Ngày thứ hai (08-01-2024) – Trang suy niệm

07/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai. CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

BÀI ĐỌC I: Is 42, 1-4. 6-7

“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Đây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Đáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. (2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. (3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.

BÀI ĐỌC II: Cv 10, 34-38

“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: x. Mc 9, 7

All. All. – Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 1, 6b-11

“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.” Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

08/01/2024 – THỨ HAI TUẦN 1 TN

Chúa Giê-su chịu phép rửa

Mc 1,7-11

CHÚA CHA HÀI LÒNG

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1,11)

Suy niệm: Những bậc làm cha mẹ hài lòng khi kỳ vọng mà họ đặt nơi con cái được chúng thể hiện. Tương tự, đối với Thiên Chúa, dù vạn vật luôn tuân theo ý định của Ngài nhưng chính Đức Giê-su mới thực sự làm Ngài hài lòng vì đây đích thực là Người Con yêu dấu làm cho ý Chúa Cha được thể hiện. Và ý của Cha là muốn mọi người được cứu độ (x. 1Tm 2,4). Khi Chúa Giê-su bước xuống sông Gio-đan chịu phép rửa Ngài làm cho “ý Cha được thể hiện” cách công khai trước mặt toàn dân. Nhưng đó mới là khởi đầu của sứ mạng cứu độ, còn việc hoàn tất sứ mạng đó thì phải đợi đến đồi Can-vê; và Chúa Giê-su luôn trăn trở để hoàn tất ‘phép rửa’ này: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,50). Chẳng những Ngài muốn thổ lộ niềm vui của “Cha hài lòng về Con” cho cả nhân loại mà còn muốn mọi người được thông dự vào niềm vui ấy khi Ngài kêu gọi chúng ta “hãy vâng nghe lời Người.”

Mời Bạn: Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa. Thế nhưng lắm khi chúng ta bận tâm đến việc làm hài lòng người ta, làm thoả mãn chính mình hơn là làm hài lòng Chúa. Chúng ta hãy đi theo bước chân của anh cả Giê-su để thực hiện ý muốn của Chúa Cha đó là hy sinh bản thân mình để thông hiệp với Giê-su, chúng ta góp phần cứu độ anh chị em mình.

Sống Lời Chúa: Hy sinh quên mình để phục vụ tha nhân như chính Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin tha thứ cho sự nông nổi của chúng con và cho chúng con biết kiên tâm đợi chờ, để chúng con từ nay chỉ biết sống và làm mọi việc cốt cho Cha hài lòng mà thôi. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Cầu Nguyện

Người Do-thái rất nhạy cảm về sự ô uế nơi thân xác.
Theo sách Lêvi, thân xác con người có thể bị ô uế bởi nhiều lý do.
Chạm vào xác chết hay vào người phong làm ta ra ô uế.
Người phụ nữ sinh con hay có phản ứng sinh lý bình thường
cũng trở thành ô uế và cần được thanh tẩy.
Lẽ ra người phụ nữ bị băng huyết không được chạm vào Đức Giêsu.
Đây không phải là sự ô uế do phạm tội về mặt đạo đức,
mà chỉ là sự ô uế khiến người ta không được phép dự các lễ nghi.
Để sạch trở lại, cần được thanh tẩy.
Nước là cách thanh tẩy dễ dàng nhất.
Sách Lêvi hay dùng câu: “lấy nước mà tắm rửa” (chương 14-17).
Nước dùng để thanh tẩy thường là nước nguồn, nước mưa.
Cho đến nay trong nhánh Do-thái giáo Chính Thống hay Bảo Thủ,
nơi thanh tẩy (mikvah) vẫn chiếm vị trí trung tâm của nhà cộng đoàn.

Chúng ta không lấy làm lạ khi Gioan Tẩy giả mời gọi dân chúng
đến với ông để chuẩn bị cho Đấng Mêsia đang gần tới.
Ông kêu gọi người ta hối cải, xưng thú tội lỗi mình,
rồi chịu phép rửa của ông ở dòng nước sông Giođan.
Đức Giêsu đã nghe tiếng kêu của Gioan và đã đến,
đã đứng chung với các tội nhân, chờ đến phiên mình,
đã dìm toàn thân mình dưới nước, và được Gioan ban phép rửa.
Lúc ấy Ngài đã trên ba mươi tuổi, làm thợ nhiều năm ở Nadarét,
đã lặng lẽ và bình an chờ đợi ngày Cha sai mình.
Nhận phép rửa của Gioan là làm một cử chỉ khiêm hạ.
Đức Giêsu không ngờ chính giây phút dìm mình ở con sông này
lại là giây phút Thiên Chúa ngỏ lời với Ngài,
vén mở cho Ngài biết Ngài là ai trong mắt của Thiên Chúa,
và kín đáo mời gọi Ngài rời Nadarét để lên đường.

