Ngày thứ bảy (13-07-2024) – Trang suy niệm

12/07/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy tuần 14 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Is 6, 1-8

“Lưỡi tôi nhơ bẩn, mắt tôi trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Năm vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy Thiên Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, mỗi vị có sáu cánh: hai cánh che mặt, hai cánh phủ chân và hai cánh để bay. Các vị đó luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa!” Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng tung hô, và Ðền thờ đầy khói. Tôi nói rằng: “Vô phúc cho tôi, tôi chết mất! Vì lưỡi tôi nhơ bẩn, mắt tôi trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Nhưng lúc đó có một trong các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp gắp từ trên bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xoá bỏ, tội của ngươi được tha thứ”. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho Chúng Ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Ðáp: Chúa làm Vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).

1) Chúa làm Vua, Ngài đã mặc thiên oai, Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai.

2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở; tự đời đời vẫn có Chúa.

3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin; lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn đời.

ALLELUIA: Tv 118, 27

All. All. – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Mt 10, 24-33

“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà. “Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần. “Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

13/07/2024 – THỨ BẢY TUẦN 14 TN

Th. Hen-ri-cô

Mt 10,24-33

“ĐỪNG SỢ”… NHƯNG “HÃY SỢ”

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10,28)

Suy niệm: Các loài vật trốn chạy mỗi khi có mối nguy hiểm đe doạ tính mạng, nhưng khi bị dồn đến đường cùng chúng lại dám liều chết để chống lại mối đe doạ đó. Chính bản năng sinh tồn thúc đẩy chúng lúc nào biết sợ, lúc nào không biết sợ trước những mối đe doạ tới sự sống còn của chúng. Sự sống còn của người Ki-tô hữu cũng hệ tại ở việc nhận biết điều gì đáng sợ, điều gì không đáng sợ trong cuộc sống của mình. Không đáng sợ là những gì “chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn.” Ngược lại, những gì có thể làm cho cả hồn lẫn xác phải tiêu vong mới là điều đáng sợ.

Mời Bạn: Bao thế hệ Ki-tô hữu, trong đó có cả cha ông chúng ta đã để lại tấm gương can đảm của những người không sợ hãi trước những kỳ thị, bách hại và kể cả cái chết nhưng lại rất sợ tội lỗi là cái còn tệ hại hơn cả cái chết. Phần bạn, bạn đang sợ hãi điều gì? Phải chăng là bệnh tật, đói khát, tai nạn, thậm chí cái chết? Nhưng bạn ơi, những thứ đó “chỉ giết được thân xác chứ không giết được linh hồn”! Chính cuộc sống hưởng thụ ích kỷ, chiều theo đam mê, dục vọng mới là những điều đáng sợ. Mời bạn đặt trọn niềm xác tín vào Chúa để dũng cảm sống làm chứng nhân Tin Mừng và cũng dũng cảm khước từ mọi cám dỗ tội lỗi.

Sống Lời Chúa: Noi gương thánh trẻ Đaminh Saviô, cam kết với Chúa: “thà chết chẳng thà phạm tội.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết “đừng sợ” những người “chỉ giết được thân xác”, nhưng xin giúp con “biết sợ” tội để con luôn bước đi trong đường lối của Ngài.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giê su nhắc chúng ta đừng lo (c.19).
Hôm nay ba lần Ngài nhắc chúng ta đừng sợ kẻ bách hại (cc. 26. 28.31).
Cuộc sống con người bị trói buộc bởi những nỗi sợ,
có lý và vô lý, đến từ bên ngoài hay từ bên trong trái tim.
Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới.
Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui…

Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10).
Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27).
Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7).
Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36).

Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh.
Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.
Có người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng,
không dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời.
Đức Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà,
điều mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27).
Họ không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận.
Đừng sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy,
vì có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28).
Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ.
Nhưng Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình,
khi dám nói tiếng xin vâng, buông đời mình trong tay Cha.

Cha lo cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị.
Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu.
Tiền lương một ngày mua được ba chục con chim sẻ.
“Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29).
Cả đến sợi tóc của trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30).
Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18).
Chính vì thế người kitô hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng.
Họ chẳng còn sợ ai, ngoài Thiên Chúa.

Vấn đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì.
Nhưng là biết sợ ai.
“Mày cùng chịu một án phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?”
Anh trộm lành đã nói với người kia như vậy (Lc 23, 40).
Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ,
để chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG BẢY

Sự Tự Do Của Con Người

Diễn Tả Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa

Ở đây, khi đối diện với kế hoạch sáng tạo từ đời đời của Thiên Chúa, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng và khôn dò. Mầu nhiệm đó chính là mối quan hệ mật thiết giữa các hành động của Thiên Chúa và những quyết định của con người.

