Ngày thứ hai (22-07-2024) – Trang suy niệm

21/07/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai. Thánh Maria Mađalêna

BÀI ĐỌC I: 2Cr 5, 14-17

“Từ nay chúng ta không biết Ðức Kitô theo xác thịt nữa”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ. Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9

Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa (c. 2b).

1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước!

2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống; miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.

3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thoả dường như mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ.

4) Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con.

ALLELUIA:

All. All. – Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi biết bà đã thấy gì trên đường? -Tôi đã thấy mộ của Đức Kitô hằng sống và vinh quang của Đấng sống lại. – All.

PHÚC ÂM: Ga 20, 1.11-18

“Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ. (Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu”). Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni”, nghĩa là “Lạy Thầy”. Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: “Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”. Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

22/07/2024 – THỨ HAI TUẦN 16 TN

Th. Ma-ri-a Ma-đa-lê-na

Ga 20,1-2.11-18

VỊ TÔNG ĐỒ

TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa,” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20,18)

Suy niệm: Chúa Giê-su luôn có những bất ngờ, đưa ta từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khi sắp tắt thở, Ngài ban Nước Thiên Đàng cho một tên trộm khét tiếng ăn năn hối cải trong giây phút muộn màng. Ba ngày sau Ngài lại trao phó việc loan Tin Mừng Phục Sinh, trọng tâm của lời rao giảng, nội dung chính của việc truyền giáo, cho một người phụ nữ chân yếu tay mềm, người từng “được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ” (Mc 16,9). Ngài tin tưởng trao gửi cho những con người bé nhỏ thấp hèn các việc lớn lao như làm sao để được vào Nước Trời, phải sống thế nào trước mầu nhiệm cao cả nhất của Đạo là làm chứng cho Đấng Phục Sinh.

Mời Bạn: “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại, ta thấy mình chan chứa một niềm vui,” nhưng đồng thời cũng làm cho ta phải nghĩ suy, bối rối. Tài hèn sức mọn, tôi có thể làm được gì cho Chúa? Thách đố hôm nay quá nhiều, tôi loan báo Tin mừng thế nào được? Nhiều câu hỏi tương tự sẽ xuất hiện trong ta. Xin bạn đừng bối rối.

Sống Lời Chúa: Hãy bắt chước chị Ma-ri-a Ma-đa-lê-na là cứ chạy, cứ lao mình về phía trước để chỉ mong muốn được gặp gỡ Chúa. Tôi sẽ mạnh dạn nói với người khác như chị: “Tôi đã thấy Chúa.” Hãy mạnh dạn đứng về phía Chúa như anh trộm lành, đừng về hùa với người ác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa tin tưởng nơi con dù con yếu hèn. Xin giúp con vững bước trên con đường Chúa muốn dẫn con đi, và như thế con dễ thành công trong mọi việc con làm.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:
Mối tương quan thân thiết giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna
đã được một vài tác giả khai thác và dựng thành truyện.
Từ tiếng nức nở của Maria Mađalêna bày tỏ tình yêu với Thầy Giêsu
trong vở nhạc kịch nổi tiếng Jesus Christ Superstar của thập niên 70,
đến chuyện Đức Giêsu bị đóng đinh mà còn mơ lấy Maria làm vợ, đẻ con,
trong truyện Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Nikos Kazantzakis.
Gần đây nhất là cuốn Mật mã Da Vinci đã hấp dẫn cả triệu người,
dù câu chuyện giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna hoàn toàn hư cấu.


Theo các sách Tin Mừng, Maria Mađalêna không hề là gái gọi.
Chị không phải là cô Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe (Lc 10, 39),
hay là cô Maria xức chân Chúa ở Bêtania bằng dầu thơm hảo hạng (Ga 12, 3).
Chị cũng không phải là người phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Pharisêu (Lc 7, 36).
Maria Mađalêna là người quê ở vùng Mácđala, gần bên hồ Galilê.
Chị đã được Đức Giêsu trừ bảy quỷ,
và đã đi theo Thầy từ Galilê cùng các bà khác (Lc 8, 1-3; 23, 49. 55).
Chị đã theo Thầy đến tận Núi Sọ và đứng bên Thầy bị đóng đinh (Ga 19, 25).
Chị là người đầu tiên ra viếng mộ buổi sáng ngày thứ nhất (c. 1).
Không thấy xác Thầy, chị hốt hoảng chạy về báo cho hai môn đệ khác (c. 2).
Sau đó chị lại đến mộ lần nữa để tìm xác Thầy (c. 11).
Nếu không mến Thầy, chị chẳng thể can đảm theo đến cùng như vậy.


