Chúa Nhật (14-07-2024) – Trang suy niệm

13/07/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

BÀI ĐỌC I: Am 7, 12-15

“Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta”.

Bài trích sách Tiên tri Amos.

Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos rằng: “Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là đền thờ của vương quốc”. Amos trả lời cùng Amasia rằng: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi và nói cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Tự mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái, đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.

BÀI ĐỌC II: Ep 1, 3-14

“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Đức Kitô. Cũng trong Người mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là Đấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Đức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh quang Ngài.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 1, 14 và 12b

All. All. – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Mc 6, 7-13

“Người bắt đầu sai các ông đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

14/07/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – B

Mc 6,7-13

LỜI CẢNH GIÁC ĐỐI VỚI CỦA CẢI

Người chỉ thị cho các ông không đuợc mang gì đi đuờng, chỉ trừ cây gậy; không đuợc mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng. (Mt 6,8)

Suy niệm: Công cuộc rao giảng đầy những rủi ro, nguy hiểm, có khi còn bị xua đuổi nữa. Trước một sứ mạng cam go như thế, ai lại không lo toan về tiền nong, áo quần, giày dép, về những mối quan hệ xã hội, những chỗ dựa an toàn…? Hẳn Chúa Giê-su hiểu rõ điều đó. Nhưng những chỉ thị trong ‘lệnh lên đường’ của Chúa Giê-su thật trái ngược với những tính toán của các môn đệ. Ngài căn dặn các ông: “không mang gì trừ cây gậy, không mang lương thực,… không mặc hai áo…” Sở dĩ như thế là vì Ngài muốn họ đừng bận tâm đến của cải vật chất, đừng toan tính theo kiểu thế tục, trái lại, biết hoàn toàn phó thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa khi rao giảng Tin Mừng.

Mời Bạn: Lòng ham mê tiền của, cùng với lối sống thế tục làm băng hoại con người tông đồ và làm cho sứ điệp họ rao giảng không còn đáng tin nữa. Ở đâu lối sống xa hoa, hưởng thụ vật chất bủa vây con người và cộng đoàn của Hội Thánh, ở đó người nghèo bị phân biệt, quên lãng, ở đó sứ vụ trở nên thứ yếu, và bất hoà chia rẽ tha hồ nảy nở. Bởi thế, phải luôn tỉnh thức để khỏi bị của cải làm tê liệt sức sống tông đồ.

Sống Lời Chúa: Chấp nhận cách vui lòng những thiếu thốn vật chất khi làm việc tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sinh ra và sống trong cảnh khó nghèo. Chúa yêu thương người nghèo và dấn thân rao giảng Tin Mừng cho họ. Xin Chúa giữ gìn con thoát khỏi cạm bẫy tiền bạc của cải thế gian để tâm hồn luôn đuợc tự do yêu mến Chúa và dấn thân phục vụ Nước Trời. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm


Hôm nay, khi đọc lại những chỉ thị của Thầy Giêsu
trước khi Thầy sai Nhóm Mười Hai đến các làng mạc,
chúng ta thường tự hỏi: những chỉ thị này
có còn phù hợp cho các tông đồ thời nay không.
Hẳn có nhiều chi tiết không áp dụng được nữa,
vì thế giới con người đã đổi thay sau hai ngàn năm.
Nhưng tinh thần mà Thầy Giêsu muốn nhắn nhủ
lại có giá trị mãi cho các tông đồ thuộc muôn thế hệ.

Thầy muốn người lên đường phải là người được sai.
Các tông đồ được Thầy sai đến với các làng mạc ở Galilê.
Họ phải vuông tròn sứ mạng đã ủy thác,
nhưng họ cũng được mang quyền uy của Đấng sai mình.
Thầy Giêsu cho họ quyền trên các thần ô uế.
Hẳn nhiên Thầy cũng cho họ quyền chữa đủ thứ bệnh tật.
Những ông ngư phủ, ăn nói bỗ bã quê mùa,
cũng được quyền rao giảng và mời gọi người ta sám hối.

