Ngày thứ ba (02-07-2024) – Trang suy niệm

01/07/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 13 Thường Niên – Năm B

BÀI ÐỌC I: Am 3, 1-8; 4, 11-12

“Chúa phán: Ai lại chẳng nói tiên tri”.

Bài trích sách Tiên tri Amos.

Hỡi con cái Israel, hãy nghe lời Chúa phán về các ngươi, và cả dòng giống mà Ta đã đem ra khỏi đất Ai-cập: “Trong muôn dân trên mặt đất, Ta chỉ nhận biết một mình các ngươi. Vì thế, Ta sẽ đến sát hạch các ngươi về mọi gian ác của các ngươi. Hai người, nếu không đồng ý với nhau, có bao giờ lại đi chung với nhau không? Khi chưa bắt được mồi, có bao giờ sư tử gầm lên giữa rừng không? Khi sư tử con chưa bắt được gì, có bao giờ người ta nghe thấy tiếng nó không? Nếu không có gì cạm bẫy, chim có bao giờ sa lưới không? Nghe tiếng kèn thổi trong thành, có bao giờ người dân không lo sợ không? Có tai hoạ nào trong thành mà không do Chúa điều khiển không? Thực ra, Chúa là Thiên Chúa không làm điều gì mà lại không mạc khải ý định của Người cho các tiên tri tôi tớ của Người. Sư tử gầm thét, ai lại không run sợ? Chúa là Thiên Chúa phán, ai lại chẳng nói tiên tri? “Ta đã triệt hạ các ngươi như Thiên Chúa đã triệt hạ Sôđôma và Gômôra, các ngươi đã trở thành như thanh củi cháy dở rút khỏi đống lửa, thế mà các ngươi không trở lại với Ta! – Chúa đã phán như thế. Vì vậy, hỡi Israel, Ta sẽ làm cho ngươi những điều này: nhưng sau khi Ta đã làm cho ngươi như vậy, hỡi Israel, ngươi hãy sửa soạn đón rước Thiên Chúa của ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 5, 5-6. 7. 8

Ðáp: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh (c. 9a).

1) Chúa không phải là Chúa tể ưa điều gian ác; kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài; đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan; Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác.

2) Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian giảo thì Chúa ghê tởm không nhìn.

3) Phần con, bởi gội nhuần sủng ái, con sẽ vào tới hoàng đài của Chúa; con sấp mình gần bên thánh điện với lòng tôn sợ Ngài, thân lạy Chúa.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

All. All.- Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mt 8, 23-27

“Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển, và biển yên lặng như tờ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Người. Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: “Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!” Chúa phán: “Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?” Bấy giờ Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ! Cho nên những người ấy kinh ngạc mà rằng: “Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?”

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

02/07/2024 – THỨ BA TUẦN 13 TN

Mt 8,23-27

XIN BAN THÊM LÒNG TIN

Chúa Giêsu chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8,26-27)

Suy niệm: Theo tín ngưỡng dân gian thì: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá;” chả thế mà nhiều ngư dân vẫn coi biển cả như một chốn đầy dẫy những sức mạnh thần thiêng bí ẩn; chính vì thế những con cá voi, được gọi một cách kính cẩn là cá ‘ông’, mỗi khi gặp nạn chết trôi dạt vào bờ đều được ngư dân chôn cất và lập miếu thờ như một vị thần linh. Trong Thánh Kinh, biển cũng mang một ý nghĩa biểu tượng tôn giáo, được coi như nơi chốn của ma quỷ (x. câu chuyện đàn heo bị quỷ ám đâm nhào xuống biển, Mc 5,13tt). Chúa trách các môn đệ sao kém lòng tin trước cơn biển động; rồi Ngài ra lệnh và sóng gió lập tức yên lặng. Điều đó không chỉ khiến các môn đệ kinh ngạc vì Ngài điều khiển được các mãnh lực thiên nhiên mà Ngài còn củng cố niềm tin của các ông vào Ngài là Đấng chế ngự được cả quyền lực của ma quỷ.