Chúng ta biết rằng sự tự do chọn lựa là khả năng tự nhiên của một tạo vật có lý trí. Kinh nghiệm cũng cho chúng ta biết rằng tự do của con người là cái có thực – ngay cả khi nó bị làm cho thương tổn và suy yếu đi bởi tội lỗi. Về mối quan hệ giữa sự tự do của con người với hành động của Thiên Chúa, chúng ta nên nhìn trong ánh sáng của những gì mà Thánh Tô-ma Aquinô đã nói về sự quan phòng thần linh. Thánh Tô-ma mô tả sự tự do của con người như biểu hiện của sự khôn ngoan Thiên Chúa – sự khôn ngoan xếp đặt và hướng dẫn mọi sự đạt đến mục tiêu của chúng (cf. Tổng Luận Thần Học I,22,1). Tất cả những gì được Thiên Chúa tạo thành đều nhận sự hướng dẫn này, và trở thành đối tượng của sự quan phòng thần linh (vs. 2).

Qua con người – được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa – tất cả thế giới tạo vật hữu hình tiến tới gần Thiên Chúa và tìm thấy con đường đưa dẫn chúng đến sự thành toàn cuối cùng. Quan niệm này được diễn tả bởi nhiều người khác nữa, trong đó có Thánh I-rê-nê và được phản ảnh bởi giáo huấn của Công Đồng Vatican II về tác động phát triển thế giới của con người (MV 7). Nói tắt, sự phát triển hay sự tiến bộ đích thực mà con người được mời gọi thực hiện trong thế giới không được phép chỉ hạn định trong phương diện kỹ thuật, mà phải bao gồm phương diện đạo đức nữa. Đây là điều kiện thiết yếu để xây dựng Nước Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo này (MV các số 35,43,57,62).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 13/7

Thánh Henricô

Is 6, 1-8; Mt 10, 24-33.

Lời suy niệm: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như Thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huốn chi là người nhà.” (Mt 10,24)

          Đối với người Kitô hữu khi làm việc thiện và thực thi đức bác ái là tỏ lòng vâng phục lệnh Chúa truyền và tỏ lòng tôn thờ Thiên Chúa, cho nên chúng ta không phải lệ thuộc vào sự chê trách hay khen ngợi của người đời.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa căn dặn chúng con: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.” Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, để được vui sống trong bình an. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 13-7: Thánh HENRI

(973 – 1024)

Thánh Henri sinh năm 972. Cha Ngài là Henri bá tước xứ Bavière. Mẹ Ngài là Gisèle, con gái của Conrad, vua miền Bourgogne. Để bảo đảm cho việc giáo dục con cái, Ngài được mẹ giao phó cho các thầy dòng ở Mildeshim, miền Saxe, rồi sau đó cho thánh Wolfgang, giám mục Ratisbonne.

Nhưng thật rủi ro, trong một năm, Henri đã chịu hai cái tang cha và thầy.

Thánh Wolfgang từ trần ngày 30 tháng 10 năm 994 và vua Henri từ trần ngày 28 tháng 12 năm 994. Tuy nhiên ở bên kia thế giới các Ngài dường như không ngừng săn sóc Henri. Một truyền thuyết kể rằng: Henri đã mơ thấy thánh Wolfgang hiện ra viết trên tường nhà thờ hai chữ “còn sáu”. Tỉnh dậy, Henri nghĩ rằng mình chỉ còn sống được sáu ngày nữa. Ngài vội vã bố thí rộng rãi để chuẩn bị ra trước tòa Chúa. Nhưng rồi hạn định đã qua Henri vẫn sống. Vị bá tước nghĩ rằng Ngài còn sáu tháng để làm việc lành. Sáu tháng trôi qua Ngài vẫn sống. Lần này Ngài nghĩ thời hạn kéo dài 6 năm và cố gắng sống hoàn hảo hơn nữa. Sau 6 năm trong trường nhân đức ấy, Henri bỗng được chọn làm hoàng đế nước Đức -Roma.

Trước khi lên ngai hoàng đế, Henri đã kế vị người cha từ trần, lên làm bá tước miền Bavière. Các lãnh Chúa thân thiết với Ngài. Dân chúng cũng cảm mến Ngài sâu xa. Họ ao ước bá tước trẻ của mình lập gia đình. Nhưng Ngài đã hứa với Chúa sẽ sống độc thân. Vì vâng lời mẹ và dưới áp lực của các lãnh Chúa. Ngài nhận cưới Cunégonda, một thiếu nữ trong số 11 người con của công tước miền Luxembourg.

