Ngày thứ năm (18-01-2024) – Trang suy niệm

17/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm tuần 2 Thường Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 18, 6-9; 19, 1-7

“Thân phụ tôi là Saolê định giết anh”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, sau khi hạ sát tên Philitinh, Đavít trở về, các phụ nữ từ mọi thành phố Israel đều tuôn ra ca hát nhảy múa với đàn địch trống phách, vui vẻ đón vua Saolê. Các phụ nữ nhảy múa xướng hoạ rằng: “Saolê giết một ngàn, và Đavít giết mười ngàn”. Saolê bực tức lắm, vì lời ca ấy làm phật lòng ông, ông nói: “Họ tặng Đavít mười ngàn, còn Ta chỉ có một ngàn, như vậy y chỉ còn thiếu có ngai vàng”. Từ ngày đó trở đi, Saolê nhìn Đavít với vẻ mặt căm tức. Saolê bàn với con ông là Gionathan và tất cả những cận thần của ông để sát hại Đavít. Nhưng Gionathan con của Saolê rất thương mến Đavít, nên tiết lộ cho Đavít rằng: “Thân phụ tôi là Saolê tìm kế giết anh đấy”. Vì thế, tôi xin anh sáng mai nên thận trọng và tìm nơi kín đáo mà ẩn mình. Tôi sẽ ra đứng gần cha tôi ngoài đồng nơi anh ẩn trốn, tôi sẽ nói chuyện anh với cha tôi, tôi thấy thế nào, rồi sẽ báo cho anh biết”. Vậy Gionathan khen Đavít với cha ông là Saolê, ông nói: “Tâu phụ vương, xin chớ hãm hại tôi tớ của phụ vương là Đavít, vì anh không có lỗi gì đến phụ vương, và anh đã lập nhiều công trạng cho phụ vương: Anh đã liều mạng sống và hạ sát nhiều tên Philitinh; Chúa đã dùng anh mà giải thoát toàn dân Israel. Phụ vương đã mục kích và đã hân hoan, vậy tại sao phụ vương toan đổ máu người vô tội, khi định giết Đavít là kẻ không có lỗi gì?” Saolê nghe Gionathan nói như vậy thì nguôi giận mà thề rằng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, nó sẽ không bị giết”. Gionathan gọi Đavít và thuật lại cho anh nghe tất cả các lời ấy, rồi dẫn Đavít đến trước Saolê, và anh hầu cận Saolê như trước.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 55, 2-3. 9-10ab. 10c-11. 12-13

Đáp: Con tin cậy vào Thiên Chúa, con không kinh hãi (c. 5b).

1) Ôi Thiên Chúa, xin thương con, vì người ta chà đạp con, người ta luôn luôn đấu tranh và áp bức con. Những kẻ thù ghét con chà đạp con luôn mọi lúc, vì có nhiều người chiến đấu phản hại con. (2) Con đường lưu vong của con, Ngài đã biết, lệ sầu của con đã được chứa trong bầu da của Ngài, chúng há chẳng được ghi trong sổ sách của Ngài ư? Hễ bao giờ con kêu cầu Chúa, lúc đó quân thù con sẽ tháo lui. (3) Con biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ con. Nhờ ơn Thiên Chúa là Đấng mà con ca tụng lời hứa, con tin cậy vào Thiên Chúa, con không kinh hãi, con người phàm kia làm chi hại được con. (4) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh.

ALLELUIA: Mt 4, 4b

All. All. – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – All.

