Ngày thứ hai (07-10-2024) – Trang suy niệm

06/10/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai XXVII Thường Niên – Đức Mẹ Mân Côi (Lễ Nhớ)

BÀI ĐỌC I: Gl 1, 6-12

“Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, nhưng là do Đức Giêsu Kitô mạc khải”.

Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, tôi ngạc nhiên thấy anh em thay lòng đổi dạ chóng như thế đối với Đấng đã kêu gọi anh em thông phần vào ân sủng của Đức Kitô, để anh em quay sang một tin mừng khác: Tin mừng khác làm gì có, chỉ có những kẻ phá rối anh em và muốn anh em đảo lộn Tin Mừng của Đức Kitô. Nhưng cho dù chúng tôi, hay một thiên thần nào từ trời đến giảng tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người đó bị chúc dữ. Như chúng tôi đã nói trước, và giờ đây tôi xin nói lại rằng: Nếu ai trong anh em rao giảng cho anh em Tin Mừng khác hơn điều anh em đã lãnh nhận, thì người đó bị chúc dữ.

Giờ đây, tôi phải làm vừa lòng người ta hay là Thiên Chúa? Nào có phải tôi tìm cách làm vừa lòng người ta sao? Nếu tôi còn làm vừa lòng thiên hạ, thì tôi không phải là đầy tớ của Đức Kitô.

Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận cũng không học với loài người, nhưng là do Đức Giêsu Kitô mạc khải. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 7-8. 9 và 10c

Đáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi.

2) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính.

3) Chúa đã gửi tặng ơn giải phóng cho dân Người, để thiết lập lời minh ước tới muôn đời. Danh Người thực là thánh thiện và khả úy. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9; Ga 6, 69

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông’.

“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

07/10/2024 – THỨ HAI TUẦN 27 TN

Đức Mẹ Mân Côi

Lc 1,26-38

MẸ HIỆN DIỆN VÀ ĐỒNG HÀNH

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

Suy niệm: Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra, Đức Mẹ thường bảo con cái Mẹ cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Khi hiện ra ở Lộ Đức, vào năm 1858, Đức Mẹ bảo thánh nữ Be-na-đét lần hạt. Lần hiện ra ở Fa-ti-ma, vào năm 1917, Đức Mẹ bảo ba trẻ Phan-xi-cô, Da-xin-ta và Lu-xi-a là: “Hãy lần hạt mỗi ngày để kính nhớ Đức Trinh Nữ.” Đức Mẹ còn nói: “Phan-xi-cô sẽ lên thiên đàng, nhưng phải lần hạt trước đã.” Quả thật, Mẹ Ma-ri-a hết sức yêu mến kinh Mân Côi, và Mẹ cho thấy lời cầu nguyện mạnh mẽ nhất và giúp hoán cải nhất chính là lời cầu nguyện bằng kinh Mân Côi.

Mời Bạn: “Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các con hiệp nhau cầu nguyện, có Chúa ở giữa các con” (Đường Hy Vọng, số 985). Chúa Giê-su từng ca ngợi lời cầu xin kiên trì và khiêm tốn của người đàn bà xứ Ca-na-an xin cho con gái bà được lành bệnh (x. Mt 15,21-28). Hay trong dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy: Dù quan tòa không muốn, nhưng vì bà cứ nài nỉ dai dẳng cuối cùng quan cũng phải làm theo yêu cầu của bà góa này (x. Lc 18,1-8). Nhất là khi cầu nguyện bằng kinh Mân Côi chúng ta được Mẹ đồng hành, vì nhờ lời của mẹ, Chúa đã làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na, dù vừa trước đó Chúa mới nói “giờ của Chúa chưa đến”.