Ngôi mộ tự nó là nơi buồn, buồn hơn vì xác Thầy cũng không còn đó.
Những giọt nước mắt của chị làm ai cũng phải mủi lòng.
Thiên thần và Đấng phục sinh đều hỏi một câu giống nhau: Sao chị khóc?
Maria khóc vì thấy mình mất đi một điều quý báu.
Bận tâm duy nhất ám ảnh chị là tìm lại được xác Thầy.
“Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?”
Ba lần chị đã nói lời tương tự như thế (cc. 2.13.15).


Đấng Phục sinh đến với chị với dáng dấp của một ông làm vườn.
Ngài chạm đến nỗi đau của chị: Sao chị khóc?
Ngài chạm đến khát vọng của chị: Chị tìm ai?
Ngài gọi tên của chị bằng tiếng gọi quen thuộc: Maria.
Với giọng nói ấy, chị nhận ngay ra Thầy và reo lên: Rabbouni.
Đức Giêsu đã lau khô những giọt lệ của chị và cho tim chị vui trở lại.
Chị chỉ mong tìm được xác Thầy, thì lại gặp được chính Thầy đang sống.
Maria Mađalêna là người phụ nữ được thấy Chúa đầu tiên (c. 18),
và được Chúa sai đi loan Tin Mừng phục sinh cho chính các tông đồ (c. 17).


Đời chúng ta nhiều khi như ngôi mộ, mất mát và trống vắng.
Chúng ta đau đớn vì mất Chúa, mất những gì mình yêu quý xưa nay.
Nhưng nếu ngôi mộ không trống thì làm sao có Tin Mừng phục sinh?
Chỉ mong chúng ta tìm kiếm Chúa với rất nhiều tình yêu như chị Maria,
vì biết mình sẽ gặp được điều quý hơn cái mình đã mất.
 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của thập giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn thiện
nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay,
không gì có thể làm cho chúng con
khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất diệt,
là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;
xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

22 THÁNG BẢY

Chính Thiên Chúa Chọn Chúng Ta Trước

Sự tiền định đi trước cả sự tạo thành vũ trụ. Bằng việc áp dụng những loại suy của ngôn ngữ con người vào sự sống thần linh, chúng ta có thể nói rằng trước hết Thiên Chúa muốn thông truyền chính Ngài – trong thần tính của Ngài – cho con người, bởi vì con người được mời gọi trở thành hình ảnh của Ngài và giống như Ngài trong thế giới thụ tạo. Tiên vàn, trong người Con Vĩnh Cửu của Ngài, Thiên Chúa chọn con người để con người tham dự vào chức phận làm con ấy nhờ ân sủng. Rồi, Thiên Chúa muốn thu họp tất cả thế giới thụ tạo về với chính Ngài trong Đức Kitô.

Như vậy, mầu nhiệm tiền định hoàn toàn hòa hợp với toàn bộ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Mạc khải về kế hoạch vĩ đại này vén mở trước mắt chúng ta viễn tượng về Vương Quốc của Thiên Chúa. Nó dẫn chúng ta đến chính trung tâm của Vương Quốc này – ở đó chúng ta khám phá ra mục đích tối hậu của công cuộc tạo dựng. Chúng ta hiểu Thiên Chúa muốn gì.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 22/7

Thánh Maria Madalêna

Dc 3, 1-4a; Ga 20, 1-2. 11-18.

Lời suy niệm: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. (Ga 20,1)

          Trong ngày kính lễ Thánh Maria Madalêna, Giáo Hội cho mỗi người trong chúng ta thấy được lòng yêu kính của Thánh nhân đối với Chúa Giêsu, trong lúc mọi người trốn chạy để khỏi bị liên luỵ, thì Thánh nhân đã ở dưới chân Thánh Giá. Sau khi táng xác Chúa Giêsu trong mồ một cách vội vã vì cận ngày Sabát, không được chu tất, với nhiệt tình yêu mến Chúa và với lòng can đảm trung thành của Thánh nhân, Thánh Nhân đã ra mộ Chúa trước nhất. Điều này đã giúp cho Thánh nhân được gặp Chúa Phục Sinh trước nhất và là người loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho các Tông Đồ.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa cho chúng con biết: Chúa đang hiện diện nơi người nghèo và những người bé mọn. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con nhận ra Chúa trong họ để yêu mến và phục vụ với tình yêu thương Chúa trong họ. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 22-07: Thánh MARIA MADALENA

Các Giáo phụ đã tranh luận và các nhà chú giải vẫn còn tìm hiểu xem Giáo hội có kính nhớ ba thánh nữ dưới cùng một danh xưng Maria Madalena hay không.

