Ngày thứ hai (09-09-2024) – Trang suy niệm

08/09/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai tuần 23 Thường Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 5, 1-8

“Anh em hãy tẩy trừ men cũ, vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, người ta nghe nói giữa anh em có chuyện tà dâm, thứ tà dâm mà nơi dân ngoại cũng không có như vậy, là có người lấy vợ cha mình. Thế mà anh em còn lên mặt kiêu căng, đáng lẽ anh em phải để tang mà loại trừ khỏi anh em con người làm chuyện đó. Tuy tôi vắng mặt phần xác, nhưng hiện diện bằng tinh thần, tôi đã tuyên án kẻ làm chuyện đó, như tôi đang hiện diện, nhân danh Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô, tập họp anh em lại với tâm trí tôi, lấy quyền năng của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu, tôi trao con người như thế cho Satan, để xác nó chết đi, hầu cho tâm hồn nó được cứu thoát trong ngày của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu Kitô. Việc anh em lên mặt kiêu căng không tốt đâu. Nào anh em chẳng biết rằng chỉ một dúm men là đủ làm hư cả khối bột đó sao? Anh em hãy tẩy trừ men cũ, để nên bột mới, như anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế. Vì thế, chúng ta hãy mừng lễ không phải với men cũ, cũng không phải với men gian tà và độc ác, nhưng với bánh không men tinh tuyền và chân chính.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 5, 5-6. 7. 12

Ðáp: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh (c. 9a).

1) Chúa không phải là Chúa tể ưa điều gian ác, kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài, đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan. Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác.

2) Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian giảo, thì Chúa ghê tởm không nhìn.

3) Nhưng hết thảy ai tìm đến Chúa sẽ mừng vui, họ sẽ hân hoan cho tới muôn đời. Chúa che chở họ, họ sẽ mừng vui bởi Chúa, đó là những kẻ yêu mến danh Ngài.

ALLELUIA: Pl 2, 15-16

All. All. – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – All.

PHÚC ÂM: Lc 6, 6-11

“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Ðoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành. Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

09/09/2024 – THỨ NAI TUẦN 23 TN

Th. Phê-rô Cla-vê, linh mục

Lc 6,6-11

MÔN ĐỆ CỦA ĐẤNG LÀ SỰ SỐNG

“Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” (Lc 6,9)

Suy niệm: Trong hội đường nhỏ bé ngày ấy, có ba loại người: (1) người đau ốm cần giúp đỡ; (2) người tận tâm đem lại sự sống cho kẻ khác; (3) người tìm phương kế để tiêu diệt người khác. Câu hỏi của Đức Giê-su trên đây hẳn đặt người Pha-ri-sêu vào thế lúng túng, bởi vì nói đúng tim đen của họ. Trong thế giới rộng lớn ngày nay, vẫn là ba hạng người: những người cần sự nâng đỡ để có sự sống; những người nỗ lực bảo vệ sự sống, xây dựng nền văn minh tình thương; và những kẻ chủ trương tiêu diệt sự sống của người khác, để mình có thể sống hưởng thụ sung sướng, hay cổ võ nền văn hóa sự chết. Là Ki-tô hữu, chắc chắn bạn được mời gọi bước theo con đường của Thầy mình.

Mời Bạn: Nhớ lại những con số lạnh lùng cho thấy tình trạng báo động về nạn ô nhiễm môi trường, phá thai, thu nhập chênh lệch giàu-nghèo, sử dụng bạo lực… Bạn được mời gọi góp phần, dù nhỏ bé, trong công cuộc gây ý thức và xây dựng nền văn minh tình thương trong cộng đồng nơi bạn sinh sống.

Chia sẻ: Người Ki-tô hữu có thể làm gì để đưa những giá trị sự sống của Nước Trời vào môi trường sống của mình?