Sống Lời Chúa: Bạn lần hạt không theo một tình cảm uỷ mị cũng không phải là lải nhải dài dòng nhiều chuyện mà là cùng với Mẹ cầu nguyện với lòng tin kính, kiên trì và khiêm tốn.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin Mẹ đồng hành với chúng con trong cuộc sống, đặc biệt khi chúng con cầu nguyện với Mẹ bằng kinh Mân Côi. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Nhân vật chủ yếu mà thánh Luca muốn trình bày
trong bài Tin Mừng trên đây là chính Ðức Giêsu.
Ngài là Con Ðấng Tối Cao, là Vua Mêsia (c.32-33).
Ngài là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa (c.35).
Thiên Chúa muốn Con Ngài vào đời làm người,
nên đã chuẩn bị cho Con một người mẹ tuyệt hảo.
Maria là người được Thiên Chúa đặc biệt mến thương.
Thiên thần gọi cô là Ðấng đầy ân sủng,
là người được Ðức Chúa ở cùng (c.28),
là người đẹp lòng Thiên Chúa (c.30).
Maria đã là một thụ tạo tuyệt vời
ngay từ trước khi làm mẹ Ðức Giêsu.

Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của cô Maria.
Ngài cần sự ưng thuận của một thụ tạo nhỏ bé
trước khi trao cho Maria chức vụ làm Mẹ Ðấng Cứu Thế.
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô
và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô” (c.35).
Maria hẳn đã phải suy nghĩ trước khi chấp nhận làm mẹ
theo một cách thức lạ lùng đến thế.

Lời mời gọi nào của Thiên Chúa cũng gây xáo trộn
những dự định và tính toán riêng tư.
Nếu Maria đã khấn sống khiết tịnh,
thì nay Thiên Chúa lại muốn cô làm mẹ và sinh con.
Nếu Maria đã muốn sống bậc hôn nhân
một cách bình thường với ông Giuse,
thì nay Thiên Chúa lại muốn cô có một người con,
không phải với Giuse,
và tương quan giữa cô với Giuse hẳn phải thay đổi.
Maria không hiểu hết con đường mình sắp đi.
Có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối.
Nhưng cô tin vào Thiên Chúa đang mời gọi.
Cô buông mình để tay Chúa dẫn đưa,
vì xác tín rằng chẳng có gì Ngài không làm được.

Maria đã xin vâng trong niềm tin yêu phó thác.
Tiếng xin vâng này mở đầu cho một chuỗi xin vâng
làm nên cuộc đời người nữ tỳ của Chúa.
Lắm khi chúng ta thấy Ðức Maria quá cao xa
vì tràn đầy những ơn chúng ta không hề có.
Chúng ta quên rằng Mẹ cũng là một tín hữu
bước những bước gập ghềnh qua sa mạc cuộc đời.
Nói tiếng xin vâng khi mọi sự dường như sụp đổ,
chuyện đó cần đến lòng tin.
“Phúc cho em là kẻ đã tin…” (Lc 1,45).

Tiếng xin vâng khó khăn nhất của Mẹ Maria
là tiếng xin vâng dưới chân thập giá.
Những lời thiên thần nói ngày xưa có còn đáng tin không?
Chỉ khi Ðức Giêsu Phục Sinh hiện ra với Mẹ
tất cả những tiếng xin vâng trong đời
mới bừng sáng trọn vẹn và rực rỡ ý nghĩa.
Chúng ta có dám liều xin vâng như Mẹ không?

Cầu Nguyện

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa Con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG MƯỜI

Kiên Vững Trong Niềm Tin Của Chúng Ta

Tất cả chúng ta phải xác tín rằng trong hiện tình của đời sống Giáo Hội, chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa và không thối chí nản lòng trước bao khó khăn mà mình phải đương đầu. Rất dễ có nguy cơ chúng ta đâm bối rối, ngay cả tuyệt vọng và cay đắng. Chúa vẫn luôn dẫn dắt Giáo Hội của Người. Người dùng Giáo Hội để hoàn tất các mục đích của Người, nhưng Người không hề chước miễn cho Giáo Hội khỏi những khó khăn, nghịch cảnh và lo âu trong cuộc đời này.

Để đương đầu với những thách đố ấy, chúng ta cần phải gặp gỡ, thảo luận và lập chương trình cho tương lai. Chúng ta phải nghĩ ra những ý tưởng mới và tìm kiếm những phương thế mới, hầu có thể củng cố Giáo Hội và đẩy mạnh việc thánh hóa các linh hồn, không ngừng rao giảng cho mọi người Tin Mừng của Đức Kitô. Tiềm ẩn bên trong các khó khăn của chúng ta là sứ điệp đầy năng lực đổi mới của Đức Kitô.

