Ngày thứ năm (29-11-2018) – Trang suy niệm

28/11/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Kh 18, 1-2, 21-23; 19, 1-3. 9a

“Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần từ trời xuống, có quyền năng cao cả, và đất rực sáng lên bởi vinh quang của Người. Người dõng dạc kêu lên rằng: “Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi, đã sụp đổ rồi: nó đã trở thành nơi ma quỷ ở, hang mọi thần ô uế ẩn trú, và nơi mọi thứ chim dơ bẩn gớm ghiếc làm tổ”.

Rồi có một thiên thần dũng lực nhắc bổng hòn đá như cối xay lớn, và quăng xuống biển mà rằng: “Thành Babylon sẽ bị quăng xuống dữ tợn như vậy, và không còn tìm thấy nó nữa”. Tiếng người gảy đàn và kẻ hát ca, tiếng kẻ thổi sáo thổi kèn sẽ không còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Những người thợ bá nghệ không còn tìm thấy nơi ngươi nữa; và tiếng cối xay cũng chẳng còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Đèn sáng không còn chiếu sáng nơi ngươi nữa. Tiếng tân lang tân nương không còn nghe thấy nơi ngươi nữa, vì những tay buôn của ngươi là bọn kỳ hào trên hoàn vũ, và bởi phù phép ngươi, mọi dân tộc phải lầm lạc”.

Sau đó, tôi nghe như có tiếng nhiều đoàn người trên trời tung hô rằng: “Alleluia! Ơn Cứu độ, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Thiên Chúa chúng ta: vì sự xét xử của Người thật chính trực và công minh, Người luận phạt gái điếm khét tiếng đã từng làm cho địa cầu ra hư nát bởi trò dâm dật của nó; Người đã báo oán máu các tôi tớ Người do tay nó đã đổ ra. Họ lại cất tiếng rằng: “Alleluia! Khói nó bốc lên cho tới muôn đời”.

Và thiên thần bảo tôi: “Hãy viết rằng: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5

A+B:Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19, 9a).

A)Hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

B)Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

3)Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.

4)Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ.

A+B:Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19, 9a).

ALLELUIA: Lc 21, 28 – Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 21, 20-28

“Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.

“Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”. Đó là lời Chúa

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

29/11/2018 – THỨ NĂM TUẦN 34 TN

Lc 21,20-28

ĐỪNG SỢ, HÃY NGẨNG CAO ĐẦU

“Khi những biến cố ấy bắt đầy xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)

Suy niệm: Có lẽ không ai là không nghe ít là một lần lời Đức Phật dạy ‘Đời là bể khổ’, và quả thực cuộc sống vẫn đầy những khó khăn khổ não. Có những người mang nhãn quan ảm đạm bi quan đến độ tự tìm đến cái chết mong được giải thoát. Nhưng đối với nhiều người thì ‘cuộc đời vẫn đẹp sao’ vì bằng chứng là đại đa số người ta vẫn ham sống sợ chết. Lời Chúa trong những ngày cuối năm phụng vụ nhắc tới một nỗi sợ ám ảnh muôn thuở: sợ ngày tận thế. Những hình ảnh báo trước ngày cuối cùng này thường làm người ta hoảng sợ. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng sợ, trái lại, hãy “đứng thẳng và ngẩng cao đầu”. Đây là lòng xác tín và phó thác dựa vào niềm hy vọng vào chiến thắng chung cuộc của Đức Ki-tô và ơn cứu độ vĩnh cửu dành cho những ai trung thành với Ngài. Lẽ nào chúng ta lại sợ hãi sao?

Mời Bạn: Bạn được mời gọi khám phá những giá trị cao quý ẩn chứa trong những khó khăn đau khổ xảy đến cho mình. Mỗi khi bạn đối diện với những “thập giá” đó của đời bạn, mời bạn ngước nhìn lên thập giá của Đức Ki-tô để được tiếp sức bởi sự lạc quan của Tin Mừng bởi vì thập giá Chúa Ki-tô chính là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa (1Cr 1,18-25); trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt kẻ thù cuối cùng là sự chết (1Cr 15,26).

Sống Lời Chúa: Đứng trước đau khổ, bế tắc, mời bạn nhìn lên Chúa Ki-tô trên thập giá và xin ở bắt chước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã vác thập giá vì con. Xin thấy được những giá trị của đau khổ để con cũng ngẩng cao đầu bước theo Chúa trên con đường thập giá. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG MƯỜI MỘT

Sự Giải Thoát Của Chúng Ta Đang Đến Gần

Theo Tin Mừng Luca, khi Chúa Giêsu đề cập đến hồi tận thời trong bài giảng của Người, Người cảnh giác chúng ta về những đại họa khủng khiếp, về các dấu hiệu của sự hủy diệt, và về tất cả những gì sẽ gây ra “nỗi khốn khổ cho các dân tộc”. Chúa muốn nói với những người của thời ấy và cả của thời chúng ta, vì lời của Người là lời phổ quát. Người nói: “Anh em hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc của anh em đã gần đến” (Lc 21,28). Tiếng gọi này là thách đố của Mùa Vọng. Ở đây, Chúa đúc kết tất cả ý nghĩa của từ “Vọng” cho chúng ta.

