Chúa Nhật (10-06-2018) – Trang suy niệm

09/06/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Chúa Nhật Tuần X Mùa Thường Niên Năm B

BÀI ĐỌC I: St 3, 9-15

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng, và con đang ẩn núp”. Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư? Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân Người”.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8

Đáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giàu ơn cứu độ (c. 7).

Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa; lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. – Đáp.

2) Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. – Đáp.

3) Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa con, hơn người lính gác mong hồng đông dậy. – Đáp.

4) Israel đang mong đợi Chúa: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác. – Đáp

BÀI ĐỌC II: 2 Cr 4, 13 – 5, 1

“Chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy có cùng một tinh thần đức tin, như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nói”; và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Vì chưng mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa.

Bởi thế, chúng ta không thối chí; trái lại, mặc dầu con người bên ngoài của chúng ta bị tiêu huỷ đi, nhưng con người bên trong của chúng ta ngày càng được canh tân. Vì nỗi gian truân nhất thời và nhẹ nhàng của chúng ta hiện nay chuẩn bị cho chúng ta một khối lượng vô kể đầy vinh quang đời đời. Chúng ta ngắm nhìn không phải những điều trông thấy được, mà là những điều không trông thấy được; vì những điều trông thấy được thì tạm thời, còn những điều không trông thấy được thì vĩnh cửu.

Vì chúng ta biết rằng nếu căn nhà chúng ta cư ngụ ở trần gian là chiếc lều này bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi định cư vĩnh cửu trên trời do Thiên Chúa thiết lập, chứ không phải do tay người phàm làm ra. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: x. 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 3, 20-35

“Satan phải diệt vong”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Ngài mất trí”. Và những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Và nếu một nhà mà tự phân tán, thì nhà đó không thể đứng vững được. Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y.

Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ nói: “Người bị thần ô uế ám”.

Và mẹ cùng anh em Người đến, đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

10/06/2018 – CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – B

Mc 3,20-35

LÀ ANH CHỊ EM VỚI ĐỨC KI-TÔ

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ tôi.” (Mc 3,35)

Suy niệm: Xét trên bình diện tự nhiên, đây có thể là một trong những giây phút phũ phàng nhất trong đời của Chúa Giê-su. Người dưng nước lã nói Ngài bị quỷ ám thì cũng đành; còn ở đây ngay cả thân nhân bà con cũng đến để lôi Chúa về nhà, vì họ cho rằng Chúa bị điên loạn, mất trí. Sống trong thân phận con người, nhưng Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, vẫn không để bản tính nhân loại lấn át, kéo Ngài xa lạc khỏi sứ mạng thiêng liêng: cứu độ con người để nâng con người lên địa vị làm con cái Thiên Chúa. Ngài nhìn mọi sự trong nhãn quan siêu nhiên đó và cho chúng ta biết mối tương quan thân thuộc đích thực của chúng ta với Ngài không hệ tại ở huyết thống nhân loại mà là ở việc “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Mời Bạn: Thay vì nghĩ suy, cư xử theo sự thúc đẩy của xu hướng tự nhiên, chúng ta nhận ra Chúa nơi mọi sự, mọi người; thay vì chạy theo chủ nghĩa thế tục để tìm kiếm tiền tài, danh vọng cốt sao có thể hưởng thụ tối đa ở đời này mà thôi, đối lại, với cặp mắt đức tin siêu nhiên, chúng ta luôn tìm kiếm và hưởng dùng mọi sự, nhắm tới cùng đích là hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời. Nói tóm lại, để trở thành anh em chị em với Chúa Ki-tô, nghĩa là sống trong tình thân với Ngài, chỉ cần một điều kiện, đó là “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Sống Lời Chúa: Trước khi hành động bất cứ điều gì, mời bạn dừng lại một giây để thưa với Chúa: “Chúa muốn con làm gì để đẹp ý Chúa?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết nhận ra Chúa trong mọi sự và biết nhìn mọi sự trong Chúa để con xứng đáng là anh em chị em với Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG SÁU

Sự Tự Do Chọn Lựa

Bên cạnh trí năng và mối quan hệ của nó với chân lý, con người còn có ý chí để chọn lựa. Và ý chí chọn lựa này có liên hệ mật thiết với sự thiện. Mọi hành vi nhân linh đều có bao gồm một hành vi của ý chí và khả năng chọn lựa.

Xuất phát từ nhận hiểu căn bản ấy về con người, chúng ta thấy tự nhiên bật ra vấn đề luân lý. Con người có khả năng chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, được hướng dẫn bởi tiếng nói lương tâm. Lương tâm hướng dẫn con người làm điều tốt và lôi kéo con người trở về từ đường nẻo xấu xa.