Thầy muốn người lên đường phải thật nhẹ nhàng.
Nhẹ vì không mang theo bánh ăn, túi tiền hay bao bị.
Không bánh để ăn đường, không tiền để mua đồ cần dùng,
Không bao bị để đựng những điều mình có hay được cho.
Như thế gần như là tay trắng, không có gì bảo đảm,
là tự đặt mình trong thế yếu, mong manh.
Nhẹ hành trang là dấu chỉ họ không đi một mình,
vì tin có Đấng nào đó đi với mình và lo liệu mọi sự.

Thầy muốn người rao giảng Tin Mừng phải thanh thoát.
Thanh thoát là không bị chi phối bởi thèm muốn tự nhiên,
không bị trói buộc bởi tiếng tăm, tư lợi.
Người tông đồ không tìm kiếm chỗ ăn, chỗ ở tiện nghi,
không đối xử phân biệt giữa người giàu, kẻ nghèo,
cũng không chọn nhà sang hơn để trú ngụ.
Họ bằng lòng với những gì người ta cung cấp cho,
và chia sẻ mức sống của gia đình đang cho mình ở trọ.
Cả khi bị từ chối và không được lắng nghe,
người tông đồ cũng bình an đón nhận  
không nổi giận hay dùng quyền năng Chúa ban để trừng phạt,
vì trừng phạt là chuyện của Chúa !

Thầy muốn những người được sai đi phải hết sức khiêm tốn
vì họ là những người nhận quyền năng từ Thiên Chúa
nên dễ được nhiều người ngưỡng mộ.
Như Thầy Giêsu, họ rao giảng Tin Mừng Nước Trời
và họ thật sự hối cải trước khi kêu gọi mọi người hối cải.
Nhờ quyền năng Thầy ban, họ đuổi được quỷ
và chữa lành cho những người ốm đau,
nhưng không đòi trả công, chỉ một lòng phục vụ.
Họ không sợ trực diện với những vấn đề của con người,
nhận ra một thế giới bệnh tật, cần được chữa lành,
một thế giới bị mê hoặc bởi lắm thứ quỷ thần mới mẻ.
Tin Mừng họ giảng đi với nụ cười của người khỏi bệnh,
và niềm vui của người được giải thoát để tự do là mình.

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em.”
Và anh em hãy tiếp tục sai nhau đi,
đến các làng quê hẻo lánh hay thành thị phồn hoa,
đến với các tín hữu đang gặp khủng hoảng đức tin,
hay ra vùng ngoại biên gặp ai chưa từng nghe danh Chúa.
Hãy mời hối cải, nhưng phải giảng một Tin Mừng rất tươi,
làm bao điều đẹp cho đời và không quên những ai nghèo khổ.
Nhẹ nhàng, thanh thoát, phục vụ khiêm hạ
làm nên khuôn mặt muôn thuở của người tông đồ.
Mong sao chúng ta vẫn giữ được những nét đẹp ấy.

 

Cầu nguyện

Lạy Cha đầy lòng thương xót,
chúng con tin rằng những gì Cha cho phép xảy ra
đều vì yêu thương chúng con,
và vì ích lợi cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng con.
Cha đau đớn khi đôi khi phải dùng roi mà sửa dạy
như cha mẹ rầy la để mong con nên người.
Xin cho chúng con nhận ra điều Cha muốn nhắc nhở,
và điều chỉnh lại đời mình cho hợp với ý Cha.

Lạy Cha đầy lòng nhân ái,
trên đường về quê trời,
Cha muốn chúng con trải qua những thử thách cam go,
như bệnh tật, khổ đau và cái chết,
để chúng con cứng cáp và trưởng thành trong tin yêu.
Xin cho chúng con đừng hoang mang hay nổi loạn,
nhưng biết nhìn lên Con Cha chịu đóng đinh,
để nhẫn nại và giữ vững niềm hy vọng,
dù thấy Cha vắng bóng, thinh lặng hay khoanh tay.

