Ngày thứ năm (20-06-2019) – Trang suy niệm

19/06/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XI Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 11, 1-11

“Tôi đã rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, phải chi anh em chịu đựng một phần nào sự ngu dại của tôi, chắc là anh em đành chịu đựng: vì tôi yêu mến anh em như Chúa có lòng yêu mến. Tôi đã đính hôn anh em cho một người, như dâng một trinh nữ trong trắng cho Đức Kitô. Nhưng tôi lại sợ rằng như con rắn đã dùng mưu chước mà cám dỗ bà Evà thế nào thì lòng anh em cũng ra hư đốn, không còn chân thành đối với Đức Kitô như vậy. Vì nếu có ai đến rao giảng một Đấng Kitô nào khác mà chúng tôi không hề rao giảng, hay anh em nhận lãnh một Thánh Thần nào khác hoặc một Phúc Âm nào khác không phải như anh em đã nghe, thì chắc là anh em chịu theo ngay. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã làm việc không thua kém gì các vị tông đồ cả kia đâu. Bởi vì dầu tôi có ăn nói không thanh lịch, nhưng về sự thông biết thì không phải thế đâu, vì trong mọi mặt, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy rõ rồi.

Hay là tôi đã phạm tội gì khi hạ mình không để anh em được nhắc lên? Hoặc vì đã rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa. Tôi đã bóc lột các giáo đoàn khác, khi lãnh trợ cấp nơi họ, để phục vụ anh em. Khi tôi ở giữa anh em, mà phải lâm cảnh túng thiếu, tôi đã không làm phiền lòng ai: vì tôi có thiếu thốn điều gì, thì các anh em ở Macêđônia đến giúp đỡ cho. Trong mọi sự, tôi đã giữ mình không làm phiền lòng ai, sau này, tôi vẫn giữ mình như thế. Đã có sự thật của Đức Kitô trong tôi, nên tôi không để ai giựt khỏi tôi được sự tôi khoe như thế trong khắp miền Akaia. Vì sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Đã có Thiên Chúa biết. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 3-4. 7-8

Đáp: Lạy Chúa, công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính (c. 7a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! – Đáp.

2) Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Ngài muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Đấng nhân hậu từ bi. – Đáp.

3) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho tới muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chánh. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 144, 13bc

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15

“Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”. Đó là lời Chúa

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

20/06/2019 – THỨ NĂM TUẦN 11 TN

Mt 6,7-15

CHÚA BIẾT RÕ ANH EM CẦN GÌ

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại… Vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8)

Suy niệm: Nhiều người “dị ứng” với việc cầu nguyện và cho rằng: Tại sao hễ “cầu nguyện” thì phải cầu xin? Phải chăng Chúa chỉ là một “cỗ máy ban ơn”? Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, thông biết mọi sự, “biết rõ chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin,” thì cần gì phải cầu nguyện nữa? Thưa: Chúa không nói chúng ta đừng cầu nguyện nữa; trái lại, Ngài căn dặn chúng ta “cứ xin thì sẽ được” (Mt 7,7). Nhưng tại sao phải cầu nguyện thì thánh Âu-tinh giải thích: Việc cầu xin khơi dậy tâm tình ước muốn của chúng ta, “để chúng ta có khả năng đón nhận những điều mà Chúa đã sẵn lòng ban tặng chúng ta.” Bởi thế “đừng lải nhải”! Trái lại chúng ta vẫn phải cầu nguyện, không phải để thay đổi chương trình và ý định của Thiên Chúa nhưng là để chúng ta nhận ra và làm theo thánh ý của Ngài. Do đó, lời cầu nguyện đẹp nhất mà Chúa dạy chúng ta là xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Mời Bạn: Như một người con hiếu thảo của Chúa, bạn vẫn dâng lời cầu nguyện lên Chúa, vẫn thưa chuyện với Ngài trong tâm tình chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn, tạ lỗi và cầu xin nữa. Dẫu rằng Chúa biết rõ bạn đang cần gì, nhưng khi thân thưa với Chúa những gì bạn ước nguyện, những điều bạn đang cần đến, bạn hãy nói với lòng tín thác, với sự sẵn sàng “xin cho ý Chúa được thể hiện.”