Sống Lời Chúa: Nhận diện một hoặc các tệ nạn trong xã hội, và trong khả năng của mình, tìm phương cách tạo sự thay đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con trở nên muối men, cộng đoàn chúng con trở thành ánh sáng như thành được xây trên núi cao. Xin cho chúng con can đảm nỗ lực góp phần, dù khiêm tốn, trong công cuộc cổ võ và sống những giá trị của Nước Trời trong xã hội chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Chúng ta không biết nhiều chi tiết về người đàn ông này.
Ông bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, sống bằng nghề gì?
Chỉ biết là bàn tay phải của ông bị teo, không duỗi được (c. 6).
Chắc là nó bị co quắp vì các cơ không hoạt động bình thường.
Như thế sẽ rất khó chịu và bất lợi để sinh hoạt hàng ngày.
Hơn nữa đây lại là bàn tay phải, bàn tay chính để làm việc.

Người đàn ông có bàn tay thương tật đã đến hội đường vào ngày sabát.
Ông đến để nghe giảng dạy và cầu nguyện như mọi người.
Có vẻ ông chẳng mong gì, chẳng xin được Đức Giêsu chữa lành,
dù tiếng tăm của Ngài lúc đó đã lan rộng nhiều nơi (Lc 5, 15).
Thật bất ngờ khi Ngài bảo ông: “Hãy trỗi dậy và ra đứng giữa đây.”
Ông chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng đã vâng lời.
Ông đứng ở ngay giữa cho mọi người thấy.
Sau đó Ngài bảo ông: “Hãy duỗi bàn tay của anh ra!” (c. 10).
Một lần nữa ông lại vâng lời.
Ông làm điều mà có lẽ từ lâu ông không làm được.
Duỗi bàn tay khô héo, co quắp này, để có thể cầm cái ly, cái chén.
Ước mơ đơn giản ấy nào ngờ hôm nay được thực hiện.
Ông đã duỗi bàn tay theo lời Đức Giêsu, và nó đã trở lại bình thường.
Bàn tay như được sống lại, được phục hồi, mềm mại, dễ bảo.
Cuộc đời ông từ nay sẽ tươi hơn, có ích hơn, ít phải nhờ vả hơn.

Đức Giêsu đã làm phép lạ này không phải vì được yêu cầu,
nhưng như một câu trả lời cho các kinh sư và những người Pharisêu.
Họ rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày sabát không, để tố cáo Ngài.
bởi lẽ theo họ, ngày sabát chỉ được chữa những bệnh nguy tử.
Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu này và công khai tỏ thái độ.
Câu hỏi quen thuộc: có được phép làm điều này vào ngày sabát không?
được thay bằng câu hỏi mới: ngày sabát được phép làm điều lành hay dữ;
cứu mạng sống hay hủy hoại mạng sống? (c. 9).
Phép lạ sau đó của Đức Giêsu chính là câu trả lời (c. 10).
Nhiều khi không làm một điều tốt, cũng bằng với việc làm một điều xấu,
Không cứu một người vào giây phút ấy, cũng bằng gián tiếp giết chết họ.
Đức Giêsu đã không coi ngày sabát như ngày chỉ biết ngồi khoanh tay,
nhưng như ngày để làm điều tốt, để cứu sự sống con người.
Dù sao Đức Giêsu đã không hề đụng đến ông có bàn tay bị tật.
Khó lòng bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày sabát
Ngài chữa cho ông ấy chỉ bằng một lời mà thôi.

Các Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật.
Đây là ngày để chúng ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.
Chữa cho một bàn tay bị teo tóp được lành, việc này không nhỏ.
Làm cho một con người có thể sống bằng đôi tay của mình, là chuyện lớn.
Đức Giêsu đã phải trả giá cho việc chữa bệnh của mình.
Chúng ta cũng phải trả giá khi dám bảo vệ một sự sống nhỏ nhoi.
Chỉ mong bàn tay tôi không co lại, nhưng mở ra cho mọi người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

9 THÁNG CHÍN

Một Cuộc Sửa Soạn Ngắn Ngủi Cho Đời Sống Vĩnh Cửu

Đức Kitô nói : “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Vâng, cuộc sống con người trên trần gian là một cuộc hành hương. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng cuộc sống của mình trên trần gian chỉ là một ‘gang tay’ thôi. Chào đời đó rồi lại lìa đời đó, khác chi một kiếp phù du! Và chính trong cuộc lữ hành ngắn ngủi này, tiếng gọi của Đức Kitô sẽ giúp chúng ta biết cách sống sao cho cuối cùng mình có thể tới được bến bờ thật sự.