Ước gì bệnh tật làm chúng con ý thức sự bất lực của mình,
để tha thiết cầu xin và tín thác vào tình yêu Cha.
Xin cho chúng con mau chiến thắng dịch bệnh,
để sức sống của Cha bừng tỏa trong vinh quang.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG BẢY

Được Trao Ban Những Ân Sủng Đặc Biệt

Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài, con người là tạo vật hữu hình duy nhất mà Đấng Tạo Hóa “nhắm đến vì chính nó” (MV 24). Thiên Chúa – Đấng cai quản thế giới với sự khôn ngoan và quyền lực siêu việt của Ngài – trao cho con người mục tiêu để đạt đến trong cuộc sống này. Nhưng con người cũng là một cứu cánh nơi tự thân mình, không giống như các tạo vật khác. Con người cần đạt đến sự thành toàn trong tư cách là một nhân vị được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài.

Được làm cho phong phú với một ân huệ đặc biệt – và cũng là một trách nhiệm – con người có quan hệ mật thiết với mầu nhiệm quan phòng thần linh. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… Ngài mặc cho nó sức mạnh… để chúng thống trị muông chim cầm thú. Ngài ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Ngài làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu. Ngài đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Ngài… Ngài còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống” (Hc 17,1.3.5-7.9).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 14/7

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN

Am 7, 12-15; Ep 1, 3-14; Mc 6, 7-13.

Lời suy niệm: Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. (Mc 6,7)

          Tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng là bổn phận của tất cả mọi Kitô hữu. Nên mỗi người cần phải ở thật gần Chúa, nghe Lời Người như Nhóm Mười Hai xưa kia, để được lớn lên trong đức tin với ân sủng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho tất cả Kitô hữu chúng con luôn biết sống giản dị, hoàn toàn tin cậy vào Chúa và phải luôn đem ơn phúc cho người khác chứ đừng mong thiên hạ làm phúc cho mình. Hầu được trở nên chứng nhân Tin Mừng nơi chốn chúng con đang sống, đang học tập và đang làm việc. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 14-07: Thánh CAMILLÔ LELLIS

Linh Mục – (1550 – 1614)

Thánh Camillô Lellis là con của ông Gioan Laliis, một hiệp sĩ danh giá trong quân đội của Chales-Quint. Mẹ Ngài thuộc vào một gia đình thời danh nhất ở Neples. Từ những năm đầu thời hôn nhân, họ có được một người con, nhưng lại bị cất đi ngay, khi đứa bé còn ở trong nôi. Lúc bà Lellis 60 tuổi, sau bao lời cầu hôn khẩn thiết, bà đã sinh ra Camillô vào ngày 25 tháng 5 năm 1550. Khi đang mang thai, bà đã thấy mộng con trẻ mang trên ngực một hình thánh giá, có vô số trẻ em theo sau. Mộng thấy vậy, bà lo sợ rằng mình sẽ sinh hạ một người con làm đầu bọn cướp, Camillô mới sinh ra ít lâu thì mồ côi mẹ. Chưa được 6 tuổi, Ngài lại mồ côi cha. Do những tai họa này, việc giáo dục Camillô bi bỏ mặc.

Những buổi đầu đời của con trẻ đã chứng thực điều lo sợ của người mẹ là đúng. Camillô biếng nhác và phóng túng, lao mình vào cuộc chơi. Đến tuổi 19, Ngài theo đuổi binh nghiệp và năm năm sau Ngài xuất ngũ.

Người thanh niên này phung phí hết tài sản và lâm cảnh cùng quẫn, phải làm phụ hồ cho công trình xây cất nhà cho các cha Phanxicô. Tại Fermô, Ngài gặp hai thầy dòng và mến phục nết đạo đức khiêm tốn của hai vị. Tự đáy lòng, Camillô nguyện một ngày kia sẽ nhập dòng. Bỏ binh nghiệp, Ngài đến nhà dòng Phanxicô ở Aquila. Một người cậu của Camillô giữ cổng nhà dòng này. Camillô kể lại cho ông nghe tất cả những gì đã qua và xin được mặc áo dòng. Cha giữ cửa biết rõ quá khứ đau lòng của cháu, muốn thử thách ơn kêu gọi bất ngờ này đã từ khước trong một thời gian.