Mời Bạn: Người tín hữu sống trong biển đời ngày nay, phải đối mặt với thái độ dửng dưng, chống đối, thậm chí thù địch của thế giới đối với đức tin. Những cơn sóng dữ đó có thể khiến bạn sợ hãi, nhát đảm, không dám sống đức tin vào Đức Ki-tô. Trong những lúc như thế, bạn nhớ rằng Đức Ki-tô đang ‘đồng hội, đồng thuyền’ với bạn. Hãy gọi Ngài, Lời quyền năng của Ngài sẽ xua trừ quỷ dữ và củng cố niềm tin cho bạn.

Sống Lời Chúa: Ngay đầu ngày, bạn dành ít phút tâm sự với Chúa, mời Ngài đồng hành với bạn trong cả ngày sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Núi Đá cho con tựa nương. Con tin nơi Chúa, xin củng cố đức tin còn non yếu của con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm 

Nếu mức nước biển dâng lên thêm một mét do nạn toàn cầu ấm lên,

nhiều vùng đất của nước Việt Nam sẽ bị chìm dưới mặt nước.        

Bão lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, vẫn là những thảm họa cho con người.

Ngày nay người ta biết rằng phần lớn thiên tai không do Trời,

nhưng do con người phá hoại trái đất là công trình tốt đẹp của Trời cao.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy uy quyền của Đức Giêsu,

không phải trên ma quỷ hay bệnh tật, nhưng trên thiên nhiên.

Ngài đã dùng quyền đó để bảo vệ các môn đệ khỏi bị dập vùi bởi sóng gió.

Thầy Giêsu đã ra lệnh cho họ qua bên kia hồ (Mt 8, 18).

Ngài xuống thuyền trước, các môn đệ theo sau (c. 23).

Đi theo Thầy Giêsu, trên cùng một con thuyền, đâu hẳn được bình an.

Cơn bão lớn ngoài biển đến thật bất ngờ,

khiến con thuyền của Thầy trò chao đảo vì sóng gió.

Giữa cơn cuồng nộ của biển cả, giữa sự kinh hoàng nhốn nháo của các môn đệ,

Thầy Giêsu vẫn ngủ yên.

Dường như chẳng có gì khuấy động được giấc ngủ bình an của Thầy.

“Thưa Ngài, xin cứu, chúng con chết mất” (c. 25).

Lời đánh thức vội vã, hối thúc, khi cái chết đã gần kề.

Nhưng Thầy Giêsu lại chẳng có vẻ gì vội vã.

Giữa tiếng thét gào của sóng gió và sự chòng chành của con thuyền,

Thầy Giêsu đã quở trách các môn đệ vì sự cuống cuồng sợ hãi của họ,

hậu quả của việc thiếu lòng tin (c. 26).

Thầy đã không làm cho biển lặng sóng yên ngay lập tức,

vì tập bình an giữa sóng gió là điều khó và cần hơn nhiều.

Lắm khi chúng ta không hiểu tại sao thuyền đời chúng ta gặp bão,

dù có Thầy trong thuyền, dù chúng ta đã theo Thầy nghiêm túc.

Chúng ta lại càng không hiểu tại sao Thầy có thể ngủ được bình an,

khi chúng ta gặp muôn vàn thử thách và rơi vào tuyệt vọng.

Nhưng Thầy Giêsu cũng không hiểu tại sao chúng ta lại sợ đến thế (c. 26).

Tại sao chúng ta lại sợ thuyền chìm hay sợ chết ?

Nếu có đức tin vào Thầy thì sóng gió đâu nhận chìm được chúng ta.

“Thiên Chúa ngủ” mãi mãi là điều khó hiểu và khó chịu.

Đừng ngại đánh thức Ngài và kêu cứu.