Rõ ràng, ý chí tự do của con người chi phối đến mối quan hệ của con người với thế giới, với đồng loại, và làm cho con người khao khát Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài. Và như chúng ta đã thấy, cũng chính ý chí tự do thúc đẩy con người kiếm tìm chân lý. Thực vậy, bản tính thuộc linh của con người là cơ sở thiết yếu của các khả năng suy lý và lựa chọn tự do. Từ đầu tiên, con người nhận thấy mình ở trong một mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Bản trình thuật về sáng tạo trong Thánh Kinh (St 1-3) cho chúng ta thấy rằng “hình ảnh của Thiên Chúa” được mạc khải trước hết trong mối quan hệ của con người (xét như chủ thể) với Thiên Chúa (xét như đối tượng). Con người biết Thiên Chúa; trái tim và ý chí con người có khả năng kết hiệp với Thiên Chúa. Con người có thể nên một với Thiên Chúa! Con người có thể nói “VÂNG” với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, con người cũng có thể nói “KHÔNG”. Con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa và thánh ý Ngài; song con người cũng có khả năng chống lại Thiên Chúa và chống lại các hoạch định của Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 10/ 6

Chúa Nật X Thường Niên

St 3, 9-15; 2Cr 4, 13-5,1; Mc 3, 20-35.

Lời suy niệm: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em, chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy.” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi.”

            Chúa Giêsu đang mở ra một con đường hy vọng cho toàn thể nhân loai tiến bước vào đại gia đình của Chúa Giêsu, khi bất cứ con người nào tìm hiểu Lời Chúa và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Điều này chính Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời cho tất cả chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu.Các thánh Tổ Tông, các thánh Tiên Tri, các Thánh Tông Đồ, các thánh Tử Đạo, các thánh Hiển Tu và các Thánh Đồng Trinh, là những con người đã thi hành ý muốn của Thiên Chúa khi còn sống, và nay các ngài đang hưởng phúc trong Nước Trời. Xin cho chúng con luôn sống và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, để chúng con trở thành người trong gia đình của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Sáu

Hãy Làm Chủ Chính Mình 

Một tác giả nọ có kể một câu chuyện nghụ ngôn như sau: Một nhà trí thức, một thương gia và một quan đầu tỉnh bị quân cướp tấn công nhân một cuộc hành trình giữa sa mạc. Sau khi đã đánh đập, bọn cướp bỏ ba người dở sống dở chết bên lề đường. Tuy nhiên, ba người cũng cố gắng lê bước để tìm đến túp lều của một vị ẩn sĩ. Sau khi đã băng bó các vết thương cho ba người, vị ẩn sĩ mới nói với họ: “Túp lều của tôi quá nhỏ. Mùa đông lại sắp đến. Xin mỗi vị cố gắng làm riêng cho mình một căn lều để trú ẩn”.

Nghe thế cả ba người bộ hành đều chống chế, vì họ chỉ muốn tiếp tục cuộc hành trình mà thôi. Vị ẩn sĩ mới cho họ biết rằng tuyết đã bắt đầu rơi và không còn một lối thoát nào có thể giúp họ ra khỏi vùng sa mạc. 

Nhưng làm thế nào để tự mình có thể dựng cho mình túp lều? Nhà trí thức thì than phiền rằng mình không có sách vở trong tay. Thương gia thì quả quyết rằng cả đời mình chỉ biết đếm tiền và giao dịch. Còn viên đầu tỉnh thì cho rằng ông không thể làm việc gì mà không có thuộc hạ.

Nhưng nước đến trôn rồi thì cũng đành phải nhảy. Không còn lý do gì để khước từ, cả ba người đành phải bắt tay vào dựng riêng cho mình căn lều. Khi họ vừa hoàn thành túp lều thì mùa đông cũng vừa đến. Trong suốt mùa đông dài, họ không còn bít làm gì hơn là ngồi bên bếp lửa để ôn lại chuyện quá khứ… Vị ẩn sĩ thỉnh thoảng cũng xen vào câu chuyện để góp ý và an ủi ba người bất hạnh.