Camillô lại rơi vào cơn rối loạn. Ngài trở nên bất hạnh đến nỗi phải đi ăn xin cùng với một người lính cùng khốn khổ như Ngài. Ngày lễ thánh Anrê năm 1574, Ngài ăn xin ở cửa nhà thờ Manfredonia. Một lãnh chúa đi qua. Ong thương tình đề nghị Camillô làm việc cho nhà dòng. Camillô nhận lời, ngày kia trước lời khuyên nhủ của một cha dòng, Ngài động lòng và bật tiếng khóc.

– Lạy Chúa, thật là khốn cho con. Tại sao con biết Chúa trễ quá ? Sao con có thể giả điếc làm ngơ trước bao nhiêu lời mời gọi của Chúa như vậy được. Xin Chúa tha thứ cho con là đứa tội lỗi khốn nạn. Xin hãy cho con đủ thời gian đền bù tội lỗi của con.

Lúc đó Camillô 25 tuổi. Ngài xin nhập dòng ngày hôm đó và được nhận vào tập viện. Nhưng một mụn nhọt ở chân mở miệng, Ngài phải đi chữa trị. Lành bệnh Ngài trở lại dòng, nhưng mụn nhọt lại mở miệng. Các bác sĩ cho rằng ung nhọt này vô phương chữa trị. Ngài được nhận vào một bệnh viện nan y ở Roma. Nơi đây Camillô nhận ra ơn gọi của mình. Ngài thấy các nhân viên được trả lương như vô tâm trước nỗi đau đớn của các bệnh nhân. Ngài tận tụy phục vụ các bệh nhân ngày đêm. Ngài còn qui tụ các bạn thành một để thực hành đức ái nữa. Trên ngực họ đeo một thánh giá đỏ. Công việc nặng nề và các bạn Ngài thường tỏ ra lo lắng. Camillô nhắc cho họ lời của thánh Catarina thành Siêna:
– Hãy lo cho ta và ta sẽ lo lắng cho con.

Camillô được đặt cai quản nhà thương, lệnh Ngài đưa ra là:

– Hãy phục vụ bệnh nhân như phục vụ chính Chúa Giêsu vậy.

Để phục vụ hữu ích hơn, Ngài đã theo lời khuyên của Đức Hồng Y Taragi để tiến tới chức linh mục. Nhưng trở ngại quá lớn, vì học thức Ngài còn quá kém. Một thị kiến đã giúp Ngài can đảm thắng vượt mọi khó khăn. Ngài thấy Chúa Kitô đưa tay ra nói:
– Camillô, con đừng sợ chi, cha sẽ giúp đỡ con và ở cùng con.

32 tuổi, Ngài không mắc cỡ khi ngồi với các em nhỏ để học vần Latinh. Sự kiên trì đã giúp người kinh viện này vượt qua mọi khó khăn. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1584, Camillô thụ phong linh mục và dâng thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ thánh Giacôbê. Vài tháng sau, Ngài được trao phó cho cai quản nhà thờ Đức Bà hay làm phép lạ.

Tại đây, Ngài thiết lập một tu hội. Anh em qui tụ quanh Ngài dấn thân phục vụ những người hấp hối ở bất cứ nơi nào. Họ luôn trung thành với lời khuyên của Ngài: – Hãy hồi tâm để dâng lên những lời kinh nguyện tắt và các bạn sẽ được nâng đỡ đặc biệt bên cạnh các bệnh nhân. Chớ gì họ biết cầu xin ơn tha thứ, biết dâng cái chết của họ hợp với sự chết của Chúa Giêsu Kitô và xin Người đón nhận linh hồn họ vào lòng nhân từ Người.

