Ý nghĩa cuộc khổ nạn của Đức Giêsu – Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá

26/03/2021

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B: MC 14,1-15,47

Ý NGHĨA CUỘC KHỔ NẠN CỦA ĐỨC GIÊSU

Bài Tin Mừng hôm nay muốn giúp Ki-tô hữu sống Tuần thánh. Các lễ nghi phụng vụ tuần này là đẹp nhất trong năm. Nhưng ta chỉ sống thật các lễ nghi đó từ bên trong nếu đã đích thân suy niệm các “biến cố” khai sinh “tuần lễ” này. Hiển nhiên đây là những biến cố quan trọng nhất của toàn thể lịch sử nhân loại: nó làm đảo lộn dòng lịch sử, và thay đổi bộ mặt hành tinh trái đất.

Lướt nhanh câu chuyện Khổ nạn một lần không đủ. Phải để nó ngấm vào. Phải đọc đi đọc lại. Chúng ta chưa nhận ra đủ “vị trí” nó chiếm giữ trong toàn bộ “Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô” đâu! Trong trình thuật Mc, cuộc Khổ nạn chiếm một phần năm cuốn Tin Mừng. Ngày nay, chúng ta nói sao về một tiểu sử trong đó phần quan trọng nhất lại dành để tường thuật cái chết của kẻ ta muốn nói đến? Điều đó càng đáng ngạc nhiên hơn vì các trình thuật này đã được viết sau cuộc Phục sinh, bởi những kẻ đang sống trong ánh sáng của biến cố Vượt Qua lừng lẫy. Thế mà họ lại không nhấn mạnh biến cố đó. Trong bản Hy-lạp của Mc, cuộc Khổ nạn chiếm 160 hàng đang khi cuộc Phục sinh chỉ 46 hàng, hay thậm chí 19 hàng nếu không kể đoạn 16,9-20 vốn đã được thêm do một bàn tay khác. Vâng, cái chết của Đức Giê-su hẳn là chủ yếu quan trọng: có một “bí mật” trong đó phải khám phá ra…             

1- Ý thức sáng suốt.

… “Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu! Điều gì làm được thì cô ấy đã làm; cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng”… (14,8). Tất cả phần đầu trình thuật Khổ nạn (14,1-42) kể lại “âm mưu của các thượng tế”, “xức dầu ở Bê-ta-ni-a”, “Giu-đa phản bội”, “chuẩn bị cho lễ Vượt Qua”, “loan báo Giu-đa phản bội”, “lập phép Thánh Thể” và “hấp hối tại Ghết-sê-ma-ni”…, mọi chi tiết ấy muốn nói chúng ta biết Đức Giê-su đã khởi sự sống cuộc Khổ nạn từ bên trong, trước khi nó diễn ra bên ngoài. Bạn hãy đọc lại 42 câu đầu tiên của Mc 14. Xin cố gắng xâm nhập tâm trí và cõi lòng Đức Giê-su đang khi đọc. Vâng, trước khi xảy ra cuộc “vây bắt” khai mở tiến trình bên ngoài, Đức Giê-su đã sống tất cả trong đáy ý thức, dự cảm, tự hiến của mình rồi: Người đã thấy trước mình bị “an táng” (14,8), “phản bội” (14,10.17), “đổ máu” (14,24), “tất cả bỏ rơi” (14,27), “Phê-rô khước từ” (14,30), “lâm cơn hấp hối” (14,34.36). Nhưng ý thức này còn bắt đầu sớm hơn nữa. Đức Giê-su nói đến cái chết tương lai của bản thân tự lúc nào? Hiển nhiên là từ cuộc “tuyên tín của Phê-rô ở Xê-da-rê” (Mc 8,31): từ hôm đó, Người ba lần nói cho bạn hữu biết cái chết dữ dằn và đau đớn mình sẽ gánh chịu (Mc 8,31; 9,30; 10,33). Nhưng cần phải lên xa hơn nữa! Xin đọc câu 14 chương đầu thánh Mc: tiếp nối đổi phiên cho Gio-an Tẩy giả, Đức Giê-su biết cái chi sẽ xảy đến cho mình, như đã xảy ra cho mọi ngôn sứ. Thành thử Người đã sống phần lớn đời mình trong dự cảm về cái chết. Phần chúng ta thì sao? Phải chăng chúng ta tránh nghĩ đến nó? Cái chết chẳng phải là “hành vi” quan trọng nhất của đời sống chúng ta sao? chẳng định hướng mọi cái còn lại sao?

