Ngày thứ ba (16-10-2018) – Trang suy niệm

15/10/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Gl 4, 31b – 5, 6 (Hl 5, 1-6)

“Cắt bì là vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa. Chính tôi đây, Phaolô, tuyên bố cho anh em rằng: Nếu anh em chịu cắt bì, thì Đức Kitô chẳng làm nên công trạng gì cho anh em. Tôi chứng thực một lần nữa với mọi người nào chịu cắt bì rằng: họ bị bắt buộc phải giữ trọn cả lề luật. Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Đức Kitô, và đã mất ân sủng rồi.

Về phần chúng tôi, nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính. Bởi chưng trong Đức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 41. 43. 44. 45. 47. 48

A+B=Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con (c. 41a). 

A=Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con, xin ban ơn phù trợ theo lời Ngài đã hứa.

B=Xin đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài.

A=Con sẽ tuân giữ luật pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.

B=Con sẽ bước đi trên đường rộng rãi, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.

A=Các chỉ thị Ngài làm cho con hoan lạc, đó là những điều con vẫn mến yêu.

B=Con giang tay cầu chỉ thị của Chúa, và con suy gẫm về những thánh chỉ của Ngài.

A+B=Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con (c. 41a).

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 11, 37-41

“Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/10/18 – THỨ BA TUẦN 28 TN

Th. Ma-ga-ri-ta, trinh nữ

Lc 11,37-41

TÔI, PHA-RI-SÊU

Có một ông Pha-ri-sêu mời Chúa Giê-su đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì trước tiên Người không rửa tay trước khi ăn. (Lc 11,37-38)

Suy niệm: Nghi thức thanh tẩy như rửa tay trước khi ăn, đối với những người Pha-ri-sêu thật quan trọng. William Barclay mô tả những qui định về việc rửa tay này thật tỉ mỉ: phải dùng một thứ nước dành riêng cho nghi thức này, phải đổ nước từ đầu ngón tay cho tới cổ tay, phải dùng tay này nắm lại kỳ cọ lòng bàn tay kia, sau đó lại đổ nước, lần này từ cổ tay đến đầu ngón tay. Nếu sai sót một chi tiết nào đều là có tội. Ông Pha-ri-sêu này “lấy làm lạ” vì Chúa Giê-su không rửa tay, bởi ông coi điều phụ tuỳ như điều chính yếu, coi hình thức bên ngoài thay thế tâm hồn bên trong.

Mời Bạn: Lắm khi, chúng ta tuân giữ lề luật chẳng khác gì ông Pha-ri-sêu này. Có một cái gì đó rất “Pha-ri-sêu” ở trong chúng ta. Chúng ta làm một việc gì đó được coi là đạo đức, như lần chuỗi, đi lễ, rước lễ chẳng hạn, và chúng ta dò xét người khác thấy họ không làm việc đó hoặc làm không giống mình. Thế là ta vội qui kết người đó là tội lỗi hay ít là không đạo đức bằng chúng ta. Như thế không phải là có một ông Pha-ri-sêu đang “ngự” trong lòng mình đó sao?

Chia sẻ: Bạn có thấy thái độ của mình khi phê phán chỉ trích người khác trái ngược hẳn với thái độ của bạn khi bị người khác chê bai chỉ trích không?

Sống Lời Chúa: Thay vì soi mói, bới lông tìm vết nơi lời nói, việc làm của người khác, bạn hãy biết nhận ra những điều tốt, ưu điểm nơi người khác và thành thật khen ngợi họ.

Cầu nguyện: Xin Chúa triệt hạ tận gốc rễ tính kiêu căng, khoe khoang và hám danh đang ẩn núp trong tâm hồn con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG MƯỜI

Yêu Thương Bằng Con Đường Dâng Hiến

Lòng bác ái và sự hy sinh của Mẹ Tê-rê-sa, phát xuất từ tình yêu đối với Đức Kitô, đã trở nên một thách đố cho thế giới. Thế giới này vẫn thường được thấy như là một thế giới của ích kỷ và dục vọng, một thế giới đầy tham lam, đầy những đam mê danh lợi và quyền lực.