Nàng có sắc đẹp mặn mà và nhiều đức tính làm cho mọi người mến phục. Sau các lễ nghi cưới hỏi, lúc về chốn riêng tư, Henri mở lời với người bạn đời: – Em yêu, anh không muốn em không hay biết rằng anh đã thề với Chúa sẽ hiến dâng hồn xác phụng sự Ngài, và vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô, anh muốn tiếp tục hoàn toàn.

Và Cunégonde vui sướng trả lời: – Chúa công của em, lời khấn hứa, em cũng đã hứa rồi. Thật hạnh phúc, chúng ta có thể trung thành với những ước nguyện của chúng ta.

Đó là đám cưới tinh tuyền của Henri và Cunégonde. Hoàng đế Henri lên ngôi và được Đức Giám mục thành Mayence xức dầu phong vương năm 1002. Mấy hôm sau hoàng hậu Cunégonde cũng được truy phong và đội triều thiên ở giáo đường Paderbonne. Với tính tình vui vẻ, bình dân và đầy lòng bác ái, hoàng đế rất được dân chúng mến chuộng. Nhưng đế quốc Đức – Roma lúc ấy đang thời suy vong và tình hình rất phức tạp. Vì thế việc đầu tiên của hoàng đế là lo giải hoà các cuộc tranh chấp. Trước hết, Ngài nhường quyền bá tước miền Bavière chi Henri, người Luxembourg.

Tuy nhiên có thể nói rằng: suốt đời hoàng đế, Ngài luôn phải lo vãn hồi trật tự trong đế quốc. Ngay khi lên ngôi hoàng đế, Ngài mang quân sang chinh phục đất Ý, là nơi Arduin tự phong làm vua, tách rời khỏi đế quốc. Dẹp tan đối phương ở biên giới, gần núi Alpes, Ngài đã được dân chúng tưng bừng đón rước. Đức Tổng Giám mục Milanô phong vương cho Ngài tại Pavie. Trở về nước Ngài lại phải đối phó với Boleslaw, xứ Balan. Mấy năm sau, Boleslaw bị quân nhà vua đánh tan và Jarômia lên quản trị xứ Balan.

Bất đắc dĩ, vua Henri mới phải dùng đến binh lực, nhưng Ngài luôn tỏ ra nhân từ. Chẳng hạn Hermann vì muốn tiếm ngôi, đã đốt phá thành Strabourg. Trước lời khuyên nên trả thù thành phố dung dưỡng Hermann, hoàng đế trả lời: – Thiên Chúa trao quyền tối thượng cho ta, không phải là mang đến quanh ta những sát nhân và cướp bóc, nhất là không phải để cho ta phải thiệt mất linh hồn.

Lời này đến tai Hermann và ông ta hối cải.

Hoàng đế Henri bảo vệ Đức giáo hoàng Bênêditô chống lại đức giáo hoàng giả. Nhờ Ngài. Đức giáo hoàng nghĩ tới một Giáo hội trần thế, đã trao cho Ngài một trái cầu bằng vàng có cắm thánh giá để biểu trưng quyền hạn trao phó của Ngài, lo cho vương quyền Chúa Kitô phổ biến khắp muôn dân. Trở lại quốc gia, Ngài vội lo dẹp loạn ở Lombardie. Rồi với nhiệt tình, Ngài đã viếng tu viện Cluny. Ơ đó cầu nguyện lâu ngày và tặng cho tu viện món quà của Đức giáo hoàng.

Hoàng đế sống trong cung điện như trong tu viện và chỉ nghĩ tới hòa bình và đức ái. Ngài góp phần cải hóa dân Hungarie bằng việc gả em gái mình cho vua thánh Stêphanô. Để gây thuận hòa giữa các dân tộc, Ngài thực hiện cuộc gặp gỡ vua Robert nước Pháp. Đối với Giáo hội, Ngài lo trùng tu các thánh đường, giúp đỡ các giám mục. Đặc biệt hơn cả, Ngài đã thành lập giáo phận Banberg và chính tại nhà thờ chính tòa giáo phận này Ngài sẽ được mai táng.