2- Hiến dâng trọn vẹn.

“Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? – Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó”… (Mc 14,12-14.16): Chữ “Vượt Qua” được lặp lại bốn chỗ trong đoạn này. Lễ Vượt Qua Do-thái kỷ niệm cuộc “giải phóng” khỏi Ai cập! Một dân tộc bị áp bức đã tự giải cứu mình với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Trong các đau khổ chúng ta chịu dưới thế này, thậm chí trong cái chết của mình… nhờ đức tin, chúng ta đều có thể bắt gặp sự hiện diện vô hình nhưng quyết định của Thiên Chúa, Đấng làm chúng ta “vượt” từ đó “qua” hạnh phúc bất diệt. Đức Giê-su đã sống cái chết của mình như một cuộc “Vượt Qua”: thay vì chạy trốn thực tế đau khổ và ô nhục của kiếp đời mình. Người đã lao mình vào đó trong niềm gắn bó mến yêu Thiên Chúa! Kinh nghiệm cái chết như thế, Người đã khiến cái chết “đổi thay ý nghĩa”: “Người đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Lạy Chúa, xin giúp con biết chấp nhận mọi nghịch cảnh của đời con: đau khổ, thử thách, bệnh tật, già cả, thất bại, cô đơn, tội lỗi… như một cuộc Vượt Qua để trở về với Ngài.

“Đức Giê-su dâng lời chúc tụng, tạ ơn rồi nói: Đây là mình Thầy… Đây là máu Thầy” (Mc 14,22-24): Xin lưu ý chi tiết kỳ lạ: trong Mc, Đức Giê-su “thánh hiến rượu” sau khi các môn đồ đều đã uống. Chi tiết này tiêu trừ mọi tranh luận phụng vụ quá ư nệ luật của chúng ta… như thể việc đọc các lời truyền phép bằng La ngữ hay Pháp ngữ, đụng Mình Thánh bằng lưỡi hay bằng tay là điều tuyệt đối… Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi mọi cãi cọ, để đưa chúng con đi vào mầu nhiệm tình yêu Ngài, tình yêu tự hiến cách vui vẻ trong một “lời chúc tụng tạ ơn” (câu 22): “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Phần chúng ta? Sao không lợi dụng việc suy niệm cuộc Khổ nạn này để “hiến dâng từ bây giờ và cách tự ý” cái chết của chúng ta, cùng với cái chết Đức Giê-su? Phương cách tuyệt vời để không còn hãi sợ nó, nhưng để đón nó đến trong thanh thản an bình, như Đức Giê-su, với Đức Giê-su.

“Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”… (14,25): Vui tươi, thanh thản, an bình chờ đợi “ngày ấy”! Ngày của Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa rốt cục sẽ hiển trị, ngày tất cả sẽ là sự sống, tình yêu, hạnh phúc, tiệc mới, rượu mới… ngày “sẽ không còn sự chết, tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, nhưng là tiệc cưới của Con Chiên” (Kh 21,4)… “ngày tận thế”, hoàn tất thời gian, hoàn tất công trình Thiên Chúa, ngày cánh chung… mà tất cả chúng ta đang tiến về. Lạy Chúa, xin cảm tạ! Chớ gì mỗi thánh lễ là một cột mốc trên con đường dẫn chúng con tới “bữa tiệc rượu mới của Nước Cha”, bữa tiệc của tình yêu.

3. Cô đơn hoàn toàn

“Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện” (Mc 14,32). “Áp-ba, Cha ơi! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). “Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni, nghĩa là : Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34): Ta hãy theo Đức Giê-su. Người loan báo “tất cả” sẽ bỏ mình (Mc 14,27), mình sắp bị Phê-rô chối (Mc 14,30). Người đem theo “ba” môn đồ để ở với Người trong cơn hấp hối, và trở lại phía họ ba lần để van xin, nhưng họ “say ngủ” (Mc 14,33.37.40.41)… rồi tất cả “bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mc 14,50). Thậm chí trên thập giá, Người cũng sẽ cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ (Mc 15,34). Cô đơn hoàn toàn. Mọi con người đều chết cô đơn. Đức Giê-su đã không dùng mẹo tránh thoát. Người đã trọn vẹn chấp nhận “thân phận con người”.