Đứng trước những sự dữ của thời đại chúng ta, chứng tá của Mẹ Tê-rê-sa nêu bật – không phải bằng lời nói mà bằng chính những hành động hy sinh cụ thể – giá trị siêu vượt của tình yêu Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Tình yêu này kêu gọi các tội nhân hoán cải và mời họ sống theo Chúa Kitô: “Mang niềm vui đến cho người nghèo” (Lc 4,18).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 16/10

Gl 5, 1-6; Lc 11, 37-41

LỜI SUY NIỆM: “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi.”

            Khi Chúa Giêsu đến dự một bữa tiệc, những người Do-thái đã chưng hững khi thấy Người không rửa tay trước khi ăn theo Luật. Trước những sự đánh giá này của họ. Chúa Giêsu đã cho tất cả mọi người biết, những ai muốn sống đẹp lòng Thiên Chúa không phải vì giữ Luật nghiêm nhặt, nhưng phải sống vì ân sủng của Ngài ban cho, để thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa, khi đối xử với người thân cận, đặc biệt với người đang hiện diện trước mặt mình.

            Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con sống trong một tôn giáo ân sủng và tình yêu. Xin cho chúng con luôn được ánh sáng này chiếu dọi trong tư tưởng và hành động suốt đời sống của chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 16-10

Thánh MAGARITA MARIA ALACOQUE

Đồng Trinh (1647 – 1690)

Thánh Magarita sinh ngày 22 tháng 6 năm 1674 tại Lauthecour miền Charolais. Ngài là con thư năm của ông Claude Alacoque, một viên chức triều đình. Khác với các trẻ em cùng tuổi chỉ ham chơi, Magarita dường như hiểu rằng chỉ có yêu mến Chúa mới là điều quan trọng. Biết được điều gì không đẹp lòng Chúa là Ngài bỏ ngay. Mới 4 tuổi, Ngài đã lần chuỗi Mân côi hàng ngày và thường lẻn vào rừng để suy gẫm cầu nguyện.

Lên 8 tuổi, Magarita gặp thử thách lớn lao. Cha Ngài từ trần. Không đòi được tiền nợ. Mẹ Ngài phải dẫn con về quê ngoại, sống với những người tham lam quê mùa. Họ rút tỉa gia tài của gia đình Ngài đến nỗi phải đi ở đợ. Magarita được gửi học tại tu viện thánh Clara. Nơi đây, Ngài được rước lễ lần đầu và khoảng 9 tuổi.

Magarita lại gặp một thử thách nữa vào năm 14 tuổi. Khi ấy Ngài ngã bệnh nặng. Nhưng rồi Ngài đã được chữa lành sau khi khấn hứa sẽ trở thành con Đức Mẹ. Khỏi bệnh Ngài bị cám dỗ sống đời vui chơi phù phiếm. Không chịu thỏa hiệp với nếp sống như thế, Ngài bị người chung quanh đối xử tàn tệ. Muốn đi dự lễ, Ngài phải mượn áo. Có những ngày Ngài bị bỏ đói. Khi mẹ lâm bệnh, Ngài phải đi ăn xin để chạy chữa cho mẹ. Dầu vậy, Ngài chỉ ham đọc truyện các thánh và muốn bắt chước các Ngài, sống đời hy sinh bác ái.

Biết Chúa gọi mình, Magarita cố gắng để mình đỡ bất xứng với ơn gọi. Nhân dịp năm thánh, Ngài xưng tội chung và đã mất 15 ngày để xét mình. Hai mươi tuổi, Ngài được thêm sức và nhận thêm tên thánh Maria. Sau nhiều chiến đấu cực nhọc, ngay với chính mình, tháng 6 năm 1671, Magarita vào dòng thăm viếng ở Paray-le-Monnical, sống với 40 nữ tu quý phái mà một số không có ơn kêu gọi:

Trong cuộc tĩnh tâm dọn mình khấn dòng, Chúa nói với Ngài: – Này là vết thương cạnh sườn Cha, nơi đây con hãy ẩn náu bây giờ và mãi mãi.