Sống Lời Chúa: Bạn hãy trung thành cầu nguyện với Chúa hằng ngày, đặc biệt là duy trì đều đặn giờ kinh tối trong gia đình.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Lạy Cha” cách sốt sắng.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

20 THÁNG SÁU

Một Đức Tin Chân Chất

Ngôi Lời của Thiên Chúa vẫn chưa là cái gì tuyệt vời mấy đối với chúng ta bao lâu chúng ta chưa trực diện với những dấu hỏi thâm sâu nhất về cuộc sống. Đứng trước những vấn nạn căn bản nhất, chúng ta nhớ lại rằng Thiên Chúa đang hiện diện ở đây với mình. Ngài là Emmanuel, là Thiên Chúa ở với chúng ta (Is 7,14). Và qua con người Giê-su Na-da-rét đã chết và đã sống lại ấy, Con Thiên Chúa và là anh em của chúng ta đã “cư ngụ ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Thật vậy, tất cả những thử thách của Giáo Hội qua giòng thời gian đưa dẫn Giáo Hội tới chỗ không ngừng nỗ lực làm mới lại niềm khao khát sự hiện diện vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong cuộc tìm kiếm này, Giáo Hội luôn luôn được hướng dẫn bởi mẫu mực của Đức Kitô và bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Đó là lý do tại sao Giáo Hội phải nói lên và phải chỉ ra cho thế giới thấy ân sủng của Thiên Chúa và cảm nhận thường xuyên của mình về sự quan phòng của Thiên Chúa. Giáo Hội phải chia sẻ về tình yêu kỳ diệu này để cho người ta có thể được giải phóng khỏi sự đè nặng của bao mối nghi ngại. Vâng, con người phải ký thác trọn vẹn chính mình cho mầu nhiệm tình yêu hết sức cao cả, hết sức lớn lao và hết sức quyết liệt này.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 20/6

2Cr 11, 1-11; Mt 6, 7-15.

LỜI SUY NIỆM: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lãi nhãi như dân ngoại; họ nghĩ rằng; cứ nói nhiều là được nhậm lời. Đừng bắt chước họ, vi Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.”

        Khi Chúa Giêsu cho chúng ta biết: “Cha của anh em biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” Nhưng chúng ta phải cầu nguyện luôn vì đây là tâm tình yêu mến, tin cậy và phó thác của người con đối với Cha mình, là “Đấng Đầy Quyền Năng Yêu Thương”. Vì vậy chúng ta phải cầu nguyện luôn.

        Lạy Chúa Giêsu. Mỗi khi chúng con cầu nguyện bằng kinh “Lạy Cha”. Xin cho chúng con thật lòng tin tưởng đơn sơ, sự phó thác, khiêm tốn và đầy hân hoan. Để được đẹp lòng Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

20 Tháng Sáu

Ai Hơn Ai? 

Trong một khu vườn tuyệt đẹp kia có nhiều loại hoa đua nhau khoe màu tranh sắc: Hoa Hồng, hoa Hướng Dương, hoa Vạn Thọ, hoa Cúc, kể cả vài cụm bông Móng Tay và bông Mười Giờ.

Một ngày kia, có người đến nhìn ngắm những bông hoa đẹp, rồi lấy một cây thước ra đo chiều cao, chiều dài cũng như đếm số các nụ hoa. Xong ông ta bỏ đi.

Ý thức về chiều cao và độ lớn của mình, hoa Hướng Dương càng vươn cổ lên cao và nói: “Trong khắp khu vườn, không hoa nào lớn mạnh như chúng tôi”. Nghe nói thế, hoa Hồng lên tiếng: “Nhưng không hoa nào đẹp và tỏa hương thơm ngát như chúng tôi”. Không chịu thua ai, hoa Vạn Thọ góp lời: “Hai người nói thế nghe sao phải, to lớn và thơm tho nào có ý nghĩa gì. Hai người làm gì có được nhiều bông hoa như chúng tôi”.

Nghe những loại hoa trên tranh luận, các loại hoa Cúc, hoa Móng Tay và hoa Mười Giờ cảm thấy tủi phận. Hoa Móng Tay tìm lời an ủi hoa Mười Giờ: “Bọn mình không đẹp, không thơm, nhưng được cái là dễ trồng nên được nhiều người ưa thích”.