PHÚC ÂM: Mc 3, 7-12

“Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

18/01/2024 – THỨ NĂM TUẦN 2 TN

Tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất      

Mc 3,7-12

ĐỨC GIÊ-SU LÀ CON THIÊN CHÚA

Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” (Mc 3,11)

Suy niệm: Thật không bình thường khi thông tin về Đức Giê-su là Con Thiên Chúa lại không đến từ lời tuyên xưng của các môn đệ mà lại được thốt ra từ ma quỷ. Phải chăng chúng đang ‘quảng cáo không công’ cho Chúa, Đấng mà chúng luôn căm ghét, và trốn chạy: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Ông đến đây làm khổ chúng tôi sao?” (Mt 8,29). Chúa cấm chúng tiết lộ thân phận của Ngài vì đó không phải là một lời tuyên xưng mà là lời chứa đựng âm mưu thâm độc khiến người ta hiểu sai về căn tính của Chúa và sứ mạng cứu thế của Ngài. Lời tuyên xưng đích thực về Thiên Tính của Đức Giê-su mà Ngài công nhận, phải xuất phát từ lòng tin mến và được chính Chúa Cha thúc đẩy, như Ngài nói với Phê-rô: “Không phải phàm nhân mặc khải cho con điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).

Mời Bạn: Muốn nhận biết Thiên Chúa và tuyên xưng niềm tin vào Ngài, tại sao bạn phải nghe theo lời của quỷ? Sao bạn không đến trực tiếp với Chúa và Lời của Ngài? Đó không phải là điều đúng đắn và tốt đẹp nhất hay sao? Mỗi ngày bạn chọn thời khắc thuận tiện, giữ tâm hồn thinh lặng, hướng tâm tình tin mến lên Chúa, rồi đọc nghiền ngẫm một câu Lời Chúa, và trong thinh lặng bạn lắng nghe Chúa nói trong tâm hồn mình.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành thời gian suy niệm Lời Chúa và nói lên lời tuyên xưng: “Lạy Chúa, con tin Chúa là Con Thiên Chúa”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Xin Chúa thương xót và cứu độ chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay được coi là một bản tóm lược
những hoạt động của Đức Giêsu tại vùng phía biển hồ.
Có vẻ Ngài rút lui về vùng này không phải vì sợ bị hãm hại (Mc 3, 6),
nhưng để mở rộng phạm vi hoạt động hơn.
Như trước đây không lâu, mọi người từ vùng Giuđê và Giêrusalem
kéo tới xin chịu thanh tẩy bởi ông Gioan (Mc 1, 5),
giờ đây một đám đông lớn hơn từ khắp mọi vùng đổ xô đến với Đức Giêsu.
Có thể nói cả dân Ítraen hào hứng tụ họp bên ngài (Mc 3, 7-8).
Chưa bao giờ Đức Giêsu thành công đến thế !

Nhưng nhiều người trong đám đông khổng lồ này lại là những bệnh nhân.
Họ theo Đức Giêsu vì họ đã nghe biết những phép lạ chữa bệnh ngài làm.
Đức Giêsu xin các môn đệ chuẩn bị một chiếc thuyền
để nếu bị chen lấn quá trên bờ, ngài còn có thể xuống thuyền mà tránh đám đông.
Những bệnh nhân tin rằng mình có thể được chữa lành nhờ chạm đến Ngài.
Có những người chỉ xin chạm vào tua áo choàng của Ngài (Mc 6, 56).
Họ không chờ Đức Giêsu đến với họ.
Chính họ chủ động chen lấn để chạm đến Đức Giêsu.
Họ không cần Ngài phải làm gì hay nói gì,
họ chỉ cần chạm đến trong lòng tin là mọi bệnh tật được chữa khỏi.

Dù y khoa đã đạt được những bước tiến đáng kể,
nhưng ai có thể thống kê hết số bệnh nhân trên thế giới.
Con người hôm xưa chạy đến với Đức Giêsu để xin được chữa lành
khỏi ách nặng nề của bệnh tật thân xác và tinh thần.
Con người hôm nay cũng chạy đến với Giáo Hội để xin được chữa lành.
Mọi nhà thương, phòng khám bệnh hay phát thuốc của người Công giáo,
đều là nơi các bệnh nhân gặp được Đức Giêsu.
Nơi đây họ chạm được vào con người nhân hậu của Ngài,
và nơi đây Đức Giêsu chạm đến họ qua bàn tay của những y bác sĩ Công giáo.
Con người hôm nay nhận ra Chúa Giêsu
không nhờ sự giới thiệu của quỷ: “Ông là Con Thiên Chúa.”
nhưng nhờ sự phục vụ khiêm hạ của những lương y sống như Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Ðiều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG GIÊNG

