con vì lợi ích của con, để con được thông phần vào sự thánh thiện của Ta” (Dt 12,7.10).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 7/8

Thánh Xystô II, Giáo hoàng,

và các bạn tử đạo.

Thánh Cajêtanô, linh mục

Gr 31, 1-7; Mt 15, 21-28.

Lời Suy Niệm: Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được vậy”. Từ giờ đó con gái bà được khỏi. (Mt 15,28)

          Trong câu chuyện người đàn bà goá thành Naim, một người ngoại giáo, đến kêu cầu Chúa Giêsu chữa cho con gái bà khỏi bệnh, nhưng Chúa Giêsu đã thử thách bà trước lời cầu xin của bà: “Không nên lấy bánh cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Nhưng bà vẫn vững tin vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa Giêsu, nên bà đã thưa lại: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

          Lạy Chúa Giêsu, với câu chuyện: “Chúa chữa con gái người đàn bà Ca-na-an này. Xin cho chúng con biết kiên nhẫn trong cầu nguyện, khi phải gặp thử thách, đồng thời luôn ý thức chính qua ân phúc mà Chúa đã ban cho chúng con cũng sẽ đến được với lương dân đang sống chung quanh chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 07-08

Thánh GAETANÔ

(1480 – 1547)

Thánh Gaetanô (Cajetan) là một trong những khuôn mặt lớn đặt nền tảng cho cuộc canh tân Giáo hội tại Ý vào thế kỷ 16. Ngài sinh năm 1480 tại Vicenza, trong một gia đình giầu có và quí phái. Năm 1504, Ngài đậu bằng tiến sĩ luật và giáo luật tại Padua và năm 1508 tham phần vào việc điều khiển Giáo hội tại Roma. Đức Juliô rất quí chuộng Ngài và có lẽ Ngài đã được Đức Giáo hoàng này cử đi thương thuyết với vương quốc Venice, thời kỳ ký hiệp ước Cambray và thời kỳ hậu chiến 1509 -1516.

Có thể những hoàn cảnh này đã gợi lên trong Gaetanô lần đầu tiên ước muốn chấn hưng đạo đức thật sự. Năm 1516 Ngài nhập dòng tình yêu Thiên Chúa ở Roma, một tu hội tìm bảo đảm đời sống thiêng liêng của hội viên bằng kinh nguyện, việc năng lãnh nhận bí tích và thực hiện các công cuộc từ thiện tại các nhà thương, cô nhi viện, trại cải huấn… Ngài thụ phong linh mục ngày 30 tháng 9 năm 1516. Ngài dâng lễ mở tay mấy tháng sau đó và bắt dầu dâng lễ hàng ngày, một thực hành bất thường vào thời đó. Do một người bạn từ Brescia tên là Bartolômeô Stella, Ngài chịu ảnh hưởng của nữ tu Laura Mignani, trong dòng Augustinô. Ngài thường xuyên liên lạc thư từ với chị, nhưng có lẽ không bao giờ gặp mặt chị.

Năm 1517, Ngài trở về Vicenza, nuôi bệnh mẹ lần cuối. Tại đây Ngài chọn cha Fra Batttista Carieni da Grema, một cha dòng Daminh nổi tiếng làm cha giải tội, từ đây Ngài hiến trọn đời phục vụ Thiên Chúa. Sau khi dàn xếp xong câu chuyện và từ bỏ sự tiến cử trong Giáo hội, Ngài hiến 6 năm tiếp làm việc thiêng liêng và bác ái trong các cộng đoàn ở Vicenza, Verona và Venice. Nơi đây, Ngài truyền bá việc rước lễ thường xuyên, lòng tôn sùng Thánh thể, đời sống cầu nguyện hãm mình. Ngài trở thành người hướng dẫn tinh thần và gương mẫu thúc đẩy thánh Hiêrônimô Emilimô lập dòng Somaco.