Ngày 6 tháng 11 năm 1672, Ngài khấn dòng. Ngài được Chúa Giêsu cho thấy một thánh giá phủ đầy hoa và nói: Đây là giường các bạn tình trinh khiết của ta nằm, dần dần hoa rụng xuống và chỉ còn lại những gai. Thị kiến này tiên báo cuộc đời đầy chông gai thánh nữ sẽ trải qua. Nhưng Ngài chỉ biết hiến thân cho Chúa “như một tấm vải căng trước mặt họa sĩ”. Ngài sẽ còn xuất thần và được nhiều thị kiến nữa.

Thị kiến đầu tiên trong bốn thị kiến quan trọng xảy ra vào dịp này, Chúa Giêsu tỏ trái tim Người ra: – Trái tim Cha cháy lửa yêu thương đối với loài người và cách riêng đối với con, đến nỗi không còn giữ trong lòng được nữa, ngọn lửa này con phải trải rộng ra.

Chúa Giêsu đã xin thánh nữ trái tim của Ngài và đặt vào lòng mình. Ngài cảm thấy như ở trong hỏa lò. Khi Chúa Giêsu trả lại trái tim, MAGARITA phải chịu mãi cơn đau đớn bên sườn và phải trích máu cho nhẹ bớt cơn đau.

Trong thị kiến thứ hai, thánh nữ viết: – Người quả quyết với tôi rằng: chúng ta phải tôn kính trái tim Chúa dưới hình thể trái tim con người.

Thị kiến thứ ba diễn ra ngày thư sáu đầu tháng nào đó không được rõ. Đức Kitô dạy Ngài rước lễ mỗi thứ sáu đầu tháng.

Những thị kiến này kéo theo một thứ đau đớn thân xác. Thánh nữ đều vui nhận hết. Tuy nhiên Ngài còn bị dằn vặt về tinh thần. Bề trên và chị em trong dòng cho rằng: Ngài bị ám ảnh vì bệnh hoạn, đến mùa thu năm 1674, Thiên Chúa hứa gửi một tôi tớ để trợ lực thánh nữ. Tháng 2 năm 1675, cha Claude la Colombiere khấn trọn tại Lyon. Ngay sau đó, cha được cử về làm bề trên dòng tên ở Paray, dưới sự ngạc nhiên của tất cả những ai đã theo dõi việc làm sáng giá của cha ở Paris.

Không hề có kinh nghiệm về những cuộc xuất thần, cha có trí khôn rất bén nhậy và bằng lòng với việc yêu mến Chúa Kitô trong “mây mù của sự bất tri”. Khi gặp Magarita, cha đã nói với mẹ Samaise: – Chị là một linh hồn ưu tuyển.

Cha đã xác quyết cho thánh nữ về đường lối của Ngài.

Thị kiến trọng đại nhất diễn ra trong tuần bát nhật kính Mình thánh Chúa năm 1676. Trước Thánh Thể trưng kính trên bàn thờ, thánh nữ đã nghe những lời này: – Này là trái tim đã yêu thương loài người không còn tiếc rẻ gì, đến độ mỏi mòn tiêu hao để làm chứng tình yêu đối với họ.

Và xin thánh nữ dành riêng ngày thứ sáu sáu tuần bát nhật kính Thánh thể, để tôn thờ trái tim Người. Hôm đó, người ta rước lễ và long trọng làm việc đền tạ. Cha Lolombière dạy thánh nữ viết ra tất cả các thị kiến của Ngài rước khi cha dời đi Luân Đôn .

Cuộc bách hại của cộng đoàn lên tới cao điểm ngày 20 tháng 11 năm 1677, Chúa đã đòi thánh nữ Magarita dâng mình làm hiến vật cho sự công thẳng của Chúa, để đền bù những tội phản nghịch cùng đức ái của cộng đoàn. Khi thánh nữ quỳ xuống để làm như vậy, thì mọi người nghĩ rằng: Ngài bị mất trí. Đêm hôm sau thật khó tin nổi. Ngài nói rằng: đau khổ trong đời gộp lại cũng không thể sánh nổi với những gì Ngài đã phải chịu đêm ấy.

Lễ lên trời năm 1678, mẹ Saumaise rời chức vụ. Ngày 17 tháng 6 mẹ Greyfié được Chúa quan phòng đưa lên để làm sáng tỏ vấn đề. Trắc nghiệm thánh nữ, mẹ thấy thánh nữ rất mực khiêm tốn. Mẹ còn quyết định rằng: thánh nữ phải được lành bệnh hoàn toàn trong một thời gian nhất định, để chứng tỏ rằng các thị kiến là chân thực.

