Ngày thứ sáu (12-04-2024) – Trang suy niệm

11/04/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần 2 Phục Sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 5, 34-42

“Các ngài hân hoan ra về, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Đức Giêsu”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ, có người biệt phái tên là Gamaliel, cũng là luật sĩ, có thế giá trong dân, đứng lên giữa công nghị, truyền dẫn các tông đồ ra ngoài trong giây lát, rồi nói với các người trong công nghị rằng: “Hỡi chư vị Israel, xin hãy thận trọng về việc chư vị định làm đối với những người này. Vì trước đây ít ngày, có tên Thêôđa nổi lên, tự xưng là một nhân vật, có độ bốn trăm người theo mình, y đã bị giết, và nhóm người theo y đều tan rã và không còn gì nữa. Sau y, lại có tên Giuđa người Galilêa, cũng nổi lên trong những ngày kiểm tra dân số, lôi kéo dân chúng theo mình, rồi chính hắn cũng chết, mọi kẻ theo hắn đều tan rã. Và bây giờ, tôi xin chư vị đừng can dự gì đến những người này, cứ để mặc họ: vì nếu một mưu toan hay việc này là do loài người, thì sẽ tự tan rã; nhược bằng bởi Thiên Chúa, thì chư vị không thể phá tan được, kẻo lỡ ra mang tội chống đối Thiên Chúa”. Họ đồng ý. Họ cho gọi các tông đồ vào, ra lệnh đánh đòn các ngài, và cấm tuyệt đối không được nhân danh Đức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giêsu. Và hằng ngày, tại đền thờ hay tại tư gia, các ngài cứ tiếp tục giảng dạy, và loan truyền Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 26, 1. 4. 13-14

Đáp: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi (c. 4ab).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.

ALLELUIA: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! – Nếu anh em sống lại làm một với Đức Kitô, thì anh em hãy kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô, đang ngự bên hữu Thiên Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 6, 1-15

“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.

Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

12/04/2024 – THỨ SÁU TUẦN 2 PS

Ga 6,1-15

CHIA SẺ SẼ ĐƯỢC NHẬN LÃNH

Ngước mắt lên, Đức Giê-su thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5)

Suy niệm: Phúc Âm Gio-an không chỉ dùng dụ ngôn mà còn tường thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều để khởi dẫn cho những giáo huấn của Chúa Giê-su về bí tích Thánh Thể. Trước khi lấy thân mình làm lương thực nuôi linh hồn, Ngài đã hoá bánh ra nhiều để thết đãi những người đang đói Lời Chúa một bữa ăn no nê. Miếng cơm tấm bánh vật chất có liên quan mật thiết với Thánh Thể Chúa biết bao! Một mặt không thể rao giảng Tình yêu Thánh Thể mà lại nhắm mắt làm ngơ trước những nhu cầu cơm ăn áo mặc hằng ngày của anh chị em mình; mặt khác cũng không được mải mê tìm kiếm của ăn vật chất trong khi xao nhãng việc bồi dưỡng linh hồn bằng “lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).

Mời Bạn: Dù bạn có ‘của ăn của để’ hay chỉ có “năm chiếc bánh và hai con cá” thôi, bạn cũng đừng lo ngại rằng nếu chia sẻ mình sẽ nghèo đi. Ngay cả khi bạn nghèo ‘khố rách áo ôm’ đi nữa, bạn cũng có thể ‘cắn đôi hạt muối’ để chia sẻ cho anh chị em mình. Nếu không biết chia sẻ, ta chưa thực sự sống mầu nhiệm Thánh Thể.

Chia sẻ: Lòng ham mê của cải khiến tâm hồn con người bị bóp nghẹt, không còn chỗ cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Bạn có nhận thấy điều đó không?