Như vậy, Thiên Chúa không chỉ được tôn vinh trên tạo vật của Ngài. Không chỉ mọi tạo vật làm chứng cho Ngài là Đấng Tạo Hóa toàn năng. Không chỉ thế giới đang thay đổi xung quanh chúng ta làm cho chúng ta nghĩ về bản tính vĩnh hằng, bất biến của Ngài. Không, Ngài cũng đích thân đi vào trong lịch sử thế giới chúng ta nữa. Ngài trở thành một với chúng ta trong thân phận con người của chúng ta.

Chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài trong tư cách là “Con Người” (Lc 21,27). Mùa Vọng hướng chỉ sự đến ấy của Ngài. Mùa Vọng tiên vàn nói rằng Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Mùa Vọng hướng về mầu nhiệm Nhập Thể. “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít …” (Gr 33,15).

Hiểu một cách chính xác, ơn cứu chuộc là sự hiện diện của Đấng Công Chính giữa các tội nhân. Vì thế, Mùa Vọng gắn kết chặt chẽ với mầu nhiệm tội lỗi – tội lỗi đã đi vào trong lịch sử loài người ngay tự ban đầu. Thiên Chúa đến và đem ơn cứu độ cho chúng ta. “Ngài sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,15).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 29-11

Kh 18, 1-2.21-23;19, 1-3.9; Lc 21, 20-28

LỜI SUY NIỆM: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành.”

            Trong những ngày cuối năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại lời tiên báo của Chúa Giêsu về những biến cố sẽ xãy đến với thành Thánh Giêrusalem, và mọi người phải biết khôn ngoan theo cách của Chúa, để đối phó với hoàn cảnh đó khi xãy đến, để bảo vệ sự sống cho mình.

            Lạy Chúa Giêsu, Trong những ngay cuối năm phụng vụ, xin cho mỗi người trong chúng con biết kiểm điểm lại mình về những ơn ban của Chúa, để biết sửa mình bằng cách sám hối và cầu nguyện, xin ơn tha thứ, vững bước đi theo Chúa để được rỗi linh hồn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

29 Tháng Mười Một

Cái Dũng Của Thánh Nhân

Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính.

Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức  một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: “Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa của các trẻ mồ côi đâu?”. Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành  phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.

Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: “Một câu nhịn bằng chín câu lành”. Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 34 TN2

Bài đọc: Rev 18:1-2, 21-23, 19:1-3, 9; Lk 21:20-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các quyền lực thế gian sẽ qua đi.

Sống trong cuộc đời, con người luôn bị thống trị bởi các quyền lực thế gian: tư sản, cộng sản, quỉ thần, và ngay cả tử thần; nhưng những quyền lực này sẽ không tồn tại muôn đời, và sẽ có ngày bị xụp đổ. Người Kitô hữu chúng ta tin chắc sẽ có ngày Thiên Chúa thu thập tòan thể con người lại, và chính Ngài sẽ lãnh đạo dân trong công bình và thương yêu, như các Bài đọc chúng ta đã suy niệm trong Chủ Nhật Lễ Chúa Kitô Vua vừa qua. Triều đại của Thiên Chúa sẽ vững bền muôn đời, và các tín hữu sẽ sống hạnh phúc trong vương quốc của Thiên Chúa.

Các Bài đọc hôm nay nói đến sự suy xụp của các vương quốc trần gian. Bài đọc I nói tới sự xụp đổ của Đế quốc Babylon và hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên! Phúc Âm nói tới sự xụp đổ của Đền Thờ Giêrusalem, những gì sẽ xảy ra trong Ngày Phán Xét, và những người tin Chúa được hưởng ơn cứu độ muôn đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!

1.1/ Sự xụp đổ của Đế quốc Babylon: đã được đề cập đến 2 lần (Rev 14:8, 16:19), nhưng không diễn tả chi tiết. Trong chương 17, Gioan mô tả chi tiết hình ảnh Con Điếm nổi danh ngồi trong lòng một Con Thú (Rev 17:1-6); tác giả coi sự xụp đổ của Babylon là một biến cố quá khứ, và ghi lại cho chúng ta sự than khóc theo sau biến cố này (Rev 18:1-24), trong khi một bài ca chiến thắng vọng tới từ trời (Rev 19:1-10). Sự suy xụp của các quyền lực này được dùng như một sự chuẩn bị cấp tốc cho đỉnh cao của Sách Khải Huyền, trong đó bao gồm chiến thắng của Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài (Rev 19:11-22:5).