“Con là Con yêu dấu của Cha !” đó là lời Thiên Chúa từ trời phán.
Như Isaac là con yêu dấu của Abraham (St 22,2),
Đức Giêsu là Con yêu dấu của Cha.
Ngài là Con như vị vua mới đăng quang thuộc dòng Đavít,
được Thiên Chúa tuyển chọn và bảo:
“Con là con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2,7).
Như Người Tôi trung được đầy Thánh Thần để làm sứ mạng,
Ngài được Thiên Chúa tuyên bố: “Cha hài lòng về Con” (Is 42,1).
Thiên Chúa Cha hài lòng về Đức Giêsu là người Con yêu dấu,
người đã vâng ý cha suốt bao năm ở Nadarét,
và sẽ còn vâng ý Cha cho đến nỗi hy sinh chính mạng sống mình.

Những gì xảy ra trên sông Giođan hôm nay
sẽ tiếp diễn mãi trong suốt đời của Đức Giêsu.
Ngài không chỉ xếp hàng với những người tội lỗi,
mà hơn nữa, “Đấng không hề biết đến tội, thì vì chúng ta,
Thiên Chúa đã làm Ngài thành thân tội” (2 Cr 5,21).
Thánh Thần đã xuống trên Ngài ở Giođan,
sau đó sẽ đưa Ngài vào hoang địa để chịu thử thách (Mc 1,12).
Đức Giêsu đã khiêm tốn chịu phép rửa bởi Gioan,
và Ngài sẽ còn đau đáu chờ một phép rửa khác nữa (Lc 12,50).
Ngài đã hỏi hai môn đệ xem họ có dám chịu phép rửa
mà Ngài sắp chịu không (Mc 10,38-39).
Phép rửa ấy không gì khác hơn là cái chết để phục vụ,
và hiến mạng làm giá chuộc cho muôn người (Mc 10,45).

Chúng ta đã được chịu Phép Rửa trong Thánh Thần,
nhân danh Chúa Giêsu, để được ơn tha tội (Cv 2,38).
Ước gì Chúa Cha cũng nói với từng người chúng ta:
“Con là con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về con.”

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Gia kêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG GIÊNG

Đức Kitô Xua Tan Đêm Tối

Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem của cuộc Hiển Linh không phải chỉ là Giê-ru-sa-lem của Hê-rô-đê thời ấy. Trong viễn tượng của Thiên Chúa, đó cũng là Giê-ru-sa-lem của các ngôn sứ nữa.

Trong thành Thánh, chứng từ của những người báo trước về cuộc xuất hiện của Đấng Cứu Tinh được bảo tồn xuyên qua bao thế kỷ dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngôn sứ Mi-ca nói về cuộc sinh hạ của Vua Cứu Độ ở Bê-lem, chẳng hạn. Nhất là Isaia, vị ngôn sứ của Đấng Mêsia, cống hiến một lời chứng thật độc đáo về cuộc Hiển Linh: “Bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi! Aùnh sáng của ngươi đã đến, và vinh quang Chúa chiếu tỏa trên ngươi. Hãy nhìn xem, màn đêm bao trùm mặt đất và mây mù che phủ các dân! Nhưng Chúa giọi ánh sáng trên ngươi và vinh quang Người xuất hiện nơi ngươi.” (Is 60, 1 – 2)

Sấm ngôn này của Isaia diễn tả tuyệt vời nội dung của Lễ Hiển Linh. Vinh quang của Đức Kitô phủ ngập thành Thánh Giê-ru-sa-lem. Người xua tan bóng tối và soi giọi ánh sáng của Người trên dân Người.