Đừng ngại la to át tiếng sóng, để làm cho Ngài nghe được.

Nhưng cũng nên nhìn Ngài ngủ bình an, để khỏi bị hốt hoảng.

Không hẳn là Ngài sẽ trỗi dậy ngay và dẹp tan bão tố.

Không hẳn là chúng ta sẽ được giải thoát ngay khỏi mọi nỗi hiểm nghèo.

Điều quan trọng là lòng ta được bình an,

vì biết Ngài vẫn bình an ở lại trong con thuyền đời ta.

 

Cầu Nguyện 

Lạy Chúa Giêsu,

con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,

nhưng nhiều khi con cảm thấy

sống đức tin giữa lòng cuộc đời

chẳng khác nào đi trên mặt nước.

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.

Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.

Cả sự nặng nề của thân xác con

cũng kéo ghì con xuống.

Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.

Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.

Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.

Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,

để con trở nên nhẹ tênh

mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen. 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

2 THÁNG BẢY

Quyền Bính Đặt Điểm Tựa Trên Lòng Nhân

Quyền bính của Thiên Chúa được diễn tả qua mối quan tâm từ phụ. Một cách nào đó, chân lý này chứa đựng chính cốt lõi của chân lý về sự quan phòng thần linh. Thánh Kinh sử dụng hình ảnh của một Mục Tử Tốt Lành để diễn tả sự thật về lòng từ phụ của Thiên Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi; tôi sẽ không còn phải thiếu thốn chi” (Tv 23,1). Thật là một hình ảnh độc đáo!

Các biểu tượng cổ xưa của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator” (cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần linh.

Thật vậy, người mục tử là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền lực lẫn lòng nhân.

Theo bản văn của Sách Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là, nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc đàn chiên của mình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 02/7

Am 3, 1-8; 4,11-12; Mt 8, 23-27.

Lời suy niệm: Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “”Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển; biển liền lặng như tờ. (Mt 8,25-26)

          Nhờ đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người được trở thành Kitô hữu, trong mình luôn có Chúa Kitô và ân sủng của Người. Với Lời Chúa hôm nay, giúp cho mỗi người trong chúng ta có một đức tin vững mạnh, đó là nơi nào có Chúa Giêsu thì những cơn bão tố của cuộc đời đều được dẹp yên và ngay cả những cơn phong ba kinh khiếp cũng được trở nên bình lặng.

          Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống của mỗi người trong chúng con, có lúc gặp những cơn phong ba bão táp ập đến, làm cho đời sống đức tin chúng con bị chao đảo. Xin cho chúng con luôn biết chạy đến với Chúa, trình bày và kêu cầu cùng Chúa, để lãnh nhận được sự bình an, tiếp tục vui sống. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

02 Tháng Bảy

Ðấng Cứu Thế Ðang Có Mặt 

Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở… Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả… Vị viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?

Sau khi nghe đức viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: “Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình”. Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như sau: “Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài”.

Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: “Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?”. Cả tu viện chỉ có tất cả không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn…

Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế… Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng…

Nếu người người, ai ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không bao giờ có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người để không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.

Chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng trà đạp con người…

Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình mà thôi. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch: mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 13 – TN2

Bài đọc: Amo 3:1-8, 4:11-12; Mt 8:23-27.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sợ hãi và bình an

            Có lửa phải có khói, có quả phải có cây, có tội sớm muộn gì cũng phải đền tội. Người có tội lúc nào cũng phải thấp thỏm sợ hãi: sợ người khác phanh phui tội của mình và sợ những hậu quả xảy ra do tội gây nên. Họ không bao giờ tìm được sự bình an như khi chưa phạm tội.

            Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật sự sợ hãi do tội lỗi đem lại, và sự bình an khi con người sạch tội và đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos được Thiên Chúa gởi tới để phanh phui tất cả tội lỗi của con cái Israel và đe dọa: họ sẽ phải đi gặp Thiên Chúa và lãnh nhận những hình phạt mà Ngài đã sắp sẵn cho họ. Trong Phúc Âm, các môn đệ kinh ngạc khi thấy Chúa Giêsu vẫn ngủ an bình khi biển gầm thét và thuyền chòng chành sắp chìm. Họ còn sợ hãi hơn khi họ đánh thức Ngài dạy vì Ngài ra lệnh cho sóng biển phải im lặng và sóng biển phải tuân theo.    

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Chúa không làm điều gì mà không bày tỏ kế hoạch của Người cho các ngôn sứ.

1.1/ Đức Chúa nói với dân qua các ngôn sứ của Đức Chúa.

            (1) Ngôn sứ xuất hiện là cho một lý do: Từ câu 3-6 là một loạt những câu hỏi hùng biện và thách thức, tác giả có ý muốn nói Thiên Chúa có lý do để can thiệp vào nội bộ Israel. Đây là những hình ảnh quen thuộc mỗi ngày và chúng ám chỉ một sự liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả. Khán giả của Amos phải trả lời “không” cho tất cả những câu hỏi này. Mọi sự xảy ra trên đời đều có lý do của nó: Trước khi đồng hành phải có sự thỏa thuận. Sư tử chỉ gầm vang khi thấy hay bắt được mồi. Chim sẻ chỉ rơi vào bẫy khi có mồi nhử. Bẫy chỉ bật lên khi con mồi sa bẫy. Người ta chỉ rúc tù và trong thành khi có chuyện nguy hiểm xảy ra. Quan trọng hơn hết là tai họa xảy ra trong thành là chắc chắn do bàn tay của Đức Chúa.

            (2) Ngôn sứ phải tuân hành để truyền đạt sứ điệp của Thiên Chúa: Amos muốn chứng tỏ cho dân thấy, sự can thiệp của ông là cũng có một lý do. Đức Chúa sai ông tới để nói tiên tri cho dân chúng biết về những chuyện sắp xảy ra. Người ngôn sứ phải nói những lời Đức Chúa truyền, ông không còn cách nào khác là phải làm theo ý Đức Chúa nếu không muốn cơn giận của Ngài đổ trên ông.

1.2/ Hình phạt mà Israel phải lãnh nhận:

            Sodom và Gomorrha là hai thành bị tiêu diện bởi lửa diêm sinh từ trời vì các tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Đức Chúa, được tường thuật trong Sách Khởi Nguyên (Gen 19). Tội của họ có nhiều, nhưng tội gớm ghê nhất là tội đồng tính luyến ái, đến độ muốn có liên hệ tình dục với cả thiên sứ của Đức Chúa gởi tới. “Thanh củi được rút khỏi đống lửa cháy” có lẽ ám chỉ tai họa xảy ra mà Đức Chúa cứu họ trong giờ phút cuối, thế mà họ vẫn không nhận ra tội lỗi của họ và trở về bới Thiên Chúa.

            Những lời dạy của Amos là những lời cảnh cáo của Đức Chúa cho con cái Israel. Họ sẽ phải đối diện với cơn thịnh nộ của Đức Chúa nếu họ không ăn năn sám hối: “Vậy, hỡi Israel, Ta sẽ xử với ngươi như thế này, và bởi vì Ta sẽ xử với ngươi như vậy nên, hỡi Israel, ngươi hãy chuẩn bị đi gặp Thiên Chúa của ngươi.

2/ Phúc Âm: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!”