Giá Trị Và Phẩm Cách Của Lao Động

Mọi người – nam cũng như nữ – đều là những lữ khách trên mặt đất này, những lữ khách trong cuộc hành hương kiếm tìm sự thật, kiếm tìm Thiên Chúa! Và mọi người đều được mời gọi vào cuộc hành hương này. Chúng ta là khách hành hương, là thành phần của Dân Thiên Chúa; chúng ta được Đấng Tạo Hóa, Cha chúng ta, dẫn dắt tiến về với sự thánh thiện viên mãn nơi Ngài. Ngài đang dẫn đưa chúng ta đến với Ngài xuyên qua bao kinh nghiệm và thử thách của cuộc sống hôm nay.

Để chỉ cho ta biết con đường sự sống đưa ta về hiệp nhất với Ngài, Thiên Chúa đã gửi chính Con của Ngài đến với ta. Ngài đã đặt người Con ấy làm viên đá góc, nhờ đó chúng ta có thể vươn tới ơn cứu độ (1Pr 2, 6 – 8). Thật vậy, trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta cũng trở nên những viên đá sống “xây dựng tòa nhà thiêng liêng để thành hàng tư tế thánh dâng lễ vật thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa” (1Pr 2, 5). Những lễ vật thiêng liêng này được gắn kết với mọi thực tại dệt nên cuộc sống chúng ta, nhất là gắn kết với lao động con người – vì lao động là chiều kích nền tảng của cuộc sống con người trên trái đất.

Tôi tưởng cần nêu vài suy tư về giá trị và phẩm cách của lao động con người. Đức Giêsu Kitô là con của một người thợ mộc. Phần lớn cuộc đời Người, trong kiếp người, Người cần cù làm việc nối nghiệp của Thánh Giu-se – cha nuôi Người. Bằng chính nghề thợ mộc của Người, Đức Giêsu cho thấy rằng trong đời sống hằng ngày, chúng ta được kêu gọi sống phẩm giá của lao động. Bằng lao động, con người tham dự vào công cuộc sáng tạo của chính Thiên Chúa. Dù làm việc ở nhà máy hay trong văn phòng, trong bệnh viện hay ngoài đồng ruộng…, ở bất cứ đâu chúng ta cũng đang góp phần vào công trình tạo dựng của chính Thiên Chúa; điều này đem lại giá trị và ý nghĩa cho mọi công việc của chúng ta.

“Giá trị lao động của một người được ấn định trước hết không phải bởi loại công việc mà người ấy làm, nhưng là bởi vì công việc ấy được làm bởi một nhân vị” (Thông Điệp Laborem exercens, 6). Như vậy, mọi lao động của con người, dù có vẻ nhỏ nhặt đến đâu, đều phải được hết mực kính trọng, bảo vệ và tưởng thưởng thích đáng. Nhờ đó, mọi gia đình – và toàn thể cộng đồng xã hội – sẽ có thể sống trong hòa bình, thịnh vượng và phát triển.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 18/01

1Sm 18, 6-9; 19,1-7; Mc 3, 7-12.

Lời Suy Niệm:  Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người.” (Mc 3,7)

          Chúa Giêsu không còn giảng dạy dân chúng trong các hội đường nữa, bởi nơi đây không thuận lợi cho đám đông dân chúng, trong đó có nhiều thành phần cần đến với Người. Nên Người lánh về vùng Biển Hồ, một nơi rộng lớn hơn, để đám đông dân chúng có thể đến với Người. Nhưng khi phải giảng giữa một đám đông như vậy; tiếng Người khó đến tai người nghe; và với lòng tin của những người bệnh, ai ai cũng muốn chính mình đụng được đến Người; nên Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ để khỏi bị đám đông chen lấn.