Rồi, Isaia tiên báo rằng mọi dân tộc đang sống trong bóng tối sẽ tuôn về thành Thánh của Thiên Chúa: “Các dân nước sẽ bước đi trong ánh sáng của ngươi, và các vua chúa sẽ được ánh quang ngươi đưa dẫn. Hãy hướng mắt nhìn xem, tất cả tụ tập để đến với ngươi: Các con trai ngươi từ xa kéo đến, và các con gái ngươi trên cánh tay bảo mẫu” (Is 60, 3 – 5). Mô tả lạ lùng ấy của Isaia lần đầu tiên được chứng thực trọn vẹn bằng cuộc xuất hiện tại Giê-ru-sa-lem của các nhà thông thái từ phương Đông tới.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 08/01

Chúa Giêsu chịu phép Rửa

Is 55, 1-11; Mc 1, 7-11.

Lời Suy Niệm:  Hồi ấy, Đức Giêsu từ Na-da-rét đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1,9-11)

          Phép Rửa của Chúa Giêsu, về phần Người, là sự chấp nhận và khởi đầu sứ vụ của Người, với tư cách là Người Tôi Trung Đau Khổ. Người chấp nhận liệt vào hàng tội nhân. Chính Người là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29), nay Người tham dự trước vào “phép rửa” là cái chết đẩm Máu của Người. Người đến để chu toàn “Đức công chính” (Mt 3,15), nghĩa là, Người hoàn toàn quy phục thánh ý của Cha Người, vì tình yêu. Người bằng lòng chịu phép rửa là cái chết để chúng ta được ơn tha thứ tội lỗi. (GL 536).

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã chấp nhận phép rửa của Gioan, và Gioan đã chấp nhận lời đề nghị của Chúa: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3,15). Điều này đã làm đẹp lòng Chúa Cha, và Ngài đã tuyên bố: ““Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Xin cho mỗi người trong chúng con có được cuộc sống đầy ân sủng của Chúa, để cũng được Chúa Cha yêu mến. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

08 Tháng Giêng

Sứ Giả Hòa Bình

Thánh Phanxico Assisi, vị sứ giả Hòa Bình, không những đã có một tình bác ái cao độ đối với con người, Ngài còn trải dài tinh yêu thương ấy đến cả muôn vật, cỏ cây.

Cây cỏ gợi lại cho Thánh nhân chính Cây thập giá của Chúa Giêsu, do đó, Thánh nhân cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ. Ngài nói với người làm vườn như sau: Anh hãy để lại một góc vườn nguyên vẹn. Ðừng sờ đến cây cỏ, hãy để cho chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên, ngay cả cỏ dại và hoa dại.

Mỗi lần đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi nhẹ nhàng và cẩn thận để không sát hại bất cứ một loại sâu bọ, côn trùng nào.
Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.

Ngài nói với chim chóc như sau: “Hỡi những người anh em nhỏ bé của tôi, anh em phải ca ngợi Ðấng Tạo Hóa hơn ai hết, vì Ngài đã ban cho anh em bộ lông đẹp, giọng hát hay cũng như lúa thóc anh em ăn thỏa thuê mà không phải gieo vãi”.

Với chú chó sói, thánh nhân nhắn nhủ: “Anh sói ơi, anh quả thật đáng chết, vì anh đã cắn xé trẻ em. Anh hãy làm hòa với loài người. Từ nay, anh hãy ăn ở hiền lành và mọi người sẽ cung cấp đầy đủ cho anh”. Chú sói ấy đã cùng với thánh nhân lên tỉnh và trở thành người bạn thân của các trẻ em ở Gubbio.

Một con người có tâm hồn như thế quả thực xứng đáng được chọn làm sứ giả Hòa Bình qua mọi thời đại.

Năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Phanxico là quan thầy của những người khởi xướng phong trào của những người bảo vệ môi sinh. Ngài nói trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình năm 1990 như sau: “Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức rằng Hòa Bình của thế giới không những chỉ bị đe dọa vì cuộc chạy đua võ trang, vì các xung đột giữa các vùng và những bất công liên tục giữa các dân tộc và quốc gia, nhưng còn bởi vì thiếu tôn trọng đối với thiên nhiên nữa”.

Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh như một nghĩa vụ luân lý.

