Chúa Nhật (09-06-2024) – Trang suy niệm

08/06/2024

Lời Chúa Hôm Nay

CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

BÀI ĐỌC I: St 3,9-15

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng, và con đang ẩn núp”. Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư? Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”. Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân Người”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8

Đáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giàu ơn cứu độ (c. 7).

1) Từ vực sâu, lạy Chúa, tôi kêu lên Chúa; lạy Chúa, xin nghe tiếng tôi cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của tôi.

2) Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.

3) Tôi hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn tôi trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn tôi mong đợi Chúa tôi, hơn người lính gác mong trời rạng đông.

4) Hơn lính gác mong hừng đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa tôi: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Người sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác.

BÀI ĐỌC II: 2 Cr 4,13 – 5,1

“Chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy có cùng một tinh thần đức tin, như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nói”; và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Vì chưng mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta không thối chí; trái lại, mặc dầu con người bên ngoài của chúng ta bị tiêu huỷ đi, nhưng con người bên trong của chúng ta ngày càng được canh tân. Vì nỗi gian truân nhất thời và nhẹ nhàng của chúng ta hiện nay chuẩn bị cho chúng ta một khối lượng vô kể đầy vinh quang đời đời. Chúng ta ngắm nhìn không phải những điều trông thấy được, mà là những điều không trông thấy được; vì những điều trông thấy được thì tạm thời, còn những điều không trông thấy được thì vĩnh cửu. Vì chúng ta biết rằng nếu căn nhà chúng ta cư ngụ ở trần gian này bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi định cư vĩnh cửu trên trời do Thiên Chúa thiết lập, chứ không phải do tay người phàm làm ra.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: x. 1 Sm 3,9

All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.

PHÚC ÂM: Mc 3, 20-35

“Satan phải diệt vong”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Ngài mất trí”. Và những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Và nếu một nhà mà tự phân tán, thì nhà đó không thể đứng vững được. Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ nói: “Người bị thần ô uế ám”. Và mẹ cùng anh em Người đến, đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

09/06/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – B

Mc 3,20-35

ANH EM ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ tôi.” (Mc 3,35)

Suy niệm: Xét trên bình diện tự nhiên, đây có thể là một trong những giây phút phũ phàng nhất trong đời của Chúa Giê-su. Người dưng nước lã nói Ngài bị quỷ ám thì cũng đành; còn ở đây ngay cả thân nhân bà con cũng đến để lôi Chúa về nhà, vì họ cho rằng Chúa bị điên loạn, mất trí. Sống trong thân phận con người, nhưng Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, vẫn không để bản tính nhân loại lấn át, kéo Ngài xa lạc khỏi sứ mạng thiêng liêng: cứu độ con người để nâng con người lên địa vị làm con cái Thiên Chúa. Ngài nhìn mọi sự trong nhãn quan siêu nhiên đó và cho chúng ta biết mối tương quan thân thuộc đích thực của chúng ta với Ngài không hệ tại ở huyết thống nhân loại mà là ở việc “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Mời Bạn: Thay vì nghĩ suy, cư xử theo sự thúc đẩy của xu hướng tự nhiên, chúng ta nhận ra Chúa nơi mọi sự, mọi người; thay vì chạy theo chủ nghĩa thế tục để tìm kiếm tiền tài, danh vọng cốt sao có thể hưởng thụ tối đa ở đời này mà thôi, đối lại, với cặp mắt đức tin siêu nhiên, chúng ta luôn tìm kiếm và hưởng dùng mọi sự, nhắm tới cùng đích là hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời. Nói tóm lại, để trở thành anh em chị em với Chúa Ki-tô, nghĩa là sống trong tình thân với Ngài, chỉ cần một điều kiện, đó là “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Sống Lời Chúa: Trước khi hành động bất cứ điều gì, mời bạn dừng lại một giây để thưa với Chúa: “Chúa muốn con làm gì để đẹp ý Chúa?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết nhận ra Chúa trong mọi sự và biết nhìn mọi sự trong Chúa để con xứng đáng là anh em chị em với Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm 