Năm 1684, mẹ Greyjié rời Paray, một thế hệ các nữ tu trẻ xuất hiện. Magarita được chỉ định làm giáo tập. Ngày 20 tháng 6 năm 1685, lễ thánh Magarita nhằm ngày thứ sáu, Magarita dạy các tập sinh, thay vì tặng quà cho Ngài, hãy dâng cho Chúa một vinh dự. Họ dọn một bàn thờ nhỏ và đặt hình Trái tim bị thương tích có mão gai và lửa chung quanh. Tháng 6 năm 1686, các nữ tu tôn kính trái tim Chúa trong nguyện đường. Ngày 07 tháng 9 năm 1688, một nguyện đường nhỏ đầu tiên trong vườn được thánh thiến để kính trái tim.

Ngày 08 tháng 10 năm 1960, Magarita mang bệnh và ngày 17 tháng 10 năm đó Ngài từ trần, lúc 43 tuổi. Các nữ tu thấy Ngài trở nên xinh đẹp lạ lùng. Ngài được phong chân phước năm 1864 và tuyên thánh 1920.

++++++++++++++++++++++++++

Ngày 16-10

Thánh HEDVIGA
Nữ Tu (1174 – 1243)

Thánh nữ Hedviga sinh tại Bavaria vào khoảng năm 1174. Ngay từ hồi 4 tuổi, Ngài đã được gửi học tại tu viện. Lên 12 tuổi, Ngài kết hôn với Henri, bá tước miền Silêsia.

20 tuổi, thánh nữ Hedviga đã là mẹ của sáu người con, ba trai ba gái. Năm 1209, họ quyết định hiến thân cho Thiên Chúa để sống đời khiết tịnh nhưng vẫn chu toàn trách vụ thuộc bổn phận mình. Họ sống như anh em, lo cho con cái lẫn các gia nhân sống đạo đức mà không dung túng cho bất cứ một chuyện dèm pha nào. Mỗi ngày nữ bá tước nuôi cho 13 người ăn, để kính Chúa Giêsu và 12 tông đồ. Ngài mặc một áo nhặm bên trong các y phục thường ngày, khiến Ngài phải chịu nhiều hy sinh lớn lao.

Nhưng các đau khổ tinh thần còn lớn lao hơn, như xé nát lòng người. Vị bá tước dầu đáng kính nhưng lại có khuyết điểm là thương riêng Conrad, người con thứ hơn các người con khác. Ông coi Conrad như người kế vị mình. Sự thiên tư này đã là nguồn gốc gây nên mối thù oán… dữ dằn giữa người anh út với anh mình. Họ gây chiến đấu với nhau và Conrad bại trận. Sau đó ít lâu, Conrad từ trần trong tinh thần sám hối. Nhưng những tranh chấp tương tàn và những cái tang này đã làm cho vị bá tước còn tránh xa thế sư hơn nữa.

Thánh nữ Hedviga thiết lập một nhà dòng khổ tu ở gần Breslau… Gertrude, người con gái duy nhất còn sống cho tới khi thánh nữ từ trần sẽ làm bề trên tu viện này. Nơi đây các em gái mồ côi và nghèo túng tìm được chỗ dung thân, chúng được đào tạo để trở nên những bà mẹ tốt trong gia đình hơn là để theo đuổi ơn kêu gọi. Riêng thánh nữ Hedviga lại đóng vai trò người tôi tớ rửa chân cho các người phong cùi. Lời Ngài mang lại hạnh phúc cho những ai tới gần và gặp gỡ Ngài.

Trong một cuộc chiến, bá tước Henri bị bá tước miền Warzava cầm tù. Ong này từ chối mọi thỏa hiệp, để cứu cha, công tử Henri II muốn khởi binh. Nhưng thánh nữ Hedviga muốn tránh đổ máu nhiều hơn nữa, Ngài đích thân đến gặp kẻ chiến thắng. Gặp Ngài, ông ta bỗng dịu lại và chấp nhận thỏa hiệp. Vị bá tước được trả tự do. Nhưng vì vết thương quá trầm trọng, ông qua đời năm 1238.