Năm 1586, Đức giáo hoàng Sixtô V chấp thuận chương trình của Ngài. Năm 1588, Ngài được gọi đến lập tu viện ở Nappples. Nơi đây Ngài đã thực hiện những hành vi đức ái kỳ diệu đối với các nạn nhân của một cơn dịch hạch.

Năm 1591, Đức giáo hoàng Grêgôriô XV đã nâng tu hội của Ngài thành dòng tu, ngoài ba lời khấn còn có lời khấn thứ tư là hiến thân phục vụ nhân loại đau khổ, dầu bởi bất cứ bệnh tật nào. Dòng thánh Camillô phổ biến khắp nước Ý và còn phổ biến sang cả Pháp, Tây Ban Nha.

Con người số tu sĩ và nhà dòng ngày một nhiều. Tuy nhiên, lòng tin tưởng của Camillô vào Chúa quan phòng thật vô bờ. Các chủ nợ lo âu hỏi Ngài: – Bao giờ cha mới trả hết nợ cho chúng tôi ?

Ngài trả lời: – Đừng sợ gì Thiên Chúa quyền năng không gởi cho chúng ta món tiền nào sáng mai sao ?

Các chủ nợ cười nói: – Thời phép lạ đã qua rồi.

Nhưng rồi vài ngày sau, Ngài được những túi tiền lớn đủ để trả nợ. Sự quan phòng cho thấy rằng các phép lạ có mãi cho những ai phó thác cho Chúa.

Khi tuổi cao, Camillô vẫn không giảm bớt những phục vụ bên cạnh các người đau khổ. Thấy vậy, các bệnh nhân nói: – Cha nghỉ đi kẻo té ngã mất.

Nhưng các Ngài trả lời: – Này các con, cha là nô lệ của các con, cha phải làm mọi sự có thể làm được để phục vụ các con.

Đi từ giường này tới giường khác, Ngài tự nhủ:

– Hạnh phúc tôi mong đợi lớn lao đến nỗi mọi đau khổ đều thành niềm vui của tôi.

Kiệt sức vì công việc và đau đớn, Camillô Lellis chỉ còn là một bộ xương. Khi thấy giờ chết tới gần, Ngài vui sướng:

– Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: nào ta đi về nhà Chúa.

Được đưa về phòng, Ngài còn nói trong nước mắt: – Lạy Chúa, con biết con là một tội nhân ghê gớm. Nhưng xin hãy cứu con nhờ lòng nhân lành Chúa.

Ngày 14 tháng 7 năm 1614 Camillô Lellis qua đời. Năm 1746, Đức giáo hoàng Bênêdictô đã suy tôn Ngài lên bậc hiển thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

14 Tháng Bảy

Tự Do Ðích Thực

Trong tập thơ mang tựa đề Gitanjali, thi hào Tagore đã có bài thơ về tù nhân như sau:

“Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã xiềng xích ngươi. Tù nhân đáp, thưa chính là chủ tôi. Tôi đã muốn thắng vượt mọi người, bằng của cải và quyền lực, cho nên tôi đã vơ vét vào kho tàng của tôi tất cả tiền bạc của chủ. Mệt mỏi vì cuộc chạy đua theo tiền của tôi, cuối cùng tôi đã thiếp ngủ ngay trên chính giường của chủ tôi. Khi thức dậy, tôi thấy mình đã bị giam hãm ngay trên kho tàng của tôi.

Hỡi tù nhân, hãy nói cho ta hay ai đã rèn chiếc xích sắt này cho ngươi. Tù nhân đáp: tôi đã muốn giam hãm tất cả thế giới, vì như thế tôi sẽ được tự do và không còn ai quấy rầy. Ngày đêm, tôi đã dùng lửa, búa và chiếc dũa để rèn sợi xích này. Khi nó được hoàn thành, và chiếc mốc cuối cùng được nối lại, tôi đã để cho sợi xích giam hãm cả cuộc đời của tôi, khiến không có gì bẻ gãy được”.

