Ngày thứ bảy (08-06-2024) – Trang suy niệm

07/06/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy tuần 9 TN. Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

Thứ Bảy tuần 9 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 2 Tm 4, 1-8

“Con hãy thi hành việc rao giảng Phúc Âm. Phần cha, cha đã già yếu và Chúa sẽ trao cho cha triều thiên công chính”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Đức Kitô, Đấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi, hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn. Bởi vì sẽ có một thời, bấy giờ người ta không chịu nghe theo giáo lý lành mạnh nữa, nhưng theo tình tư dục, họ đã thu thập cho mình thực nhiều thầy, tai họ ngứa ngáy và họ ngoảnh tai đi cho khỏi nghe chân lý để quay về với những chuyện hoang đường. Phần con, hãy thận trọng trong hết mọi vấn đề, hãy can trường chịu đau khổ, hãy làm phận sự người rao giảng Phúc Âm, hãy lo chu toàn bổn phận phục vụ của con, hãy sống tiết độ. Phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 70, 8-9. 14-15ab. 16-17. 22

Đáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (x. c. 15).

1) Miệng con đầy lời ca ngợi Chúa, và suốt ngày con ca hát vinh quang Ngài. Xin Chúa đừng bỏ con trong lúc tuổi già, khi con đã kiệt sức, xin chớ bỏ rơi con..

2) Phần con sẽ luôn luôn trông cậy, ngày ngày con sẽ thêm lời ngợi khen Chúa. Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày con kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng.

3) Con sẽ kể ra uy quyền Thiên Chúa, lạy Chúa, con sẽ ca ngợi đức công minh của Ngài. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài.

4) Phần con, với cây cầm thụ, con ca lòng trung thành Ngài; lạy Chúa, với cây huyền cầm, con sẽ hát mừng Chúa, lạy Đấng thánh của Israel.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

All. All. – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 12, 38-44

“Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.

Đó là lời Chúa.

Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

BÀI ĐỌC I: Is 61, 9-11

“Tôi sẽ hớn hở vui mừng trong Chúa”.

Bài trích sách Tiên tri I-sai-a.

Dòng dõi chúng sẽ được nổi danh giữa các dân tộc, miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc. Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nẩy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8

Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).

1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

ALLELUIA: x. Lc 2, 19

All. All.- Đức Trinh nữ Maria hiển vinh, đã ghi nhớ lời Chúa và suy niệm trong lòng. – All.

PHÚC ÂM: Lc 2, 41-51

“Kìa cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Hàng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên và mẹ Người bảo Người rằng : “Con ơi, sao con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?”. Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và Người vâng phục hai ông bà.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

08/06/2024 – THỨ BẢY TUẦN 9 TN

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

Lc 2,41-51

MA-RI-A, MẪU GƯƠNG

CẦU NGUYỆN VÀ LẮNG NGHE

Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ tất cả nhũng điều ấy trong lòng. (Lc 2,41-51)

Suy niệm: Câu chuyện Ma-ri-a và Giu-se lạc mất Chúa ở Giê-ru-sa-lem cho phép chúng ta cảm nhận hai nhân vật vĩ đại này rất gần gũi với chúng ta, cách riêng trong sự kiện “ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Hành trình đức tin của Ma-ri-a và Giu-se không phải luôn luôn hoàn toàn dễ dàng, hoàn toàn sáng sủa. Lạc mất Chúa đã là một thử thách, nhưng gặp Chúa mà lại không hiểu được Ngài, càng là một thử thách nặng nề hơn. Trong hành trình đức tin, chúng ta dù có lặn lội vất vả để tìm Chúa nhưng nếu như chúng ta chưa hiểu được ý Chúa trong biến cố này, trong sự kiện kia… thì chúng ta cũng chưa thực sự gặp Ngài. Chính những lúc đó, ta cần phải đặc biệt nhìn ngắm Đức Ma-ri-a và học lấy thái độ của người tiếp tục tìm kiếm ý Chúa bằng cách “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” và suy niệm.