Người Kitô nhận thức được nghĩa vụ ấy, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật tốt đẹp và để con người hưởng dụng một cách hợp lý. Trong phần kết thúc sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxico Assisi như mẫu gương của sự tôn trọng đối với thiên nhiên vạn vật. Thánh nhân đã mời gọi vạn vật dâng lời chúc tụng và thờ lạy Thiên Chúa. Trong sự bình an của Thiên Chúa, Thánh nhâ kiến tạo ngay cả sự hòa hợp với thiên nhiên và sự hòa hợp ấy cũng là điều kiện tiên quyết để được hòa bình với tha nhân.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ Phép Rửa của Chúa Giêsu

Bài đọc: Isa 42:1-4, 6-7; Acts 10:34-38; A: Mt 3:13-17, (B: Mk 1:7-11, C: Lk 3:15-16, 21-22).

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô được tuyển chọn để thi hành sứ vụ.

Trong sự quan phòng điều khiển của Thiên Chúa, Ngài không làm hết mọi sự, nhưng tuyển chọn những người khác nhau để cho họ tham dự vào Kế-họach Cứu Độ của Ngài. Những người Ngài tuyển chọn, Ngài cũng sẽ ban mọi ơn cần thiết để họ có thể chu tòan sứ vụ Ngài đã trao phó. Các Bài Đọc hôm nay nói về việc tuyển chọn cao trọng nhất của Thiên Chúa là tuyển chọn Đức Kitô. Chúng ta cùng nghiên cứu sự tuyển chọn này để rồi áp dụng vào ơn gọi tuyển chọn của mỗi người chúng ta.

Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy rõ ràng sự tuyển chọn Người tôi trung của Ngài. Đây là Người được Thiên Chúa yêu mến vì luôn trung thành với Thiên Chúa để hòan tất sứ vụ Cứu Độ của Ngài. Cách thức hòan tất sứ vụ Thiên Chúa trao cũng rất đặc biệt và khác hẳn với cách thức của con người: không kêu to, nói lớn, ồn ào; không dùng bạo lực để tiêu diệt nhưng dùng tình thương để chinh phục; không yếu hèn để chịu khuất phục, nhưng trung thành để thiết lập công lý bằng sự thật. Trong Bài Đọc II, Thánh Phêrô nhắc nhở cho các tín hữu nhìn lại cuộc đời của Đức Kitô để học hỏi cách chu tòan sứ vụ của Ngài trong Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Trong Phúc Âm, Marcô tường thuật những gì xảy ra khi Đức Kitô chịu Phép Rửa: Khi Ngài từ dưới nước nhô lên, Thánh Thần của Thiên Chúa hiện xuống và đậu lại trên Người, đồng thời có tiếng của Chúa Cha làm chứng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Chúng ta cùng nghiên cứu những chi tiết trong các Bài Đọc để tìm ra những ý nghĩa quan trọng của nó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người tôi trung của Yahweh

1.1/ Liên hệ giữa Thiên Chúa và Người tôi trung: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.” Ai là Người tôi trung mà Tiên tri Isaiah muốn nói tới ở đây? Có người nói là Israel vì là Dân Riêng được Thiên Chúa tuyển chọn; có người cho là Cyrus, người đã vâng lệnh Thiên Chúa; có người cho là Đức Kitô vì không ai mà Thiên Chúa đã quí mến hết lòng bằng chính Người Con Một của mình. Theo sự phiên dịch của Targum (bản dịch từ Do-Thái qua Aramaic và Hy-Lạp), Người tôi trung chính là Đấng Thiên Sai. Hơn nữa, văn mạch cũng ám chỉ Người tôi trung là một cá nhân, chứ không phải một dân tộc. Ngòai ra, Thiên Chúa có thể chọn bất cứ ai để chu tòan sứ vụ của Vua Cyrus; nhưng để chu tòan Kế-họach Cứu Độ, chỉ một mình Người con mới có thể chu tòan mà thôi.

1.2/ Cách hành xử của Người tôi trung: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.” Có một sự hòa điệu giữa Thiên Chúa và Người tôi trung trong cách hành xử để mang tới thắng lợi sau cùng: tình thương, sự thật, và trung thành. Cách hành xử này khác hẳn với cách thức của con người: ăn to nói lớn, bạo lực, và gian trá.

1.3/ Sứ vụ của Người tôi trung: “Người phán thế này: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước.””