Ðông tàn, xuân đến. Ba người bộ hành muốn lên đường trở về tức khắc. Nhưng lòng tốt và tình bạn của nhà ẩn sĩ không nỡ để họ ra đi. Thành ra, họ đành ở nán lại một thời gian để giúp ông cày xới và gieo trồng cũng như chăm sóc gia súc. Và rồi, khi ánh nắng xuân chiếu tỏa giữa sa mạc, họ cũng ở lại thêm một thời gian để ngắm cảnh thiên nhiên…

Một ngày nọ, vị ẩn sĩ mới thắc mắc như sau: “Tôi không còn nghe các ông nói đến sách vở, công việc làm ăn và những người thuộc hạ nữa. Có chuyện gì xảy ra cho các ông không?”. Cả ba người đều giữ thinh lặng. Vị ẩn sĩ mới nói tiếp: “Tôi xin phép được trả lời cho các ông nhé. Trước kia, các ông có một ông chủ, ông chủ của các ông có tên là sách vở, là tiền bạc, là các thuộc hạ. Giờ đây, các ông cũng giống như chó lạc mất chủ, các ông cảm thấy tự do. Nhưng tôi nghĩ rằng tốt hơn là các ông nên trở về với sách vở, với tiền bạc, với các thuộc hạ của các ông. Trêu về nhưng không với tư cách là nô lệ nữa. Các ông hãy là chủ chính mình. Và nếu các ông muốn có một người chủ luôn để cho các ông tự do hoàn toàn, xin hãy nhớ đến tôi và chủ của tôi”.

Lục soát cho kỹ trong lương tâm, có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thú nhận rằng mình là nô lệ của rất nhiều ông chủ.

Có ông chủ mang tên là một ý thức hệ kiên cố đang trói buộc đôi cánh tư tưởng của chúng ta. Chúng ta bị giam hãm trong vòng nô lệ đến độ không dám đưa chân bước ra khỏi vòng tròn mà ý thức hệ đó đã vẽ sẵn.

Có ông chủ mang tên là những định kiến đối với cuộc đời, đối với xã hội, đối với con người mà chúng ta không bao giờ muốn từ bỏ, mà chúng ta luôn chụp xuống trên người khác có lẽ cúng là hàng rào kẽm gai mà chúng ta khoanh tròn xung quanh chúng ta để mãi mãi chỉ mang lấy một cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ.

Có ông chủ là những thói quen xấu mà chúng ta tích lũy như một pháo đài kiên cố để không muốn rời một bước.

Có ông chủ là thứ tôn giáo vụ hình thức trong đó chúng ta cố gắng tô vẽ cho mình một bộ mặt đạo đức, nhưng kỳ thực lại hoàn toàn xa lạ với Tin Mừng của Chân Lý và tự do đích thực.

Mỗi người chúng ta cần phải rời bỏ những ông chủ quen thuộc để đi vào trong túp lều nhỏ bé, nhưng chính do chúng ta cố gắng tự tạo ra. Nơi sa mạc của cõi lòng, chúng ta sẽ gặp được chính Chúa làông chủ đích thực của chúng ta. Có trút bỏ mọi ràng buộc trong cuộc sống, chúng ta mới cảm thấy được Ngài chiếm ngự và lúc đó chúng ta mới cảm nhận được niềm hạnh phúc đích thực mà Chúa Giêsu đã hứa: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Bài đọc: Gen 3:9-15; II Cor 4:13-5:1; Mk 3:20-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các chước cám dỗ của ba thù

            Cuộc đời là một bãi chiến trường với 3 kẻ thù vô cùng nguy hiểm: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Các tín hữu cần tỉnh thức đề phòng, luyệntập nhân đức, cầu nguyện không ngừng, và năng chịu các bí tích để lấy sức mạnh của ơn thánh thì mới mong chống lại 3 kẻ thù vô cùng nguy hiểm này. Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận diện 3 kẻ thù với các cám dỗ tinh vi của chúng.

            Trong bài đọc I, tổ tiên loài người đã sa chước cám dỗ của con rắn, hình ảnh của Satan; vì bà Evà muốn được giống như Thiên Chúa. Bà đã bất tuân Thiên Chúa và ăn trái cây Ngài cấm, để tự mình có khôn ngoan biết lành biết dữ mà không cần sự chỉ bảo của Ngài. Trong bài đọc II, trái với quan niệm của người Hy-lạp khinh thường thân xác, để rồi tự do phạm tội; thánh Phaolô nhận ra giá trị cứu độ của thân xác. Thiên Chúa muốn con người dùng thân xác Ngài ban để làm việc, để hy sinh chịu đựng gian khổ, cho việc loan báo Tin Mừng Cứu Độ tới mọi người. Trong Phúc Âm, những người thế gian không hiểu nổi sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu, nên đã coi Ngài như người bị mất trí, như người bị tướng quỉ Beelzebul ám.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cám dỗ của ma quỉ           

1.1/ Ông Adam và bà Evà sa vào chước cám dỗ của ma quỉ: Khi con người vâng lời Thiên Chúa, mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân đều tốt đẹp; nhưng khi con người bất tuân Thiên Chúa, nhưng mối liên hệ trở nên căng thẳng, tránh né, và tố cáo nhau.