Người thứ nhất là một người nữ tội lỗi. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông biệt phái Simon, một tội nhân vô danh đã được ơn tha tội, nhờ tình yêu bà bày tỏ trong việc xức dầu thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau (Lc VII, 36-39).

Đàng khác, cũng chính việc thánh sử Luca (Lc VIII, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, Ngài cũng thuộc vào số các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, Ngài đã thấy và nói truyện với các thiên thần. Sau cùng, Ngài đã nhận ra Đâng Phục sinh mà thoạt đầu Ngài tưởng là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).

Maria Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà Ngài là người đã chọn phần tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống Lazarô, thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta kêu Ngài tới gặp “thầy”. Ít ngày sau, Ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt 26,6-13).

Mặc dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm đồng nhất ba khuôn mặt này thành một người và ý kiến các giáo phụ còn trái nghịch, nhưng Giáo hội Tây phương từ thế kỷ thứ VI đã đồng hóa thành một người. Sự đồng hóa này được diễn tả trong phụng vụ.

Với sự đồng hóa ấy, lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được chứng kiến Laxarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên “Maria” buổi sáng phục sinh.

Sau đó, người ta không nghe nói gì về Maria Madalena nữa. Theo truyền thuyết, Ngài đã từ trần và được mai táng ở Ephêsô. Năm 889, hoàng đế Lêô VI đã chuyển thi hài thánh nữ về một tu viện ở Constantinople.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

22 Tháng Bảy

Người Bị Mạo Nhận 

Ngoại trừ Mẹ Của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viét đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.

Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.

Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng Batania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi “7 quỷ dữ”. Cách nói “7 quỷ dữ” này không thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng nề.

Ðoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: “Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao giảng… Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna… cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài”.

Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Marian Madalena cũng là người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: “Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em”.

Theo truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua đời.

Trải qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi. Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: “Sự mạo nhận này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng tá của chúng ta”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ kính Thánh Mary Magdalena – 22 tháng 7 

Bài đọc: Sg 3:1-4b hay II Cor 5:14-17; Jn 20:1-2, 11-18

1. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức tin và tình yêu cần thiết để nhận ra Chúa và làm theo ý Ngài.

            Con người thường muốn sống và biểu lộ tình yêu bằng cảm giác; Chúa muốn con người biểu lộ tình yêu qua đức tin bằng cách làm theo thánh ý Ngài. Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ thánh Maria Magdala, người đã được Đức Kitô diệt trừ bảy quỉ. Kể từ ngày đó, bà đã theo Ngài và trở thành “tông đồ của các tông đồ” vì là người đầu tiên theo Phúc Âm Gioan được nhìn thấy Đức Kitô Phục Sinh và loan truyền cho các tông đồ. Dòng Đa-minh đã nhận Bà là quan thầy thứ hai sau thánh Đa-minh vì đặc sủng của bà và của Dòng có những nét giống nhau.

            Bà yêu Đức Kitô vì Ngài đã cho bà cuộc sống mới, không còn bị làm nô lệ cho quỉ. Để đáp lại ơn giải thoát này, Bà đã can đảm yêu thương theo Ngài đến cùng. Khi Chúa Giêsu sinh thì trên Thập Giá, bà là một trong những người được Phúc Âm nêu tên đứng dưới chân Thập Giá. Sau khi hạ xác Chúa và chôn cất trong mồ, bà là người đầu tiên ra viếng huyệt mộ Chúa. Trong đoạn Phúc Âm theo thánh Gioan hôm nay, Bà muốn được nhìn thấy xác Chúa, được ướp xác Chúa với thuốc thơm và mộc dược, được giữ chặt Chúa Giêsu khi đã nhận ra Ngài; Chúa muốn bà đừng làm như thế, nhưng hãy đi và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ. Tại sao Đức Kitô không muốn bà dừng lại trong việc biểu lộ tình yêu hoàn toàn nhân loại? Vì tình yêu nhân loại có tính ích kỷ, đòi hỏi phải giữ người yêu cho riêng mình: được nhìn thấy, được yêu thương và chăm sóc… Tình yêu bác ái đòi chia sẻ niềm vui cho người khác, đòi lên đường ra đi để hát rong cho mọi người biết về tình Thiên Chúa yêu thương con người.

