Ngày thứ năm (17-05-2018) – Trang suy niệm

16/05/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Cv 22, 30; 23, 6-11

“Con phải làm chứng về Ta tại Rôma”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: “Thưa anh em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã chết”. Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: “Chúng tôi không thấy người này có tội gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?” Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.

Đêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán: “Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. – Đáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. – Đáp.

3) Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. – Đáp.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia. 

 

PHÚC ÂM: Ga 17, 20-26

“Xin cho chúng nên một”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

17/05/2018 – THỨ NĂM TUẦN 7 PS

Ga 17,20-26

“ĐỂ HỌ TẤT CẢ NÊN MỘT”

“Để họ tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21)

Suy niệm: Một bạn trẻ trăn trở: Thưa cha, con có một người bạn theo đạo Tin Lành. Anh ấy rất tốt, nhưng chúng con thường tranh luận với nhau về đức tin. Cuối cùng thì chẳng bên nào chịu bên nào. Làm thế nào để anh ấy tin như mình, hả cha? Bạn ơi, bạn nhớ rằng trong cuộc tranh luận không có người thua. Nếu bạn mưu toan dùng những lý luận sắc bén của mình để bẻ gãy mọi luận điểm của đối phương thì bạn nên biết rằng người kia cũng nỗ lực làm điều đó không kém gì bạn. Bạn hãy nghiền ngẫm Lời Chúa để biết Ngài dạy bạn ứng xử thế nào.

Chúa ơi, Chúa làm con chưng hửng bởi vì lắm khi Chúa đã làm những kẻ tố cáo Chúa không bắt bẻ gì được Chúa, nhưng Chúa lại không dạy con phương pháp lý luận để có thể khiến đối phương cứng họng. Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại nhưng Chúa lại chấp nhận vác thập giá, và trên thập giá Chúa từ chối lời thách thức “xuống khỏi thập giá để chúng ta tin” (Mt 27,42). Trái lại, Chúa dạy chúng con phương thế để mọi người tin Chúa là chúng con phải hiệp nhất nên một như Chúa và Chúa Cha là một. Chúa ơi! quả thật vì chúng con chưa nên một mà mọi người chưa tin vào Chúa! Ôi, đau lòng quá!

Chia sẻ: Phương thức hoạt động của nhóm chúng tôi có thể có nhiều ưu điểm. Thế nhưng nó có xây dựng hiệp nhất trong cộng đoàn ki-tô không? Nếu không chúng tôi phải xét lại.

Sống Lời Chúa: Lời Chúa hôm nay là phương châm mọi hoạt động của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG NĂM

Một Vương Quốc Không Thuộc Thế Giới Này

Trong bữa Tiệc Ly, Đức Kitô nói với các Tông Đồ một cách rất rõ ràng về việc Chúa Thánh Thần sẽ đến. Sau khi Người sống lại, Người lại nhắc lại lời loan báo và lời hứa ấy “về điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép Rửa trong Thánh Thần” (Cv 1, 4 – 5).

Rồi các Tông Đồ hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc It-ra-en không?” Các Tông Đồ vẫn tỏ ra không hiểu. Giống như những đồng bào Do Thái của các ông, các ông nghĩ rằng Đức Kitô sẽ cứu họ khỏi ách đàn áp chính trị.

Câu trả lời của Đức Giêsu: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1, 7). Có những thời gian khác nhau trong lịch sử thế trần: những thời gian của các dân tộc và của các quốc gia, những thời gian của cầm quyền và những thời gian của suy vong. Nhưng ở đây Đức Giêsu đang nói đến một thời gian khác: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).

Đức Giêsu đang đề cập đến một thời gian khác hẳn, một lịch sử khác hẳn, một vương quốc khác hẳn với vương quốc trần thế của It-ra-en. Thánh Thần sẽ đưa anh em ra khắp các phố phường của Giê-ru-sa-lem; và rồi sẽ sai anh em đi tới tận những chân trời góc biển xa xôi. Anh em sẽ rao giảng cho mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi văn hóa, mọi lục địa.