Sống Lời Chúa: Cắt giảm một khoản chi tiêu nào đó của mình để dành vào việc chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con mặc lấy tâm tình của Chúa, biết hiến thân mình để phục vụ tha nhân. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Có người coi tôn giáo như một thứ duy tâm, duy linh,
chỉ để ý đến chuyện linh hồn, chuyện đời  sau,
mà hững hờ với cái đói cái no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật.
Kitô giáo hẳn không phải là thế.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian
không phải chỉ bằng việc rao giảng như một thầy dạy,
mà còn bằng việc chữa bệnh thân xác như một thầy thuốc.
Ơn cứu độ do Ngài mang lại có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn,
và ơn cứu độ ấy đã bắt đầu ngay từ đời này rồi.

Trong Mùa Phục sinh, Giáo hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan,
bởi lẽ chương này nói về Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống.
Chương này khởi đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Phép lạ diễn ra ở bên kia hồ Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt.
Đám đông đến với Đức Giêsu đang ở trên núi với các môn đệ.
Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi bất ngờ của Thầy Giêsu :
“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”
Các câu trả lời của hai ông Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng.
Hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7).
Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9).

Nhưng Đức Giêsu lại cần năm cái bánh và hai con cá đó.
Ngài đón nhận sự đóng góp của con người, dù là rất nhỏ mọn.
Nhỏ mọn nhưng là tất cả những gì tìm được ở chốn hoang vu này.
Không có sự đóng góp của một em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra.
Khi mọi người đã ngồi xuống trên cỏ theo lệnh các tông đồ,
Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ.
Chắc các tông đồ đã giúp Ngài phân phát đến tay dân.
Chính khi bẻ ra để phân phát thì bánh và cá hóa nhiều.
Chúng ta không hiểu được điều gì đang diễn ra.
Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt.
Chia sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người.
Chia sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi.

Hơn năm ngàn con người đã được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa.
Gần một tỷ con người sống trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy.
Đức Thánh Cha coi việc liên đới chia sẻ
như một cách thức để thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ước gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong nhà thờ
giúp chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới :
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những La-da-rô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.

Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

 

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG TƯ

Đức Tin Và Việc Làm

Vậy thì, thế nào là trở nên một Kitôhữu? Câu trả lời: đó là tiếp tục đón nhận và chấp nhận lời chứng của các Tông Đồ, các thị chứng nhân, về ơn cứu độ của chúng ta. Đó là tin vào Đức Kitô với cùng một đức tin đã được khai sinh nơi các Tông Đồ do những hành động và lời nói của Đấng Phục Sinh.

Tông Đồ Gio-an viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1Ga 2,3-5).

Vị Tông Đồ đang nói về một đức tin sống động. Một đức tin sống động là một đức tin đem lại hoa trái là những việc làm thiện hảo. Đó chính là những việc làm của tình yêu. Đức tin sống động nhờ tình yêu của Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Tình yêu được diễn tả qua việc tuân giữ các điều răn. Cũng có thể không có mâu thuẫn nào giữa sự hiểu biết (= tôi biết Người) và những hành động của một người tuyên xưng Đức Kitô. Chỉ những ai hoàn thành đức tin của mình bằng những việc làm thiện hảo mới là người ở lại trong sự thật.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 12/4

Cv 5, 34-42; Ga 6, 1-15.

Lời suy niệm: Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình, Người hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây.” (Ga 6,5)

          Chúa Giêsu ngước mắt lên và nhìn thấy đám đông đi theo Người, thì Người chạnh lòng thương, và Chúa đã đánh động Tông Đồ Philípphê với câu nói: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây”. Trong mọi thời đại của xã hội loài người, người nghèo luôn luôn là số người đông đảo, nhưng mấy ai biết ngước mắt lên nhìn để thấy họ đang đói, đang cần sự trợ giúp. Đây cũng là một thao thức của Giáo Hội hiện nay.

          Lạy Chúa Giêsu, Giáo Hội của Chúa đang dành mọi sự ưu tiên cho người nghèo, xin Chúa cho mọi thành phần dân Chúa tích cực tham gia bổ trợ cho người nghèo với một tâm tình yêu thương thật sự của con tim mình. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 Tháng Tư

Ra Ði Là Chết Trong Lòng Một Ít

Phật giáo Trung Hoa rất nhớ ơn và hãnh diện vì có thiền sư là Ðường Tam Tạng. Ông là người đã có công vượt núi trèo non để đi Tây Trúc thỉnh Kinh đem về phổ biến cho dân gian.