Mời Bạn: Nhìn lại cuộc sống mình với biết bao biến cố, sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà ngay lúc đó bạn không hiểu. Phải chăng với thời gian, bạn dần dần được soi sáng? Và bạn nhận ra mình đã từng có những cách giải thích và những thái độ không đúng đắn? Phải chăng bạn càng xác tín hơn rằng mình cần học nơi Đức Ma-ri-a tinh thần cởi mở lắng nghe và chiêm niệm sâu sắc để đời sống đức tin của mình được phong phú hơn? Mời bạn xem xét bạn cần có những điều kiện nào để có thể lắng nghe và hiểu ý Chúa hơn.

Sống Lời Chúa: Tập thói quen cuối mỗi ngày có những phút hồi tâm cầu nguyện.

Cầu nguyện: Đọc hoặc hát: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,
hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.
Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,
cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.

Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con,
vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc,
nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.
Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất- tìm kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,
thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).

Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.
Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).
Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).

Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.
Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.
Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.

Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi,
và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).
Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.
Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG SÁU

Một Cộng Đồng Nhân Vị

Bản văn Sáng Thế 2,24 được kết hợp với lời chúc phúc được ghi lại trong Sáng Thế 1,28: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”. Chúng ta nhận ra rằng hôn nhân và gia đình – vốn là một phần của mầu nhiệm sáng tạo con người – được nối kết bởi mệnh lệnh “thống trị” mặt đất. Mệnh lệnh này được Đấng Tạo Hóa ủy thác cho đôi vợ chồng đầu tiên.

Con người được kêu gọi thống trị mặt đất, nhưng con người phải cẩn thận. Con người được kêu gọi để thống trị mặt đất chứ không phải để hủy diệt nó; vì công trình sáng tạo là một quà tặng của Thiên Chúa và xứng đáng được chúng ta tôn trọng. Người nam và người nữ được mời gọi để thống trị mặt đất cùng với nhau. Và mối kết hợp này là gốc rễ phát sinh gia đình và xã hội.

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ vì con người là nam và là nữ – nhưng còn vì mối quan hệ hỗ tương của phái tính. Mối quan hệ ấy làm nên linh hồn và trái tim của “cộng đồng nhân vị”. Nó trở thành một thực tại qua Bí Tích Hôn Nhân và mang dáng dấp của sự hiệp nhất ba ngôi vị thần linh nơi Chúa Ba Ngôi.

Về chủ đề này, Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc – bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’ (St 1,27); sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính; và nếu không liên lạc với những người khác, con người sẽ không thể sống và thể hiện các khả năng của mình” (MV 12).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 08/6

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

Lời suy niệm: Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội Đền Thờ Giêrusalem mừng lẽ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình đều lên Đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. (Lc 2,41-42).

          Theo tập tục của người Do Thái, đường đi đến Đền Thờ Giêrusalem, và đường trở về được phân chia thành hai đường: một đường dành cho nam và một đường dành cho nữ, nếu có đem trẻ em dưới mười hai tuổi thì buộc em đó phải đi theo người lớn, đặc biệt với trẻ em mười hai tuổi được tự do đi bên đường nào cũng được. Nên khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi được quyền tự do chọn lựa. Bởi vì Chúa Giêsu là một trẻ em ngoan, được cả cha lẫn mẹ tin vào sự chọn lựa của Người. Người đã chọn lựa ở lại trong Đền Thờ ngồi nghe các thầy dạy, vừa đặt câu hỏi một cách khôn ngoan. Trong lúc đó khi hai ông bà gặp nhau không thấy Người liền đi tìm kiếm Người.

          Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.

          Nhìn vào bầu khí khi Chúa Giêsu ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe vừa đặt câu hỏi, điều này gợi cho chúng ta liên tưởng đến các em thiếu niên bây giờ trong các giáo xứ của chúng ta còn có tinh thần lắng nghe và đặt câu hỏi về Giáo lý? – Có còn có những bầu khí các thầy dạy ngồi lại với nhau để đào sâu Kinh Thánh, Lời Chúa và Giáo lý, để gây sự tò mò, để lôi cuốn sự ham thích của các em về Kinh Thánh và Giáo lý?