Hedviga đau lòng, nhưng vâng ý Chúa, Ngài mặc áo dòng ở Treibnitz, và dù không tuyên bố lời khấn, Ngài trung thành với các bổn phận, dưới sự điều khiển của con mình là Gertrude. Làm những việc thấp hèn, phục vụ những người nghèo khổ, Ngài nói với các nữ tu: – Các chị là hôn thê của Chúa Giêsu, còn tôi chỉ là tôi tớ Người.

Sau ba năm goá bụa, thánh Hedviga còn chịu một nỗi thống khổ chót, đó là cái chết của Hênri II… Ông đã ngã gục trong cuộc chiến chống lại người Rartares. Thánh Nữ Hedviga đã linh cảm thấy trước về cái chết này. Một bản tường thuật ghi lại rằng, vào một buổi tối hôm khởi chiến, thánh nữ đánh thức một chị bạn và nói: – Demundis ơi ! chị biết, tôi đã mất con rồi. Đứa con yêu dấu đã xa tôi như con chim gãy cánh. Tôi sẽ không còn thấy nó trên trần gian này nữa.

Ba ngày sau, một nguồn tin xác quyết này, thánh Hedviga nói: – Đó là ý Chúa. Điều Chúa muốn và vui thỏa cũng phải làm cho chúng ta mãn nguyện.

Và vui mừng trong Chúa Ngài nói: – Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con được những đứa con như vậy. Suốt đời nó thương mến con và không hề làm gì cho con đau lòng. Con muốn có nó trong đời. Nhưng con hết lòng chúc tụng Chúa về việc đổ máu của nó, khiến nó được kết hợp với Chúa trên trời là đấng tạo thành nên nó.

Thánh nữ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường thăng tiến. Ngài đã trải qua những buổi cầu nguyện thâu đêm. Các sử gia còn ghi lại nhiều phép lạ thánh nữ đã thực hiện. Cuối cùng, Ngài được mạc khải cho biết trước giờ chết của mình.

Dầu không có gì trầm trọng, Ngài đã xin được lãnh các bí tích sau hết. Khi vừa rước Mình Thánh Chúa và cầu nguyện được hai tiếng: “Lạy Chúa, Lạy Chúa” thì Ngài từ trần. Hôm đó là ngày 15 tháng 10 năm 1243, năm 1267, nghĩa là 24 năm sau, Ngài được suy tôn lên bậc hiển thánh .

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

16 Tháng Mười

Xin Cho Chúng Con Lương Thức Hằng Ngày 

Hôm nay là ngày quốc tế về lương thực do tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc đề xướng.
Nói đến lương thực, nhất là trong một quốc gia nghèo đói như Việt Nam, có lẽ tự nhiên, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến cái đói trên thế giới.

Ðói không chỉ là một trạng thái cần ăn uống, nhưng được các chuyên viên về thực phẩm và sức khỏe định nghĩa như là một tình trạng thường xuyên của một người không đủ ăn để có thể có một cuộc sống lành mạnh. Danh từ chuyên môn thường được dùng để chỉ tình trạng này là dưới mức dinh dưỡng. Nạn nhân dễ thấy nhất của tình trạng này là các trẻ em của những nước nghèo.

Mỗi năm người ta tính có đến 15 triệu trẻ em chết vì nhiều nguyên do có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mỗi ngày, trên khắp thế giới, có khoảng 40 ngàn trẻ em chết vì đói. Số người chết vì đói ăn cũng tương đương với số thương vong nếu cứ ba ngày có một trái bom hạt nhân được ném xuống một vùng đông dân cư.

Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến nạn đói kém. Người ta cho rằng nguyên nhân chính nằm trong chính sách kinh tế, chế độ chính trị, xã hội. Nhưng tựu trung, căn rễ sâu xa nhất vẫn là sự ích kỷ của con người. Nếu một phần mười những người giàu có trên thế giới biết san sẻ cho những người nghèo, thì có lẽ thế giới này không còn có những trẻ em chết đói mỗi ngày nữa. Nếu ngay cả trong một quốc gia, người ta biết dùng tiền bạc để mua cơm bánh cho con người hơn là đầu tư vào khí giới, thì chắc chắn sẽ không còn cảnh người chết đói nữa.