2.1/ Hai phản ứng khi phải đương đầu với sóng gió:

            (1) Phản ứng của Chúa Giêsu: Tin Mừng tường thuật: “Biển động mạnh đến độ sóng nước ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ!” Tại sao Chúa Giêsu có thể ngủ được khi sóng biển động mạnh như thế? Thưa có hai lý do: Thứ nhất, Ngài không sợ hãi chi cả. Chỉ một người không biết sợ là gì mới có tâm hồn bình an như vậy; như chúng ta thường khôi hài chọc nhau: “Điếc không sợ súng!” Nếu một người không nghe thấy tiếng súng, người ấy sẽ không sợ súng đạn. Thứ hai, mọi quyền lực thế gian phải sợ Ngài. Khi các môn đệ hoảng hốt đánh thức Chúa dậy, “Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ.”

            (2) Phản ứng của các môn đệ: Có ngư phủ nào mà không sợ sóng gió, vì họ biết sóng gió chẳng những đe dọa, mà có thể lấy đi mạng sống của họ bất cứ lúc nào. Truyền thống ngư phủ có thói quen cầu trời khấn Phật bắt đầu mùa tôm cá và trước khi ra khơi, để xin Trời Phật phù hộ cho qua khỏi những cơn sóng gió lúc nào cũng đe dọa. Nếu đã cầu xin, họ phải tin tưởng sự phù hộ của Trời Phật; nhưng phản ứng sợ hãi khi sóng gió xảy đến chứng tỏ họ không tin, hay đức tin của họ còn yếu kém như Chúa mắng các môn đệ hôm nay. Các môn đệ đã từng nhìn thấy Chúa Giêsu làm các phép lạ mà sức con người không thể làm nổi; vả lại, các ông đang có Chúa Giêsu quyền năng trong thuyền, thế mà các ông vẫn lo sợ sóng gió!

2.2/ Niềm tin cần thiết để con người chống chọi với sóng gió của cuộc đời: Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Đức tin có thể ví như kinh nghiệm mà một người sở hữu trong đời. Người đã có kinh nghiệm hay từng trải không dễ sợ hãi như người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Cũng vậy, người đã có đức tin vững mạnh, sẽ không sợ hãi trước những đe dọa và bắt bớ của các quyền lực thế gian, ngay cả việc chấp nhận cái chết để làm chứng cho Đức Kitô.

            Khi con người không sợ hãi ngay cả cái chết, họ bắt đầu sống và sống tròn đầy. Khi con người không sợ hãi các quyền lực thế gian, thế gian phải sợ hãi họ. Chúng ta có thể thấy điều này nơi các môn đệ của Đức Kitô: Trước khi Ngài về trời, các môn đệ là những người nhát sợ khi phải đương đầu với quyền lực thế gian, nên các ông chạy trốn Chúa và Phêrô đã chối Ngài 3 lần; nhưng khi đã thấy Chúa sống lại từ cõi chết, các ông không còn sợ hãi chi cả. Tại sao vậy? Vì các ông biết rằng quyền lực thế gian có thể lấy đi sự sống thể lý, nhưng Đức Kitô sẽ cho các ông sống lại; và không một quyền lực thế gian nào có thể động tới linh hồn của các ông. Vì thế, sau khi được Thánh Thần tác động, các ông mở tung cửa để vào đời làm chứng cho Đức Kitô. Những người trong Thượng Hội Đồng phải ngạc nhiên, vì thấy các ông không còn sợ hãi họ nữa. Các ông tranh luận với họ cách công khai và họ không thể đối đầu với các ông. Thay vì thẳng tay đàn áp như trước, giờ đây họ sợ phải đàn áp các ông. Lý do không phải họ không còn quyền, nhưng vì họ sợ dân chúng ném đá họ khi dân chúng đã nhận ra sự giả hình của họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta phải cố gắng hết sức để tránh tội vì sớm muộn gì chúng ta cũng phải đối diện và lãnh án công thẳng của pháp luật và của Thiên Chúa.

            – Tội làm cho chúng ta luôn sợ hãi và lấy đi sự bình an của tâm hồn. Khi phạm tội, chúng ta hãy đến ngay với tòa cáo giải để xưng thú tội lỗi hầu có thể tìm lại được sự bình an cho tâm hồn.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************