Babylon được gọi là Con Điếm, ngược lại với hình ảnh của Người Phụ Nữ, đại diện cho Dân Thiên Chúa (x/c Chương 12 của Sách KH). Truyền thống Cựu Ước quen gọi những ai thờ bụt thần, những kẻ gian ác hay thành phố tội lỗi là những con điếm (Tyre trong Isa 23:16; Nineveh trong Nah 3:4; Israel trong Eze 16; Samaria và Giêrusalem trong Eze 23). Trong phần kết luận của chương 18:18, thiên thần đã ám chỉ rõ ràng, Con Điếm được mô tả là chính Roma.

Con Thú là hình ảnh của Đế-quốc Rôma, người cai trị thế giới là Hòang đế Rôma. Trình thuật chúng ta đang đọc dùng “Babylon,” thành phố đã xụp đổ trong quá khứ; để ám chỉ “Đế-quốc Rôma,” sẽ bị suy xụp trong tương lai. Gioan tường trình sự xụp đổ của Babylon như sau: “Bấy giờ một thiên thần dũng mãnh nhắc một tảng đá to như chiếc cối xay lớn mà ném xuống biển và nói: “Babylon, thành vĩ đại, sẽ bị thẳng tay ném đi như thế đó, và người ta sẽ chẳng bao giờ còn tìm thấy nó nữa!”” Tiên tri đã Jeremia tiên đóan Babylon sẽ bị buộc vào một tảng đá và bị quăng xuống sông Euphrates (Jer 51:63-64). Tương tự như thế, Roma sẽ bị tiêu diệt.

Babylon vĩ đại bị xụp đổ vì “Nó đã trở nên sào huyệt của ma quỷ, hang ổ của mọi thứ thần ô uế, hang ổ của mọi thứ chim chóc ô uế và đáng ghét.” Roma sẽ bị xụp đổ tan tành đến độ không còn dấu hiệu nào của dân cư sinh sống trong đó như Gioan mô tả như sau:

“Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng nhạc sĩ gảy đàn, ca hát, thổi sáo và thổi kèn. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn thấy thợ thủ công thuộc mọi ngành nghề. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cối xay bột nữa. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn thấy ánh sáng đèn chiếu rọi. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cô dâu chú rể. Bởi vì các con buôn của ngươi từng là kẻ quyền thế trên mặt đất, bởi vì ngươi đã dùng phù phép mà làm cho muôn nước mê hoặc.”

1.2/ Sự vui mừng của Dân Thiên Chúa: hòan tòan trái ngược những lời than ai óan trong Chương 18 vì bắt bớ và bạo lực. Tác giả so sánh những đau khổ mà con người phải chịu đựng vì bắt bớ với vinh quang tương lai con người sẽ được hưởng trên Nước Trời, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa cho dân của Người. Con người vui mừng vì 2 lý do:

(1) Babylon không còn nữa: Sau đó, tôi nghe như có tiếng hô lớn của đoàn người đông đảo ở trên trời vang lên: “Halêluia! Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền! Những lời Người phán quyết đều chân thật công minh! Vì Người đã xét xử Con Điếm khét tiếng từng dùng chuyện gian dâm mà làm cho mặt đất ra hư hỏng, và Người đã bắt nó phải đền nợ máu các tôi tớ của Người mà chính tay nó đã giết.”

(2) Được dự tiệc cưới Con Chiên: Lần thứ hai họ lại hô: “Halêluia! Khói lửa thiêu nó cứ bốc lên đời đời kiếp kiếp! Thiên thần bảo tôi: “Hãy viết: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!” Người lại bảo tôi: “Đó là những lời chân thật của chính Thiên Chúa.”

2/ Phúc Âm: Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

2.1/ Sự xụp đổ của Đền Thờ Giêrusalem: Năm 70 AD, quân đội của Đế-quốc Rôma đã đem quân vây hãm Thành Giêrusalem một thời gian dài trước khi san bình địa Thành. Điều này chứng thực những gì Chúa Giêsu đã tiên đóan 37 năm trước đó như trình thuật hôm nay nói: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.”

Điều này chứng minh sự phá hủy của Giêrusalem nằm trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Vì dân Do-Thái từ chối không tin Đức Kitô là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa gởi tới, nên Tin Mừng được loan báo cho Dân Ngọai; nhưng sau cùng như Thánh Phaolô loan báo, Thiên Chúa sẽ cứu dân tộc Israel. Điều này cũng phù hợp với trình thuật hôm nay: “Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của Dân Ngoại.”

2.2/ Ngày Phán Xét: Chúa Giêsu cho các môn đệ biết những gì sẽ xảy ra trong Ngày này:

– Các điềm lạ trên trời: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.”

– Con Người xuất hiện: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Các quyền lực của thế gian chỉ có quyền trên chúng ta khi còn sống trong thế gian này, nhưng những quyền lực này không tồn tại muôn đời; mọi quyền lực sẽ phải nhường bước trước quyền lực của Thiên Chúa khi triều đại của Ngài đến.

– Chúng ta đừng lui buớc hay chạy theo những quyền lực của thế gian, nhưng phải can đảm sống và làm chứng cho triều đại của Thiên Chúa; để xứng đáng được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa muôn đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************