Ngày thứ hai (10-06-2024) – Trang suy niệm

09/06/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai tuần 10 Thường Niên

BÀI ÐỌC I: 1V 17, 1-6

“Êlia đứng trước tôn nhan Chúa, Thiên Chúa Israel”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia người Thesbê thuộc miền Galaad, tâu vua Acáp rằng: “Có Chúa là Ðấng hằng sống, Thiên Chúa dân Israel, mà tôi đứng trước tôn nhan! Trong những năm sắp tới, sẽ không có sương mà cũng không có mưa, nếu tôi không ra lệnh”. Và Chúa đã phán cùng Êlia như sau: “Ngươi hãy bỏ nơi này, đi về hướng đông và ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Nơi đây ngươi sẽ uống nước suối, và Ta đã truyền cho chim quạ nuôi ngươi”. Vậy ông trẩy đi và làm như lời Chúa dạy. Ông đến ẩn náu tại suối Karit ở phía đông sông Giođan. Sáng sớm quạ đem cho ông bánh và thịt; ban chiều quạ cũng lại đem cho ông bánh và thịt, và ông uống nước suối.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Ơn phù trợ của tôi do nơi danh Chúa, là Ðấng đã tạo thành đất với trời (c. 2).

1) Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ của tôi do nơi danh Chúa, là Ðấng đã tạo thành đất với trời.

2) Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té, Ðấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Ðấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say.

3) Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Ðấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm.

4) Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến, Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi, khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”.

“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

10/06/2024 – THỨ HAI TUẦN 10 TN

Mt 5,1-12

LẤY HIỀN LÀNH TRỪ BẠO LỰC

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5,4)

Suy niệm: Đã bao lần chúng ta cảm thấy khó chịu trước những lời dạy này của Chúa: nào là “đừng chống cự lại người ác, ai vả má bên phải thì giơ cả má trái”, nào là phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”?… Phải chăng Ngài dạy chúng ta sống một cách hèn nhát, khiếp nhược, đầu hàng trước bạo lực, sự ác?

Bạn cứ thử đặt mình trong bối cảnh của thời đại chuộng bạo lực này thì sẽ rõ: nếu người ta tấn công chúng tôi bằng cách nổ bom tự sát thì chúng tôi dùng tên lửa san bằng cả một khu phố bị tình nghi chứa chấp khủng bố; nếu chúng tôi bị tấn công ở đây, thì chúng tôi sẽ trả đũa gấp nhiều lần, ở nhiều nơi khác, giết hại thật nhiều người hơn… Và cứ như thế, người ta không bao giờ có thể lần ra đầu mối cái vòng luẩn quẩn của bạo lực đó bắt nguồn từ đâu và đến bao giờ nó mới kết thúc. Muốn chấm dứt dây chuyền bạo lực đó, phải có người dám nhận lấy phần thiệt về phía mình, dám bắt đầu chấm dứt nó ngay nơi chính mình. Đức Giê-su Ki-tô, Đấng hiền lành vô tội, đã dám làm và làm được điều đó khi Ngài gánh chịu nỗi bất công lớn lao nhất khi vác thập giá, chịu đóng đinh, chịu chết trên thập giá đó. Bạn nhớ đó, “trên thập giá, Đức Ki-tô đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).

Sống Lời Chúa: Mỗi khi bị ai xúc phạm bất cứ cách nào, tôi “trả đũa” bằng một việc bác ái, một lời cầu nguyện cho người đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết lấy yêu thương đáp lại hận thù, biết tha thứ khi con bị xúc phạm, dám chịu phần thiệt về mình, để góp phần với Chúa tiêu diệt sự thù ghét trên trái đất này. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm 

Trong những năm tháng công khai rao giảng,
Ðức Giêsu đã gặt hái được thành công từ phiá dân chúng.
Nhưng Ngài cũng phải nếm nhiều khổ đau và thất bại
do những hiểu lầm, ghen tương và cố chấp.
Ðức Giêsu, người quân bình hơn cả, lại bị coi là mất trí,
khi Ngài xả thân để lo cho đám người đông đảo.
Ngài bị coi là bất bình thường,
khi Ngài và các môn đệ bận bịu, không có giờ ăn.
Chính thân quyến của Ngài đã coi Ngài như thế.
Họ chẳng hiểu gì, dù họ tưởng mình biết Ngài rất rõ.