Sau đó, khu vườn trở lại yên lặng trong khoảnh khắc. Nhưng hoa Cúc phá tan sự im lặng nặng nề với những phát biểu sau đây: “Sao các anh, các chị lại có thể suy nghĩ thế? Bởi đâu các anh các chị lại tranh nhau về chiều cao, về độ lớn, về vẻ đẹp, về hương thơm. Anh chị quên rằng: Dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, dù đỏ hay vàng, mọi bông hoa đều nhận lãnh hình hài, vẻ đẹp và hương thơm từ bàn tay của Ðấng Tạo Hóa và dưới mắt Người chúng ta đều như sau. Mỗi chúng ta đều được Người ban cho đồng đều ánh sáng và hơi ấm của mặt trời. Mỗi bông hoa đều được Người cho mưa rơi xuống gốc và sương sa trên mình như nhau. Ðó là Mầu Nhiệm của lòng quảng đại và khoan nhân của Thiên Chúa”.

Sự phân bì, ghen tuông đã và đang làm khổ đau cho con người cũng bằng tính tự cao, tự đại hay ít ra tính phân bì, ghen ghét cũng làm cho chúng ta không được thư thái, bình an. Vì thế, có người đã đề ra những phương pháp sau đây như những điều kiện để được hưởng sự bình an trong tâm hồn:

– Nếu tôi không muốn so sánh mình với người khác, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc với những gì tốt đẹp nơi tôi.

– Nếu tôi không làm nô lệ cho sự thành công, tôi có thể sản xuất những thành quả tốt đẹp kẻ khác chờ đợi nơi tôi.

– Nếu tôi không để mình bị vướng vào mạng lưới của sự cạnh tranh, tôi sẽ thông phần và chia sẻ được những cái tốt đẹp hàm ẩn trong tất cả mọi người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 11 TN1, Năm lẻ

Bài đọc: 2 Cor 11:1-11; Mt 6:7-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải đặt cùng đích của cuộc đời lên trên những lợi lộc vật chất.

Mục đích chính của cuộc đời chúng ta là cố gắng sống làm sao để mưu cầu ơn cứu độ cho chính chúng ta và cho mọi người. Vì thế, chúng ta phải dồn mọi thời gian, cố gắng, và sức lực để đạt được mục đích này. Nhưng thực tế chứng minh chúng ta đã không làm những điều đó: Có những người dành hết mọi thời gian và sức lực để kiếm tiền hưởng thụ. Có những người đặt quyền lợi cá nhân lên trên việc mở mang Nước Chúa. Có những người lợi dụng ngay cả Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những trường hợp cụ thể để suy gẫm xem chúng ta đã làm gì để đạt mục đích của cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô muốn chứng tỏ cho các tín hữu Corintô biết ông đã lo lắng mọi cách để chuẩn bị cho họ sống mối liên hệ với Đức Kitô; chứ không quan tâm đến việc đáp trả lợi lộc vật chất của họ, như kẻ thù tố cáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn đệ đặt việc làm vinh danh Chúa, làm Nước Chúa trị đến, làm theo thánh ý Chúa, trước khi lo việc có lương thực hằng ngày và các nhu cầu khác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô.

1.1/ Phaolô chú trọng đến phần linh hồn của các tín hữu Corintô.

(1) Phaolô yêu hội thánh Corintô bằng tình yêu chân thành: Mục đích của Phaolô khi nhiệt thành rao giảng Tin Mừng là mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người. Nỗi lo âu của ngài là lo lắng làm sao để các tín hữu được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, và không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ của thế gian. Vì yêu Đức Kitô và yêu các tín hữu, Phaolô muốn liên kết cả hai trong cuộc “kết hôn ” mà Isaiah, Hosea, và tác giả của Sách Diễm Tình Ca đã xử dụng: “Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết.”

(2) Phaolô lo sợ các tín hữu bị đánh lừa bởi những người rao giảng giả hiệu: Phaolô chắc đã nhìn thấy những dấu hiệu phản bội nơi các tín hữu, nên ngài đã cảnh cáo các tín hữu: ”Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà Evà thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô như vậy.” Phaolô nói mỉa mai các tín hữu; nhưng cũng đề phòng họ phải xác quyết ba điều chân thật: Đức Kitô, Thánh Thần, và Tin Mừng: ”Quả thật, nếu có ai đến rao giảng một Đức Giêsu khác với Đức Giêsu mà chúng tôi rao giảng, hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay!”

1.2/ Lời biện hộ của Phaolô: Phaolô muốn dùng việc làm để chứng minh những gì ông đã làm cho hội-thánh ở Corintô, để vạch ra những gian trá của các “tông đồ giả hiệu.” Các tín hữu có thể chứng nhận những gì ông nói.