          Lạy Chúa Giêsu. Ngày hôm nay nhân loại đang sống thiếu tình thương và sự nâng đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Xin Chúa cho tất cả chúng con luôn thực hiện đời sống yêu thương và phục vụ, đặc biệt đối với những người nghèo khó; hầu giúp họ đến gần Chúa hơn. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

 18 Tháng Giêng

 Tấm Gương Sự Thật  

Theo câu chuyện cổ tích của người Tây Phương về Cô Bạch Tuyết và bảy chú lùn thì Sự Thật chiếu sáng và nói qua một tấm gương. Khi hoàng hậu, người kế mẫu của Bạch Tuyết nhìn vào tấm gương sự thật ấy để hỏi về mình, bà được trả lời như sau: “Thưa hoàng hậu, hoàng hậu là người đẹp nhất hiện nay”. Mà quả thật, so sánh với những người đàn bà đương thời, bà ta là người đẹp nhất.

 Nhưng công chúa Bạch Tuyết mỗi ngày một lớn và trở nên xinh đẹp. Trắng như tuyết, đỏ như máu, đen như mun: ba màu sắc ấy kết hợp một cách hài hòa để mỗi ngày một gia tăng vẻ đẹp cho cô bé, dù chỉ mới lên 7 tuổi. Ai cũng nhận thấy rằng cô đã vượt xa người kế mẫu về sắc đẹp.

 Một hôm, hoàng hậu kế mẫu hỏi ý kiến của chiếc gương Sự Thật một lần nữa. Lần này, tấm gương đã trả lời: “Thưa hoàng hậu, quả thực hoàng hậu là người xinh đẹp ít ai sánh bằng. Nhưng hiện nay, công chúa Bạch Tuyết đã đẹp hơn hoàng hậu bội phần. Ðây là điều mà không ai chối cãi được, 7 chú lùn đã xác định điều đó”. 

Người kế mẫu không muốn chấp nhận Sự Thật ấy. Bà không thể nào chấp nhận một đứa con riêng của chồng được quyền đẹp hơn Bà. Sự ganh ghét đã bắt đầu gặm nhấm tâm hồn bà để rồi bà chỉ còn có mỗi một ý nghĩ trong đầu: đó là loại bỏ người đối thủ tí hon của bà. Bà sai người cho thuốc độc vào một trái táo rồi mang đến cho Bạch Tuyết. Cô bé bị ngộ độc và đã đi vào cõi chết, nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp trên gương mặt. Một hoàng tử đã say mê nhìn khuôn mặt bất động ấy. Chàng đã đặt trên môi Bạch Tuyết một chiếc hôn. Trái táo độc rớt khỏi môi và Bạch Tuyết đã được hồi sinh. Người hoàng hậu kế mẫu nghe điều đó. Sự oán hận và ganh tức đã dồn lên khiêùn cho người đàn bà chết tốt.

 Tấm gương Sự Thật của chúng ta chính là Ðức Kitô.

 Philatô đã có lần hỏi Chúa Giêsu: Sự Thật là gì? Chúa Giêsu đã không trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng hẳn những người môn đệ đã có lần nghe Chúa Giêsu tuyên bố: “Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống” đều có thể trả lời cho câu hỏi ấy. 

Chúa Giêsu không chỉ là Sự Thật một cách trừu tượng, một cách trống rỗng, mà là Sự Thật của con người, đối với con người. Cũng chính Philatô, sau khi đã ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu, đã đưa Người ra trước dân chúng và tuyên bố: “Này là Người”. Này là người, này là con người, hay đúng hơn là sự thật về con người. Chúa Giêsu đã để lộ tất cả con người của ngài qua những vết thương trên người. Phải chăng con người chỉ để lộ nhân tính và tất cả những nét cao quý nhất của mình qua những lằn roi, qua những vết thương đau vì yêu thương, vì phục vụ?

