Ngày thứ ba (08-10-2024) – Trang suy niệm

07/10/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba XXVII Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Gl 1, 13-24

“Người đã mạc khải cho tôi biết Con của Người, để tôi rao giảng Người cho dân ngoại”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, anh em nghe nói về đời sống của tôi trước kia, khi theo đạo Do-thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội Thánh của Thiên Chúa thái quá. Trong đạo Do-thái, tôi đã vượt hẳn nhiều bạn đồng giống nòi, đồng tuổi với tôi, và tôi nhiệt thành hơn bất cứ ai đối với truyền thống của cha ông tôi.

Nhưng khi Đấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi, để tôi rao giảng Người trong các dân ngoại, thì không lúc nào tôi bàn hỏi người xác thịt máu huyết, và tôi không lên Giêrusalem để gặp các vị làm tông đồ trước tôi, nhưng tôi đi ngay đến Arabia, rồi lại trở về Đamas. Đoạn ba năm sau, tôi mới lên Giêrusalem để gặp Phêrô, và lưu lại với ông mười lăm ngày. Tôi không gặp một tông đồ nào khác, ngoài Giacôbê, anh em của Chúa. Những điều này tôi viết cho anh em, đây trước mặt Thiên Chúa, tôi không nói dối.

Thế rồi tôi đã đi về miền Syria và Cilicia. Nhưng các giáo đoàn của Đức Kitô ở xứ Giuđêa chưa biết mặt tôi, họ chỉ nghe đồn rằng: “Người xưa kia bắt bớ chúng ta, giờ đây lại rao giảng đức tin mà thuở trước ông muốn bài trừ”, và vì tôi, họ ngợi khen Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 14c-15

Đáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).

1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con lúc con ngồi hay con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con.

2) Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thực diệu huyền.

3) Linh hồn con, Chúa hoàn toàn biết rõ, thể chất con không giấu nổi mắt Ngài, lúc con được cấu tạo hình hài trong nơi kín đáo, lúc con được dệt thân ở chỗ đất sâu.

ALLELUIA: Tv 144, 14cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 10, 38-42

“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”.

Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

08/10/2024 – THỨ BA TUẦN 27 TN

Lc 10,38-42

CHÚA ĐẾN CHƠI NHÀ

Chúa nói: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42)

Suy niệm: Văn học Việt Nam ghi lại giai thoại cụ Dương Khuê đến chơi nhà ông bạn vong niên Nguyễn Khuyến. Nhà cửa thanh đạm, không có gì tiếp đãi bạn, cụ Nguyễn Khuyến dí dỏm dành cho bạn điều quí giá hơn hết, đó là một tình bạn chân thật: “Bác đến chơi đây, ta với ta”. Chúa Giê-su đến nhà của chị em Mác-ta và Ma-ri-a ắt hẳn không phải để thưởng thức những món cao lương mỹ vị. Ngài đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, nghĩa là Ngài sắp đương đầu với các thượng tế, kỳ lão và luật sĩ thù địch, Ngài sắp “bị giao nộp, bị sỉ nhục, bị giết chết”… Trong bối cảnh căng thẳng như thế, điều Ngài tìm kiếm, mong muốn không phải là những món ăn ngon, mà là một tình bạn biết cảm thông, một tấm lòng biết lắng nghe, biết chia sẻ. Điều đó Chúa đã tìm thấy nơi chính Ma-ri-a chứ không phải Mác-ta, và đó là điều duy nhất cần đối với Chúa.

Mời Bạn: Thật là thiếu tế nhị khi tiếp đãi bạn mình bằng những thứ mà người đó không thích. Vậy bạn đang tiếp đón Chúa bằng những thứ gì? Bạn có dành cho Chúa điều Chúa thích nhất là chính tấm lòng của bạn không?