Năm 1989, nước Pháp đã mừng kỷ niệm 200 năm cuộc cách mạng 1789. Cùng với việc lật đổ chế độ quân chủ, bản tuyên ngôn nhân quyền được công bố ngày 04 tháng 8 năm 1789 đã đánh dấu một bước dài của nhân loại tiến đến tự do, dân chủ.

Nhưng oái oăm thay, người ta đã nhân danh tự do để chống lại tự do và phạm không biết bao nhiêu tội ác đối với con người. Nhân danh tự do, Robespierre đã giết hại 25 ngàn người cũng như cấm chế nhiều quyền tự do trong đó cơ bản nhất là quyền tự do tôn giáo.

Lịch sử cũng đã được lập lại trong rất nhiều cuộc cách mạng sau này. Mới đây tại Trung Quốc, người ta đã nhân danh tự do dân chủ để đạp đổ Nữ Thần Tự Do và sát hại không biết bao nhiêu người đòi tự do.

Nhân danh tự do để chối bỏ tự do của người khác, nhân danh quyền con người để chà đạp quyền sống của người khác: đó là thảm trạng của không biết bao nhiêu cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay. Chính khi con người chối bỏ tự do và chà đạp quyền sống của người khác là cũng chính lúc con người tự giam hãm mình trong nô lệ, nô lệ cho quyền lực, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho bất an… Lắm khi con người tự rèn lấy cho mình xích xiềng để tự chói lấy mình. Nhà tù ấy, sợi xích ấy chính là lòng tham lam nơi con người: tham lam tiền của, tham lam quyền lực, tham lam danh vọng.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 15 – Năm B – Thường Niên

Bài đọcAmo 7:12-15; Eph 1:2-14; Mk 6:7-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ơn gọi của con người qua Đức Kitô.

             Con người thiển cận thường cho tất cả những gì mình có được là do sức cố gắng và tài năng của mình; nhưng nếu họ chịu suy nghĩ và có cái nhìn bao quát hơn, họ sẽ nhận ra tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Khi con người nhìn ra điều đó, con người sẽ biết ơn Thiên Chúa, và sẽ cố gắng làm mọi cách để rao truyền tình yêu của Thiên Chúa, để mọi người đều tin Ngài.

            Các Bài Đọc hôm nay giúp con người nhận ra tất cả những gì họ sở hữu đều là hồng ân của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi bị Amaziah ngăn cản và không cho nói tiên tri tại vương quốc Israel, Amos đã thẳng thắn trả lời: Ông không lựa chọn để trở thành ngôn sứ; nhưng Thiên Chúa đã chọn và sai ông đi để nói những gì Ngài muốn nói. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Ephesô nêu lên tất cả những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu lựa chọn Nhóm Mười Hai để huấn luyện, ban quyền, và sai các ông đi để rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi vết thương hồn xác. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa chọn lựa ông Amos và sai đi tuyên sấm. 

1.1/ Phản ứng của Amaziah: Tiên-tri Amos sinh ở Tekoa, một làng thuộc vương quốc Judah ở miền Nam; nhưng Thiên Chúa lại sai ông đi thi hành sứ vụ tiên tri tại vương quốc Israel, miền Bắc. Ông sống trong một giai đoạn rất khó khăn của lịch sử Israel (721 BC), vì dân chúng quay lưng lại với Thiên Chúa, để chạy theo các thần ngoại bang; thêm vào đó, các vua quan toa rập nhau để ức hiếp dân nghèo, và tiếng kêu cứu của họ đã vang lên tới Thiên Chúa. Amos không sợ bất cứ một thế lực nào của vua quan, ông can đảm tố cáo những điều họ đã xúc phạm tới Ngài, và tuyên sấm mất nước và lưu đày sẽ xảy ra nếu họ không biết ăn năn trở lại. Đó là lý do tại sao Amaziah khinh thường và xua đuổi ông Amos trong trình thuật hôm nay: “Này thầy ngôn sứ ơi, mau chạy về đất Judah, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bethel này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều.”           