– Người là giao ước giữa Thiên Chúa với dân: Trong giao ước tại Sinai, Moses chỉ là người trung gian của giao ước giữa Thiên Chúa và dân. Trong giao ước mới, Người tôi trung là chính giao ước. Điều này có nghĩa tất cả các ơn lành của giao ước đều bắt nguồn và được ban từ Người tôi trung này. Đón nhận Người là đón nhận ơn lành, từ chối Người là từ chối ơn lành; vì không có Người sẽ không có ơn lành.

– Người là ánh sáng chiếu soi muôn nước: Song song với vị thế “làm giao ước với dân” là vị thế “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước.” Điều này không chỉ có nghĩa Người mang ánh sáng tới, hay hứơng dẫn dân tới ánh sáng, nhưng Người chính là ánh sáng. Ánh sáng là chính ơn Cứu Độ (Isa 49:6). Dân Ngọai đang ngồi trong tối tăm của tội lỗi và sự chết, Người đến “để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.

2.1/ Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa bao gồm cả Do-Thái và Dân Ngọai: Thánh Phêrô, sau khi đã được Chúa Giêsu mặc khải Kế họach Cứu Độ, đã làm chứng cho Thiên Chúa: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. Người đã gửi đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Judah, bắt đầu từ miền Galilee, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng.” Chỉ có kế họach như thế mới bảo đảm được sự nhân từ và công bằng của Thiên Chúa.

2.2/ Đức Kitô thực hiện Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”

3/ Phúc Âm: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Năm A: (Mt 3:13-17)

3.1/ Sự nghịch lý: Chúa Giêsu xin Gioan làm phép rửa. Chỉ có trình thuật của Matthew nêu bật sự ngăn cản của Gioan khi Chúa Giêsu đến xin ông làm phép rửa: Ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Câu trả lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự công chính: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người.

Trước tiên chúng ta cần hiểu hoàn cảnh lịch sử chung quanh biến cố làm phép rửa này. Truyền thống Do-thái có dùng phép rửa để thanh tẩy tội lỗi; nhưng chỉ có những người dân ngoại muốn theo đạo Do-thái mà thôi. Người theo đạo Do-thái chính gốc không bao giờ nghĩ mình cần phải chịu phép rửa. Thế mà biết bao người Do-thái kéo đến với Gioan để xin được rửa tội bởi ông. Đây là một hiện tượng lạ, có lẽ họ nhận ra ngày Đấng Thiên Sai tới đã gần kề, và những lời giảng dạy của Gioan thúc đẩy họ phải giục lòng ăn năn thống hối, chứ không phải cứ là người Do-thái hay con cháu của Abraham là sẽ được cứu độ. Chúa Giêsu muốn dùng cơ hội này để tỏ mình là Đấng Thiên Sai mà mọi người đang mong đợi.

3.2/ Thiên Chúa Cha làm chứng cho Chúa Giêsu: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”” Trong trình thuật của Matthew, Thiên Chúa Cha làm chứng mối liên hệ và việc làm của Chúa Giêsu cho mọi người chung quanh. Trong Marcô, Thiên Chúa Cha nói trực tiếp với Chúa Giêsu, và gián tiếp làm chứng cho Chúa Giêsu với mọi người.

Năm B: (Mk 1:7-11)

3.1/ Sự khác biệt giữa hai Phép Rửa của Gioan và của Đức Kitô: Gioan Tẩy Giả phân biệt sự khác biệt như sau: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Phép Rửa làm bởi Gioan là phép rửa làm bởi con người để tha tội. Phép Rửa làm bởi Đức Kitô là phép rửa làm bởi Thiên Chúa, Đấng quyền thế hơn con người. Người chịu Phép Rửa sẽ được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, và được lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho con người.

3.2/ Phép Rửa của Đức Kitô: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazareth miền Galilee đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Jordan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.””

(1) Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan? Phép Rửa của Gioan là phép rửa để tha tội. Tại sao Chúa Giêsu, Đấng không hề phạm tội, lại muốn chịu Phép Rửa của Gioan? Chính Gioan đã ngăn cản Ngài: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người (Mt 3:14-15). Thánh Ambrose đưa một lý do khác: Chúa Giêsu, Đấng thánh thiện tinh tuyền, chịu Phép Rửa để thánh hiến nước của giòng sông Jordan; và Giáo-Hội dùng nước này để rửa tội cho các tín hữu.