Trên ngôi hoàng đế, Ngài luôn trung thành với lý tưởng. Giữa muôn công việc bề bộn, Ngài luôn dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tương truyền rằng ao ước lớn lao nhất của Ngài là được sống trong tu viện. Lần kia, Ngài tới thăm tu viện thánh Vanne ở Verdun. Ngài đã xin với chân phước Richasd, tu viện trưởng nhận Ngài làm tu sĩ. Đức Đan viện phụ nói rằng: chỗ an toàn của vị hoàng đế là ở trên ngai tòa hơn là ở trong tu viện. Khi thấy vị hoàng đế khẩn nài, Đức Đan viện phụ hỏi: – Ngài có sẵn sàng thực hiện đức vâng lời cho đến chết không ?

Hoàng đế Henri cương quyết trả lời: – Con sẵn sàng.

Đức Đan viện phụ liền nhận Ngài như một tu sĩ của dòng và nhân danh đức vâng lời, truyền cho Ngài cai quản đế quốc để hiến thân tìm vinh quang Chúa và ông cứu rỗi cho thần dân.

Ngày 15 tháng 7 năm 1024 hoàng đế Henri từ trần, ai khi đã dùng trọn sức lực để xây dựng một đế quốc theo tinh thần Kitô giáo.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

13 Tháng Bảy

Niềm Vui Và Kho Tàng

Theo một bảng thống kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.

Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.

Nhưng an bình và vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt được tất cả, có tất cả nhưng không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây chết.

Người Ai Cập thời cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho hai câu hỏi: “Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui cho người khác không?”. Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho hai câu hỏi ấy.

Số phận đời đời của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ trong cuộc sống này.

Một ngày kia, người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: “Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước ngòi bút của tôi”. Người tín hữu Kitô, theo định nghĩa, không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.

Trong quyển sách có tựa đề “Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần”, Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Ðức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui”.

Nhưng niềm vui không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh.

Mỗi ngày chúng ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người “vui lòng”, nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người khác “vui lòng” để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng những chịu đựng vui tươi của chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 14 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Isa 6:1-8; Mt 10:24-33.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngôn sứ phải nói những gì Thiên Chúa truyền.

Các bài đọc hôm nay tập trung trong ơn gọi ngôn sứ và những gì ngôn sứ phải làm. Trong bài đọc I, Isaiah tường thuật ơn gọi ngôn sứ của chính mình. Ơn gọi ngôn sứ bắt nguồn từ Thiên Chúa, không do bởi con người, nhưng họ có tự do đáp trả. Họ được thánh hiến và giáo huấn trước khi được sai đi để làm phát ngôn viên cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ những gì phải làm và những gì không được làm trước khi sai các ông lên đường.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa gọi Isaiah làm ngôn sứ cho Ngài.

1.1/ Ngôn sứ nhận thức được sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi của mình.

Ngôn sứ Isaiah hoạt động tích cực tại Jerusalem trong 4 đời vua: Uzziah, Jotham, Ahaz và Hezekiah. Triều đại của vua Uzziah cai trị trong 50 năm chấm dứt một triều đại an lành và hạnh phúc. Từ đó trở đi, các vua Judah kế tiếp và toàn thể dân chúng cũng chẳng khác gì các vua của Israel. Họ sống kiêu ngạo xa Thiên Chúa, sống hưởng thụ, và sống bất công với người nghèo.

Một trong những điểm đặc biệt trong Sách của ngôn sứ Isaiah là muốn làm nổi bật sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự tội lỗi của con người. Trình thuật hôm nay là một điển hình. Thị kiến hôm nay có lẽ xảy ra trong Đền Thờ Jerusalem. Hình ảnh các Seraphim có 6 cánh rất phổ thông trong các quốc gia vùng Cận Đông. Khi các Seraphim tung hô “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” các Ngài tuyên dương sự thánh thiện tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, không một ai trên bầu trời này thánh thiện như Ngài. Đền Thờ tỏa khói mịt mù nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa với loài người, như Ngài đã từng hiện diện với con cái Israel trong Cột Mây và Lều Hội Ngộ, khi họ lang thang 40 năm trong sa mạc.

Khi nhận diện ra sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa cũng là lúc Isaiah nhận ra sự tội lỗi bất xứng của mình, đến nỗi Isaiah phải thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống (Exo 33:20). Isaiah tin chắc ông sẽ phải chết nếu Thiên Chúa không can thiệp.