Các thánh vịnh cũng nói lên cùng âm hưởng ấy: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả úy, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu. Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân” (Tv 47, 2 – 3. 9). Vương quốc vốn “không thuộc thế gian này” ấy lại được mặc khải một lần nữa trong những lời này. Chúng ta nhớ lại biến cố thăng thiên – trong đó Đức Kitô được tôn dương làm Vua cao cả trên các tầng trời.

Vương quốc ấy được nhận ra xuyên qua lịch sử của mọi dân tộc và mọi quốc gia. Nó được nhận ra nơi Đức Kitô trong tư cách là sự hoàn thành mọi sự.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 17/ 5

Cv 22, 30. 23, 6-11; Ga 17, 20-26.

Lời suy niệm: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.”

            Trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, cho chúng ta thấy được đức tin của Người đặt trọn vẹn vào Chúa Cha, và qua lời cầu nguyện của Người chúng ta cũng thấy được sự yêu mến của Người dành cho mỗi người chúng ta và những người qua chúng ta mà tin nhận Người là Đấng Cứu Độ trần gian.

            Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa, đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho chúng con được hiệp nhất trong tình yêu thương cùng một niềm tin. Xin cho chúng con vượt trên mọi khác biệt, để chúng con liên kết với nhau bằng tình yêu, để luôn được ở trong tình yêu của Thiên Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

17 Tháng Năm

Ði Một Ðoạn Ðường Với Chúa 

Người Ấn Ðộ có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người thanh niên nọ khao khát được nhìn thấy Chúa. Ðêm ngày, anh cầu nguyện liên lỉ chỉ mong sao cho ước nguyện của mình thành sự thật. Quả thực, không bao lâu, Thiên Chúa đã đến với anh dưới hình dạng của một con người đẹp đẽ, uy quyền, trầm tĩnh.

Chúa đề nghị với anh: “Con có thể đi với Ta một quãng đường không?”. Người thanh niên cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúa và anh đồng hành với nhau như một đôi bạn tri âm. Ði một lúc, Chúa dừng lại nói với anh: “Ta khát nước, con có thể đi tìm cho Ta một ít nước không?”.

Người thanh niên hăm hở đi tìm nước. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc. Còn gì sung sướng bằng đi tìm nước để mang về cho Chúa… Nhưng, anh đi tìm mãi mà không thấy nơi nào có nước… Anh đi mãi để rồi cuối cùng dừng lại bên một bờ sông. Anh đang chuẩn bị lấy nước mang về cho Chúa, thì tình cờ một cô gái đẹp xuất hiện bên bờ sông. Cô gái đẹp đến độ người thanh niên không còn thấy cảnh vật xung quanh, cũng như không còn nghĩ đến việc mang nước về cho Chúa.

Anh nấn ná đến làm quen với cô gái. Họ thương nhau, lấy nhau và sinh được nhiều con cái. Không gì đầm ấm, hạnh phúc cho bằng. Nhưng một cơn ôn dịch xảy đến. Người thanh niên đưa vợ con đi đến một nơi khác. Nhưng khi họ đi qua một chiếc cầu, thì thình lình mưa gió thổi đến, nước dâng lên kéo cả vợ con anh theo. Người đàn ông bám vào được một gốc cây lớn. Anh khóc thương cho thân phận bọt bèo của vợ con cũng như chính kiếp cô đơn lạc loài của anh.

Giữa lúc đó, Thiên Chúa xuất hiện trước mặt anh: Ngài mỉm cười hỏi anh: “Này con, con có mang nước về cho Ta không? Con làm gì để Ta phải chờ đợi gần cả tiếng đồng hồ”.