(2) Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu: Truyền thống Do-Thái tin chim bồ câu tượng trưng cho sư hiền lành. Như Sách Tiên-tri trong Bài Đọc I mô tả Người tôi trung: Người chinh phục con người không bằng những lời đe dọa hay sức mạnh, nhưng bằng tình yêu và sự kiên nhẫn. Chúa Giêsu được xức dầu bởi Thánh Thần và được tấn phong để thi hành sứ vụ Cứu Độ.

(3) Tiếng của Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Khác với trình thuật của Matthêu: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người.” Chúa Cha nói trực tiếp với Chúa Con, và bày tỏ sự hài lòng về tất vả mọi việc của Chúa Con làm. Nếu so sánh, chúng ta thấy trình thuật của Marcô gần với những gì tường thuật bởi tiên-tri Isaiah trong Bài Đọc I hơn.

Năm C: (Lk 3:15-16, 21-22)

3.1/ Sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan: “Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Messiah! Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.

Ngoài sự phân biệt của Gioan về uy quyền giữa Đấng Thiên Sai và ông, Gioan còn đề cập đến sự khác biệt giữa hai phép rửa:

+ Bằng nước: Đây là phép rửa Gioan làm cho dân chúng để thanh tẩy tội lỗi và tỏ lòng ăn năn xám hối để chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Thiên Sai tới.

+ Bằng Thánh Thần và lửa: Đây là phép rửa của Chúa Giêsu. Ngoài việc tha thứ tội lỗi, phép rửa của Chúa Giêsu còn ban Thánh Thần để thanh luyện mọi tính hư tật xấu trong con người, và ban ơn thánh hóa để con người luyện tập nhân đức, để giúp con người thánh thiện, xứng đáng là những con cái của Thiên Chúa.

3.2/ Những điều nhấn mạnh khác của Luca

(1) Chúa Giêsu cầu nguyện: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.”” Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu luôn hiệp nhất với Chúa Cha qua việc cầu nguyện.

(2) Sự liên hệ giữa Cha và Con: Trình thuật của Luca nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nguyên bản Hy-lạp phải dịch lời của Chúa Cha trực tiếp nói với Chúa Con là: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.” Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch từ bản tiếng Pháp với câu rất khó hiểu “Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con!” Có phải chờ cho đến biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài mới được làm Con Thiên Chúa?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mỗi người chúng ta đều đã chịu Phép Rửa của Đức Kitô, tức là đã được tấn phong làm tiên tri, tư tế, và vương giả. Chúng ta đã thi hành 3 sứ vụ đó chưa?

– Ba sứ vụ của Đức Kitô cũng là 3 sứ vụ của mỗi người chúng ta:

(1) Sứ vụ tiên tri: Chúng ta đã rao giảng cho mọi người biết về Thiên Chúa chưa; ít nhất là cho con cháu của chúng ta? Để có thể chu tòan sứ vụ, Đức Kitô phải ở ẩn suốt 30 năm để đàm đạo với Thiên Chúa trước khi rao giảng công khai trong 3 năm. Chúng ta đã dành được bao nhiêu thời gian để học biết về Thiên Chúa? Chúng ta cần nhắc nhở cho mình: Chúng ta không thể cho con cái điều mình không có!

(2) Sứ vụ tư tế: Chúng ta đã thờ phượng một mình Thiên Chúa, làm gương, và chỉ đường cho con cái đến với Thiên Chúa chưa? Hay chúng ta thờ ơ nguội lạnh trong việc thờ phượng và mải miết chuyện thế sự, và vô tình dạy cho con cái tôn thờ những giá trị thế gian thay vì tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa!

(3) Sứ vụ vương giả: Chúng ta đã dùng thời gian, tài năng, và của cải Thiên Chúa ban để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân chưa? Hay chúng ta đã lãng phí thời gian, của cải, tài năng vào những canh bạc đỏ đen, những vui thú của hộp đêm, những mối liên hệ trái phép, để rồi tất cả mọi người trong gia đình phải chịu hậu quả về những việc làm của chúng ta. Ngòai ra, chúng ta còn phải xét tới cách thức chúng ta phục vụ theo gương Đức Kitô: không phải la to, nói lớn, đe dọa, chửi rủa, hay dùng quyền hành, bạo lực; nhưng bằng yêu thương, dạy dỗ, kiên nhẫn, và can đảm cho tới khi đạt được kết quả sau cùng như Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************