Trong những năm tháng công khai rao giảng,
Ðức Giêsu đã gặt hái được thành công từ phiá dân chúng.
Nhưng Ngài cũng phải nếm nhiều khổ đau và thất bại
do những hiểu lầm, ghen tương và cố chấp.
Ðức Giêsu, người quân bình hơn cả, lại bị coi là mất trí,
khi Ngài xả thân để lo cho đám người đông đảo.
Ngài bị coi là bất bình thường,
khi Ngài và các môn đệ bận bịu, không có giờ ăn.
Chính thân quyến của Ngài đã coi Ngài như thế.
Họ chẳng hiểu gì, dù họ tưởng mình biết Ngài rất rõ.

Các kinh sư từ Giêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu.
Họ không thể phủ nhận chuyện Ngài có khả năng trừ quỷ,
nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý:
Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Xatan.
Éo le thay, Ðấng mà thấn ô uế phải sấp mình dưới chân
và tuyên xưng: “Ông là Con Thiên Chúa” (Mc 3,11);
Ðấng khiến quỷ phải kêu la khi xuất ra:
“Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi.
Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24);
Ðấng trừ quỷ ấy lại bị coi là người bị quỷ ám.
Một người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun chiếm đoạt
lại đi trừ những người bị ám bởi các quỷ con ư?
Như thế đúng là Xatan lại diệt trừ Xatan,
tướng quỷ cho người ngoài làm hại đàn em của mình!

Ðức Giêsu nói đến thứ tội mãi mãi không được tha.
Không được tha chẳng phải vì Thiên Chúa hẹp hòi,
nhưng vì người ấy không cần đến ơn tha thứ.
Khép lại trước sự thật rành rành, hay bóp méo sự thực,
cố chấp ở lại trong sự gian dối với chính bản thân:
đó là những thái độ ta có thể mắc phải.

Quả thực không dễ hiểu được con người Ðức Giêsu.
Hiểu một người ta thân quen cũng là điều khó.
Chỉ một chút ghen tương đủ làm ta hiểu sai.
Chỉ một chút tự ái đủ làm ta không thấy
điều ai cũng rõ như ban ngày.
Càng trí tuệ và học thức, như các kinh sư,
ta càng dễ bẻ cong chân lý về phía mình,
càng dễ biện minh cho thái độ mình đã chọn.
Khi vơi bớt đam mê của cái tôi,
ta sẽ dễ nhận ra chân lý quá đơn sơ, gần gũi.

Ðám đông dân chúng ngồi chung quanh Ðức Giêsu, nghe giảng.
Một vòng tròn thân thương như những người trong nhà.
Ðức Giêsu thấy mình gắn bó sâu xa với họ.
Ngài không ngại nhận họ là mẹ, là anh chị em Ngài.
Có một thứ tình máu mủ ruột thịt thiêng liêng.
Có một mẫu số chung giữa Ngài và người nghe giảng,
đó là thi hành thánh ý Cha trong cuộc sống.
Ðức Maria là Mẹ của Ðức Giêsu hai lần,
vì Mẹ đã sinh dưỡng Ngài và suốt đời xin vâng ý Chúa.
Chúng ta tự hỏi mình có bà con gì với Ðức Giêsu không.

Cầu Nguyện 

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,

Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.

Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,

vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con

nhưng điều riêng tư thầm kín nhất

trong tương quan giữa Thầy với Cha.

Hơn nữa, sau phục sinh,

Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.

Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng

đứng đầu một đoàn em đông đúc. 

 

Xin cho chúng con

luôn thi hành ý muốn của Cha

để trở nên những người em

cùng huyết nhục với Thầy. 

 

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên

làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.

Còn Thầy lại hạ mình xuống

phục vụ chúng con như người tôi tớ,

rửa chân cho chúng con như một nô lệ

và chết thay cho chúng con trên thập giá. 