(1) Về sự hiểu biết: ”Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có thua gì các Tông Đồ siêu đẳng kia. Giả như tôi có thua kém về khoa ăn nói, thì về sự hiểu biết, tôi chẳng thua kém đâu! Trong mọi dịp và trước mặt mọi người, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy điều đó rồi.” Sự hiểu biết của Phaolô chính là khôn ngoan của Thiên Chúa mà kiến thức của các tông đồ giả hiệu không thể so sánh được.

(2) Về sự rao giảng không công: Phaolô rao giảng cho các tín hữu Corintô không vì lý do tài chánh, nhưng ông đã tự mưu sinh bằng nghề chế lều và sự giúp đỡ của các hội-thánh khác. Ông nhắc nhở họ: ”Phải chăng tôi có lỗi, vì đã hạ mình xuống để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa? Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em. Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền luỵ ai, bởi vì các anh em từ Macedonia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần. Trong mọi dịp, tôi đã tránh không trở nên gánh nặng cho anh em, và tôi cũng sẽ còn tránh như vậy.”

(3) Về sự yêu mến của các hội-thánh khác dành cho ông: Không phải vì bị các hội-thánh khác từ bỏ mà Phaolô đến ở với hội-thánh Corintô; nhưng vì tình yêu chân thành Phaolô dành cho họ. Ông muốn họ nhận thức điều này: ”Nhân danh chân lý của Đức Kitô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi có niềm vinh dự đó trong các miền xứ Achaia. Tại sao thế? Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Có Thiên Chúa biết!”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu dạy môn đệ cách cầu nguyện.

2.1/ Thái độ phải tránh khi cầu nguyện: Chúa Giêsu dạy các môn đệ một thái độ cần phải tránh: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.”

Chúng ta đừng lấy những gì con người suy nghĩ và hành động để áp dụng cho Thiên Chúa. Nhiều người phải lải nhải nhiều lần, vì họ không biết Thiên Chúa có nghe thấy tiếng họ kêu xin hay không; nhưng Chúa Giêsu dạy: Thiên Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, Ngài biết rõ tất cả nhu cầu của từng người trước khi chúng ta mở miệng cầu xin.

Như vậy, có cần phải cầu xin vì Thiên Chúa đã biết? Chúng ta cần phân biệt giữa cầu xin và cầu nguyện. Chúa Giêsu không ngăn cấm việc cầu xin; ngược lại, Ngài luôn khuyến khích các môn đệ phải cầu nguyện. Tuy nhiên, việc cầu nguyện không phải thuần túy chỉ cầu xin, nhưng còn để đào sâu mối liên hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa.

2.2/ Cách cầu nguyện đúng: Kinh Lạy Cha. Chúng tôi đã phân tích chi tiết Kinh Lạy Cha nhiều lần. Trong bài chia sẻ này, chúng tôi muốn chú trọng đến thứ tự ưu tiên của các lời cầu.

(1) Cầu xin cho nhu cầu của Thiên Chúa: Phần đầu của Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu chú trọng đặc biệt đến “nhu cầu” của Thiên Chúa. Ngài dạy: Anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Nước Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Nếu người con thực tình yêu thương Cha, người con sẽ chú tâm đến nhu cầu của Cha hơn nhu cầu của mình. Hơn nữa, những “nhu cầu” của Cha, thực sự chẳng phải cho Cha, nhưng là cho phần rỗi linh hồn của mọi người con.

(2) Cầu xin cho nhu cầu của con người: Chỉ sau khi chú tâm đến nhu cầu của Thiên Chúa, con người mới chú tâm đến nhu cầu của mình khi cầu xin: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Chúa Giêsu chú trọng đến việc xin lương thực hằng ngày, chứ không xin để có tiền mua lương thực cả đời! Sau đó, Chúa trở lại với nhu cầu thiêng liêng: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Và lời cầu nguyện sau cùng cũng hướng về ơn cứu độ: ”Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa cho chúng ta sống trong cuộc đời này không phải để kiềm tiền hưởng thụ; nhưng muốn chúng ta sống làm sao để đạt tới ơn cứu độ cho mình và cho mọi người. Ngài đã từng nhắc nhở: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, được ích chi!”

– Nếu mục đích cuộc đời là ơn cứu độ, chúng ta phải chú trọng và dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc làm vinh danh Chúa, làm cho Nước Chúa trị đến, làm theo thánh ý Chúa; chứ không dành toàn thời gian và nỗ lực để mưu cầu các lợi lộc vật chất.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************