Dầu vậy năm 1523, khi trở về Roma và dưới sự hứơng dẫn của cha Fra Battista, cha Gaeta gặp các bạn và lập một dòng mới vào năm 1524. Nhân vật chính trong số các bạn của Ngài là Pietro Carafa, sau này sẽ là Đức Phaolô IV. Hai người tính tự nhiên khác hẳn nhau, nhưng lại hợp nhất trong một nhiệt tình muốn canh tân Giáo hội, nhất là ở Roma. Bề trên tiên khởi của dòng là Pietro Crafa, lúc ấy đang làm Tổng giám mục Chicti. Bởi đấy dòng được gọi là Theatinus. Dầu là các linh mục triều, sống thành cộng đoàn và dấn thân làm việc mục vụ. Các hội viên vẫn giữ lời khấn nghèo khó, vâng lời và trong sạch. Từ chối sở hữu mọi của cải, họ không đi ăn xin và chỉ sống nhờ lòng bác ái của các tín hữu. Đây là một cuộc mạo hiểm chống lại những lạm dụng của hàng giáo sĩ thời đó và tìm tái lập nét đẹp tinh thần của chức linh mục.

Cộng đoàn ở Rôma nhỏ bé nhưng đã trở nên trung tâm đạo đức, bác ái và nghiên cứu Phụng vụ. (Năm 1527 bị xâm chiếm. Nhà dòng phải trốn về Venice. Các hội viên nhất là chính cha Gaetanô bị người Tây Ban Nha hành hạ dã man. Mãi tới năm 1555, khi đức Hồng y Carafa lên làm giáo hoàng và cha Gaetanô đã chết nhà dòng mới trở lại Roma)

Cha Gaetanô là bề trên thứ hai của nhà dòng. Linh đạo của cha đã in nét tối hậu tạo thành nếp sống của dòng. Linh đạo này hoà hợp đời mục vụ với đời sống chiêm niệm. Trong khi Đức cha càng ngày càng tích cực với các hoạt động công khai thì cha Gaetanô không ngừng lui vào đời sống ẩn dật. Sự khiêm nhường rất mực của cha Gaetanô trở nên như huyền thoại. Ngài để lại một ít thư từ và không có một tác phẩm nào.

Dầu vậy, Ngài đã đạt tới đỉnh cao thánh thiện và được kính nể nnhư một bậc thánh nhân ngay khi còn sống. Cầu nguyện và rao giảng không biết mệt, tôn sùng Thánh Thể và sống đời nhiệm nhặt, không ngừng làm việc bác ái tông đồ, tất cả những đặc điểm ấy của Ngài ghi dấu vào cuộc canh tân tinh thần của Giáo hội. Ngoài ra, Ngài rất tinh tế trong việc phụng vụ. Nhiều chuyện còn kể các phép lạ Ngài làm khi còn sống. Trong một lá thứ gởi cho chị Mignami, chính Ngài đã kể lại việc Đức Mẹ trao cho Ngài săn sóc Chúa Hài Đồng.

Trên giường bệnh Ngài nói rằng mình phải chịu mọi cực hình thánh giá. Thánh Gaetanô qua đời tại Naples năm 1547, được phong chân phước năm 1629 và năm 1691 Đức Innocentê XII tuyên phong hiển thánh.

*************

Ngày 07-08

Thánh XISTÔ II

Giáo Hoàng và Các Bạn Tử Đạo

Ngày 30 tháng 8 năm 257, Đức Xystô lên ngôi Giáo hoàng, kế vị Đức Stephanô I giữa lúc Giáo hội đang chìm trong con người bách hại thời Valerianô. Pontiô, một phó tế của Thánh Cyprianô gọi Ngài là “Linh mục nhân hậu hòa nhã”. Ngài đã tránh được một cuộc ly khai khi để cho các Giáo hội địa phương tự do theo thói quen rửa tội lại cho các người theo lạc giáo.

Một năm sau thánh Cyprianô loan tin: Đức giáo hoàng Systô đã bị xử tử đêm 6 tháng 8 cùng với 4 vị trợ tá (phó tế) của Ngài. Các Kitô hữu Roma đã bị cảnh sát đột kích trong khi đang cử hành thánh lễ tại hang toại đạo Callistô. Để khỏi bị bắt giam tất cả, Đức Xystô đã hiến mình chịu chết. Ngài bị chặt đầu ngay tại ngai tòa giám mục cùng với 4 vị trong số 7 vị trợ tá (phó tế) của Ngài là Gianuariô. Mahnô, Vicentê và Stêphanô. Hai vị khác là Fêlicissimô và Agapitô đã bị bắt và bị chặt đầu cùng ngày tại hang toại đạo Praetextato.

Cái chết vì đoàn chiên trong những cảnh thương tâm như vậy đã khiến cho Đức Xystô được dân chúng tôn kính rộng rãi. Ngài được mai táng trong hầm mộ giáo hoàng tại chính nơi Ngài chịu chết. Tuy nhiên di hài của Ngài có lẽ đã được Đức Lêô IV (847 – 855) dời về thánh đường Xystô vẫn còn được tôn kính cho đến ngày nay.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

07 Tháng Tám

Con Bọ Cạp Giữa Dòng Sông 

Một tín đồ Ấn giáo nọ xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện…

Ông đang trầm mình giữa dòng sông thì bỗng đâu rác rưởi tấp lại dày đặc xung quanh ông. Trong đống rác, một con bọ cạp đang chao đảo chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung đối với thú vật, người tín đồ Ấn giáo mới chìa cánh tay ra để cứu vớt con vật. Nhưng cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật dùng chiếc vòi độc của nó đốt lấy. Người đàn ông không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hãn, ông càng chịu đựng để nó dùng nọc độc chích liên hồi, miễn là cứu sống nó thoát khỏi dòng nước đang cuốn trôi.

Có người theo dõi cảnh tượng, mới trách người tín đồ như sau: “Ông mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích mà thôi”.

Người tín đồ Ấn giáo mới điềm nhiên trả lời: “Bản chất của con bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt”.

Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người: xấu và tốt, bạn và thù… Kẻ xấu là người đáng xa lánh, người thù thì phải oán căm sâu sắc… Chúa Giêsu đã đánh đổ mọi thứ óc “biệt phái”. Những kẻ bị xã hội loại ra bên lề đã được Ngài biến thành bạn hữu, những kẻ đồng bàn. Ngài đã không nhìn người bằng những nhãn hiệu có sẵn, mà chỉ bằng hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Trong cái nhìn ấy, hàng rào giữa bạn và thù, giữa tốt và xấu sẽ được tháo gỡ giữa mọi người. Trong cái nhìn ấy, tất cả mọi người đều có chung một danh xưng; đó là anh em của nhau…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 18 – TN2 

Bài đọc: Jer 31:1-7; Mt 15:21-28

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa

Để hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thể học hỏi trong cách đối xử của con người. Khi một người bị xúc phạm, có kiên nhẫn lắm họ cũng chỉ tha thứ tối đa là ba lần. Khi một người đã có thành kiến với một người, một nhóm, hay một dân tộc, anh sẽ không muốn nhìn mặt hay có bất cứ gì chung với đối phương. Nếu Thiên Chúa đối xử với con người như thế, hỏi còn được mấy người sống trên thế gian này? Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người tất cả chỉ với điều kiện là họ ăn năn trở lại. Ngài ban ơn cho cả người tin lẫn người không tin nơi Ngài.

Các Bài đọc hôm nay muốn nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah tuyên sấm: mặc dù con cái Israel đã nhiều lần xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài vẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ mọi tội nếu họ biết ăn năn quay về. Ngài sẵn sàng nối lại nghĩa cũ tình xưa và phục hồi tất cả những gì họ có như thuở ban đầu. Trong Phúc Âm, một người đàn bà dân ngoại xứ Phoenicia đến năn nỉ Chúa Giêsu chữa lành cho đứa con gái bị quỉ ám. Sau khi thử thách niềm tin của bà cách trầm trọng và nhận ra lòng tin yêu của Bà, Chúa ban cho Bà như lòng sở nguyện.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lòng thương xót của Chúa tồn tại muôn đời.

1.1/ Lý do con cái Israel bị lưu đày.

Thiên Chúa sửa phạt con cái Israel vì họ đã không chịu nghe lời Ngài: Đền-thờ Jerusalem bị tàn phá, của cải trong Đền-thờ bị lấy đi, và cả vua lẫn dân phải lưu đày bên Babylon. Trong trình thuật hôm nay tiên tri Jeremiah loan báo: Chúa sửa phạt rồi Chúa lại xót thương. Sau một thời gian thanh luyện ở Babylon, Chúa sẽ mang những người còn xót lại trở về Jerusalem và Đền thờ sẽ được tái thiết trở lại.

Điều kiện thiết yếu là số còn sót lại phải nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại. Ngôn sứ Jeremiah so sánh cuộc hồi hương như biến cố Xuất Hành lần thứ hai, họ sẽ được Thiên Chúa dẫn số còn sót “lên đường về chốn nghỉ ngơi.”

1.2/ Tình yêu của Thiên Chúa vẫn dành cho dân tộc Israel.

Không giống như thói thường của con người, họ không thể chịu nổi sự bất trung, nhất là lại tái phạm nhiều lần; lòng thương xót của Chúa không bị hủy họai bởi tội lỗi và sự bất trung nhiều lần của Israel. Lý do của sự kiên nhẫn này đã được tiên tri Êzekiel đã loan báo: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối và được sống.”

Tiên tri Jeremiah hôm nay cũng nhắc lại lòng thương xót này: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ lại xây ngươi lên, và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Israel.”

Con cái Israel sẽ nhận ra tình yêu độ lượng của Thiên Chúa qua những gì Ngài phục hồi cho họ: Họ sẽ lại được vào Đất Hứa tràn trề sữa và mật như xưa, họ sẽ thống nhất lãnh thổ chứ đất nước không còn bị chia đôi, họ sẽ xây dựng lại Đền Thờ và lại có những ngày hội vui thủa trước khi tiến lên Đền Thờ tại Jerusalem. Họ sẽ hãnh diện với các dân tộc chung quanh vì “Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Israel!”

2/ Phúc Âm: Đức tin vững mạnh của người đàn bà xứ Canaan.

Trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu hầu như không ra ngoài lãnh thổ của Israel. Các Phúc Âm chỉ thuật lại một lần biến cố Chúa qua Tyre và Sidon, hai thành phố thương mại phồn thịnh của vùng Cận Đông ngày xưa, Lebanon ngày nay.

2.1/ Người đàn bà xót thương con gái mình.

Bà thương con khi thấy con bị đau đớn khổ sở! Lòng thương con là động lực thúc đẩy Bà vượt qua mọi trở ngại để đến với Chúa. Bà kêu lên Chúa: “Lạy Ngài là con vua David, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”

2.2/ Người đàn bà vững lòng tin vào Chúa: Rất nhiều trở ngại bà phải vượt qua, nhưng bà tin chắc chỉ có Chúa mới có thể chữa con bà.

Chúa và các tông đồ là người Do-thái, bà là người xứ Canaan, Dân Ngoại. Theo sử gia Josephus, người Canaans là kẻ thù của người Do Thái. Đó là lý do tại sao Chúa trả lời cho các môn đệ: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Lòng thương xót con giúp bà gạt bỏ tự ái đến gặp Chúa và khiêm nhường xin Ngài thương bà và chữa lành cho con gái của bà. Đáp lại lời cầu xin của bà, Chúa vẫn thinh lặng và các môn đệ của Ngài gần như xua đuổi bà; dẫu vậy bà vẫn không bỏ cuộc. Bà đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”

Chúa thử đức tin bà trầm trọng khi Ngài nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Thử tưởng tượng phản ứng của chúng ta thế nào khi nghe người khác gọi con chúng ta là chó! Chúng ta có can đảm để đứng lại nài van xin ơn? Nhưng bà vẫn không bỏ cuộc và đáp lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

2.3/ Chúa xót thương và ban cho bà được như sở nguyện.

Đức tin cần được thử thách như lửa thử vàng. Sau khi đã thử thách đức tin của bà, Chúa đã nhìn thấu suốt tâm hồn bà. Ngài đã nhìn thấy một tình thương vô bờ của người mẹ dành cho đứa con bệnh tật, nhất là một đức tin không lay chuyển trước mọi thử thách, nên Chúa nói với bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, và lòng thương xót làm cho chúng ta giống Ngài hơn bất cứ đặc tính nào. Chúng ta hãy có lòng thương xót tha nhân.

– Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ, Ngài xót thương những kẻ biết thương xót; và không chút thương xót kẻ không biết xót thương. Chúng ta có thể van xin lòng thương xót của Chúa trong khi từ chối không xót thương anh chị em mình?

– Lòng thương xót không có biên giới và thời gian, không chỉ giới hạn trong vòng thân quen cũng chẳng giới hạn bao nhiêu lần; bao nhiêu lần trở lại bấy nhiêu lần thương xót.

– Sống trong một xã hội càng ngày càng mất đi lòng thương xót (ly dị, cha mẹ từ con, con từ cha mẹ, anh chị em không thèm nhìn nhau…), chúng ta nghĩ sao về lòng thương xót Chúa trong trình thuật hôm nay?

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************