 

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy

và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

9 THÁNG SÁU

Trật Tự Của Tạo Vật Trong Ý Định Của Thiên Chúa

Trong trật tự của tạo vật, con người tham dự vào toàn bộ các mối tương quan: tương quan với thế giới, tương quan giữa nam và nữ, tương quan với đồng loại. Ơn gọi “thống trị mặt đất” cho chúng ta thấy đặc tính quan hệ của sự sống con người. Con người cai quản mọi loài; con người xây dựng và phát triển một gia đình cùng với người bạn đời của mình; con người hợp tác với đồng loại để hình thành một xã hội phục vụ thiện ích chung. Những mối quan hệ này thật xứng hợp với nhân vị xét như hình ảnh của Thiên Chúa. Ngay tự đầu tiên, những mối quan hệ ấy đã thiết định vai trò của con người ở giữa vạn vật.

Chính vì định mệnh ấy mà con người đã được kêu gọi vào hiện hữu trong tư cách là một chủ thể (một cái ‘tôi’ cụ thể), được ban cho trí tuệ, lương tâm và tự do. Khả năng suy nghĩ làm cho con người khác biệt một cách nền tảng so với toàn thể thế giới động vật. Động vật chỉ có thể cảm nhận các thứ qua các giác quan của chúng. Còn trí năng con người giúp con người biện biệt phân định giữa thật và giả. Khả năng ấy mở ra cho con người các lãnh vực khoa học, tư duy, triết lý, thần học. Chính nhờ bản tính của mình mà con người nắm bắt được chân lý nơi mọi sự. Con người ở trong một tương quan với chân lý – và mối tương quan này thiết định vai trò của con người xét như một sinh vật có định mệnh thuộc linh. Khả năng hiểu biết chân lý bộc lộ nơi mọi mối tương quan giữa con người với thế giới và với người khác. Nó thiết lập một nền tảng khẩn thiết cho mọi sắc dạng văn hóa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 09/6

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN

St 3, 9-15; 2Cr 4, 13-5,1; Mc 3, 20-35.

Lời suy niệm: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em, chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!” (Mc 3,32-35).

          Chúa Giêsu đang truyền dạy cho mỗi người trong chúng ta biết thế nào được gọi là người trong gia đình của Người: Đó là những người nghe lời Thiên Chúa và thực thi thánh ý của Ngài. Điều này trong Kinh Thánh có rất nhiều mẫu gương Như là Tổ Phụ Ápraham. Ápraham đã vâng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, ông đã bỏ tất cả đi theo Ngài, đi đến nơi Ngài đã định. Mạc dù trong lúc cả hai ông bà tuổi đã cao, có người con yêu dấu là Isaác, nhưng Thiên Chúa muốn ông đem người con một yêu dấu đó hiến tế cho Ngài, ông đã sẵn sàng vâng nghe, ông đã chuẩn bị và lên đường đến nơi Thiên Chúa đã chỉ định, ông đã đặt con trẻ trên củi nhưng Thiên Chúa đã ngăn ông lại vì Ngài đã thấu hiểu sự vâng phục của Áptaham. Gần với chúng ta nhất là đối với Đức Mẹ, Mẹ đã tin” “Đối với Thiên Chúa, không có gì là là không thể làm được. Đức Mẹ đã xin vâng và xin vâng trọn cả đời, trong mọi hoàn cảnh.

          Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban Thần Khí của Chúa trên mỗi người trong chúng con, giúp chúng con nhận ra được những ân ban của Ngài, để ngày càng trở nên là người thuộc gia đình của Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 09-06: Thánh EPHREM

Phó Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh (306 – 373)

Thánh nhân sinh tại Nisibis, miền Mesopotamia vào khoảng đầu thế kỷ thứ IV. Có truyện kể rằng: hồi nhỏ, một lần Ngài lấy đá chọi con bò mẹ gần chết. Khi chủ nhân hỏi thăm có thấy con bò ở đâu Ngài đã trả lời xấc xược để chữa lỗi. Ephrem đã khóc suốt đời về sự độc ác và hèn nhát này.

Sau này có lần vào đêm khuya bị lạc vào giữa đồng, một đứa chăn chiên cho Ngài trú ngụ trong lều của nó. Nhưng đứa chăn chiên này đã xấu bụng lại đang say rượu. Đêm ấy chó sói vào tàn sát đàn chiên. Để chữa mình, thằng chăn chiên đổ lỗi cho Ephrem. Trong tù Ngài nghe nhiều người than thở vì bị hàm oan. Một buồi chiều, trong giấc mơ, Ngài thấy thiên thần cho biết lần này Ngài vô tội nhưng phải khổ để đền bù vào những lỗi lầm khác. Thức dậy, Ephrem nhớ lại con bò và thú nhận với mọi người.