Các kinh sư từ Giêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu.
Họ không thể phủ nhận chuyện Ngài có khả năng trừ quỷ,
nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý:
Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Xatan.
Éo le thay, Ðấng mà thấn ô uế phải sấp mình dưới chân
và tuyên xưng: “Ông là Con Thiên Chúa” (Mc 3,11);
Ðấng khiến quỷ phải kêu la khi xuất ra:
“Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi.
Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24);
Ðấng trừ quỷ ấy lại bị coi là người bị quỷ ám.
Một người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun chiếm đoạt
lại đi trừ những người bị ám bởi các quỷ con ư?
Như thế đúng là Xatan lại diệt trừ Xatan,
tướng quỷ cho người ngoài làm hại đàn em của mình!

Ðức Giêsu nói đến thứ tội mãi mãi không được tha.
Không được tha chẳng phải vì Thiên Chúa hẹp hòi,
nhưng vì người ấy không cần đến ơn tha thứ.
Khép lại trước sự thật rành rành, hay bóp méo sự thực,
cố chấp ở lại trong sự gian dối với chính bản thân:
đó là những thái độ ta có thể mắc phải.

Quả thực không dễ hiểu được con người Ðức Giêsu.
Hiểu một người ta thân quen cũng là điều khó.
Chỉ một chút ghen tương đủ làm ta hiểu sai.
Chỉ một chút tự ái đủ làm ta không thấy
điều ai cũng rõ như ban ngày.
Càng trí tuệ và học thức, như các kinh sư,
ta càng dễ bẻ cong chân lý về phía mình,
càng dễ biện minh cho thái độ mình đã chọn.
Khi vơi bớt đam mê của cái tôi,
ta sẽ dễ nhận ra chân lý quá đơn sơ, gần gũi.

Ðám đông dân chúng ngồi chung quanh Ðức Giêsu, nghe giảng.
Một vòng tròn thân thương như những người trong nhà.
Ðức Giêsu thấy mình gắn bó sâu xa với họ.
Ngài không ngại nhận họ là mẹ, là anh chị em Ngài.
Có một thứ tình máu mủ ruột thịt thiêng liêng.
Có một mẫu số chung giữa Ngài và người nghe giảng,
đó là thi hành thánh ý Cha trong cuộc sống.
Ðức Maria là Mẹ của Ðức Giêsu hai lần,
vì Mẹ đã sinh dưỡng Ngài và suốt đời xin vâng ý Chúa.
Chúng ta tự hỏi mình có bà con gì với Ðức Giêsu không.

Cầu Nguyện 

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,

Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.

Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,

vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con

nhưng điều riêng tư thầm kín nhất

trong tương quan giữa Thầy với Cha.

Hơn nữa, sau phục sinh,

Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.

Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng

đứng đầu một đoàn em đông đúc. 

 

Xin cho chúng con

luôn thi hành ý muốn của Cha

để trở nên những người em

cùng huyết nhục với Thầy. 

 

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên

làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.

Còn Thầy lại hạ mình xuống

phục vụ chúng con như người tôi tớ,

rửa chân cho chúng con như một nô lệ

và chết thay cho chúng con trên thập giá. 

 

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy

và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG SÁU

Sự Tự Do Chọn Lựa

Bên cạnh trí năng và mối quan hệ của nó với chân lý, con người còn có ý chí để chọn lựa. Và ý chí chọn lựa này có liên hệ mật thiết với sự thiện. Mọi hành vi nhân linh đều có bao gồm một hành vi của ý chí và khả năng chọn lựa.