            Trong Bài đọc I, Sách Diễm Ca diễn tả tình yêu của một người con gái rất giống tình yêu Mary Magdala dành cho Đức Kitô trong Phúc Âm hôm nay, nôn nóng đi tìm kiếm người yêu nhưng không tìm được cho dù đã ngang qua khắp đầu đường cuối phố và cậy nhờ lính gác; nhưng một khi đã vượt qua tất cả những gì là giới hạn con người, cô đã tìm được người yêu.

            Bài đọc có thể dùng trong Thư II gởi tín hữu Corintô, thánh Phaolô cũng đã cảm nhận và khuyên tín hữu của ngài vượt lề trên thói thế gian, để biết Đức Kitô và tha nhân, không theo cách thức thông thường của con người; nhưng theo đức tin vì những cái cũ đã qua rồi và những cái mới đã xuất hiện.

2. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

1/ Bài đọc I: “Tôi đã gặp người tôi yêu.“

1.1/ Tình yêu thế gian đòi phải có sự hiện diện hữu hình:

            Sách Diễm Ca được gọi là những bài tình ca hay nhất của một đôi uyên ương. Nhiều người thắc mắc tại sao những bài tình ca lãng mạn và ướt át như thế lại được cho vào sổ bộ Sách Thánh. Lý do là vì Sách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Mặc dù tình yêu này có khía cạnh và diễn tả những tâm tình của con người, nhưng nó cũng diễn tả những khía cạnh siêu nhiên vượt trên con người như bài đọc hôm nay diễn tả.

            Yêu thương là muốn ở gần người mình yêu từng giây từng phút. Sách Diễm Ca diễn tả khía cạnh này qua sự kiện người con gái nôn nóng đi tìm người yêu, như Mary Magdala thao thức suốt đêm trường, mong cho trời chóng sáng để đi ra mộ gặp Đức Kitô trong Phúc Âm. Cô ra khỏi nhà, lên đường đi tìm người yêu trong hết mọi nẻo đường dãy phố, ngay cả hỏi thăm lính gác xem có gặp người cô yêu không? Đây có thể là một câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng đối với những kẻ đang ở trong tình yêu thì chẳng có gì ngớ ngẩn cả, họ hỏi tất cả những gì giúp cho họ tìm được người yêu!

1.2/ Tình yêu chân thật đòi con người vượt trên sự hiện diện hữu hình: Bài đọc kết thúc một cách hết sức đột ngột, “Tôi vừa đi qua khỏi họ, thì gặp ngay người tôi yêu.” Nhiều người thắc mắc đâu là lý do cho sự diện kiến đột ngột này?

            Chúng ta chỉ có thể suy đoán dựa trên Lời Chúa, “Ai tìm thì sẽ gặp.” Chúa biết những ai yêu người cách chân thành vì Người thấu suốt hết mọi sự, không phải chỉ những hành động biểu tỏ ra bên ngoài nhưng còn những tâm tình giấu kín trong tâm tư. Thiên Chúa thấu hiểu tình yêu của người con gái được diễn tả qua việc cô đi tìm Ngài khắp đầu đường cuối phố, bất chấp mọi trở ngại và nguy hiểm có thể gặp phải cho phận nữ nhi như cô; miễn là có thể tìm thấy Ngài. Là một người được yêu và có quyền năng, Ngài không nỡ lòng để cho cô phải thất vọng; nhưng đáp lại bằng sự diện kiến đột ngột: Sự diện kiến có thể chỉ trong trí óc, được nhận ra bởi đức tin như thánh Martinô nhìn thấy Đức Kitô trong các kẻ nghèo nàn khốn cực; hay trực tiếp trong thân xác con người và gọi tên “Mary” cách thân thương như Đức Kitô gọi Mary Magdala hôm nay. Điều này chứng minh: diện kiến cách thể lý không phải là cách duy nhất và đáng ao ước nhất mà Thiên Chúa muốn cho con người.