Một người cha nhân từ mòn mỏi trông đứa con hoang trở về: đó là hình ảnh cảm động nhất về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài dụ ngôn “Người Con Hoang Ðàng”. Từng ngày, người cha ra đầu ngõ để trông đợi. Khi đứa con còn ở đằng xa, ông đã chạy đến để giang rộng đôi cánh tay để ôm trọn đứa con vào lòng, không một lời quở trách, không một cử chỉ bất bình… Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Chúng ta tưởng mình đi tìm Ngài, chúng ta tưởng Ngài ẩn mặt với chúng ta. Nhưng kỳ thực, chính Ngài mới là Ðấng đeo đuổi chúng ta, tìm kiếm chúng ta, chờ đợi chúng ta. Chúng ta tưởng mình đang đi đến với Chúa, nhưng kỳ thực chính Ngài đang ở với chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần VII PS

Bài đọc: Acts 22:30, 23:6-11: Jn 17:20-26.

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chia rẽ và hiệp nhất

Hiệp nhất là điều ao ước của con người cho gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội, và toàn thế giới. Nhưng sự hiệp nhất hệ tại điều gì? Có phải là cùng chung một màu da hay nói cùng một ngôn ngữ? Nếu hiệp nhất chỉ cần như thế, thì đã không có những cuộc nội chiến tương tàn như chiến tranh Nam-Bắc tại Việt Nam! Có phải là mang cùng một tên gọi? Nếu thế, đã không có quá nhiều giáo phái giữa các Kitô hữu! Hay tin vào cùng một Chúa? Cả ba tôn giáo độc thần: Do-thái, Kitô Giáo, và Hồi Giáo đều tin vào một Chúa mà vẫn không hiệp nhất với nhau! Các Đức Giáo Hoàng sau này đã kêu gọi và cổ võ cho sự hiệp nhất bằng cách chú trọng nhiều đến điểm tương đồng giữa các tôn giáo, để cùng nhau làm việc và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự hiệp nhất hòan hảo phải đặt căn bản trên sự thật và yêu thương quí trọng nhau. Trong Bài Đọc I, Phaolô tuy là người rao giảng về hiệp nhất về nền học thần học thân thể, đã nói những lời gây ra cuộc ẩu đả dữ dội giữa hai phái Pharisees và Saduccees. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chú trọng đến việc làm theo thánh ý Thiên Chúa và yêu thương. Đây là hai điều căn bản xây dựng sự hiệp nhất.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.

1.1/ Phaolô gây chia rẽ giữa những người Pharisees và Saduccees trong THĐ:

(1) Sự sống lại: Phaolô rất tinh ý. Ông biết cả hai giáo phái đều chống ông về niềm tin vào Đức Kitô, nên ông không đề cập trực tiếp đến Đức Kitô; nhưng ông đề cập đến sự sống lại mà hai giáo phái khác biệt nhau, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị: “Thưa anh em, tôi là người Pharisee, thuộc giòng dõi Pharisees; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.”

(2) Hậu quả của những gì Phaolô nói: Ông vừa nói thế, thì người Pharisees và người Saduccees chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Saduccees chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisees thì lại tin là có.

Người ta la lối om sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pharisees đứng lên phản đối mạnh mẽ: “Chúng tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói với ông ấy?” Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác ông Phaolô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa về đồn.

1.2/ Niềm tin của Phaolô vào sự sống lại: Một người có thể trách Phaolô đã gây chia rẽ trong THĐ, và đã không là sứ giả mang hòa bình tới cho mọi người; nhưng Phaolô hoàn toàn có lý khi làm như thế vì những lý do sau:

+ Hiệp nhất lý tưởng là hiệp nhất trong sự thật; chứ không hiệp nhất trong sự gian dối. Những người trong THĐ đã không theo hướng dẫn của Lề Luật khi xét xử Chúa Giêsu, Phêrô, Phaolô, và các môn đệ của Ngài. Một THĐ gồm những người như thế, con người không buộc phải tuân theo, như Phêrô và Gioan đã từng nói: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời.” Phaolô không nói điều gì gian dối, nhưng hoàn toàn đúng theo sự thật: Ông tin có sự sống lại, và chính vì điều này mà ông vào tin Đức Kitô, khi Ngài hiện ra khuyến cáo ông trên đường ngã ngựa tại Damascus. Sự sống lại là nền tảng chính yếu cho đức tin của Kitô Giáo, đến nỗi Phaolô đã phải nói mạnh: “Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta sẽ ra vô ích.”