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho các gia đình Công Giáo có được những cha mẹ biết chăm lo học văn hóa và Giáo lý con cái mình, để các em ngày càng thêm tuổi thêm khôn ngoan và nhân đức. Xin cho thanh thiếu niên trong mọi giáo xứ có nhiều thầy dạy Giáo lý hấp dẫn để giúp các em khám phá ra nhiều điều mới lạ trong Giáo lý và Lời Chúa, để giúp các em ngày càng yêu mến Chúa, và sống đẹp lòng mọi người. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

08 Tháng Sáu

Mẹ Chúng Ta 

Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử tọa như sau: “Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Ðức Mẹ là ai?”

Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: “Thưa Cha, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: “Ðúng thế, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria”. Liền sau đó, cử tọa liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Ðàng, Mẹ là Ðấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Ðấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Ðấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v…

Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Ðức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nóitiếp: “Ðức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn noid thêm về Ðức maria…”.

Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: “Tôi xin được nói với anh chị em Ðức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Ðó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Ðàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria…”.

Chính lúc Ðức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ.

Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Ðức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.

Thập giá là nguồn ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình, ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con người chối bỏ chính mình, khi con người trà đạp người khác, thì đó là lúc con người dựng thêm những thập giá mới.

Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.

Sứ điệp của Ðức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 9 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 2 Tim 4:1-8; Mk 12:38-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy vững tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

Cuối tuần qua, sau khi làm lễ ở một cộng đoàn nọ, tôi mời gọi một chú giúp lễ chừng 12 hay 13 tuổi đi tu. Chú trả lời ngay: Không! Khi tôi hỏi lý do, chú bé trả lời: vì con muốn làm thật nhiều tiền. Tôi hỏi tiếp: con có muốn lên Thiên Đàng không? Chú ngập ngừng trả lời: Có! Tôi nói tiếp: khi con về với Chúa, Ngài đâu hỏi con làm được bao nhiêu tiền! Ngài chỉ hỏi: con đã làm lợi được gì cho Ta thôi. Con về nhà và suy nghĩ lại đi.

Muốn có tiền thật nhiều để hưởng thụ là một trong những lý do chính ngăn cản con người vào Nước Chúa. Trường hợp của chàng thanh niên giầu có đến hỏi Chúa là một trường hợp điển hình. Các bài đọc hôm nay muốn khuyên con người hãy vững tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa để trung thành rao giảng Tin Mừng để lo cho phần rỗi linh hồn của tha nhân trên hết các lợi lộc vật chất. Trong bài đọc I, Phaolô khuyên môn đệ Timothy phải trung thành rao giảng mọi nơi và mọi lúc, thuận tiện hay không thuận tiện, không phải cho những lợi ích thấp hèn; nhưng cho phần thưởng muôn đời không hư nát. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên khán giả đề phòng các kinh-sư lạm dụng việc đạo đức để mưu cầu lợi nhuận cá nhân. Ngài khen ngợi một bà góa đã ủng hộ vào Đền Thờ từ cái túng thiếu của mình. Việc làm của bà chứng minh bà hoàn toàn tin tưởng nơi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

1.1/ Những khó khăn trong việc rao truyền Lời Chúa

(1) Lý do phải trung thành rao giảng: Phaolô đưa ra hai lý do chính để chỉ thị Timothy phải trung thành rao giảng Tin Mừng: Thứ nhất, Đức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết; không một ai và không một hành động nào của con người thoát khỏi sự phán xét của Ngài. Thứ hai, Ngài sẽ xuất hiện và nắm vương quyền; lúc đó, Ngài sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc làm của họ. Vì thế, anh “hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.”

Nhiều người chủ trương: “gió chiều nào che chiều đó,” khi hoàn cảnh xã hội đã đổi, họ cũng phải thay đổi sao cho phù hợp; vì nếu không thay đổi sẽ bị người khác ghét và không trở thành phổ thông. Vì thế, nhiều nhà rao giảng có khuynh hướng thay đổi cách giảng dạy: họ chỉ nói những gì khán giả thích và tránh đề cập những tội mà khán giả đang mang trong mình. Tiên tri Jeremiah đã tuyên sấm nặng nề cho các ngôn sứ giả này: Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự hư đi của khán giả.