1.2/ Phản ứng của Amos: Ông Amos trả lời ông Amaziah: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta.”” Hai điều nổi bật Amos muốn đề cập tới ở đây:

            (1) Ông được Thiên Chúa bắt đi khi ông đang làm việc, chứ chính ông không tình nguyện để đi tuyên sấm.

            (2) Ông không lợi dụng danh nghĩa ngôn sứ để kiếm lợi nhuận vật chất như Amaziah buộc tội, vì ông đang có việc làm để sinh sống.

2/ Bài đọc II: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ. 

2.1/ Nhận ra hồng ân của Thiên Chúa: Trong phần đầu của trình thuật hôm nay, thánh Phaolô muốn các tín hữu Ephesô nhận ra tất cả những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho họ qua Đức Kitô: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.” Đây là một đoạn văn chứa nhiều tư tưởng mặc khải, chúng ta cần suy tư từng chi tiết để hiểu những gì Thiên Chúa đã làm cho con người:

            (1) Cho chúng ta có mặt trong cuộc đời: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ.” Thánh Gioan nói rõ hơn: “Tất cả đều nhờ Người mà được tạo thành; không có Người, chẳng có chi được tạo thành” (Jn 1:3).

            (2) Cho chúng ta biết Đức Kitô: Thiên Chúa quan phòng cho con người được gặp gỡ Đức Kitô, cách trực tiếp khi Ngài xuống trần hay cách thiêng liêng qua việc rao giảng Tin Mừng; không những thế, Ngài còn gởi Thánh Thần vào tâm hồn con người để soi sáng cho con người hiểu những gì Đức Kitô nói và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô. Thánh Phaolô xác quyết: “Không ai có thể tin Đức Kitô nếu không do Thánh Thần của Thiên Chúa tác động” (I Cor 12:3).

            (3) Cho chúng ta trở thành nghĩa tử nhờ niềm tin vào Đức Kitô: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Jn 1:12).

            (4) Cho chúng ta nhận ra hồng ân và ngợi khen Thiên Chúa: “Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.”

            (5) Cho chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện: Với sự rửa sạch của Đức Kitô và sự thánh hóa của Chúa Thánh Thần, con người có thể trở nên tinh tuyền thánh thiện, xứng đáng là những nghĩa tử của Thiên Chúa, những môn đệ giống như Đức Kitô.

            (6) Cho chúng ta sạch khỏi mọi tội lỗi: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.”

            (7) Cho chúng ta thấu hiểu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu.” Nếu con người chịu học hỏi Kinh Thánh, họ sẽ không thiếu bất kỳ sự khôn ngoan nào cần thiết cho cuộc đời.

            (8) Cho chúng ta thấu hiểu Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.”

            Hiểu như thế, tất cả những gì chúng ta có được, đều là hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta không được kiêu hãnh coi những điều tốt lành chúng ta đang sở hữu là của mình, nhưng phải biết sấp mình xuống và cám ơn tình yêu bao la Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. 

2.2/ Ơn gọi làm ngôn sứ để rao giảng Tin Mừng: Sau khi đã nhận ra tình yêu Thiên Chúa, con người có bổn phận loan truyền tình yêu này cho mọi người. Phaolô không những ý thức được ơn gọi rao giảng Tin Mừng mà Đức Kitô đã trao cho ông, nhưng còn là của mọi tín hữu.

            (1) Của Phaolô: “Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.” Khi Phaolô đã thấu hiểu những điều Thiên Chúa đã làm cho ông qua Đức Kitô, ông dùng cả cuộc đời để ngợi khen Thiên Chúa. Ngay cả việc sai Phaolô đi để rao giảng Tin Mừng cũng bắt nguồn từ Đức Kitô. Ngài sai ông đi để rao giảng Tin Mừng, làm cho mọi người hiểu biết và tin vào Đức Kitô để nhận được những hông ân Thiên Chúa ban qua Đức Kitô.