Con người không ngừng đối mặt với bản tính phù du của cuộc sống – cuộc sống mà họ biết là vô cùng quan trọng trong tư cách là sự chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng. Cuộc hành trình đức tin của con người hướng họ về phía Thiên Chúa và giúp họ có những chọn lựa đúng đắn trên hành trình tiến về cõi trường sinh. Vì vậy, mỗi giây phút của cuộc hành trình này đều quan trọng – quan trọng nơi những thách đố và nơi những chọn lựa không ngừng đặt ra trước mặt con người.

Một thực tại rất thiết thân trong cuộc hành trình của con người chính là nền văn hóa. Công Đồng Vaticanô II khẳng quyết rằng: “Có nhiều mối quan hệ giữa sứ điệp ơn cứu độ và văn hóa con người. Thật vậy, Thiên Chúa đã không ngừng mạc khải chính Ngài cho con người, cho đến khi Ngài hoàn toàn tự tỏ hiện nơi Chúa Con nhập thể, Đấng đã lên tiếng nói theo sắc thái văn hóa riêng của các giai đoạn lịch sử khác nhau” (MV 58).

Công Đồng cũng dạy: “Ngưòi Kitô hữu trên đường tiến về thành đô thiên quốc, phải tìm kiếm và nếm cảm các thực tại trên trời. Tuy nhiên, điều này không làm suy giảm song càng nhấn mạnh tầm quan trọng của bổn phận họ phải cộng tác với mọi người nhằm xây dựng một thế giới nhân đạo hơn.”(57).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 09/9

Thánh Phêrô Claver, linh mục

1Cr 5, 1-8; Lc 6, 6-11.

LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu nói với họ: Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” (Lc 6,9)

           Trước sự dò xét của nhóm người kinh sư và người Pharisêu, xem trong ngày Sabát Chúa Giêsu có chữa lành cho người bại tay trong hội đường? Chúa Giêsu biết họ cố tìm ra tội vi phạm Lề Luật của Người để mà kết tội. Như vậy trong thâm tâm họ đang làm một việc ác. Nên Người đã đặt ra câu hỏi: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”. Để cảnh tĩnh họ bởi vì Người sẽ làm một việc lành, đó là sẽ chữa lành tay người bị bại liệt, nhưng tất cả đều đã im lặng. Trước sự im lặng của họ, Chúa Giêsu bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra”, anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.” Với chúng ta ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang hỏi mỗi người trong chúng ta về ngày “Chúa Nhật”.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa Nhật là một ngày Thánh của người Kitô hữu, và được coi là Thánh, bởi việc cử hành Thánh Thể, vốn là sự hiện diện sống động của Chúa ở giữa chúng ta. Xin cho tất cả chúng con luôn ý thức ngày Chúa Nhật “Ngày của Chúa” là ngày đặc biệt dâng hiến cho việc thờ phượng Thiên Chúa, bằng những việc lành. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

09 Tháng Chín

Các Thánh Xuống Hỏa Ngục 

Văn hào Guenter Eich, người Ðức, có viết một vở kịch truyền thanh với nhan đề: “Festamus, người tử đạo”, đại ý câu chuyện như sau:

Festamus là một con người lành thánh, đơn sơ hiếm có. Mặc dù sống giữa những người gian ác, chàng vẫn luôn cư xử đoan chính, giàu lòng thương đối với những người bần cùng.

Sau khi chết, chàng được lên Thiên Ðàng. Ở đó, sau khi làm quen với các vị thánh, chàng đã bỏ ra mấy ngày liền để đi tìm kiếm cha mẹ, anh em và bạn hữu ngày xưa. Nhưng chàng không thấy ai. Thánh Phêrô cho biết: Cha mẹ và bạn hữu chàng ngày xưa đã ăn ở gian ác, nên đã bị giam trong Hỏa Ngục.

Nghe đến đây, Festamus buồn thiu, chàng liền thưa với thánh Phêrô: “Con không thể ở nơi đây được bao lâu còn có những người đang phải chịu đau khổ dưới đó”.