Thân phụ Ephrem là một thày cả thờ thần Abnil. Hình như Ngài bị đuổi khỏi nnhà vì có thiện cảm với các Kitô hữu. Thánh Giacôbê, giám mục Nisibis tiếp nhận dạy dỗ và rửa tội cho Ngài hồi 10 tuổi. Để sống, Ngài làm việc ở những hồ tắm công cộng. Nhưng sau đó Ngài lại vào sa mạc sống với sự hướng dẫn của thánh Abbê ẩn tu; dệt vải để sống như thói quen của các ẩn sĩ Ai cập và Mêsôpôtamia thời đó.

Ephrem thường khóc tội mình và tội người khác. Các tập “tự thú” Ngài viết cho thấy Ngài rất mực khiêm tốn, Ngài rất ghét tính kiêu căng: – Tính kiêu căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy mọi nhân đức.

Thánh Ephrem luôn ao ước sống đời ẩn dật. Nhưng một cuộc chiến đã bùng ra giữa người Rôma và người Batư. Người Batư bách hại các Kitô hữu cách tàn bạo. Nghe tin này, Ephrem về Nisibis để giúp đỡ và khích lệ họ. Danh thơm nhân đức của Ngài lan rộng đến nỗi người ta cho việc giải phóng khỏi ách thống trị của Sapor II là bởi lỗi cầu nguyện của thánh nhân.

Được thụ phong phó tế, nhưng rồi thánh nhân đã từ chối chức linh mục vì khiêm tốn. Được Đức giám mục Nisibis trao cho trách nhiệm rao giảng lời Chúa, Ngài dùng hết tài lợi khẩu để khêu gợi nhiệt tình nơi các linh hồn: – “Thần dữ nói: Ta đi tìm những người khô khan là bạn hữu của ta, và ta không cần phải tìm đến mưu kế, ta chỉ cần giữ chúng trong xiềng xích mà chúng ưa thích là đủ”.

Thánh Ephrem đã gặp thánh Basiliô thánh Cappadocia. Truyền thuyết cho rằng: hai vị hiểu nhau dầu ngôn ngữ bất đồng.

Chiến tranh tái phát, Nisibis rơi vào tay người Batư, thánh Ephrem trốn đến Sdessa. Nơi đây, Ngài tận tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo, hoạt động trí thức bằng việc viết sách và giải thích thơ phú. Thánh Ephrem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi ca ngôi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.

Người luôn được gọi là “cây đàn của Thánh Linh” là một trong những người rao truyền việc VÔ NHIỄM THAI. – Lạy Chúa, chỉ có Chúa và Mẹ Chúa là tuyệt mỹ. Nơi mẹ Chúa không vương một tì tích nào.

Một năm trước khi thánh nhân qua đời, Edessa bi một cơn đói. Ngài kêu gọi lòng quảng đại của mọi người và người ta đã rộng tay đóng góp vào công cuộc phát chẩn của thánh. Cơn đói chấm dứt, thánh nhân trở lại chòi của mình. Lên cơn sốt, Ngài nghĩ tới lúc chết: – Đừng liệm xác tôi bằng đồ quí giá, cũng đừng dựng đài tưởng niệm. Hãy đối xử với tôi như một người lữ khách vì thực sự tôi là một lữ khách xa lạ trên mặt đất này thôi.

Ngài qua đời có lẽ vào tháng 6 năm 373. Thánh Gregoriô miền Nyssa viết về thánh Ephrem: – Vinh quang đời sống và giáo thuyết của thánh nhân chiếu giãi khắp hoàn cầu.

Năm 1820, Đức Benedictô XI tôn phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

09 Tháng Sáu

Muôn Vàn Phép Lạ

Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.

Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người.

Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang toan tính bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: “Ngài đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu nào hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi lại đây và xin Chúa ban cho ngươi thêm lòng kiên nhượng…”.