Xuất phát từ nhận hiểu căn bản ấy về con người, chúng ta thấy tự nhiên bật ra vấn đề luân lý. Con người có khả năng chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, được hướng dẫn bởi tiếng nói lương tâm. Lương tâm hướng dẫn con người làm điều tốt và lôi kéo con người trở về từ đường nẻo xấu xa.

Rõ ràng, ý chí tự do của con người chi phối đến mối quan hệ của con người với thế giới, với đồng loại, và làm cho con người khao khát Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài. Và như chúng ta đã thấy, cũng chính ý chí tự do thúc đẩy con người kiếm tìm chân lý. Thực vậy, bản tính thuộc linh của con người là cơ sở thiết yếu của các khả năng suy lý và lựa chọn tự do. Từ đầu tiên, con người nhận thấy mình ở trong một mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Bản trình thuật về sáng tạo trong Thánh Kinh (St 1-3) cho chúng ta thấy rằng “hình ảnh của Thiên Chúa” được mạc khải trước hết trong mối quan hệ của con người (xét như chủ thể) với Thiên Chúa (xét như đối tượng). Con người biết Thiên Chúa; trái tim và ý chí con người có khả năng kết hiệp với Thiên Chúa. Con người có thể nên một với Thiên Chúa! Con người có thể nói “VÂNG” với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, con người cũng có thể nói “KHÔNG”. Con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa và thánh ý Ngài; song con người cũng có khả năng chống lại Thiên Chúa và chống lại các hoạch định của Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 10/6

1V 17, 1-6; Mt 5, 1-12.

Lời suy niệm:  Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi, các môn đệ đứng gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,1-3)

          Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi, Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên, Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ…”

          Khởi đầu chương 5 của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trình bày cho mỗi người trong chúng ta về: “Tám Mối Phúc Thật”. Với tám mối phúc thật này sẽ đẫn đưa con người đi vào cõi phúc đời đời đó là: Nghèo khó – Hiền lành – Sầu khổ – Khát khao nên người công chính – Xót thương người – Có tâm hồn trong sạch – Xây dựng hòa bình – Bị bách hại vì sống công chính. Đặc biệt là những ai vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

          Lạy Chúa Giêsu, với Tám Mối Phúc Chúa đã đưa ra, xin cho mỗi thành viên trong chúng con được ơn ban của Chúa, để chúng con có thể sống trọn vẹn một trong tám mối phúc ấy. Để cuối đời mỗi người chúng con được hưởng “Phúc Thật” mà Chúa đã hứa ban. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Sáu

Hãy Làm Chủ Chính Mình 

Một tác giả nọ có kể một câu chuyện nghụ ngôn như sau: Một nhà trí thức, một thương gia và một quan đầu tỉnh bị quân cướp tấn công nhân một cuộc hành trình giữa sa mạc. Sau khi đã đánh đập, bọn cướp bỏ ba người dở sống dở chết bên lề đường. Tuy nhiên, ba người cũng cố gắng lê bước để tìm đến túp lều của một vị ẩn sĩ. Sau khi đã băng bó các vết thương cho ba người, vị ẩn sĩ mới nói với họ: “Túp lều của tôi quá nhỏ. Mùa đông lại sắp đến. Xin mỗi vị cố gắng làm riêng cho mình một căn lều để trú ẩn”.

Nghe thế cả ba người bộ hành đều chống chế, vì họ chỉ muốn tiếp tục cuộc hành trình mà thôi. Vị ẩn sĩ mới cho họ biết rằng tuyết đã bắt đầu rơi và không còn một lối thoát nào có thể giúp họ ra khỏi vùng sa mạc. 