Sống Lời Chúa: – Đón Chúa trong lòng: chuẩn bị tâm hồn thật xứng đáng mỗi khi ruớc Chúa Giê-su Thánh Thể, và hãy dành trọn tâm tình và thời gian thích hợp để tâm sự với Ngài. – Đón Chúa trong gia đình: đọc Lời Chúa trong giờ kinh chung của gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến. Con yêu Chúa hết lòng. Con xin dâng Chúa tất cả con người của con để con được mãi mãi thuộc trọn về Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khuôn mặt Maria khá nổi bật.
Chúng ta dễ thấy là Thầy Giêsu nghiêng về cô em hơn.
Mácta đón Thầy vào nhà trong tư cách là chị.
Còn Maria sau đó là người tiếp Đức Giêsu.
Maria thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.
Còn chị Mácta thì ngược lại.
Hẳn là chị phải xuống bếp ngay để lo bữa ăn.
Cuộc viếng thăm của Thầy Giêsu và các môn đệ là khá bất ngờ.
Làm sao để đãi một số vị khách như thế?
Đó là mối lo chính đáng của chị Mácta.

 

Mácta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn.
Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.
Rõ ràng là Mácta bị cuống lên vì thấy mình có nhiều việc phải làm gấp.
Chị không muốn khách phải chờ đợi lâu,
và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn.
“Xin Thầy bảo em giúp con một tay !”
Đó là ước mơ của Mácta, rất đỗi bình thường.
Tiếc thay, Thầy Giêsu lại đang kể chuyện cho Maria,
và cô này đang lắng nghe một cách thích thú (c. 39).
Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy.
Mácta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có.
Chị quên rằng Thầy Giêsu không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn.
Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.

 

Thầy Giêsu nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mácta.
và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng.
Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mácta, Mácta.
Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá.
“Chỉ cần một chuyện thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn” (c. 42).
Thầy Giêsu không bảo rằng điều Mácta làm là điều không tốt.
Chắc chắn Thầy và trò đều cần bữa ăn ngon sau những ngày rong ruổi.
Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn.
Vì thế Thầy sẽ không kêu cô em xuống bếp để phụ giúp cô chị.
Điều mà Maria đã chọn, chẳng ai có thể lấy đi.

 

Chị Mácta là thánh nữ được tôn kính trong Giáo Hội.
Chúng ta phải bắt chước chị qua công việc tận tụy và đầy trách nhiệm.
Nhưng chúng ta phải làm một cách an bình, khiêm tốn, vui tươi,
không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác.
Cuộc sống hôm nay dễ làm ta trở nên Mácta, bị đè nặng bởi công việc.
Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.
Phải thu xếp để khỏi phải ở dưới bếp quá lâu, để có người thay mình.
Đời sống của người Kitô hữu là kết hợp của Mácta và Maria.
Vừa đón, vừa tiếp; vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa;
nhưng dù hoạt động hay cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.

 

Cầu nguyện

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG MƯỜI

Về Lòng Đạo Đức Bình Dân

Có một điểm đặc biệt tôi muốn đề cập với anh chị em, đó là lòng đạo đức bình dân và mối quan hệ của nó với đời sống phụng vụ trong Giáo Hội.

Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II có nhắc đến vấn đề này khi nói đến “việc thực hành đạo đức của quần chúng Kitô hữu”. Những việc đạo đức bình dân được Công Đồng khen ngợi và khuyến khích miễn là chúng “tuân theo những qui luật và những chuẩn mực của Giáo Hội”. Vì thế chúng ta không nên thờ ơ hay coi thường những thực hành đạo đức vẫn đang sống động giữa lòng đại chúng Kitôhữu. Tôi đang nghĩ tới những lễ hội mừng các thánh bổn mạng, những cuộc hành hương đến các nơi thánh, và vô số những hình thức sùng kính các thánh.

Quả thật, như Đức Phaolô VI đã ghi nhận trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, lòng đạo đức hay sùng kính bình dân có ý nghĩa rất phong phú. “Nó biểu lộ nỗi khát khao Thiên Chúa mà chỉ những người đơn sơ nghèo khó mới hiểu được ; nó làm cho người ta biết quảng đại và hy sinh – đến mức anh hùng – khi việc biểu lộ đức tin bị đe dọa; nó cưu mang trong mình nó một cảm thức sâu sắc về những phẩm tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện đầy yêu thương; nó làm nảy sinh những tâm tình bên trong không kém sâu đậm: lòng kiên nhẫn, cảm thức về thập giá trong đời sống hàng ngày, sự gắn bó và cởi mở với người khác, thái độ dấn thân…” (EN 48).