Tại một vài quốc gia kỹ nghệ đang chuyển mình để bước vào cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ ba, người ta thường nói đến kỷ nguyên điện toán, thụ thai trong ống nghiệm… Thế nhưng, tại rất nhiều nơi trên thế giới, mỗi ngày vẫn có đến 40 ngàn trẻ em chết vì đói ăn… Thế giới của chúng ta quả là một nhân thể bệnh hoạn. Một nơi nào đó trong cơ thể, một số bộ phận phát triển một cách dư dật, một nơi khác, nhiều cơ phận đang chết dần chết mòn vì thiếu tiếp tế.

Có lẽ nhân loại chúng ta không chết đói cho bằng vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của đồng loại. Những người dư dật nhưng không biết san sẻ cũng là những người đang chết dần trong ích kỷ. Con người cần có cơm bánh để sống đã đành, nhưng con người cũng cần có tình thương để tồn tại. Kẻ đón nhận tình thương cũng được sống mà người san sẻ tình thương cũng được sống.

Chúng ta phải làm gì để được sống? Dĩ nhiên, chúng ta phải có đủ cơm bánh hằng ngày. Nhưng câu trả lời mà mỗi người Kitô phải tự nói với mình là: để được sống, tôi cần phải làm cho người khác được sống. Ðó là sự sống đích thực của chúng ta. Bởi vì ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần 28 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Gal 4:31-5:6; Lk 11:37-41.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống theo đức tin hay theo Lề Luật?

Tiếp theo những gì chúng ta đã chia sẻ hôm qua về sự xung đột giữa người Do-Thái và thánh Phaolô về giao ước cũ và mới. Hôm nay, cả hai Bài đọc đều dẫn chứng sự xung đột này bằng những ví dụ cụ thể. Bài đọc I tranh luận về việc có nên cắt bì hay không? Phúc Âm tranh luận về việc có nên rửa tay trước khi ăn?

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sống theo đức tin hay theo Lề Luật?

1.1/ Lề Luật không thể làm con người nên công chính: Thánh Phaolô nhắc lại đạo lý căn bản của Kitô Giáo: “Chúng ta không phải là con của một người nô lệ (Hagar-Ismael), nhưng là con của người tự do (Sarah-Isaac). Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.”

Ngài trưng ra một ví dụ, việc cắt bì: Theo lễ nghi nhập Đạo Do-Thái, người tân tòng phải làm 3 việc: cắt bì, dâng lễ vật, và chịu thanh tẩy. Một số người Do-Thái sau khi đã trở lại Công Giáo đòi các người tân tòng Dân Ngọai cũng phải chịu cắt bì như họ. Thánh Phaolô phản đối mạnh mẽ sự đòi hỏi này: “Phải, tôi đây, Phaolô, tôi nói cho anh em biết: anh em mà chịu phép cắt bì thì Đức Ki-tô sẽ không có ích gì cho anh em.”

Ngài cắt nghĩa lý do tại sao không nên cắt bì bằng việc dùng tam đọan luận:

– Tiền đề: Bất cứ ai chịu phép cắt bì, người ấy buộc phải giữ trọn vẹn Lề Luật. Nếu không giữ trọn vẹn Lề Luật, người ấy sẽ phải lãnh nhận hình phạt do tội gây nên;

– Phản tiền đề: Nhưng không ai trong con người có thể giữ trọn vẹn Lề Luật;

– Kết luận: Mọi người đều phải lãnh nhận hình phạt.

1.2/ Chỉ có niềm tin vào Chúa Kitô mới có thể làm cho con người nên công chính:

Hình phạt của tội bất trung với Thiên Chúa là cái chết. Làm sao con người có thể tránh khỏi cái chết? Chắc chắn không bằng việc giữ Lề Luật! Nhưng bằng việc tin vào lòng thương xót Chúa qua sự kiện Ngài đã cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống trần để chết thay cho con người. Chính bằng niềm tin vào Người Con này, con người được trở nên công chính và khỏi chết. Vì thế, “Nếu anh em tìm sự công chính trong Lề Luật, anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng. Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng.”