Đám đông dân chúng hỏi Đức Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn các ông làm, đó là tin vào Đấng Người sai đến” (Ga 6,28-29). Đây là mệnh lệnh nền tảng cho chúng ta, một mệnh lệnh vẫn còn hiệu lực cho mọi người mọi nơi mọi lúc.

Những lời tâm huyết mà Thánh Phaolô viết cho môn đệ Timôthê của Ngài cũng thật ý nghĩa cho chúng ta: “Hãy công bố Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện ; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 07/10

Đức Mẹ Mân Côi

Gl 1, 6-12; Lc 10, 25-37.

Lời Suy Niệm:  “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa. (Lc 10,25)

          Khi Chúa Giêsu nói câu này, là Người muốn diễn tả một sự khó khăn. Vì đối với những người buôn bán thời bấy giờ, họ dùng Lạc Đà làm phương tiện vận chuyển hàng hoá khi mua bán, trong số hàng hoá đó họ muốn tránh sự kiểm soát của chính quyền, nên đã không đi trên các con đường chính chính, mà lách qua các khe đá chật hẹp, (Người ta gọi là lỗ kim) để tránh sự kiểm soát của chính quyền. Với hình ảnh này, cho chúng ta liên tưởng đến hành trình trong cuộc sống để được vào Nước Trời thật khó khăn, nhưng Chúa Giêsu cho mỗi tín hữu biết: Với tình yêu thương, rộng lòng tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ dẫn đưa được tất cả chúng ta vào Nước của Ngài: “Vì đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể.” (Lc 10,27).

          Lạy Chúa Giêsu, giữa bao khó khăn, với sự cám dỗ của xã hội ngày hôm nay, đã làm cho mỗi người trong chúng con chạy theo của cải vật chất, tranh giành tư lợi, làm cản trở con đường đến với Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con biết tự xét mình lại với lời căn dặn của Chúa: “Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36). Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 07-10

THÁNH MẪU MÂN CÔI

Chuỗi Mân Côi là quà tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Người ta gọi chuỗi Mân Côi là kinh nguyện của người bình dân. Thực vậy, cho tới thế kỷ XII, Hội Thánh chỉ dùng 150 thánh vịnh làm kinh nguyện chính thức. Tới khi bà thánh Birgitta được ơn Chúa soi sáng mới đặt ra chuỗi 150 Kinh Kính Mừng để thay thế cho 150 Thánh vịnh.

Các mầu nhiệm Mân Côi còn được gọi là cuốn sách Phúc âm rút gọn của người bình dân, bởi vì sau này người ta thêm 15 mầu nhiệm vào kinh Mân côi. Cứ 10 kinh Kính mừng lại suy gẫm vê một mầu nhiệm mùa Vui, Thương hoặc Mừng.

Chuỗi Mân Côi rất cao quí vì chính nội dung của nó như chúng ta vừa đề cập tới. Người biết xử dụng sẽ gặp được hiệu quả phi thường. Ngay trong sự tích việc thành lập lòng sùng kính này đã đã ghi dấu bằng một phép lạ đặc biệt. Ngày kia trên đường đi Tây Ban Nha, hai thánh Đôminicô và Bernađo chẳng may bị sa vào tay quân cướp. Sau khi bóc lột tất cả, chúng bắt các Ngài phải làm nô lệ chèo thuyền. Một lần con thuyền bị bão đánh giữa khơi. Trong cơn nguy nan, thánh Đôminicô đã cầu xin Đức Mẹ và được Ngài hiện ra dạy phải lần chuỗi Mân Côi. Mọi người trong thuyền đều hứa sẽ thực hiện theo lời chỉ dạy của Mẹ. Bão tố liền tan biến.

Cũng chính thánh Đôminico, trong cuộc tranh đấu chống lại bè rối Albigeois năm126, một lần nữa được Đức Mẹ dạy cho biết phải dùng chuỗi Mân Côi làm khí giới. Thánh nhân đã dốc toàn lực phổ biến thực hành đạo đức này và được gặt hái được thành quả mĩ mãn. Bè rối Albigeois hoàn toàn bị tiêu diệt.

Năm 1571, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân Côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi, Khi ấy quân Hồi Xâm lăng Au Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người chạy đến với Kinh Mân côi. Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới tồi tàn, người công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu, từ Roma, Đức Giáo hoàng đã thấy được cuộc chiến thắng này và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức giáo hoàng đã thiết lập một lễ để ghi nhớ chiến thắng này.

Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan… Chuỗi Mân côi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân côi.

Vậy khi mừng lễ Thánh mẫu Mân Côi, Giáo hội muốn chắc lại sức mạnh cứu rỗi vô song của Kinh mân côi và kêu gọi mọi người hãy năng lần chuỗi Mân Côi như phương thế hữu hiệu để cải thiện đời sống và xây dựng Nước trời.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

07 Tháng Mười

Chờ Ðợi

Theo tâm lý thông thường, ai cũng sợ phải chờ đợi, ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều, sự chờ đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn thay, chúng ta lại thường biến cuộc đời thành một thứ đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên…

Cả tuần lễ, ai cũng mong được đến ngày thứ Bảy, Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến, chúng ta lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này đến, chúng ta lại chờ tháng sau. Năm này đến, chúng ta lại chờ năm sau…

Lên xe, chúng ta mong đến đích điểm. Khi đến nơi, chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu bóng, nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi cuốn phim chấm dứt: họ làm như thể vào rạp chiếu bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Ði dự thánh lễ, dù lễ chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng lên ra về: họ làm như thể chỉ đến nhà thờ để mong cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ mong để quay trở lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi đến lúc đi ra.

Với sự nóng lòng chờ đợi giây phút sẽ tới này, chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ với những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời thành một thứ phòng đợi, đợi hết cái này đến điều kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.

Tháng Mười là tháng dành riêng để tôn kính Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.

Ơn cứu rỗi không là một biến cố của quá khứ hoặc là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria quả thực là mẫu gương cho chúng ta trong thái độ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là những tháng ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với hai tiếng “Thưa, xin vâng!”, Mẹ đón nhận giây phút hiện tại như một món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.

Cùng với Mẹ sống lại mầu nhiệm của ơn cứu rỗi, chúng ta hãy đón nhận Ðấng đang đến, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài trong phút giây hiện tại này đây với tất cả tin tưởng phó thác.Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi hành trong phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả cố gắng của chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui của phút giây này đây, hãy tận hưởng như thể sẽ không còn một niềm vui nào khác.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ Đức Mẹ Mân Côi – Ngày 7 tháng 10

Bài đọc: Zec 2:14-17; Lk 1:26-38

CHỦ ĐỀ: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người. 

            Tháng mười, được gọi là tháng Mân Côi, tháng kỷ niệm cuộc đời của Chúa Cứu Thế và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ người. Cuộc đời của hai con người quan trọng nhất trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được dệt bằng những biến cố quan trọng, nhưng các bài đọc hôm nay tập trung trong biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu.

            Trong bài đọc I, ngôn sứ Zechariah nói trước về biến cố này, được lồng trong khung cảnh lưu đày của dân tộc Do Thái. Thiên Chúa luôn quan tâm và săn sóc con người; nhất là khi con người phải buồn sầu khổ cực trong chốn lưu đày. Ngài đã có một kế hoạch để giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi bằng cách cho người con một của Người xuống để ở với con người, để dạy dỗ, chữa lành và cứu chuộc con người. Ngôn sứ Zechariah đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy trước ngày này, nên ông đã kêu gọi dân Do Thái hãy vui mừng lên vì ngày đó đã gần đến. Trong Phúc Âm, những gì ngôn sứ Zechariah loan báo đã trở thành hiện thực trong biến cố Truyền Tin, được ghi lại bởi thánh sử Lucas. Chính nhờ sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria mà con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng của Mẹ, để bắt đầu sứ vụ cứu chuộc của ngài cho trần gian.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

1/ Bài đọc I: “Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi.”

            Có ba sự kiện chính chúng ta ghi nhận trong đoạn văn của ngôn sứ Zechariah:

1.1/ Thiên Chúa đang đến và ở lại với dân Người: Sự kiện này được lặp lại hai lần trong hai câu đầu tiên, 14 và 15. Không những Thiên Chúa đến để viếng thăm, nhưng còn ở lại với dân Người. Khi Chúa Giêsu đến, ngài không chỉ viếng thăm; nhưng hoá thành nhục thể để ở với con người trong suốt ba mươi ba năm; và lập bí tích Thánh Thể để ở với con người suốt mọi ngày cho đến tận thế. Đây là một sự kiện đặc biệt mà con người phải vui mừng, phải reo hò và hân hoan vì khi có Thiên Chúa ở với, con người sẽ không còn cô đơn và sợ hãi những quyền lực của thế gian và ma quỉ.