            (2) Của mọi tín hữu: “Trong Đức Kitô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.” Các tín hữu sau khi đã chịu Phép Rửa cũng có bổn phận phải ra đi rao giảng Tin Mừng, làm cho mọi người nhận biết và tin vào Đức Kitô.

 3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một.            

3.1/ Chúa Giêsu sai các Tông-đồ đi rao giảng Tin Mừng: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.” Hai tư tưởng nổi bật trong đoạn văn này:

            (1) Chúa Giêsu gọi, dạy dỗ, ban quyền, và sai các tông-đồ đi rao giảng Tin Mừng, chứ các ông không tình nguyện theo Ngài trước. Khi các môn đệ rao giảng, các ông rao giảng Tin Mừng các ông đã nghe được nơi Đức Kitô, chứ không phải những gì của các ông. Sức mạnh chữa lành và sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, chứ không phải đến từ các ông.

            (2) Rao giảng Tin Mừng là bổn phận chính yếu các môn đệ phải thi hành, chứ không phải là bất kỳ bổn phận nào khác. Để chu toàn bổn phận này, Chúa Giêsu biết người môn đệ phải sống một cuộc đời đơn giản: càng ít lệ thuộc vào vật chất bao nhiêu càng tốt; vì Ngài biết khi người môn đệ bắt đầu lệ thuộc quá nhiều vào vật chất, người môn đệ sẽ xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng.           

3.2/ Ơn gọi rao giảng Tin Mừng: Hai điều quan trọng các môn đệ cần biết khi rao giảng:

            (1) Khán giả có thể tiếp nhận hay từ chối các sứ giả loan báo Tin Mừng: Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ chuẩn bị điều này, khi Người dặn các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

            Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để nhận ra và tin vào sự thật, Ngài không ép buộc con người phải tin những gì họ không muốn. Các môn đệ cũng thế, họ không thể ép buộc khán giả tin những gì họ không muốn tin. Điều các môn đệ có thể làm được là trình bày sự thật và những lợi ích do việc sống theo sự thật mang lại, với hy vọng con người sẽ nhận ra và tin theo. Nếu họ từ chối không chấp nhận sự thật, các môn đệ cũng đừng buồn, vì có nhiều lý do khiến con người từ chối chấp nhận sự thật, như đã từng xảy ra với khán giả của Chúa Giêsu.

            (2) Mục tiêu của việc rao giảng là “kêu gọi người ta ăn năn sám hối.” Khi người môn đệ rao giảng Tin Mừng, người môn đệ phải giúp khán giả nhận ra tình yêu Thiên Chúa và những lầm lỗi của họ đã quay lưng lại với tình yêu này, để họ ăn năn trở lại với tình thương Thiên Chúa; chứ không phải là lúc giải trí, làm cho con người thư giãn sau những giờ phút làm ăn mệt nhọc, cũng không phải là lúc để người môn đệ quảng cáo sự khôn ngoan hiểu rộng của mình.

            Các quyền trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm, và chữa họ khỏi bệnh là từ Đức Kitô ban cho các môn đệ để khán giả tin vào những lời các ông rao giảng. Hiểu như thế, các việc này chỉ là phương tiện; chứ không bao giờ có thể thay thế việc rao giảng Tin Mừng.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Tất cả những gì chúng ta đang có được là do bởi tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ kiêu hãnh để khinh thường người khác; nhưng phải biết cảm tạ Thiên Chúa, sống cuộc đời tốt lành thánh thiện, và biết loan truyền Tin Mừng đến mọi người.

            – Rao giảng Tin Mừng là bổn phận quan trọng hàng đầu Đức Kitô trao cho chúng ta là những môn đệ của Ngài. Khi rao giảng Tin Mừng chúng ta loan báo những gì Ngài dạy dỗ chúng ta, và làm sao để muôn dân tin yêu Ngài. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************