2/ Bài đọc II: “Từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa.”

2.1/ Biết và yêu thương theo xác thịt: Theo cách thức thế gian, yêu ai là phải chiếm hữu được người ấy trong mọi khía cạnh: tâm tình cũng như trong hành động. Họ phải được sống chung trong cùng một mái nhà và sẽ không chia sẻ tình yêu này cho bất cứ một ai. Họ tức giận nếu thấy người yêu của họ nhìn, quan tâm tới hay chia sẻ tình yêu cho bất cứ ai ngoài họ.

2.2/ Biết theo đức tin và yêu thương theo Thần Khí: Saint Expury đã diễn tả điều này rất hay và phù hợp, “Yêu thương không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng.” Đây là thứ định nghĩa mà các bài đọc hôm nay nhắm tới. Yêu Chúa nồng nhiệt không phải là chỉ giữ Chúa cho mình, nhưng phải biết nhìn và lo cho những gì Chúa muốn. Nếu Chúa muốn ta phải đi ra để rao giảng cho mọi người biết tình thương Thiên Chúa dành cho mọi người, để mọi người cũng yêu Chúa như ta yêu Chúa vậy; thì ta phải tìm mọi cách để thực hiện điều này.

            Thánh Phaolô, sau khi đã được Đức Kitô kiếm tìm và yêu thương trên đường đi Damascus, ngài đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cho phù hợp với tình yêu và thánh ý Chúa. Trong bài đọc hôm nay, ngài khuyên các tín hữu Corintô, “Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.”

3/ Phúc Âm: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy.“

3.1/ Maria muốn được nhìn thấy xác Thầy mình: Nhiều sự kiện lạ thường xảy ra chung quanh Ngôi Mộ Trống, nhưng Maria Magdala đã không nhận ra vì cô còn đang sống theo cảm xúc con người:

            (1) Tảng đá lớn bị lăn ra khỏi cửa mộ: Bà không hỏi, “Ai có thể lăn tảng đá này ra?” nhưng bà đã đồng nhất sự kiện này với sự kiện: “Người ta đã ăn cắp xác Chúa.”

            (2) Khi Maria trở lại lần thứ hai, bà thấy hai thiên thần ngồi trên giường để xác: Bà không thắc mắc: Họ là ai? Tại sao ngồi đó? Bà chỉ biết đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó;nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.

            (3) Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”.

            – Hai lần bị chất vấn “Tại sao khóc?”: một lần bởi thiên thần, một lần bởi chính Chúa Giêsu. Sự kiện Phục Sinh là sự kiện vui mừng tuyệt đỉnh và đã được loan báo trước bởi Đức Kitô; họ không hiểu lý do tại sao bà khóc mà không vui mừng?

3.2/ Chúa Giêsu đòi Mary Magdala vượt qua giác cảm để loan báo Tin Mừng Phục Sinh:

            (1) Maria Magdala phải vượt qua tình yêu cảm xúc mới có thể nhận ra Đức Kitô: Vì tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”.

            (2) Đức Kitô giúp Maria vượt qua bằng việc gọi đích danh tên cô: “Maria.” Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabbouni,” nghĩa là “Lạy Thầy.“

            (3) Khi bà xà xuống ôm chân để giữ Ngài, Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta.”

            (4) Chúa Giêsu truyền cho bà loan báo tin mừng Phục Sinh: “Hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: “Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con.“

            (5) Maria Magdala đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy.“       

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Thân xác con người chỉ là một phần của đời sống. Chúng ta cần để cho linh hồn tiếp cận với Thiên Chúa và hướng dẫn mọi khía cạnh của cuộc đời.

            – Sống theo tình cảm xác thịt làm con người chẳng khác chi súc vật và sẽ dẫn con người tới cái chết; nhưng sống theo sự hướng dẫn của linh hồn sẽ làm con người đạt tới chiều cao mà Thiên Chúa đã dự định cho con người trong Đức Kitô.

            – Yêu Chúa không phải là chỉ ngồi nhìn Ngài, nhưng còn đòi chúng ta làm theo ý Ngài mong muốn: Hãy đi rao truyền tình thương của Ngài dành cho mọi người khắp thế gian.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************