            Thiên Chúa phải trừng phạt dân tộc Do Thái một thời gian vì họ quá cứng lòng, không chịu nghe những lời Ngài dạy bảo qua các ngôn sứ; nhưng khi họ biết nhận ra những lỗi lầm của họ và quay trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ phục hồi tất cả mọi quyền lợi và địa vị cho họ, như lời ngôn sứ Zechariah loan báo, “Đức Chúa sẽ lấy Giu-đa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giê-ru-sa-lem.”

1.2/ Các dân tộc sẽ được nhập đoàn với dân Chúa: “Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Ngài bắt đầu với dân tộc Do Thái như một dân riêng; sau đó, Ngài sẽ cho tất cả các dân tộc được nhập đoàn qua niềm tin của họ vào Đức Kitô. Khi sự kiện này bắt đầu xảy ra, người Do Thái sẽ nhận ra kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và phải tin rằng Đức Kitô được Chúa Cha sai đến.

1.3/ Thái độ của con người phải có trước mầu nhiệm Nhập Thể: “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa, bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.” Đứng trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, được biểu tỏ qua việc con Thiên Chúa bỏ Nơi Thánh của người trên thiên quốc để xuống gian trần cứu độ con người, con người không biết làm gì hơn là thinh lặng để suy niệm và cảm nghiệm tình yêu sâu xa và vô biên này.

2/ Phúc Âm: Sứ vụ của Đức Trinh Nữ Maria

2.1/ Cuộc gặp gỡ giữa trời và đất: Tuyệt đỉnh của Mầu Nhiệm Cứu Độ là Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra; và bắt đầu cuộc đời của Đấng Cứu Thế trên dương gian là biến cố Truyền Tin hôm nay. Không ai có thể ngờ một Thiên Chúa, Đấng dựng nên và có quyền trên muôn loài, lại đến với một tạo vật của mình; để xin cho Người Con được vào cung lòng của Trinh Nữ và sinh ra làm người. Thánh-sử Luca tường thuật biến cố Truyền Tin như sau: “ Khi Bà Elizabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilee, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavit. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.”

2.2/ Mầu Nhiệm Cứu Độ được mặc khải: Sứ-thần Gabriel nói về con trẻ sẽ được sinh ra như sau: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Đây chính là lời hứa thứ ba mà Tiên-tri Nathan đã loan báo cho Vua Đavit trong Sách Samuen II. Chỉ có một điều kỳ lạ không ai ngờ tới về đứa trẻ sinh ra, tuy là Con của Đấng Tối Cao nhưng lại thuộc giòng dõi Đavit qua người cha nuôi, Thánh Giuse.

2.3/ Phản ứng của Đức Trinh Nữ Maria: Vì đã khấn giữ mình đồng trinh, Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Điều Maria muốn giữ mình đồng trinh là điều đẹp lòng Thiên Chúa, vì Ngài muốn con của Ngài nhập thể trong một cung lòng thanh sạch và tinh tuyền như thế. Hơn nữa, lời tiên tri của Isaiah cũng đã báo trước về người trinh-nữ này (parthenos, Isa 7:14).

            Đức Trinh Nữ, cũng giống như nhiều người chúng ta, thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: Làm sao thụ thai và sinh con mà còn đồng trinh? Chúng ta quên đi cách của Thiên Chúa: có thể giữ mình đồng trinh mà vẫn sinh con. Sứ thần cắt nghĩa cách của Thiên Chúa: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Sứ thần đưa một bằng chứng cụ thể: “Kìa bà Elizabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Sau khi đã lắng nghe lời cắt nghĩa của Sứ-thần, Đức Trinh Nữ Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG

            – Trong tháng Mân Côi, chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để lần hạt và suy ngắm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua mầu nhiệm Nhập Thể của con Ngài.

            – Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy vâng lời và cộng tác với Thiên Chúa để mang ơn cứu độ của Ngài cho chúng ta và cho mọi dân tộc.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************