Chắc chắn không phải tất cả những thực hành đạo đức này đều có giá trị cao ngang nhau. Vì chủ thể thực hành chúng là những con người, nên các động lực thực hành của họ có thể bị pha trộn với cảm tính và với hướng đích đơn thuần có tính cầu an hơn là để diễn tả đức tin hay để bày tỏ lòng biết ơn và tôn thờ Thiên Chúa. Bên cạnh đó, những việc đạo đức bình dân được phô bày qua những dấu hiệu, cử điệu và những nghi tiết đôi khi xem ra quá quan trọng, thậm chí chỉ để tạo cảm xúc. Tuy nhiên, tự bản chất chúng là những biểu hiện nội tâm sâu thẳm của con người. Chúng cho thấy rằng con người – là một tạo vật – tự nền tảng phải lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 08/10

Gl 1, 13-24; Lc 10, 38-42.

Lời Suy Niệm:  Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mát-ta đón Người vào nhà. Có cô em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy; Còn cô Mát-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại và nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay.” (Lc 10,38-40)

          Đây là ý muốn của cô Mát-ta, đã làm cho Chúa Giêsu phải lên tiếng: “Mát-ta! Mát-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Với Lời Chúa hôm nay Chúa cho biết điều Chúa muốn là: ngồi lắng nghe Lời Chúa, đừng cản trở và cũng đừng áp đặt ý riêng của mình lên người khác.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa, và lắng nghe nhau, và đừng bao giờ áp đặt ý riêng mình lên người khác, để gia đình luôn có được bầu khí bình an và yêu thương nhau. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

08 Tháng Mười

Bức Tượng Người Mù

Cũng như tại bất cứ một trung tâm hành hương nào, tại Lộ Ðức, du khách và khách hành hương có thể đọc được không biết bao nhiêu lời cảm tạ dâng lên Ðức Mẹ cũng như không biết bao nhiêu kỷ vật khác mà những người thọ ơn muốn cho thiết lập để ghi nhớ ơn Mẹ… Trong muôn nghìn kỷ vật tạ ơn ấy, người ta thấy có một bức tượng diễn tả một người mù vừa được chữa lành. Dĩ nhiên, được sáng mắt là một trong những phép lạ đầu tiên được ghi trong sách những phép lạ tại Lộ Ðức. Nhưng bức tượng người mù sáng mắt ở đây lại tượng trưng cho một biến cố khác, một phép lạ theo đúng nghĩa bởi vì đó là phép lạ của một người tìm lại được ánh sáng Ðức Tin.

Bức tượng này được một người đàn bà quý phái cho dựng lên để ghi nhớ ánh sáng Ðức Tin mà bà đã tìm lại được tại Lộ Ðức. Tuy là người Công Giáo, nhưng kể từ khi chồng qua đời, người đàn bà không còn một chút tin tưởng gì nơi Chúa Mẹ nữa. Và dĩ nhiên, cũng giống như những người khô đạo khác, người đàn bà chỉ tìm kiếm có mỗi một điều: đó là thú vui trong cuộc sống.

Một mùa hè nọ, trên đường đi đến một trung tâm nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Pháp, người đàn bà phải đi qua Lộ Ðức. Thấy đám đông tấp nập tại trung tâm Thánh Mẫu, bà ta tò mò dừng lại xem. Bà không ngờ rằng chính Chúa đang tìm kiếm và đeo đuổi bà. Từ thái độ bàng quang của một người hiếu kỳ, người đàn bà đã tìm lại ánh sáng Ðức Tin. Ðể tạ ơn Chúa và Ðức Mẹ, bà đã cho dựng lên bức tượng của người mù với hàng chữ như sau: “Tìm lại Ðức Tin là một phép lạ vĩ đại hơn là được sáng mắt”.

Trên vạn nẻo đường của chúng ta, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Thật ra, không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đeo đuổi kiếm tìm con người.