Truyện Tây Du Ký đã ghi lại cuộc ra đi đầy gian nan của thầy Tam Tạng. Nhưng những gian nan thử thách xảy đến cho thiền sư họ Ðường không phải chỉ là gai góc hiểm trở của đoạn đường dài, mà chính là những tật xấu mà ba người môn đệ thân tín nhất của thầy là hiện thân. Tôn ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng, ba cái tên này chính là ba nết xấu mà thiền sư họ Ðường cũng như bao người khác phải vượt qua để đạt chính quả. Ba nết xấu đó là: lòng kiêu căng, lòng ham vật dục và tính lười biếng.

Ra đi là chết trong lòng một ít… Thiền sư họ Ðường có lẽ đã phải chiến đấu và hao mòn vì những tham sân si trong lòng thầy.

Tin Mừng cũng nhắc đến một cuộc ra đi: đó là cuộc ra đi của Chúa Giêsu. Ngài rời bỏ quê hương để đi Galilêa. Galilêa chỉ cách Nagiarét vài chục cây số… Nhưng với Chúa Giêsu cuộc trẩy đi này bao hàm một cuộc lột xác và từ bỏ trọn vẹn. Ngài từ bỏ tất cả để vào sa mạc.

Ra đi có nghĩa là ra khỏi chính mình và không quay nhìn lại phía sau. Ra đi tức là chấp nhận chết đi trong lòng một ít.

Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, mặc dù chưa một lần ra khỏi bốn bức tường của tu viện, đã được Giáo Hội chọn làm quan thầy các xứ truyền giáo.

Một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng khao khát được mang Tin Mừng của Chúa đến một nơi xa lạ… Ước mơ ấy có thể làm cho chúng ta quên đi thựck tại của không biết bao nhiêu người thiếu thốn lương thực cho thể xác cũng như tinh thần.

Ra đi loan báo Tin Mừng, trước tiên chính là ra lhỏi con người của chúng ta. Ra khỏi con người của thiển cận, ích kỷ của chúng ta để mặc lấy một cái nhìn nhậy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần II – PS

Bài đọc: Acts 5:34-42; Jn 6:1-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được.

Thời gian là một trong những yếu tố quan trọng để xác định điều gì là thật. Một vài ví dụ sẽ chứng tỏ điều này: cần thời gian để biết chiếc đồng hồ đeo tay làm ở Thụy-sĩ hay ở Trung-hoa;

cần thời gian để biết đâu là tình yêu chân thật và tình yêu qua đường; cần thời gian để biết đạo nào là đạo thật. Thông thường, khi muốn dẹp loạn, người ta chỉ cần giết người cầm đầu, như Chúa Giêsu cũng đã nhận định: “Họ sẽ đánh chủ chăn và đàn chiên sẽ tan tác.” Nhưng đã hơn 2,000 năm qua, mặc dù người ta đã giết Đức Kitô; nhưng đàn chiên của Kitô giáo đã không tan tác, mà còn phát triển thêm dân số mỗi ngày. Sự hiện hữu của Kitô Giáo cho đến ngày nay là một bằng chứng hùng hồn nữa cho sự phục sinh của Đức Kitô: Ngài vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội.

Các Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh uy quyền của Thiên Chúa: khi Ngài muốn, Ngài sẽ hoàn thành; không một khó khăn hay quyền lực nào có thể ngăn cản ý định của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, kinh-sư Gamaliel đề nghị Thượng Hội Đồng hãy cẩn thận trong việc bắt bớ các môn đệ của Thiên Chúa. Theo kinh nghiệm của ông, hãy cứ để cho thời gian gạn lọc: nếu đó không phải là việc của Thiên Chúa, sớm muộn gì rồi điều đó cũng tan; nhưng nếu việc đó do ý định của Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu muốn nuôi dân, Ngài tìm cách cho dân có của ăn, mặc dù các tông đồ đưa ra những khó khăn. Khi Ngài không muốn dân chúng tôn làm vua, Ngài đi lên núi một mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy để cho thời gian gạn lọc sự sai trái.