Chàng liền rời bỏ Thiên Ðàng, xuống Hỏa Ngục để thăm cha mẹ, bạn hữu và những người thân. Chàng làm điều đó với thác tín rằng: Khi một người vô tội từ trời cao, đến và sống với những người bị kết án, cùng chia sẻ với họ những đau khổ nhọc nhằn, thì người đó sẽ phá tan được địa ngục và vòng phong tỏa của quỷ ma…

Câu chuyện tưởng ttượng trên đây phần nào muốn đề cao thiện chí của những người dám hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để chia sẻ số phận đau thương của những người khác.

Ðó là tất cả Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người. Thiên CHúa đa từ trời cao xuống trần trong thân phận nghèo hèn nhất. Ngài sinh ra trong chuồng bò để thông cảm với nỗi cơ cực nghèo nàn của những kẻ không nhà không cửa.

Thiên Chúa từ trời cao không muốn ban xá lệnh, ban ơn tha thứ cho tội nhân, mà trái lại đã thân hành đến ngồi đồng bàn với từng tội nhân. Thiên Chúa không thể hiện sự cảm thông bằng lời nói suông, mà bằng cả cuộc sống làm người…

Người Việt Nam nào dường như cũng đang sống trong địa ngục của thiếu thốn và nghèo khổ. Không cần phải đi tìm kiếm, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được thế nào là cơ cực, bần cùng. Ai sẽ biến cảnh khốn cùng ấy trở thành Thiên Ðàng của Tình Thương? Mỗi người một ít, nếu ai cũng ra khỏi nỗi khổ của mình và gom góp lại đóm lửa của yêu thương, chia sẻ, cảm thông, chúng ta sẽ xoa dịu được phần nào nỗi khổ đau chung mà chúng ta đang trải qua…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 23 – TN2

Bài đọc: 1 Cor 5:1-8; Lk 6:6-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải thẳng thắn sửa chữa gương mù.

Corintô là thành phố rất giầu có và tội lỗi. Rất khó cho các tín hữu của cộng đòan mới được thành lập bởi thánh Phaolô tránh khỏi những tội lỗi mà họ đã quá quen thuộc. Trong lãnh vực tình dục, Dân Ngọai không hiểu được ý nghĩa của nhân đức trong sạch, họ xem tình dục là chuyện bình thường. Nhưng thánh Phaolô cảnh cáo các tín hữu Corintô trong Bài đọc I: một khi đã gia nhập Dân Thánh, họ phải có can đảm thay đổi những thói quen của đời sống quá khứ, để mặc lấy tấm lòng tinh tuyền và chân thật của đời sống mới theo đòi hỏi của Tin Mừng. Trong Phúc Âm, Chúa cũng thẳng thắn sửa chữa các Kinh-sư và Biệt-phái về lối sống giả hình của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thánh Phaolô kết án người làm chuyện lọan luân và cộng đòan Corintô.

Mặc dầu Dân Ngọai là những người có đời sống tình dục phóng khóang, họ cũng kết án chuyện làm tình giữa con cái với cha mẹ; thế mà chuyện này lại xảy ra trong cộng đòan tín hữu Corintô: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi Dân Ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!”

Thánh Phaolô không những lên án người vi phạm chuyện lọan luân mà còn trách móc cả cộng đòan về thái độ im lặng của họ; vì đúng ra họ đã phải sửa chữa và loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn. Thái độ im lặng của họ chẳng những là cớ cho người vi phạm không nhận ra tội lỗi mà còn gây gương mù trong cộng đòan. Ngài tỏ rõ lập trường của ngài: “Phần tôi, tuy vắng mặt về thân xác, nhưng về tinh thần vẫn có mặt, tôi đã lên án kẻ có hành vi đó như thể tôi có mặt tại chỗ.”

Vì thế, chuyện phải thẳng thắn sửa phạt người đã vi phạm là chuyện phải làm, và ngài đề nghị một giải pháp: “Trong một buổi họp của anh em, ở đó có tôi hiện diện bằng tinh thần, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và với quyền năng của Người, chúng ta phải nộp con người đó cho Satan, để phần xác nó bị huỷ diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.” Nộp người vi phạm cho Satan là khai trừ người đó ra khỏi cộng đòan. Tuy nhiên, vì tình thương nên cộng đòan vẫn để cho kẻ vi phạm có cơ hội biết ăn năn hối cải để linh hồn được cứu rỗi.