Nhưng làm thế nào để tự mình có thể dựng cho mình túp lều? Nhà trí thức thì than phiền rằng mình không có sách vở trong tay. Thương gia thì quả quyết rằng cả đời mình chỉ biết đếm tiền và giao dịch. Còn viên đầu tỉnh thì cho rằng ông không thể làm việc gì mà không có thuộc hạ.

Nhưng nước đến trôn rồi thì cũng đành phải nhảy. Không còn lý do gì để khước từ, cả ba người đành phải bắt tay vào dựng riêng cho mình căn lều. Khi họ vừa hoàn thành túp lều thì mùa đông cũng vừa đến. Trong suốt mùa đông dài, họ không còn bít làm gì hơn là ngồi bên bếp lửa để ôn lại chuyện quá khứ… Vị ẩn sĩ thỉnh thoảng cũng xen vào câu chuyện để góp ý và an ủi ba người bất hạnh.

Ðông tàn, xuân đến. Ba người bộ hành muốn lên đường trở về tức khắc. Nhưng lòng tốt và tình bạn của nhà ẩn sĩ không nỡ để họ ra đi. Thành ra, họ đành ở nán lại một thời gian để giúp ông cày xới và gieo trồng cũng như chăm sóc gia súc. Và rồi, khi ánh nắng xuân chiếu tỏa giữa sa mạc, họ cũng ở lại thêm một thời gian để ngắm cảnh thiên nhiên…

Một ngày nọ, vị ẩn sĩ mới thắc mắc như sau: “Tôi không còn nghe các ông nói đến sách vở, công việc làm ăn và những người thuộc hạ nữa. Có chuyện gì xảy ra cho các ông không?”. Cả ba người đều giữ thinh lặng. Vị ẩn sĩ mới nói tiếp: “Tôi xin phép được trả lời cho các ông nhé. Trước kia, các ông có một ông chủ, ông chủ của các ông có tên là sách vở, là tiền bạc, là các thuộc hạ. Giờ đây, các ông cũng giống như chó lạc mất chủ, các ông cảm thấy tự do. Nhưng tôi nghĩ rằng tốt hơn là các ông nên trở về với sách vở, với tiền bạc, với các thuộc hạ của các ông. Trêu về nhưng không với tư cách là nô lệ nữa. Các ông hãy là chủ chính mình. Và nếu các ông muốn có một người chủ luôn để cho các ông tự do hoàn toàn, xin hãy nhớ đến tôi và chủ của tôi”.

Lục soát cho kỹ trong lương tâm, có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thú nhận rằng mình là nô lệ của rất nhiều ông chủ.

Có ông chủ mang tên là một ý thức hệ kiên cố đang trói buộc đôi cánh tư tưởng của chúng ta. Chúng ta bị giam hãm trong vòng nô lệ đến độ không dám đưa chân bước ra khỏi vòng tròn mà ý thức hệ đó đã vẽ sẵn.

Có ông chủ mang tên là những định kiến đối với cuộc đời, đối với xã hội, đối với con người mà chúng ta không bao giờ muốn từ bỏ, mà chúng ta luôn chụp xuống trên người khác có lẽ cúng là hàng rào kẽm gai mà chúng ta khoanh tròn xung quanh chúng ta để mãi mãi chỉ mang lấy một cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ.

Có ông chủ là những thói quen xấu mà chúng ta tích lũy như một pháo đài kiên cố để không muốn rời một bước.

Có ông chủ là thứ tôn giáo vụ hình thức trong đó chúng ta cố gắng tô vẽ cho mình một bộ mặt đạo đức, nhưng kỳ thực lại hoàn toàn xa lạ với Tin Mừng của Chân Lý và tự do đích thực.

Mỗi người chúng ta cần phải rời bỏ những ông chủ quen thuộc để đi vào trong túp lều nhỏ bé, nhưng chính do chúng ta cố gắng tự tạo ra. Nơi sa mạc của cõi lòng, chúng ta sẽ gặp được chính Chúa làông chủ đích thực của chúng ta. Có trút bỏ mọi ràng buộc trong cuộc sống, chúng ta mới cảm thấy được Ngài chiếm ngự và lúc đó chúng ta mới cảm nhận được niềm hạnh phúc đích thực mà Chúa Giêsu đã hứa: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 10 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 1 Kgs 17:1-6; Mt 5:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng nơi tình yêu của Thiên Chúa quan phòng.