1.1/ Thái độ khôn ngoan của ông Gamaliel: Ông là một người Pharisee được toàn dân kính trọng và là Thầy của thánh Phaolô trước khi trở lại (Acts 22:3). Ông truyền đưa các Tông-đồ ra ngoài một lát, và ông trình bày ý kiến với Thượng Hội Đồng: “Thưa quý vị là người Israel, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này: Thời gian trước đây, có Theudas nổi lên, xưng mình là một nhân vật quan trọng và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Judah người Galilee nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.” Họ tán thành ý kiến của ông vì đây là một ý kiến khôn ngoan dựa trên kinh nghiệm và lịch sử.

1.2/ Các Tông-đồ tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu: Tuy đã tán thành ý kiến của ông Gamaliel, Thượng Hội Đồng vẫn dùng sức mạnh để dọa nạt các Tông-đồ. Họ cho gọi các ông lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra.

Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô.

2/ Phúc Âm: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”

2.1/ Chúa Giêsu muốn nuôi ăn dân chúng: Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

(1) Các môn đệ muốn Chúa thay đổi ý định: Có lẽ các ông quan niệm Chúa Giêsu cũng giống như một Rabbi, chỉ có bổn phận lo dạy dỗ và cắt nghĩa Lề Luật cho dân chúng, chứ không có bổn phận phải cho dân chúng ăn.

– Ông Philíp nại lý do không có tiền: “Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”

– Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, nại lý do không đủ thực phẩm: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”

(2) Chúa Giêsu biết những gì Ngài sắp làm: Tuy gặp sự can ngăn của các Tông-đồ và nỗi khó khăn phải tìm lương thực trong nơi hoang dã, Chúa Giêsu vẫn bảo các ông: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.”

Khi họ đã ăn no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

Đây là hình ảnh của Bí-tích Thánh Thể trong Tin Mừng Gioan, tuy Gioan không tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Gioan dùng công thức truyền phép và diễn từ về sự quan trọng của Bí-tích này trong Chương 6. Chúa Giêsu muốn lập Bí-tích Thánh Thể để ở lại và cho dân chúng ăn Ngài mỗi ngày. Giống như thái độ của các Tông-đồ, con người ở mọi thời tiếp tục cho đây là điều không thể, hay chỉ là biểu tượng …, và nghi ngờ sự hiện diện đích thực của Chúa trong Bí-tích. Họ quên đi rằng: chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa; một khi Ngài muốn, Ngài sẽ có cách để thực hiện.

2.1/ Dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm, họ nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Lý do họ muốn tôn Ngài làm vua là để Ngài lo cho họ có bánh ăn; nhưng Chúa Giêsu muốn họ phải làm mới có bánh ăn. Khi Ngài cho họ ăn, Ngài không chỉ nuôi dưỡng phần xác; nhưng còn tăng nghị lực cho phần hồn của họ, để họ có sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Khi Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, Người lánh mặt và đi lên núi một mình. Ngài không muốn làm vua họ như một ông vua thế gian vì họ đã có rồi; Ngài chỉ muốn làm vua trong tâm hồn của họ và trên Nước Trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi làm việc tông đồ mà gặp khó khăn, chúng ta cần tin tưởng: “Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, không ai có thể phá huỷ được.” Nói cách khác: nếu là việc Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành; nếu không phải là việc Thiên Chúa muốn, hãy để chúng tiêu tan, đừng quá bận tâm lo lắng. Không ai có thể chống lại ý Thiên Chúa muốn.

– Chúng ta cần để cho thời gian gạn lọc sự giả tạo và sai trá trong cuộc đời. Đừng vội chạy theo những giáo lý mới hay những trào lưu mới, mà gạt bỏ những giá trị nền tảng của đạo và những truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, của quê hương, hay của gia đình.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************