Trong mọi biến cố của cuộc sống, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Trong an vui hạnh phúc, hay trong thất bại khổ đau, Ngài luôn ở bên cạnh ta để mời gọi ta tin tưởng ở Tình Yêu của Ngài. Ngay cả khi con người muốn khước từ và gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đeo đuổi con người.

Thánh Kinh đã ví Thiên Chúa như một người tình chung thủy, lúc nào cũng chờ đợi, lúc nào cũng nài nỉ, lúc nào cũg vỗ về, lúc nào cũng tha thứ.

Tin ở một sự hiện diện trung thành như thế của Thiên Chúa, thái độ của chúng ta phải là thức tỉnh, chờ đợi và tin tưởng không ngừng. Trong an vui thịnh đạt, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa. Trong thất bại khổ đau, chúng ta cũng hãy tin tưởng phó thác. Và ngay cả những lúc vấp ngã vì yếu đuối, chúng ta cũng hãy tin tưởng ở lòng tha thứ vô bờ của Ngài. Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ mặc con người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 27 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Gal 1:13-24; Lk 10:38-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần biết nhiệt thành cách khôn ngoan

Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy có 2 lọai người rõ rệt: có những người nói nhiều, năng nổ, thích họat động; có những người ít nói, làm việc gì cũng thong thả, thích suy tư. Lọai nào cũng có ưu và khuyết điểm: nhiệt thành năng nổ mà không có nguyên tắc hướng dẫn sẽ dễ dàng đi trật đường và trở thành quá khích; trầm tư ít họat động quá dễ trở thành ù lỳ an phận. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu người năng nổ họat động như Phaolô và Martha; đồng thời cũng đưa ra mẫu người chiêm niệm như Maria, người mà Chúa khen biết chọn phần tốt nhất qua việc lắng nghe Lời Chúa dạy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa dùng sự nhiệt thành của Phaolô làm khí cụ rao giảng Tin Mừng.

1.1/ Sự nhiệt thành mù quáng của Phaolô trước khi trở lại: Chính ngài đã thú nhận: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.” Biến cố ngã ngựa và trở thành mù lòa trên đường đi Damascus đã thay đổi hòan tòan cuộc sống của ngài, vì chính Đấng mà ngài đang hăng say bách hại đã hiện ra và chỉ cho ngài thấy tai hại của sự nhiệt thành mù quáng: “Khốn cho ngươi nếu ngươi cứ giơ chân đạp mũi nhọn.”

1.2/ Giai đọan học hỏi về các mặc khải của Thiên Chúa trong sa mạc: Sau đó, Thiên Chúa đã mặc khải ý định của Ngài là muốn Phaolô trở thành Tông Đồ rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho Dân Ngọai. Thay vì lên Jerusalem để gặp tất cả các Tông Đồ khác, ngài đã sang xứ Arabia để dành trọn 3 năm với Thiên Chúa. Trong quãng thời gian chiêm niệm này, Thiên Chúa đã dùng để mặc khải và chuẩn bị cho Phaolô sứ vụ rao giảng tương lai. Sau thời gian này, Phaolô mới lên Jerusalem để gặp Phêrô và một số các Tông Đồ.

1.3/ Sự nhiệt thành của Phaolô sau 3 năm chiêm niệm: Thiên Chúa không cất đi lòng nhiệt thành của Phaolô nhưng dùng sự nhiệt thành của ông làm khí cụ sắc bén cho việc rao giảng Tin Mừng, như chính ngài đã tự thú: “Viết cho anh em những điều này, tôi cam đoan trước mặt Thiên Chúa là tôi không nói dối. Sau đó tôi đến miền Syria và miền Cilicia. Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: “Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt,” và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa.”

Nhìn lại cuộc đời của thánh Phaolô chúng ta thấy rõ sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: Ngài không tiêu diệt sự nhiệt thành của ông để ông đừng bách hại các tín hữu; nhưng Ngài hướng dẫn cho ông thấy những mục đích cao đẹp mà ông có thể góp phần vào; và sai ông đi rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Từ đó, ông trở thành người say mê rao giảng Lời Chúa, bất chấp tất cả đau khổ, bắt bớ, tù đày, và ngay cả cái chết cho việc rao giảng Tin Mừng.