Mọi sự trong thế giới là của Thiên Chúa vì Ngại dựng nên tất cả cho con người hưởng dùng trong những ngày họ sống trong thế gian; nhưng rất nhiều người, thay vì biết cám ơn Thiên Chúa đã ban cho, lại coi những gì mình có là do sức lực và tài khéo của mình, thay vì thờ phượng Người đã dựng nên tất cả lại quay sang thờ phượng những thứ Người đó tạo nên. Tiên tri Isaiah so sánh những người như thế còn thua cả loài vật, vì: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:3).

Các bài đọc hôm nay muốn nhắc nhở cho con người biết hạnh phúc thật không phải là ở sự hưởng thụ vật chất; nhưng là ở chỗ tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa quan phòng. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah truyền lệnh đóng cửa trời. Mục đích là để cho dân nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa và quay trở về với Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tóm tắt đạo lý của Người trong Bát Phúc; những gì con người phải làm để được Thiên Chúa chúc phúc.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.

1.1/ Lệnh truyền của tiên tri Elijah: Tiên tri tức giận vì nhà vua và dân chúng đã rời xa Thiên Chúa, vì muốn cho họ mở mắt nhìn thấy đâu là Thiên Chúa thật, ông nói với vua Ahab của Israel rằng: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.”

Thiên Chúa không những dựng nên cây cối và hạt giống làm thức ăn cho muôn loài, Người còn quan phòng cho mưa nắng, sương gió giúp hạt giống nẩy mầm và tăng trưởng. Nếu thiếu những yếu tố này, hạt giống sẽ không thể mang lại cho con người lương thực. Để giúp nhà vua và con cái Israel nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa, tiên tri được Thiên Chúa cho quyền năng “đóng cửa trời,” để không có mưa hay sương rơi xuống trên mặt đất cho tới khi tiên tri truyền lệnh lại.

Không có mưa hay sương, con người và thú vật sẽ chết vì khát, cây cỏ sẽ khô héo và không sinh lương thực, con người và thú vật sẽ chết vì đói. Tiên tri hy vọng khi con người phải đối diện với nguy hiểm chết vì đói khát, họ sẽ nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài.

1.2/ Thiên Chúa quan phòng cho Elijah: Khi không có mưa sương rơi xuống, cả tiên tri Elijah cũng bị ảnh hưởng, nhưng ông tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa biết chỗ nào có nước để tiên tri có nước uống: “Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cherith, phía đông sông Jordan. Ngươi sẽ uống nước suối.” Về thức ăn: “Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy.” Ông ra đi và làm như Đức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cherith, phía đông sông Jordan. Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; rồi buổi chiều, cũng mang bánh và thịt cho ông. Ông uống nước suối.
Trình thuật trong Sách Các Vua dạy chúng ta bài học: Nếu con người không biết nhận ra và cám ơn những ân huệ Thiên Chúa đã làm, Ngài sẽ cất đi và con người sẽ chết; nhưng nếu con người nhận ra và tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ có cách nuôi dưỡng con người ngay cả trong khi hạn hán, đói khát.

2/ Phúc Âm: Người có phúc là người biết trông cậy hoàn toàn nơi Thiên Chúa.