 Chúa Giêsu là tấm gương Sự Thật của con người. Chỉ qua Ðức Kitô, chúng ta mới có thể nhận diện được con người đích thực của chúng ta. Nhìn vào Ðức Kitô, tội lỗi và những bất toàn của chúng ta sẽ hiện ra, nhưng hình ảnh cao quý được Thiên Chúa in trên mỗi người chúng ta cũng tỏ lộ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần 2 – TN2

Bài đọc: Heb 7:25-8:6; I Sam 18:6-9, 19:1-7; Mk 3:7-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là sự toàn hảo của Thiên Chúa.

Trong cuộc sống, con người phải trải qua nhiều giai đọan thử thách và vấp ngã, trước khi đạt tới chỗ toàn hảo. Tục ngữ Việt Nam cũng nói lên điều này trong câu: “Thất bại là mẹ thành công.” Tác giả Thư Do-Thái đề cập đến quan niệm này ngay từ đầu Thư: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” Khi cái hoàn hảo tới thì cái tạm thời qua đi. Điều quan trọng là con người cần nhận ra cái hoàn thiện và tin theo, chứ không ngoan cố giữ lại cái cũ.

Các Bài Đọc hôm nay nói lên vai trò quan trọng của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái nhấn mạnh đến 3 yếu tố quan trọng trong việc Chúa Giêsu hiến mình làm của lễ đền tội cho con người: Ngài vừa là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek, vừa là của lễ toàn hảo, và nơi Ngài dâng của lễ lên Thiên Chúa là ngai vàng nơi Thiên Chúa ngự trên trời. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua Saul ghen tị và muốn giết David, vì David được dân chúng ca ngợi nhiều hơn ông; nhưng Jonathan con ông ngăn cản ông đừng làm chuyện đó. Trong Phúc Âm, khi nghe những gì Chúa Giêsu đã làm, dân chúng từ khắp nơi kéo đến để được nghe giảng và chữa lành bởi Chúa Giêsu; ngay cả các thần ô uế cũng khiếp sợ Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế thập toàn, vừa là của lễ hy sinh toàn hảo.

1.1/ Của lễ của Thượng Tế Giêsu dâng thánh thiện và vẹn toàn hơn của lễ của Cựu Ước: Để chứng minh điều này, tác giả Thư Do-thái đề cao những đặc tính của Chúa Giêsu: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.”

(1) Chỉ dâng hy lễ một lần là đủ: “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” Để hiểu ý tác giả, chúng ta cần so sánh vai trò của Chúa Giêsu là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek với vai trò của thượng tế theo phẩm trật Aaron:

– Các thượng-tế: có vai trò nổi bật trong Ngày Xá Tội, mỗi năm một lần. Trong ngày này, ông được quyền vào trong nơi Cực Thánh để dâng lễ đền tội cho dân. Trước khi có thể dâng lễ đền tội cho dân chúng, ông phải dâng lễ đền tội cho ông trước bằng lễ vật của chính ông. Sau đó, ông dâng lễ vật của dân để đền tội cho họ. Ngày Xá Tội cứ tiếp diễn mỗi năm như thế.

– Thượng Tế Giêsu: Vì Ngài thánh thiện vẹn toàn, nên Ngài không cần dâng của lễ đền tội cho mình. Để đền tội cho dân, Ngài dâng chính thân mình làm của lễ đền tội. Đây là lễ vật hy sinh thánh thiện và tinh tuyền nhất, không một của lễ nào có thể so sánh được. Chính vì vậy, Ngài chỉ cần dâng một lần là đủ. Vì thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là lễ vật hy sinh; và vì Ngài sống mãi, nên biến cố hy sinh của Ngài trên đồi Golgotha thay thế của lễ đền tội trong Ngày Xá Tội. Con người không cần lễ vật hy sinh của theo Luật Cựu Ước nữa.