(2) Khuynh hướng thay đổi của con người: Phaolô nói trước cho môn đệ mình biết về sự thay đổi của khán giả: “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng vì ngứa tai, họ sẽ tìm kiếm cho họ những nhà rao giảng thích hợp với sở thích của họ, và sẽ quay lưng lại với sự thật và hướng về những chuyện hoang đường.” Điều này không lạ, vì theo tâm lý con người, họ không muốn ai làm cho họ phải cắn rứt về những chuyện họ đang mang trong lòng; nhưng chỉ muốn ai khen những chuyện họ làm hoặc nói những chuyện vui cười để giải trí. Nhà rao giảng Tin Mừng chân chính không được chiều theo thị hiếu của khán giả, như Phaolô khuyên nhủ Timothy: “anh hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.”

1.2/ Hãy cố gắng dành cho được phần thưởng không hư nát: Câu hỏi quan trọng đặt ra cho mọi người: Họ muốn làm vừa lòng ai? Thiên Chúa hay con người? Họ muốn làm vừa lòng Thiên Chúa để lãnh phần thưởng bất diệt là sự sống đời đời, hay làm vừa lòng con người để lãnh phần thưởng mau hư nát. Thánh Phaolô cho chúng ta một tấm gương để soi chung: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”

2/ Phúc Âm: Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.

2.1/ Rao giảng Lời Chúa không phải để được lợi lộc vật chất: Các tín hữu quí trọng các linh mục và tu sĩ, vì họ đã hy sinh cuộc đời cho việc rao giảng Tin Mừng để mưu cầu phần rỗi cho tha nhân. Bộ áo họ khoác lên người chứng minh sự hy sinh và từ bỏ mọi sự; nhưng xấu hổ thay, có những linh mục và tu sĩ lại lợi dụng chính chiếc áo để đánh lừa niềm tin của các tín hữu. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn đề phòng cho các tín hữu: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng.

Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.”

Lời Chúa cảnh tỉnh cho các tín hữu nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho các linh mục và tu sĩ: “Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” Nhiều niềm tin của các tín hữu đã bị lung lay khi chứng kiến những sự lạm dụng này; nhưng các tín hữu cũng phải hiểu: Họ tin Thiên Chúa và Đức Kitô, chứ không tin vào những con người đi theo Ngài. Nếu các linh mục và tu sĩ phản ánh trung thực của Đức Kitô, hãy đến và cộng tác với họ để mở mang Nước Chúa; nếu không, hãy cầu xin cho họ biết sống đúng với chức vụ của họ. Là người ai cũng có thể sa ngã và cần được tha thứ; nhưng đừng lợi dụng bộ áo để đánh lừa và làm cho các tín hữu xa Thiên Chúa.

2.2/ Kẻ cho nhiều sẽ được lãnh nhận nhiều hơn: Rất nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu Ngài chăm sóc cho bông huệ ngoài đồng và chim sẻ nay còn mai mất, huống hồ những người con mà Đức Kitô đã đổ máu đào chuộc tội cho! Nhưng rất nhiều tín hữu không tin vào lời hứa này, họ vẫn tin họ phải dành dụm để lo cho tương lai, mà không cần biết những người chung quanh đang sống thiếu thốn tới đâu.

Điều Chúa khen bà góa nghèo là niềm tin của bà vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” Bà đã không có nhiều tiền lại phải chịu cảnh góa bụa; nhưng bà không lo ngày mai sẽ ra sao, vì bà tin Thiên Chúa sẽ không để cho một người con tin tưởng nơi Ngài phải chết đói.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa cho chúng ta sống trong thế gian một thời gian là để chúng ta chứng minh lòng tin tưởng của chúng ta nơi Ngài trước khi cho chúng ta hưởng sự sống đời đời.

– Mục đích cuộc đời chúng ta là làm mọi cách để được hưởng sự sống đời đời và lo sao cho mọi người cũng được như vậy.

– Chúng ta đừng bao giờ lạm dụng việc đạo đức để mưu cầu lợi nhuận cá nhân; nhưng hãy để Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự trả công cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************