            Ngay sau khi ăn quả trái cấm, ông bà tìm các lẩn trốn Thiên Chúa bằng cách ẩn mình trong các bụi cây vì họ thấy mình trần truồng; chứ không dám tự do đi lại với Thiên Chúa như trước. Hậu quả khốc hại đầu tiên của tội lỗi là làm cho con người xa cách Thiên Chúa và tiến gần tới ma quỉ. Hậu quả thứ hai là mối liên hệ giữa hai ông bà không còn tốt đẹp như xưa. Ông có tự do để từ chối không ăn; nhưng để chạy tội, ông đổ tội cho bà Evà đã cám dỗ mình, và đổ tội cho Thiên Chúa, vì đã tạo nên bà cho ông. Bà Evà nhận ra nguyên nhân của tội là chước cám dỗ của ma quỉ dưới hình con rắn tinh khôn đã lừa dối bà.           

1.2/ Hình phạt của tội: Đã làm tội là phải lãnh nhận hậu quả: Con rắn phải lãnh nhận hậu quả nặng nề nhất. Nó là loài “đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.”

            Hai ông bà cũng phải chịu hậu quả của tội bất tuân; nhưng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã có một Kế Hoạch để cứu chuộc con người qua việc hy sinh Đức Kitô, Người Con Một của Ngài: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”           

2/ Bài đọc II: Cám dỗ của xác thịt           

2.1/ Quan niệm đúng đắn về thân xác: Người Hy-lạp cho thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn con người; vì thế, họ phải tìm đủ mọi cách để giải thoát linh hồn bất tử ra khỏi thân xác con người. Nhiều người Hy-lạp còn cho phép lạm dụng thân xác để tha hồ phạm tội, vì thân xác chẳng đem lợi lộc gì cho con người.

            Thánh Phaolô phản đối quan niệm này. Ngài tin thân xác của con người được Thiên Chúa tạo dựng là cho một mục đích. Chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã nhập thể, dùng thân xác hy sinh chịu đau khổ và chịu chết, để chuộc tội cho loài người. Thánh Phaolô cũng theo gương Đức Kitô, dùng thân xác để hy sinh chịu mọi gian khổ, để đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho muôn người. Hơn nữa, thân xác con người còn được dùng như khí cụ để gia tăng niềm tin yêu vào Thiên Chúa. Ngài cắt nghĩa: “Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới.” Nói tóm, con người không được dùng thân xác để phạm tội; nhưng phải dùng thân xác hy sinh chịu gian khổ để mang lại sự sống cho mình và cho tha nhân.

2.2/ Thân xác con người sẽ được thăng hoa như thân thể Phục Sinh của Đức Kitô: Đối với thánh Phaolô, thân xác con người không chỉ có giá trị đời này, mà còn có giá trị đời sau. Tuy nhiên, hai cấu trúc của thân xác khác nhau: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.” Chỗ khác Ngài giải thích rõ ràng hơn về trạng thái vinh quang của thân xác con người ở đời sau: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. Như có lời đã chép: con người đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1 Cor 15:42-45). Và thánh Phaolô kết luận: chúng ta sẽ trở nên sáng láng như thân thể Phục Sinh của Đức Kitô.           

3/ Phúc Âm: Cám dỗ của thế gian           

3.1/ Lòng yêu thương của Chúa Giêsu dành cho con người: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.” Những việc này xảy ra là vì Chúa Giêsu và các môn đệ quá thương dân chúng. Nếu Chúa Giêsu không muốn những điều này xảy ra, Ngài chỉ cần đình chỉ việc chữa lành hay lánh đi một nơi hẻo lánh, là giải quyết được vấn đề. Chỉ có tình yêu cho dân chúng mới thúc đẩy Chúa Giêsu và các môn đệ lâm vào hoàn cảnh này; tuy vậy, các ngài vẫn vui vẻ phục vụ.

            Thân nhân không thể hiểu nổi những gì Chúa Giêsu làm. Theo thói thường, người không yêu không thể hiểu nổi lý lẽ của tình yêu. Các thân nhân của Chúa Giêsu không thể nào hiểu nổi tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và cho con người. Theo họ, cuộc sống như Chúa Giêsu đang sống là một điên khùng và thất bại, vì Ngài phải:

            (1) Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó, không có nghề nghiệp gì nhất định; trong khi theo họ, con người phải có mái nhà an toàn và nghề nghiệp vững chắc để sinh sống.