Ðược lời của vị sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững rằng mỗi một phút giây qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.

“Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”. Giáo Hội mượn lời Kinh Thánh này để mời gọi chúng ta sống một cách sung mãn giây phút hiện tại. Mỗi một giây phút hiện tại là một hồng ân cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục biến mỗi phút giây của cuộc sống chúng ta thành một phép lạ.
Không là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành này.

Chúng ta vẫn thường nói: ngạc nhiên là khởi đầu của khám phá! Nếu tất cả những khám phá của khoa học đều bắt nguồn từ những câu hỏi mà con người tự đặt ra khi nhìn ngắm vũ trụ, thì sự ngây ngất trước những kỳ công của sáng tạo, trước cuộc sống, trước tình người cũng phải là động lực giúp người tín hữu Kitô chúng ta thấy được, cảm mến được sự hiện diện và tác động kỳ diệu của Thiên Chúa.

Cái nhìn ấy sẽ giúp chúng ta thấy được giá trị của những công việc âm thầm từng ngày của chúng ta. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục phấn đấu khi phải đương đầu với bệnh tật, với thử thách, với mất mát trong cuộc sống. Một Thiên Chúa luôn làm những kỳ diệu cũng chính là Ðấng có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta để đem lại cho chúng ta những điều thiện hảo đôi khi vượt quá khỏi cái nhìn nông cạn, sự thẩm định giới hạn của chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Chúa Nhật 10 – Năm B – Thường Niên

Bài đọc: Gen 3:9–15; II Cor 4:13–5:1; Mk 3:20–35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các chước cám dỗ của ba thù

            Cuộc đời là một bãi chiến trường với 3 kẻ thù vô cùng nguy hiểm: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Các tín hữu cần tỉnh thức đề phòng, luyệntập nhân đức, cầu nguyện không ngừng, và năng chịu các bí tích để lấy sức mạnh của ơn thánh thì mới mong chống lại 3 kẻ thù vô cùng nguy hiểm này. Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận diện 3 kẻ thù với các cám dỗ tinh vi của chúng.

            Trong bài đọc I, tổ tiên loài người đã sa chước cám dỗ của con rắn, hình ảnh của Satan; vì bà Evà muốn được giống như Thiên Chúa. Bà đã bất tuân Thiên Chúa và ăn trái cây Ngài cấm, để tự mình có khôn ngoan biết lành biết dữ mà không cần sự chỉ bảo của Ngài. Trong bài đọc II, trái với quan niệm của người Hy-lạp khinh thường thân xác, để rồi tự do phạm tội; thánh Phaolô nhận ra giá trị cứu độ của thân xác. Thiên Chúa muốn con người dùng thân xác Ngài ban để làm việc, để hy sinh chịu đựng gian khổ, cho việc loan báo Tin Mừng Cứu Độ tới mọi người. Trong Phúc Âm, những người thế gian không hiểu nổi sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu, nên đã coi Ngài như người bị mất trí, như người bị tướng quỉ Beelzebul ám.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cám dỗ của ma quỉ           

1.1/ Ông Adam và bà Evà sa vào chước cám dỗ của ma quỉ: Khi con người vâng lời Thiên Chúa, mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân đều tốt đẹp; nhưng khi con người bất tuân Thiên Chúa, nhưng mối liên hệ trở nên căng thẳng, tránh né, và tố cáo nhau.

            Ngay sau khi ăn quả trái cấm, ông bà tìm các lẩn trốn Thiên Chúa bằng cách ẩn mình trong các bụi cây vì họ thấy mình trần truồng; chứ không dám tự do đi lại với Thiên Chúa như trước. Hậu quả khốc hại đầu tiên của tội lỗi là làm cho con người xa cách Thiên Chúa và tiến gần tới ma quỉ. Hậu quả thứ hai là mối liên hệ giữa hai ông bà không còn tốt đẹp như xưa. Ông có tự do để từ chối không ăn; nhưng để chạy tội, ông đổ tội cho bà Evà đã cám dỗ mình, và đổ tội cho Thiên Chúa, vì đã tạo nên bà cho ông. Bà Evà nhận ra nguyên nhân của tội là chước cám dỗ của ma quỉ dưới hình con rắn tinh khôn đã lừa dối bà.           