Dẫu thế, trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giê-su không ngừng cầu nguyện. Hai lời cầu nguyện này, một ở Ghết-sê-ma-ni và một ở Gôn-gô-tha, Mc bảo ta rằng Đức Giê-su đã đọc trong tiếng mẹ đẻ, tiếng A-ram, ngôn ngữ ấu thơ của Người khi Đức Ma-ri-a dạy Người cầu nguyện: “Áp-ba” có nghĩa là “Ba ơi”… “Ê-lô-i” có nghĩa là “Thiên Chúa con thờ”… Lạy Chúa, xin giúp con dám cầu nguyện khi đau khổ, để nói như Chúa: 1- “Xin đẩy đau khổ này xa khỏi con!”. 2- “Nhưng không phải như con muốn mà như Chúa muốn!”. Nếu có một cuốn Kinh Thánh (nhưng lẽ nào một Ki-tô hữu lại chẳng có Kinh Thánh?), bạn hãy đọc Thánh vịnh 21, mà Đức Giê-su trên thập giá đã dùng để cầu nguyện. Thánh vịnh này khai mở trong cô quạnh hoàn toàn nhất, và kết thúc trong hớn hở ngược đời nhất… Một trong những chìa khóa bí mật, của bí mật mà chúng ta tìm kiếm trong cuộc Khổ nạn này.

4. Mạc khải đầy đủ

“Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không? Phải, chính thế! Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,61-62). “Ông là vua dân Do-thái sao? Đúng như Ngài nói đó!” (Mc 15,2): Trong thánh Mc, có hai phiên tòa dựng lên cho Đức Giê-su : một phiên tòa “tôn giáo” (Mc 14,53.65), trước Thượng Hội Đồng, trước “mọi thượng tế”… và một phiên tòa “chính trị” (Mc 15,12), trước Philatô, đại diện Rôma… để công bố cho thế gian biết “bí mật” căn tính đích thật của người bị xử, Giê-su thành Na-da-rét. Hai vụ án để nói lên trước mặt thiên hạ rằng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa” và là “Vua”…        

Này đây “bí mật” được bật mí: Đức Giê-su rốt cục cho biết mình là ai. Trong suốt cuộc sống công khai của mình, Người từng yêu cầu những ai đoán biết bí mật đó hãy giữ im lặng, vì người ta chỉ có thể “hiểu” được Thiên Chúa khi nhìn thập giá thôi: Người là “Con”, nhưng không như thiên hạ tưởng… Người là “Vua”, nhưng chẳng như nhân thế chờ… Người Con ấy là tất cả tình yêu, không khép kín trong chính “mình”: tình yêu tuyệt đối, chết cho “kẻ khác”… Vị Vua ấy là tất cả tình yêu, chẳng hề thống trị: Người là “tôi tớ” thí mạng cho “tha nhân”… Và điều này mới mẻ, gây hoang mang đến độ chẳng ai hiểu gì: khách qua đường “lắc đầu” trước ông vua Do-thái ấy (Mc 15,29-30) những kẻ tố cáo tiếp tục buộc tội Người phá hủy Đền thờ (14,58) các thượng tế tiếp tục nghĩ rằng Thiên Chúa hẳn sẽ phải xuống khỏi thập giá (15,31-32) hai tên gian phi tả hữu cũng “nhục mạ” Người (15,32). Còn các Tông đồ thì vắng mặt. Nhưng “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39): Xin lưu ý: “cách Đức Giê-su chết” đã làm chỗi dậy hành vi đức tin ấy… chứ không phải cuộc “phục sinh” vốn sẽ xảy ra sau này. Vâng, trước khi suy niệm về việc sống lại hồng phúc, cần suy niệm về “cái chết” của Đức Giê-su : “chết mới được nên lời”. Lạy Chúa, Ngài nói với con những gì qua cái chết ấy? Bạn hãy đọc lại trình thuật này… hãy lắng nghe bí mật chất chứa bên trong.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi