Ngày thứ sáu (26-07-2024) – Trang suy niệm

25/07/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu – Tuần 16 Thường Niên

Thánh Gioakim và Thánh Anna.

BÀI ĐỌC I: Gr 3, 14-17

“Ta sẽ ban cho các ngươi chủ chăn theo như ý Ta; và mọi dân tộc sẽ quy tụ tại Giêrusalem”.

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Hỡi con cái phản loạn, hãy hối cải, vì Ta là chủ các ngươi, Ta sẽ chọn trong các ngươi một người trong mỗi thành và hai người trong mỗi chi họ; Ta sẽ dẫn các ngươi lên Sion. Ta sẽ ban cho các ngươi những chủ chăn theo như ý Ta, để họ dùng lý trí và khôn ngoan chăn dắt các ngươi”. Chúa lại phán: “Trong những ngày ấy, khi các ngươi sinh sản ra nhiều trong xứ, thì người ta không còn nói đến Hòm Bia Thiên Chúa nữa. Người ta sẽ không còn nghĩ tới, nhớ tới, hối tiếc và tạo lập hòm bia khác nữa. Lúc đó, người ta sẽ gọi Giêrusalem là ngai của Chúa, mọi dân tộc nhân danh Chúa mà quy tụ tại Giêrusalem, và họ không theo lòng gian ác độc dữ của mình nữa”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Gr 31, 10. 11-12ab. 13

Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).

1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: “Ðấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó, như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình”.

2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người.

3) Bấy giờ người thiếu nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ.

ALLELUIA: Gc 1, 13

All. All. – Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – All.

PHÚC ÂM: Mt 13, 18-23

“Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

26/07/2024 – THỨ SÁU TUẦN 16 TN

Th. Gio-a-kim và An-na, song thân Đức Ma-ri-a

Mt 13,18-23

NGƯỜI GIEO GIỐNG LẠC QUAN

“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.” (Mt 13,18)

Suy niệm: Những cây họ đậu có một khả năng đặc biệt. Bộ rễ của chúng có những nốt sần tích tụ rất nhiều chất đạm từ trong khí trời. Khi nó chết đi, chất đạm trong bộ rễ của nó biến thành một thứ phân bón giúp cải tạo đất xấu thành đất tốt. Thiên Chúa là chủ ruộng. Ngài gieo hạt giống Lời Chúa vào mọi tâm hồn, bất kể người tốt kẻ xấu. Điều Ngài mong muốn là mọi tâm hồn đều phải được đón nhận Lời Ngài, dù họ chưa sẵn sàng đón nhận, dù họ trổ sinh bông hạt ít hay nhiều. Ngài có lý do để lạc quan và hào phóng như thế không chỉ vì hạt giống Lời Chúa không bao giờ sợ cạn kiệt, mà cũng như các loại cây họ đậu, Lời Ngài còn có sức cải tạo những mảnh hồn sỏi đá, gai góc trở thành những cánh đồng tốt tươi màu mỡ.

Mời Bạn: Bạn có nản lòng vì mình nghe Lời Chúa đã nhiều mà chưa sinh hoa trái gì? Hoặc bạn có bi quan vì đã đổ ra biết bao công khó trong công việc tông đồ mà kết quả chỉ là số không? Mời bạn chiêm ngắm vị Thiên Chúa đầy lạc quan và nhẫn nại qua dụ ngôn người gieo giống và bạn ghi nhớ Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…” (2 Tm 4,2-5). Bạn có sáng kiến gì để phát triển việc Chia Sẻ Lời Chúa trong giáo xứ, gia đình, hoặc cộng đoàn của bạn?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian thích hợp để suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù tâm hồn con có chai lì khô cứng, Chúa cũng không coi đó là một mảnh đất bỏ đi, xin cho con không bao giờ nản lòng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, và cho con biết luôn quảng đại nhiệt thành rao giảng Lời Chúa cho anh chị em con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Dụ ngôn người gieo giống của Đức Giêsu là một dụ ngôn đầy nét hy vọng.
Nếu có một lúc nào đó người môn đệ chán nản
vì thấy có bao hạt giống được gieo vãi mà chẳng thu lại được gì,
bao điều cản trở sự lớn lên của Nước Thiên Chúa,
thì dụ ngôn này nhắc cho họ thấy rằng có những hạt lúa được bội thu.
Kết quả của những hạt lúa bội thu thì gấp nhiều hơn số lúa đã gieo vãi.

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời giải thích dụ ngôn trên của Đức Giêsu.
“Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống” (c. 18).
Đức Giêsu mời gọi như thế với các môn đệ của thời Ngài và của mọi thời đại.
Cả bốn hạng môn đệ sắp được Ngài kể ra đều là những người đã nghe Lời.
Lời đây là lời Tin Mừng, lời giảng dạy của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.
Lời này được ví như hạt giống mà Đức Giêsu gieo vãi trong tim môn đệ (c. 19).
Trái tim người môn đệ là một thửa đất nhận hạt giống ấy.
Chỉ có một loại hạt giống như nhau, cũng như chỉ có một người gieo.
Kết quả khác nhau là tùy vào chất lượng của đất, chất lượng của trái tim.

Có bốn loại đất, bốn loại môn đệ với tâm hồn khác nhau.
Loại đất vệ đường, đất cứng, khiến hạt giống chỉ nằm ở bên trên.
Lời Chúa chỉ được nghe suông ngoài tai, nhưng không được đón nhận vào tim.
Chính vì thế loại môn đệ này được coi là không hiểu (c. 19).
Không hiểu không phải vì trí khôn kém cỏi hay vì người truyền đạt yếu.
Không hiểu chỉ vì không muốn hiểu, lòng không muốn đón nhận.
Khi lòng không ưng thì quỷ đến và cướp mất hạt giống đã gieo.

Loại đất sỏi đá là loại đất chỉ có một lớp đất mỏng thôi.
Hạt giống được gieo thì mọc lên ngay,
nhưng vì không có rễ sâu nên chỉ sống được một thời gian ngắn (c. 21).Loại môn đệ thứ
ai này chẳng những nghe mà còn vui vẻ đón nhận ngay(c. 20).
Nhưng sự đón nhận vội vã này rất hời hợt, và niềm vui cũng không sâu.
Họ tưởng làm môn đệ chỉ gặp toàn niềm vui và an bình.
Chính vì thế khi phải trả giá để sống Lời Chúa, thì họ vấp ngã ngay và bỏ cuộc.

Loại đất có bụi gai là đất có thể làm hạt giống lớn lên thành cây,
nhưng cây lại bị gai lấn át làm chết ngạt (c. 22).
Bụi gai của loại môn đệ này là nỗi lo lắng chuyện đời và lòng ham mê giàu có.
Bụi gai nằm ngay giữa thửa đất trái tim, lớn mạnh đến nỗi làm cây lúa úa vàng.

Cuối cùng là đất tốt, đất chẳng như vệ đường, chẳng có sỏi đá hay bụi gai.
Hạt giống gặp đất tốt này thì sinh hạt, hạt được một trăm, sáu chục hay ba chục.
Loại môn đệ cuối này khác hẳn với loại thứ nhất vì nghe và hiểu Lời Chúa (c. 23).
Tuy nhiên, kết quả đem lại nhiều hay ít còn tùy mức độ mở ra của từng người.

Lời Chúa hôm nay mời ta nhìn lại thửa đất của trái tim mình.
Những cứng cỏi, những hời hợt thiếu rễ sâu, những chi phối của đam mê vật chất.

Bao hạt giống được gieo mà chưa sinh hoa trái.
Xin Chúa giúp ta dọn dẹp, cải tạo lại thửa đất của tâm hồn
để tim ta có ít chỗ cho thế gian và nhiều chỗ hơn cho Thiên Chúa.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng
Chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống
Đã âm thầm chịu nát tan
Để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.

Có bao điều tốt đẹp
Chúng con được hưởng hôm nay
Là do sự hy sinh quên mình của người đi trước,
Của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng,
Của ông bà, cha mẹ, thầy cô,
Của những người đã nằm xuống
Cho quê hương dân tộc.
Đã có những con người sống như hạt lúa,
Để từ cái chết của họ
Vọt lên sự sống cho tha nhân.

Nhờ công ơn bao người,
Chúng con được làm hạt lúa.
Xin cho chúng con
Đừng tự khép mình trong lớp vỏ
Để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình,
Nhưng dám đi ra
Để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.
Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.
Để chọn tha nhân và Thiên Chúa,
Chúng con phải chết cho chính mình.
Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua
Đi từ cõi chết đến nguồn sống,
Đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở
Trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

26 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Muốn Thiết Lập Vương Quyền Của Ngài Trong Đời Sống Chúng Ta

Từ những suy tư rút ra từ các Thư của Thánh Phao-lô như trên, chúng ta có thể hiểu hơn giáo huấn của Đức Kitô về sự quan phòng bao trùm mọi sự của Cha trên trời (Mt 6,25-34 và Lc 12,22-31): “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi các thứ khác sẽ được ban thêm cho” (Mt 6,33; Lc 12,31).

Nói “trước hết”, Đức Giêsu cho thấy rõ Thiên Chúa muốn gì trước hết nơi mỗi chúng ta. Điều mà Thiên Chúa nhắm đến trước hết trong công cuộc sáng tạo thế giới, điều mà Ngài ao ước ở chung cuộc của thế giới chính là thiết lập “Nước của Ngài và sự công chính của Ngài” trong đời sống chúng ta. Toàn thể thế giới đã được tạo thành trong định hướng qui về Vương Quốc này. Thế giới được tiền định để đạt tới sự viên mãn của nó nơi con người và nơi lịch sử của con người trong thời gian của Thiên Chúa. Vương quyền của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, đó là điều mà thế giới và con người được tiền định từ đời đời trong Đức Kitô.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 26/7

Thánh Gioakim và Thánh Anna

(Song thân Đức Maria)

Gr 3, 14-17; Mt 13, 18-23.

(hoặc Hc 44,1-10. 15; Mt 13,16-17)

Lời suy niệm: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” (Mt 13,16-17)

          Chúa Giêsu đang vui mừng với tất cả những ai là tín hữu của Người, bởi vì mỗi người tín hữu đã biết dùng chính đôi mắt và đôi tai để nghe lời Kinh Thánh và những lời giáo huấn của Giáo Hội mà nhận ra Thiên Chúa là Cha của mình, Đấng ngự trên trời, biết được tình yêu thương của Ngài và ý muốn của Ngài là đang chờ đợi ngày mọi người con được sum họp với Ngài trong Nước Trời.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành viên trong gia đình của chúng con luôn biết dùng đôi mắt và đôi tai với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, để nhận biết Thiên Chúa là Cha mà yêu mến tôn thờ với vâng phục Ngài, để mai sau được cùng nhau vui hưởng hạnh phúc trong Nước Trời. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 26-07: Thánh GIOAKIM VÀ ANNA

Phụ Mẫu Của Đức Trinh Nữ Maria

Chúng ta không biết chắc được điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ. Những điều liên quan tới các Ngài mà chúng ta biết được là do các ngụy thư, đầy tính chất hoang đường. Khi óc tò mò của dân chúng không được thỏa mãn với các chi tiết thánh kinh và thánh truyền cung ứng cho, thì óc tưởng tượng đã lấp đầy khoảng trống.

Cuốn ngụy thư “Phúc âm thánh Giacôbê”, một văn nguồn vào thế kỷ thứ II, có nhiều chỉ dẫn liên quan đến cha mẹ và cuộc đời thơ ấu của Đức Trinh nữ. Những chỉ dẫn này rất giống câu chuyện về tuổi trẻ của Samuel trong sách ISm 1-2. Các học giả cho rằng chúng chỉ cho là một sự bắt chước, chính danh xưng Anna cũng không có gì chắc chắn vì nó trùng với tên mẹ tiên tri Samuel.

Dường như khuôn mặt Gioakim cũng dựa một phần vào người chồng của Suzana trong sách Daniel 13. Cần phải nhớ rằng thánh Luca khi dùng những chương sách ISm làm khung cho bản tường thuật về cuộc sinh hạ và tuổi trẻ của thánh Gioan Tẩy giả, Ngài đã cẩn thận dùng sự kiện lịch sử để bảo đảm sự sống đời này.

Tuy nhiên nét đẹp của câu chuyện, như hầu hết các truyện thần thoại khác, đều có giá trị biểu trưng của nó, truyện kể rằng ông bà Gioakim và Anna son sẻ. Đây là một thử thách lớn lao đối với các Ngài. Nhưng một thiên thần đã báo cho biết họ sinh một con trẻ, họ sẽ đặt tên là Maria và cung hiến cho Thiên Chúa. Nếu các Ngài chọn đau khổ là vì mọi đóng góp vào công cuộc cứu rỗi đều bao hàm sự chia sẻ thánh giá với Chúa Kitô.

Đàng khác, sự son sẻ của Anna gợi lên chủ đề quen thuộc trong Cựu ước, theo đó con trẻ là quà tặng của Thiên Chúa. Điều này được nhấn mạnh đặc biệt trong truyền thống về các tổ phụ Isaac, Giacob và Giuse về quan án Samson và tiên tri Samuel. Các Ngài đều sinh ra bởi các bà mẹ không có hy vọng sinh con. Định mệnh của Thiên Chúa chỉ bởi Thiên Chúa mà thôi.

Người Israel chân chính viết rằng mình không thể tự mãn được và phải tùy thuộc vào sáng kiến của Thiên Chúa. Huyền thoại đặt cuộc sinh hạ của Đức trinh Nữ Maria vào dòng tư tưởng này như cao điểm của chủ đề và sự bất lực của con người trước uy quyền của Thiên Chúa.

Việc tôn sùng thánh Anna có từ thế kỷ thứ VI bên Đông phương vào đầu thế kỷ VIII bên Roma. Cuối thời Trung Cổ, lòng sùng kính lan rộng khắp Au Châu. Dường như năm 1382 do sự khẩn nài của nước Anh, lễ kính Ngài lần đầu tiên được mừng hàng năm. Nhưng chỉ mới từ hai thế kỷ gần đây lễ này mới được ghi vào lịch chung Roma.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

26 Tháng Bảy

Vết Sẹo Nơi Bàn Chân

Ông Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa… Từ đó, ông đã bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở: “Chính vết thương này đã làm ta nên người”.

Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Thương tích dường như là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Vấp ngã là điều thường tình trong thân phận con người. Chúng ta không nhìn lại những vết sẹo trong tâm hồn để nuối tiếc quá khứ, nhưng để nhận rõ dấu chỉ của một tình thương bao la cao cả hơn. Phải, Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Nói như thánh Phaolô: nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng của Chúa càng dồi dào.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 16 – TN2 

Bài đọc: Jer 3:14-17; Mt 13:18-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải chuẩn bị tâm hồn mới mong Lời Chúa sinh hoa kết quả.

Cho dẫu có người gieo giống, có hạt giống, điều quyết định để hạt giống có thể sinh hoa kết trái vẫn là khu đất mà hạt giống được gieo vào. Nếu khu đất này chỉ toàn đá sỏi, bụi gai hay bụi rậm, hạt giống sẽ không thể sinh hoa kết trái được; nhưng nếu khu đất đã được cày bừa, vun xới, hạt giống sẽ đạt tới tiềm năng của nó. Tương tự như thế cho hạt giống Lời Chúa; điều quyết định cho Lời Chúa được sinh hoa kết trái là tâm hồn con người. Nếu Lời Chúa được gieo vào những tâm hồn đã được chuẩn bị, Lời Chúa sẽ tăng trưởng và giúp người đó đạt được những hoa trái như lòng mong ước của họ và của Thiên Chúa; nếu Lời Chúa được gieo vào những tâm hồn hờ hững hay cứng cỏi, làm sao nó có thể sinh hiệu năng như Thiên Chúa mong ước!

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ về hiệu quả của Lời Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah kêu gọi con cái Israel hãy biết ăn năn trở lại. Nếu họ biết thật lòng hối cải, cho dù chỉ là một số nhỏ, Thiên Chúa sẽ đưa họ về. Họ sẽ tái thiết quốc gia và dựng lại Đền Thờ đã bị san phẳng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa rõ ràng 4 khu đất mà Lời Chúa được gieo vào, và cho những lý do về hiệu năng của chúng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Jerusalem.

1.1/ Số còn sót lại sẽ được chăn dắt bởi những mục tử tốt lành.

Ngay cả trong nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn không ngừng gởi tới con cái Israel những ngôn sứ của Ngài: Isaiah II, Jeremiah, Ezekiel, Sophoniah, Nahum… Mục đích là để cung cấp niềm hy vọng cho họ. Trình thuật hôm nay được coi như những lời của Jeremiah trong khi lưu đày. Ông kêu gọi dân chúng nếu họ biết ăn năn quay về, Thiên Chúa sẽ đổi số phận cho họ: “Sấm ngôn của Đức Chúa: Trở về đi, hỡi lũ con phản bội, vì Ta vẫn là chủ các ngươi. Ta sẽ lấy của các ngươi mỗi thành một người, mỗi thị tộc hai người, và đưa về Sion.”

Khi được trở về quê hương, họ sẽ không còn bị cai trị bởi những nhà lãnh đạo vô thần; nhưng với những nhà lãnh đạo hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa: “Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta; chúng sẽ chăn dắt các ngươi với hiểu biết (dơat) và khôn ngoan (sakal).” Hai đặc tính, hiểu biết và khôn ngoan, rất quan trọng cho các nhà lãnh đạo của Thiên Chúa. Khi có hai đặc tính này, các nhà lãnh đạo sẽ biết khiêm nhường nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và hướng dẫn dân chúng bước theo những chỉ thị của Ngài, để được Ngài yêu thương, chăm sóc, và bảo vệ.

1.2/ Jerusalem sẽ được gọi là “Ngai toà của Đức Chúa.”

Mặc dù số còn sót chỉ là số nhỏ so với số lớn dân chúng trước thời lưu đày; nhưng với thời gian, họ sẽ dần dần tăng số và phát triển. Hiệu năng của Lời Chúa không tùy thuộc vào một đám đông hỗn hợp, nhưng sẽ phát triển mạnh với một số nhỏ biết đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa.

Trình thuật đề cập đến sự qua đi của Hòm Bia của Đền Thờ thứ nhất: “Người ta sẽ không còn nói đến Hòm Bia của Đức Chúa nữa, không còn lưu tâm, không nhớ tới, chẳng nuối tiếc, cũng chẳng làm lại nữa.” Hòm Bia tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở với loài người, khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài là Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là lý do Jeremiah nhìn thấy sự không cần thiết của Hòm Bia nữa.

Jeremiah cũng nhìn thấy trước sự tăng trưởng của Jerusalem, nó không còn chỉ giới hạn trong vương quốc Judah; nhưng là trung tâm của con cái Israel như thời của vua David. Hơn thế nữa, nó còn là trung tâm mà mọi quốc gia trên thế giới đều hướng về: “Thời ấy, Jerusalem sẽ được gọi là “Ngai toà của Đức Chúa,” và mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Jerusalem.” Được sự chăm sóc và dạy bảo bởi chính Thiên Chúa, “chúng sẽ không còn sống buông thả theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình nữa.” Đây là điểm chính yếu của ngôn sứ Jeremiah: Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới đặt căn bản trên tình yêu (Jer 31:31-34).

2/ Phúc Âm: Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả.

Như nhà nông phải chuẩn bị thửa ruộng bằng cách cầy bừa để nhặt đi tất cả sỏi đá và gai góc, san phẳng và giữ đất cho ẩm trước khi gieo hạt giống vào; con người cũng phải chuẩn bị tâm hồn bằng cách dành thời gian cho tâm hồn lắng đọng xuống, xua đi tất cả những lo toan và bất an của cuộc sống, cầu xin Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn trước khi nghe Lời Chúa. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể của những người nghe Lời Chúa và hậu quả:

(1) Miền vệ đường: Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.” Đây là những người có thái độ khinh thường hay không quan tâm đến những gì Chúa dạy: Những người tham dự Thánh Lễ cách chiếu lệ, đi lễ trễ khi Lời Chúa đã bắt đầu, ra ngoài hút thuốc, hay nói chuyện, hay ngủ gật, hay để trí óc viễn du, khi linh mục cắt nghĩa Lời Chúa. Những người không bao giờ chịu tham dự các dịp tĩnh tâm giáo xứ hay học hỏi Lời Chúa dưới bất cứ hình thức nào. Với thái độ khinh thường Lời Chúa như thế, làm sao Lời Chúa có thể vào trong tâm hồn để sinh lợi ích được!

(2) Miền sỏi đá: Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.” Đây là những người cũng chịu chú ý nghe Lời Chúa, nhưng không chịu bỏ thời gian để học hỏi, để suy gẫm, và để đào sâu Lời Chúa. Họ dành rất nhiều thời gian để giải trí, trò chuyện, hay đọc những sách vô bổ; nhưng luôn than không có giờ để đọc Lời Chúa hay Lời Chúa khó hiểu! Nếu họ không hiểu Lời Chúa, làm sao họ có thể áp dụng trong cuộc sống để sinh ích cho cuộc đời họ!

(3) Miền bụi gai: “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.” Đây là những người chỉ quan tâm hay quá đặt nặng sự quan trọng của đời sống vật chất: Họ đặt những mối lợi vật chất trên sự kính mến Thiên Chúa và hiểu biết Lời Chúa. Họ chọn đi lễ nào cha giảng ngắn nhất, giờ lễ tiện nhất, mặc dù chẳng hiểu gì Lời Chúa hay Bài Giảng; để còn kịp giờ làm hay có nhiều giờ đi chơi, giải trí. Đây cũng là những người đặt lợi lộc vật chất trên tình nghĩa anh em. Họ không dám hy sinh lợi lộc vật chất để sống và làm chứng cho Lời Chúa.

(4) Miền đất tốt: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” Đây là những người luôn đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, ham muốn học hỏi, và thi hành Lời Chúa. Họ biết chuẩn bị tâm hồn, đọc trước và suy gẫm Lời Chúa trước khi tới nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Hơn nữa, họ luôn tìm dịp để học hỏi và nghiên cứu thêm; đồng thời biết áp dụng Lời Chúa trong mọi trường hợp của cuộc đời. Không lạ gì khi đời sống của họ luôn tăng trưởng về mọi phương diện: tâm linh, trí tuệ, tình cảm, và nhân bản.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chuẩn bị tâm hồn là điều kiện tiên quyết để Lời Chúa được sinh hoa kết quả cho người nghe. Chúng ta đừng bao giờ nghe hay học hỏi Lời Chúa mà không chuẩn bị. Ngoài ra, chúng ta đừng để cho Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi những lo âu và toan tính của trần thế.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************