(2) Chúa Giêsu là Thượng Tế của Thiên Chúa và của con người: Tác giả kết luận: “Vì Luật Moses thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.” Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế toàn hảo, và của lễ Ngài dâng để đền tội cho dân cũng toàn hảo vì là chính bản thân của Ngài.

1.2/ Thánh Điện để dâng của lễ là ngai vàng Thiên Chúa trên trời: Sau khi đã đề cập tới chức vụ Thượng Tế, và của lễ hy sinh đề tội, tác giả tiến đến chỗ dâng của lễ. Trong Cựu Ước, chỗ dâng của lễ là nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Trong Tân Ước, chỗ dâng của lễ là chính ngai vàng Thiên Chúa ngự: “Điểm chủ yếu trong những điều đang nói ở đây là điểm này: chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời.”

(1) Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ dưới đất: là nơi Thiên Chúa hiện diện với con người. Nơi này được xây cất bởi con người theo một kiểu mẫu mà Thiên Chúa đã chỉ dạy cho Moses trên núi, nhưng nơi này “chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng thánh điện trên trời.”

(2) Ngai Thiên Chúa trong Thánh Điện trên trời: Khi Chúa Giêsu dâng lễ vật hy sinh, Ngài dâng “trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên.”

Nói tóm, “Đức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Sao ngài lại muốn phạm tội đổ máu người vô tội, mà vô cớ giết David?

2.1/ Vua Saul ghen tị với David: Trình thuật hôm nay tiếp theo biến cố David chiến đấu với tên khổng lồ người Philistine và đã chặt đầu hắn mang về. Khi nghe tin David chiến thắng trở về, các phụ nữ của Israel vui đùa ca hát rằng: “Vua Saul hạ được hàng ngàn, ông David hàng vạn.” Khi vua Saul nghe những lời ca tụng ấy, vua giận lắm và nói: “Người ta cho David hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi!” Từ ngày đó, vua Saul nhìn David với con mắt ghen tị.

Con người khi quen sống trong cảnh giàu sang, danh vọng, và uy quyền, thường dễ quên đi quá khứ và lý do mình được hưởng những điều kiện đó. Trường hợp của Saul cũng thế, ông thuộc chi tộc Benjamin, một trong chi tộc nhỏ bé nhất của 12 chi tộc Israel; nhưng chỉ vì Đức Chúa đoái thương nhìn tới, mà ông được xức dầu phong vương. Một sự thật nữa ông cần khiêm nhường nhìn nhận là Đức Chúa đã cho ông cơ hội và ban ơn để ông thi hành sứ vụ; nhưng ông đã không vâng lời Đức Chúa, nên bị thất sủng trước mặt Đức Chúa.

2.2/ Jonathan lập mưu cứu David khỏi kế hoạch của cha mình: Từ chỗ ghen tị với David, vua Saul đi tới ý định muốn giết David. Vua Saul nói với ông Jonathan, con vua, và với toàn thể triều thần về ý định giết ông David. Nhưng ông Jonathan, con vua Saul, lại rất có cảm tình với ông David. Ông Jonathan báo cho ông David rằng: “Vua Saul, cha tôi, đang tìm cách giết anh. Vậy sáng mai anh hãy coi chừng, hãy ở nơi kín đáo và ẩn mình đi. Phần tôi, tôi sẽ đi ra, sẽ đứng cạnh cha tôi trong cánh đồng, nơi anh đang trốn, tôi sẽ nói với cha tôi về anh. Thấy thế nào, tôi sẽ báo cho anh.”