Để cắt nghĩa sự nguy hiểm của gương mù trong cộng đòan, thánh Phaolô dùng hai hình ảnh men và bột, mà không một người Do-Thái nào xa lạ với hai hình ảnh này. Mỗi năm để chuẩn bị ăn mừng Lễ Vượt Qua, người Do-Thái thường thu dọn nhà cửa sạch sẽ, nhất là nhà bếp nơi chứa đựng men và bột. Lý do tại sao phải làm như thế là vì chỉ cần một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên; và nếu khối bột đã dậy lên còn vương vãi trong nhà thì men cũ trong đó vẫn còn.

Cũng vậy về phương diện luân lý, nếu không chịu cắt bỏ hòan tòan với các thói quen và con người cũ, chúng sẽ dần dần lan ra trong cộng đòan tín hữu và làm hoen ố đời sống thánh thiện của các tín hữu khác. Ngài so sánh men cũ với lòng gian tà và độc ác, và bánh không men với lòng tinh tuyền và chân thật. Để chuẩn bị mừng Lễ Vượt Qua Mới mà Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua, cộng đòan phải rửa sạch lòng gian tà và độc ác; đồng thời phải mặc lấy lòng tinh tuyền và chân thật.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kết án các Kinh-sư và Biệt-phái.

Thường thường, những người có bệnh hay thân nhân của họ theo Chúa Giêsu và xin Ngài chữa lành, nhưng biến cố trong Phúc Âm hôm nay có sự khác lạ. Người bệnh đã có mặt trước khi Chúa đến và được xử dụng như một cái bẫy chờ Chúa Giêsu rơi vào để kết tội Ngài như Phúc Âm tường thuật: “Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các Kinh-sư và những người Biệt-phái rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người.”

Nhưng đã quá khinh thường sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu. Ngài không những có uy quyền để chữa bệnh mà còn đọc được những tính tóan nhơ bẩn mà họ đang suy nghĩ. Để dạy họ một bài học, Chúa bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Ngài hỏi các Kinh-sư và Biệt-phái: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”

Những người muốn truy tố Ngài lú này trở thành những bị cáo. Chắc chắn tinh thần của ngày Sabbath đòi họ phải làm điều lành, thế mà họ lại tìm cách để có cớ tố cáo người lương thiện như Chúa. Ngày Sabbath đòi phải quí và bảo vệ mạng sống mà họ lại kết án việc chữa lành của Chúa. Như tên trộm bị bắt quả tang phạm tội, Chúa Giêsu đã phơi bày những ý định độc ác của họ trước mặt tòa án, và họ thinh lặng không dám trả lời.

Chúa có thể chữa lành người khô bại trong nơi kín hay nơi khác, nhưng để dạy cho tất cả một bài học về việc phải thẳng thắn lọai trừ các gương mù về lối sống giả hình. Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Thánh Luca kết luận: “Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không.” Đã bị lột trần mọi ác ý nham hiểm, thay vì ăn năn trở lại, lại còn kiêu ngạo điên hơn nữa để có thể giết hại người làm lành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ai trong chúng ta cũng biết câu truyện mẹ của Thầy Mạnh-Tử phải thay đổi chỗ ở 3 lần cho tới khi tìm được chỗ ở tốt lành cho con. Ngày nay nhiều người nại lý do nhà cửa, công ăn việc làm, nên đành chịu ở trong những môi trường với đầy dẫy những gương mù nguy hiểm. Làm như thế họ đã hy sinh tương lai gia đình mình cho của cải vật chất và chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa nếu các phần tử trong gia đình cũng đi vào đàng tội lỗi với những người chung quanh họ. Các Bài đọc hôm nay, thay vì chú trọng đến việc thay đổi chỗ ở, chú trọng đến việc sửa chữa và khai trừ những hành vi xấu, để mọi người được sống trong bầu khí đạo đức hơn.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************