1.2/ Hình phạt của tội: Đã làm tội là phải lãnh nhận hậu quả: Con rắn phải lãnh nhận hậu quả nặng nề nhất. Nó là loài “đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.”

            Hai ông bà cũng phải chịu hậu quả của tội bất tuân; nhưng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã có một Kế Hoạch để cứu chuộc con người qua việc hy sinh Đức Kitô, Người Con Một của Ngài: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”           

2/ Bài đọc II: Cám dỗ của xác thịt           

2.1/ Quan niệm đúng đắn về thân xác: Người Hy-lạp cho thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn con người; vì thế, họ phải tìm đủ mọi cách để giải thoát linh hồn bất tử ra khỏi thân xác con người. Nhiều người Hy-lạp còn cho phép lạm dụng thân xác để tha hồ phạm tội, vì thân xác chẳng đem lợi lộc gì cho con người.

            Thánh Phaolô phản đối quan niệm này. Ngài tin thân xác của con người được Thiên Chúa tạo dựng là cho một mục đích. Chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã nhập thể, dùng thân xác hy sinh chịu đau khổ và chịu chết, để chuộc tội cho loài người. Thánh Phaolô cũng theo gương Đức Kitô, dùng thân xác để hy sinh chịu mọi gian khổ, để đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho muôn người. Hơn nữa, thân xác con người còn được dùng như khí cụ để gia tăng niềm tin yêu vào Thiên Chúa. Ngài cắt nghĩa: “Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới.” Nói tóm, con người không được dùng thân xác để phạm tội; nhưng phải dùng thân xác hy sinh chịu gian khổ để mang lại sự sống cho mình và cho tha nhân.           

2.2/ Thân xác con người sẽ được thăng hoa như thân thể Phục Sinh của Đức Kitô: Đối với thánh Phaolô, thân xác con người không chỉ có giá trị đời này, mà còn có giá trị đời sau. Tuy nhiên, hai cấu trúc của thân xác khác nhau: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.” Chỗ khác Ngài giải thích rõ ràng hơn về trạng thái vinh quang của thân xác con người ở đời sau: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. Như có lời đã chép: con người đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1 Cor 15:42-45). Và thánh Phaolô kết luận: chúng ta sẽ trở nên sáng láng như thân thể Phục Sinh của Đức Kitô.           

3/ Phúc Âm: Cám dỗ của thế gian           

3.1/ Lòng yêu thương của Chúa Giêsu dành cho con người: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.” Những việc này xảy ra là vì Chúa Giêsu và các môn đệ quá thương dân chúng. Nếu Chúa Giêsu không muốn những điều này xảy ra, Ngài chỉ cần đình chỉ việc chữa lành hay lánh đi một nơi hẻo lánh, là giải quyết được vấn đề. Chỉ có tình yêu cho dân chúng mới thúc đẩy Chúa Giêsu và các môn đệ lâm vào hoàn cảnh này; tuy vậy, các ngài vẫn vui vẻ phục vụ.

            Thân nhân không thể hiểu nổi những gì Chúa Giêsu làm. Theo thói thường, người không yêu không thể hiểu nổi lý lẽ của tình yêu. Các thân nhân của Chúa Giêsu không thể nào hiểu nổi tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và cho con người. Theo họ, cuộc sống như Chúa Giêsu đang sống là một điên khùng và thất bại, vì Ngài phải:

            (1) Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó, không có nghề nghiệp gì nhất định; trong khi theo họ, con người phải có mái nhà an toàn và nghề nghiệp vững chắc để sinh sống.

            (2) Kết bạn với những người nghèo khổ và thất học; trong khi theo họ, phải có kiến thức và địa vị cao trọng trong xã hội.

            (3) Dám đương đầu với quyền lực của giới cai trị tôn giáo như Biệt-phái, Kinh-sư, Cao-niên. Theo họ, làm như thế là tự mang án tử cho mình.           