2/ Phúc Âm: Sự nhiệt thành của Martha và sự khôn ngoan của Maria.

Làng Bethany là quê hương của 3 chị em Martha, Maria, và Lazarô. Vì làng này nằm trên Núi Cây Dầu, rất gần Đền Thờ Jerusalem, nên Chúa Giêsu và các môn đệ thường xuyên thăm viếng khi Ngài lên Jerusalem. Lần này là chuyến lên Jerusalem cuối cùng của Chúa trước khi chịu chết, Ngài cũng ghé vào để thăm 3 chị em.

2.1/ Lòng nhiệt thành của Martha: Được tiếp đón Chúa vào nhà là một hãnh diện cho 3 chị em nên chị Martha đã nhiệt thành sửa dọn nhà cửa và nấu ăn để tiếp khách. Công việc thì nhiều mà chỉ có một đứa em gái Maria, mà cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy, nên chị đến thưa với Chúa: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”

Khách quí đến nhà đâu phải chỉ để ăn mà còn là dịp để tâm sự chuyện vãn với gia đình. Nếu chủ nhà xem việc tiếp khách là quan trọng, chủ nhà có thể chuẩn bị trước để có thời giờ chuyện vãn khi khách tới. Chị Martha có lẽ chỉ coi công việc nấu nướng cho khách ăn là quan trọng nên đã quên đi điều lịch sự tối thiểu này. Hơn nữa, chị có thể kín đáo gọi em Maria ra để nhờ, nhưng chị đã không làm thế mà còn trách luôn cả Chúa Giêsu vì đã vô tình không chú ý đến việc của chị đang làm.

2.2/ Sự khôn ngoan của Maria: Cô nhìn ra sự quan trọng của việc tiếp khách quí mà chị cô đã không nhìn ra. Hơn nữa, Maria chắc đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng giải và nhận ra sự quan trọng của những lời này. Vì thế, thay vì bận rộn để làm việc như chị, cô chọn phần tiếp khách và lắng nghe Lời Chúa. Một cách khách quan nhận xét: sự thể quá đẹp nếu chị Martha đừng than phiền, chị lo việc ăn uống trong khi em lo việc tiếp khách.

2.3/ Lời khuyên của Chúa Giêsu: Đáp lời than phiền của chị Martha, Chúa nói: “Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Chúa Giêsu không cho việc nấu nướng của chị Martha là không quan trọng, nhưng cho đó là chuyện không cần thiết cho bằng chuyện lắng nghe Lời Chúa. Nếu các việc khác ngăn cản việc lắng nghe Lời Chúa thì phải chọn phần tốt hơn là lắng nghe Lời Chúa như em Maria đã chọn. Đối với Chúa, nếu có phải nhịn đói hay ăn bánh mì đơn giản một ngày để lắng nghe Lời Chúa, vẫn là điều tốt hơn cần phải làm.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không được sinh ra giống nhau: có những người nhiệt thành và lúc nào cũng bận rộn, có những người ít nói thích suy tư nguyện ngắm. Không có lọai nào tốt hơn lọai nào, nhưng cần được bổ xung cho nhau; người thích suy tư có thể cung cấp đường hướng cho người thích họat động. Cả hai đặc tính: họat động và chiêm niệm cần được thăng bằng trong đời sống con người.

– Cuộc đời con người cũng thế. Khi còn trẻ và khỏe mạnh, con người thích họat động, chạy chơi, và hướng tới tương lai; nhưng khi về già con người không còn sức khỏe để làm những việc đó, nên thường có khuynh hướng trầm tư, suy nghĩ về quá khứ. Vì thế, sẽ có những xung đột giữa 2 thế hệ, nhưng không bao giờ được khai trừ nhau. Sự nhiệt thành của tuổi trẻ cần được hướng dẫn bằng khôn ngoan của tuổi già.

– Khôn ngoan con người cần học là khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải qua Tin Mừng. Chọn để lắng nghe Lời Chúa là chọn phần tốt nhất vì không ai có thể lấy đi khỏi được.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************