Đối phương của Thánh Phaolô thách thức ngài: “Phải chăng Lề Luật của Thiên Chúa thành vô giá trị đối với các Kitô hữu?” Trong Thư Rôma, Thánh Phaolô cắt nghĩa rõ hơn về vai trò của Lề Luật. Chúng ta chỉ trả lời cách vắn gọn ở đây: Điểm quan trọng chúng ta cần lưu ý là đích điểm và cách chính yếu làm sao để đạt đích. Theo Thánh Phaolô, đích mà mọi người nhắm tới là làm sao trở nên công chính trước Thiên Chúa để khỏi phải chết, và cách để đạt đích là tin vào Chúa Kitô là Con Thiên Chúa đã chịu chết thay cho con người.

Lề Luật, tuy không có giá trị cứu rỗi, nhưng giúp cho con người nhận ra những gì nên và không nên làm. Lề Luật chỉ giúp con người đáp ứng những điều kiện tối thiểu, nhưng không giúp con người tiến xa hơn trong lãnh vực hy sinh, yêu thương, và bác ái. Để có thể tiến xa trên con đường trọn lành, con người cần có một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa, đức tin này thể hiện qua việc làm chứng nhân bằng lời giảng dạy cũng như bằng các công việc bác ái xã hội.

Và Thánh Phaolô kết luận: “Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.”

2/ Phúc Âm: Trong sạch tâm hồn thì quí trọng hơn sạch sẽ bên ngòai.

2.1/ Người Pharisêu sửng sốt Chúa vì không rửa tay trước khi ăn: Cũng tương tự như đối phương của Thánh Phaolô tranh luận về sự quan trọng của sự cắt bì, đối phương của Chúa Giêsu là một người Pharisêu sửng sốt vì Người không rửa tay trước bữa ăn. Đối với người Do-Thái, việc rửa tay trước khi ăn không chỉ thuần túy là để cho hợp vệ sinh, nhưng là việc giữ Lề Luật. Người Pharisêu sửng sốt vì một người như Chúa lại không giữ các Lề Luật căn bản.

2.2/ Trong sạch tâm hồn thì quí trọng hơn sạch sẽ bên ngòai: Chúa Giêsu biết những gì ông đang tự hỏi, nên Người thẳng thắn nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các ngươi, bên ngoài chén đĩa, thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy cho đi những gì đang có bên trong như của làm phúc, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

Một câu Hy-Lạp rất khó dịch trong đọan này là “plh.n ta. evno,nta do,te evlehmosu,nhn.” Nhóm PVCGK dịch “Tốt hơn, hãy bố thí những gì bên trong.” Theo văn mạch của đọan này, điều Chúa Giêsu đang muốn nói là sự trong sạch của tâm hồn, và câu 39 đang nói tới những tật xấu bên trong của người Pharirêu: “nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” Tổng hợp tất cả, chúng ta có thể dịch: “hãy cho đi những gì đang có bên trong như của làm phúc.”

Điều Chúa muốn họ lưu ý ở đây là sự thanh sạch trong tâm hồn mà Thiên Chúa muốn họ có, vì Thiên Chúa đã dựng nên con người, và Ngài biết tất cả mọi sự: bên trong cũng như bên ngòai. Họ có thể đánh lừa được mọi người bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật nhưng không thể đánh lừa được Thiên Chúa vì Ngài thấu suốt mọi toan tính trong tâm hồn của họ. Một khi họ đã vất đi những toan tính thấp hèn, họ sẽ trở nên trong sạch thực sự và biết yêu thương tha nhân hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không thể trở nên công chính bằng sức mình qua việc cẩn thận giữ các Lề Luật, nhưng chỉ có thể trở nên công chính bằng lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc tin tưởng vào Người Con của Ngài. Chính Người Con này đã chết thay cho chúng ta.

– Lề Luật của Thiên Chúa trong Cựu Ước vẫn có giá trị căn bản của chúng. Tuy nhiên, những giới răn của Chúa Giêsu dạy làm hòan hảo những Lề Luật của Cựu Ước. Nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta phải giữ các giới răn của Người.

– Các Lề Luật đều tóm trong hai giới răn quan trọng nhất: “Mến Chúa, yêu người.” Sự thanh sạch trong tâm hồn cao trọng hơn sự thanh sạch bên ngòai.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************