Jonathan nhìn ra sự thật mà vua Saul, cha mình không nhìn thấy; ông nói với vua: “Xin đức vua đừng phạm tội hại tôi tớ ngài là David, vì anh ấy đã không phạm tội hại ngài, và các hành động của anh là điều rất lợi cho ngài. Anh đã liều mạng và hạ được tên Philistine, và Đức Chúa đã thắng lớn để bảo vệ toàn thể Israel. Ngài đã thấy và đã vui mừng. Vậy sao ngài lại phạm tội đổ máu vô tội, mà vô cớ giết David?” Con người cần biết dẹp bỏ tính tự ái và ích kỷ để hy sinh cho lợi ích chung. David đã can đảm chiến đấu để giết được tên Philistine, là mối đe dọa cho nền an ninh của quốc gia, mà vua Saul không làm được. Ngoài ra, vua Saul phải sáng suốt nhìn nhận, nhà vua không thể làm mọi sự; mỗi thời Đức Chúa gởi tới một người để lo cho lợi ích chung. Khi mình đã chu toàn sứ vụ, hãy can đảm để thế hệ trẻ tiếp nối sứ vụ của mình. Người đau khổ, bất an, là người không biết thời mình đã hết; nhưng cứ ngoan cố bảo vệ và hãnh diện về những gì mình đã bỏ công xây dựng.

Vua Saul nghe theo lời ông Jonathan, và vua Saul thề rằng: “Có Đức Chúa hằng sống, ta thề: nó sẽ không bị giết.” Ông Jonathan gọi ông David đến và ông Jonathan thuật lại tất cả những điều ấy; rồi ông Jonathan dẫn ông David đến với vua Saul, và ông David lại phục vụ vua như trước.

3/ Phúc Âm: Mọi người từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giêsu.

Bước đầu trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu thành công tốt đẹp: phần vì những lời giảng dạy của Ngài, phần vì những phép lạ Ngài làm cho dân chúng. Tiếng lành đồn xa, nên như trình thuật hôm nay kể, mọi người trong khắp vùng Cận Đông tuôn đến với Chúa Giêsu: “Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilee, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Judah, từ Jerusalem, từ xứ Idumea, từ vùng bên kia sông Jordan và vùng phụ cận hai thành Tyre và Sidon, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.”

(1) Chúa Giêsu chữa con người khỏi mọi bệnh họan tật nguyền: Điều có sức hấp dẫn con người nhất là được chữa lành khỏi mọi bệnh họan tật nguyền. Dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu để được chữa bệnh. Ngài có năng lực của Thiên Chúa đến nỗi “ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.” Nếu cứ để họ chen lấn xô đẩy nhau để được đến gần và sờ vào Chúa, không khéo sẽ có nhiều tai nạn không may xảy ra. Hơn nữa, Chúa đến không phải chỉ để chữa bệnh, mà còn giảng dạy và mặc khải về Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã khôn ngoan “bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ.”

(2) Các thần ô uế biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: Danh xưng “con Thiên Chúa” không nhất thiết chỉ bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu, vì danh xưng này được dùng để chỉ nhiều người như: các thiên thần (Gen 6:2), dân Do-thái là con Thiên Chúa (Hos 11:1), vua của Do-thái là con Thiên Chúa (II Sam 7:14), người công chính là con Thiên Chúa (Sir 4:10)… Các thần ô uế có thể nhận thấy một thứ quyền lực thánh thiện từ Chúa Giêsu đối chọi với sự ô uế của chúng, làm cho chúng không thể tồn tại, nên hỏang sợ kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúa Giêsu là sự toàn hảo của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng và học hỏi nơi Ngài để biết về Thiên Chúa.

– Vì chúng ta không có thời gian nhiều để học hỏi mọi điều hay trong vũ trụ; điều quan trọng và cần thiết nhất chúng ta phải học là kiến thức về Thiên Chúa.

– Chỉ một người duy nhất có thể mang đến cho chúng ta Ơn Cứu Độ là Chúa Giêsu qua hiến lễ hy sinh của Ngài trên Thập Giá.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************