+ Hiệp nhất đòi con người phải công bằng: Người Kitô hữu không phải ngây thơ đến độ “cứ đưa má cho người ta vả;” nhưng có lúc họ phải chất vấn những người bắt nạt, như Chúa Giêsu đã chất vấn viên sĩ quan của Thượng Tế, khi hắn vả mặt Ngài: “Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh; nếu ta nói phải, sao ngươi đánh Ta” (Jn 18:22)?

+ Hiệp nhất đòi người môn đệ phải khôn ngoan: Phaolô biết cách phân tán lực lượng của kẻ thù; đồng thời ông cũng biết cách đặt vấn đề cho con người phải suy nghĩ. Chính Chúa Giêsu cũng hài lòng về những gì ông làm, khi “đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói: “Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Jerusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.””

2/ Phúc Âm: Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha.

2.1/ Mô hình lý tưởng của sư hiệp nhất: Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

+ Hiệp nhất trong sự thật: mọi người cùng chung một niềm tin vào Đức Kitô. Đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho hết mọi người, trong đó có chúng ta, những người đã tin vào Ngài: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” Trong lời cầu nguyện này, chúng ta thấy biểu lộ một niềm tin không lay chuyển của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa và vào con người, cho dẫu Ngài đã thấy trước sự phản bội của các môn đệ trong Cuộc Thương Khó. Ngài tin các môn đệ, sau khi đã trải qua sóng gió, sẽ nhận ra sự thật, sẽ tin và làm chứng cho Ngài.

+ Hiệp nhất trong tình yêu: mọi người cùng chung một tình yêu đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết rõ hai điều căn bản cho sự hiệp nhất là sự thật và tình yêu, nên Ngài cầu xin với Chúa Cha: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” Tình yêu phải là đồng phục của hiệp nhất: các tín hữu có thể khác biệt về những điều khác, nhưng phải cùng một tình yêu, như Chúa đã nhấn mạnh: “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Jn 13:35).

2.2/ Vinh quang của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu: Tình yêu đòi hỏi sự hiệp nhất với nhau trong mọi nơi và mọi lúc, khi vinh quang cũng như lúc gian khổ. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha liên kết Ngài với các môn đệ luôn: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” Vinh quang Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu là những điều gì?

(1) Thập Giá là vinh quang của Chúa Giêsu: Theo Gioan, khi chịu treo trên Thập Giá là lúc Chúa Giêsu được vinh quang. Thiên Chúa cũng được vinh quang vì Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài hoàn tất. Con người cũng được vinh quang vì từ nay con người không ở dưới ách của tử thần nữa. Vì thế, khi các môn đệ chịu đựng đau khổ vì Chúa Giêsu, họ mang lại vinh quang cho chính họ và cho Thiên Chúa.

(2) Hoàn toàn vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa là vinh quang của Chúa Giêsu: Trong giờ phút hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, vượt qua mọi gian khổ để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, làm Chúa Giêsu được vinh quang.

(3) Làm cho các môn đệ nhận biết Chúa là vinh quang: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

Khi các môn đệ làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, họ làm cho Danh Chúa được cả sáng.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Để có hiệp nhất trong gia đình và cộng đoàn, chúng ta cần biết sống theo sự thật và yêu thương nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.

– Mỗi con người đều có ý kiến khác nhau. Điều làm cho con người liên kết với nhau là cùng làm theo ý Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************