Có thể nói Bát Phúc là tóm tắt tất cả những gì Chúa Giêsu dạy dỗ con người trong những ngày Ngài rao giảng ở trần gian. Có thể tóm tắt Bát Phúc vào ba điều chính theo chủ đề hôm nay. Con người cần phải tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

2.1/ Trong khi thiếu thốn vật chất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Có nhiều cách giải thích về cụm từ “tâm hồn nghèo khó.” Trước tiên, chúng ta không thể giản lược vào thiếu thốn vật chất; nhưng rất nhiều lần Chúa Giêsu tuyên bố người giầu có rất khó vào Nước Trời. Lý do đơn giản khi con người có đầy đủ mọi thứ, họ có khuynh hướng không cần Thiên Chúa; tối ngày chỉ lo kiếm nhiều tiền, và khi có nhiều tiền lại tìm kiếm hưởng thụ. Dĩ nhiên Chúa không cổ động lối sống nghèo đến độ không có của ăn nhà ở, con người cần có những thứ căn bản ổn định trước khi có thể phát triển tinh thần. Thứ hai, có người giầu nhưng biết dùng của cải Chúa ban để phân phát cho người nghèo, ủng hộ vào các chương trình phát triển hay nuôi dưỡng ơn gọi, hay mở rộng nhà cửa để tiếp đón những nhà truyền giáo. Có lẽ điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến ở đây là có lòng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự, chứ không thuần nhất chỉ của cải vật chất mà thôi.

2.2/ Trong khi thiếu thốn tinh thần: Hiền lành không có nghĩa khờ khạo để cho người khác muốn làm gì thì làm; nhưng phải biết khi nào và cách thức phản ứng để đạt được kết quả tốt đẹp như ý Thiên Chúa muốn. Trên đường nhân đức, người khao khát được trở nên người công chính là người dễ đạt tới đỉnh trọn lành, vì nếu coi thường hay xem nó không quan trọng, làm sao người đó chịu bỏ công sức để tập luyện! Xót thương tha nhân là điều kiện Chúa đòi để được Chúa xót thương. Ai không có lòng thương xót anh em mình, làm sao dám cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Ơn Phúc Kiến, nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường là mục đích của cuộc đời. Điều kiện Thiên Chúa đòi là tâm hồn trong sạch. Chữ trong sạch ở đây hiểu là “nguyên chất,” không pha trộn với điều gì khác. Nếu hiểu như thế, trong sạch không chỉ giản lược vào phạm vi tình dục; nhưng bao gồm tất cả các mong ước bất chính. Bình an là quà tặng Thiên Chúa ban cho những ai đặt trọn vẹn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xây dựng bình an là giúp cho con người hoàn toàn tin nơi Thiên Chúa.

2.3/ Trong khi chịu đau khổ: Khi con người chịu đau khổ, họ có thể rơi vào một trong hay trạng thái: (1) than thân trách Thiên Chúa và mất niềm tin tưởng nơi Ngài; (2) nâng tâm hồn lên Thiên Chúa để xin Ngài ghé mắt nhìn tới. Con người dễ hướng lòng lên Thiên Chúa khi thiếu thốn đau khổ hơn là khi sung sướng hạnh phúc. Nhiều thánh mong ước được chịu đau khổ để họ được cảm thấy sự ủi an của Thiên Chúa. Đau khổ vì chính đạo là cơ hội cho con người chứng tỏ niềm tin yêu của họ nơi Thiên Chúa. Khi có dịp để chịu đau khổ vì Chúa, các tín hữu phải hãnh diện vì được thông phần vào Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, và cũng sẽ được thông phần vào vinh quang của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Vật chất chỉ là những phương tiện của cuộc sống không phải là đích điểm của cuộc đời. Chúng ta đừng vì vật chất mà sống xa Thiên Chúa.

– Chỉ một mình Thiên Chúa mới làm đầy những khao khát hạnh phúc của con người. Để chiếm hữu Thiên Chúa, con người cần khao khát tập luyện các nhân đức.

– Đau khổ vì chính đạo là cơ hội cho chúng ta biểu tỏ đức tin vào Thiên Chúa. Nếu chúng ta ao ước được chịu đau khổ với Đức Kitô, Ngài sẽ cho chúng ta cùng hưởng vinh quang với Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************