3.2/ Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Chúa Giêsu trả lời 2 tố cáo của họ:

            (1) Bị quỷ vương Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-thái Baalzebub. Trong Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được dùng ở đây và trong Mt 10:25, nhưng không thông dụng bằng từ Satan.Chúa Giêsu dùng lý luận triệt tam: “một vật không thể vừa có vừa không một lúc;” điều này ám chỉ Satan không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu không thể bị đồng hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.

            (2) Dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là vua, người cai trị dân chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với quyền lực của nhà vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan, huống hồ gì là các tay sai của nó. Vì thế, các tố cáo của các kinh-sư không có lý do vững chắc.           

3.3/ Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Thoạt đọc trình thuật hôm nay, một người không tránh khỏi bất mãn với Chúa Giêsu vì đã khinh thường Đức Mẹ và anh em của Ngài, và Ngài đã không giữ giới răn thứ bốn. Nhưng Chúa Giêsu có vi phạm những điều này không? Một trong những sứ vụ của Chúa Giêsu là dạy dỗ và sửa chữa những hiểu biết sai lầm. Trong bài học hôm nay, Chúa Giêsu không đi ra ngoài 2 giới răn quan trọng nhất: trước tiên, mến Chúa; sau đó, yêu người. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thứ tự ưu tiên của hai giới răn, mà con người rất nhiều lần đã đảo lộn thứ tự ưu tiên của nó. Việc Chúa Giêsu đang rao giảng Tin Mừng là Ngài đang làm theo thánh ý Thiên Chúa; và Ngài phải đặt nó lên trên tất cả các việc khác. Ngài không thể hy sinh việc rao giảng để tiếp chuyện với thân nhân. Tuy nhiên, khi nào không làm việc Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương và săn sóc Đức Mẹ; như khi Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan chăm sóc dưới chân Thập Giá.

            Yêu mến Thiên Chúa là làm theo thánh ý Ngài: Bài học thứ hai Chúa Giêsu muốn dạy con người hôm nay: tình yêu phải biểu tỏ cụ thể bằng hành động. Con người thường nghĩ mình có thể yêu Thiên Chúa bằng lời nói, hay bằng những hành động bên ngoài như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Những điều này tốt, nhưng không quan trọng bằng việc tìm ra và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Cuộc đời Chúa Giêsu là một mẫu mực cho con người học thế nào là yêu thương Thiên Chúa: Ngài muốn nhập thể để thi hành Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong những năm ở trần gian, thánh ý Thiên Chúa là động lực sống của Ngài đến nỗi Ngài thốt lên những câu phải là châm ngôn cho chúng ta (Jn 4:34; 5:30; 6:40; Mt 26:42).

            Người nhà của Chúa Giêsu là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa: Chúa Giêsu loại bỏ tất cả những lý do khác con người có thể dựa vào để nhận họ là người nhà của Chúa; nhưng chỉ còn giữ lại điều kiện duy nhất là nghe và thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Mẹ Maria và các môn đệ là người nhà của Chúa vì họ luôn thực thi ý muốn của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Ba kẻ thù ma quỉ, thế gian và xác thịt là những kẻ thù thực sự và vô cùng nguy hiểm. Chúng ta cần phải cẩn thận đề phòng và dùng những lời chỉ dạy và ơn thánh của Chúa ban để chống lại chúng.

            – Kẻ thù thân xác vô cùng nguy hiểm vì nó luôn ở với và trong chúng ta. Để chống lại kẻ thù thân xác, chúng ta cần phải hiểu rõ cấu trúc của thân xác và sự liên hệ cùa thân xác với trí tuệ, ý chí và linh hồn. Thần học luân lý của thánh Thomas Aquinas rất quan trọng giúp chúng ta hiểu giá trị của thân xác trong việc tránh tội và tập luyện nhân đức.

            – Thi hành thánh ý Thiên Chúa không phải chỉ bằng làm những công việc vĩ đại; nhưng bằng chu toàn các bổn phận Ngài đã trao phó cho trong cuộc sống hàng ngày. Nói cách rõ hơn, bổn phận của người môn đệ là phải: “từ bỏ ý riêng mình, vác thập giá của mình hàng ngày, và theo Chúa.”

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************