            (2) Kết bạn với những người nghèo khổ và thất học; trong khi theo họ, phải có kiến thức và địa vị cao trọng trong xã hội.

            (3) Dám đương đầu với quyền lực của giới cai trị tôn giáo như Biệt-phái, Kinh-sư, Cao-niên. Theo họ, làm như thế là tự mang án tử cho mình.           

3.2/ Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Chúa Giêsu trả lời 2 tố cáo của họ:

            (1) Bị quỷ vương Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-thái Baalzebub. Trong Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được dùng ở đây và trong Mt 10:25, nhưng không thông dụng bằng từ Satan.Chúa Giêsu dùng lý luận triệt tam: “một vật không thể vừa có vừa không một lúc;” điều này ám chỉ Satan không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu không thể bị đồng hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.

            (2) Dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là vua, người cai trị dân chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với quyền lực của nhà vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan, huống hồ gì là các tay sai của nó. Vì thế, các tố cáo của các kinh-sư không có lý do vững chắc.           

3.3/ Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Thoạt đọc trình thuật hôm nay, một người không tránh khỏi bất mãn với Chúa Giêsu vì đã khinh thường Đức Mẹ và anh em của Ngài, và Ngài đã không giữ giới răn thứ bốn. Nhưng Chúa Giêsu có vi phạm những điều này không? Một trong những sứ vụ của Chúa Giêsu là dạy dỗ và sửa chữa những hiểu biết sai lầm. Trong bài học hôm nay, Chúa Giêsu không đi ra ngoài 2 giới răn quan trọng nhất: trước tiên, mến Chúa; sau đó, yêu người. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thứ tự ưu tiên của hai giới răn, mà con người rất nhiều lần đã đảo lộn thứ tự ưu tiên của nó. Việc Chúa Giêsu đang rao giảng Tin Mừng là Ngài đang làm theo thánh ý Thiên Chúa; và Ngài phải đặt nó lên trên tất cả các việc khác. Ngài không thể hy sinh việc rao giảng để tiếp chuyện với thân nhân. Tuy nhiên, khi nào không làm việc Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương và săn sóc Đức Mẹ; như khi Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan chăm sóc dưới chân Thập Giá.

            Yêu mến Thiên Chúa là làm theo thánh ý Ngài: Bài học thứ hai Chúa Giêsu muốn dạy con người hôm nay: tình yêu phải biểu tỏ cụ thể bằng hành động. Con người thường nghĩ mình có thể yêu Thiên Chúa bằng lời nói, hay bằng những hành động bên ngoài như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Những điều này tốt, nhưng không quan trọng bằng việc tìm ra và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Cuộc đời Chúa Giêsu là một mẫu mực cho con người học thế nào là yêu thương Thiên Chúa: Ngài muốn nhập thể để thi hành Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong những năm ở trần gian, thánh ý Thiên Chúa là động lực sống của Ngài đến nỗi Ngài thốt lên những câu phải là châm ngôn cho chúng ta (Jn 4:34; 5:30; 6:40; Mt 26:42).

            Người nhà của Chúa Giêsu là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa: Chúa Giêsu loại bỏ tất cả những lý do khác con người có thể dựa vào để nhận họ là người nhà của Chúa; nhưng chỉ còn giữ lại điều kiện duy nhất là nghe và thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Mẹ Maria và các môn đệ là người nhà của Chúa vì họ luôn thực thi ý muốn của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Ba kẻ thù ma quỉ, thế gian và xác thịt là những kẻ thù thực sự và vô cùng nguy hiểm. Chúng ta cần phải cẩn thận đề phòng và dùng những lời chỉ dạy và ơn thánh của Chúa ban để chống lại chúng.

            – Kẻ thù thân xác vô cùng nguy hiểm vì nó luôn ở với và trong chúng ta. Để chống lại kẻ thù thân xác, chúng ta cần phải hiểu rõ cấu trúc của thân xác và sự liên hệ cùa thân xác với trí tuệ, ý chí và linh hồn. Thần học luân lý của thánh Thomas Aquinas rất quan trọng giúp chúng ta hiểu giá trị của thân xác trong việc tránh tội và tập luyện nhân đức.

            – Thi hành thánh ý Thiên Chúa không phải chỉ bằng làm những công việc vĩ đại; nhưng bằng chu toàn các bổn phận Ngài đã trao phó cho trong cuộc sống hàng ngày. Nói cách rõ hơn, bổn phận của người môn đệ là phải: “từ bỏ ý riêng mình, vác thập giá của mình hàng ngày, và theo Chúa.”

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************