1.2/ Ngôn sứ được thánh hiến bằng lửa: Trình thuật kể: “Một trong các thần Seraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ.” Thánh hiến bằng than hồng có lẽ là một hành động biểu trưng cho sự thánh hiến tâm hồn của Isaiah. Chính hành động này đã làm cho ngôn sứ Isaiah được sạch tội và khỏi phải chết, như lời sứ thần Seraphim tuyên bố: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.” Miệng lưỡi của ngôn sứ là khí cụ quan trọng nhất trong sứ vụ của ngôn sứ; có lẽ đây là lý do sứ thần đưa hòn than ấy chạm vào miệng ngôn sứ.

Ơn gọi ngôn sứ là ơn gọi hoàn toàn tự nguyện: Thiên Chúa gọi và người được gọi đáp trả. Thiên Chúa mời gọi ngôn sứ qua việc đặt câu hỏi: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Isaiah được sự thúc đẩy từ bên trong đã mạnh dạn thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi.”

2/ Phúc Âm: Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày.

2.1/ Ba thái độ phải có của người môn đệ Đức Kitô: Để trở thành môn đệ trung thành của Đức Kitô, một người phải có ba thái độ sau:

(1) Sẵn sàng chấp nhận gian khổ: “Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” Người môn đệ Đức Kitô chắc chắn sẽ bị người đời bắt bớ, vì họ đã từng bắt bớ và giết Ngài. Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải nhớ rõ điều này: “Trò không hơn thầy, đầy tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, đầy tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Beel-zebul, huống chi là người nhà.”

Trong khi rao giảng hay làm việc tông đồ, người môn đệ chắc chắn sẽ gặp những người phê bình, chống đối, đe dọa và bắt bớ. Lý do đơn giản là người môn đệ nói những điều người đời không muốn nghe, và sự thật thì hay mất lòng. Một vài ví dụ dẫn chứng: người môn đệ nói phải tuyệt đối trung thành trong ơn gọi gia đình đang khi khán giả ngồi dưới đã từng ly dị; người môn đệ dạy phải hy sinh để báo hiếu cha mẹ đang khi khán giả gởi cha mẹ vào các viện dưỡng lão; người môn đệ dạy phải sinh con cái cho nhiều đang khi khán giả không muốn sinh thêm con.

(2) Không được sợ hãi người đời: Nếu người môn đệ sợ làm người đời mất lòng, sợ bị phê bình hay bị chống đối, người môn đệ sẽ không dám nói sự thật mà ông được kêu gọi để rao giảng; ngược lại, ông sẽ tìm cách nói những gì mà khán giả thích, cho dẫu những điều này không phải là những gì Chúa dạy. Đó là lý do Chúa Giêsu răn dạy các môn đệ: “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.”

Khi làm chứng cho sự thật, các môn đệ sẽ phải trả giá đắt, có thể phải hy sinh cả tính mạng như trường hợp của các thánh tử đạo; nhưng các ngài sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho sự thật, vì các ngài tin Thiên Chúa sẽ trả lại thân xác vinh quang, và cho linh hồn các ngài được sống đời đời.

(3) Phải tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Để dạy các môn đệ điều này, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ: Thứ nhất, chim sẻ: Ngài nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” Thứ hai, tóc trên đầu: Ngài nói: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” Tóc trên đầu con người quá nhiều và rụng xuống hàng ngày. Nếu một sợi tóc vô nghĩa rơi xuống hàng ngày như vậy còn được Thiên Chúa quan tâm tới, huống hồ là số phận của những người môn đệ Chúa.

Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, đau khổ là phương tiện Thiên Chúa dùng để thử thách niềm tin yêu của con người dành cho Ngài. Nếu con người sợ hãi và trốn tránh đau khổ, con người không chứng minh niềm tin yêu của họ dành cho Ngài.

2.2/ Phần thưởng cho những môn đệ sống trung thành và làm chứng cho sự thật: Chúa Giêsu nói rõ ràng với các môn đệ: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Ngược lại, “Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Người nào không dám tuyên xưng danh Thầy mình, không dám nói những sự thật Thầy dạy, người ấy không phải là môn đệ Đức Kitô. Trong Ngày Chung Thẩm, Đức Kitô cũng không nhận những người như thế trước mặt Cha của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Ngôn sứ phải nói những gì Thiên Chúa truyền, cho dù lời ấy người đời không thích. Khi người ngôn sứ nói ngược lại những lời Thiên Chúa truyền, ông tuyên án cho chính mình.

– Mỗi tín hữu đều nhận ơn gọi làm ngôn sứ cho những người có trách nhiệm. Chúng ta phải chu toàn bổn phận được giao bằng việc trao ban cho tha nhân những lời dạy của Ngài. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************