Theo lối sao đưa – Suy niệm Chúa Nhật Lễ Hiển Linh – Năm B

01/01/2021

Tin mừng  Mt 2,1-12

Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

************************************

THEO LỐI SAO ĐƯA

Trình thuật “mục đồng viếng máng cỏ” của Luca phản ảnh quan điểm lựa chọn người nghèo của ông. Phần Mát-thêu thì kể lại cuộc bái yết của những vị được gọi là các nhà chiêm tinh (vì biết ngắm sao đoán điềm trời) hay hiền triết (vì biết đi tìm lẽ khôn ngoan) hoặc đạo sĩ (vì cố công truy tìm chân đạo) ngay từ những trang đầu của Tin Mừng, bởi lẽ ông muốn trình bày họ như đại diện cho những vùng đất xa xôi mà Đấng Phục Sinh sẽ sai các môn đệ đến trong lần gặp gỡ cuối cùng ở Ga-li-lê: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

1. Một thể văn đặc biệt

Dưới cái vẻ bề ngoài ngây ngô cũng như chứa nhiều điểm phi lý (thành thử ta chớ hiểu theo mặt chữ mọi chi tiết), trang Tin Mừng quen thuộc này thực ra đã được hình thành một cách tài tình, bằng một thứ ngôn ngữ biểu tượng hoàn hảo, chứa đầy các điển cố Cựu Ước mà nó hoàn tất, và mang tính chất một bài tựa công bố các chủ đề của tác phẩm: dưới ánh sáng của cuộc Phục Sinh, tác giả trình bày lại thời thơ ấu của Đức Giê-su như đã có những điềm triệu tiên báo những gì rồi đây sẽ hiện tỏ trọn vẹn trong và sau biến cố Vượt Qua của Người. Ông chẳng bận tâm về tính xác thực lịch sử như chúng ta ngày nay là những kẻ nặng đầu óc thực nghiệm, cho bằng bận tâm về tính chân thực ý nghĩa của biến cố (nếu Đức Giê-su đã chẳng bị đồng hương mình đối xử tệ bạc và lương dân đã chẳng trở lại nhiều sau cuộc Phục Sinh cũng như chẳng công nhận Người như Thiên Chúa, như con người và như Vua vũ trụ thì trình thuật các đạo sĩ là vô nghĩa).

Quả thế, Mát-thêu đã thuật lại một câu chuyện khá kỳ dị: những đạo sĩ đến từ “phương đông”, chẳng rõ địa điểm chính xác. Lai lịch, tên tuổi, con số của họ đều không có… khiến người đời sau mãi tranh luận, đoán mò hay đặt tên “ẩu” (Gaspar, Melchior, Balthasar; ông là vua Phi châu, ông là vua Á châu và ông là vua Âu châu!?). Nhưng các chi tiết câu chuyện, dẫu mơ hồ hay mâu thuẫn, vẫn không thay đổi gì về giáo huấn của bản văn được linh ứng. Tác giả Tin Mừng chắc đã có một ý định khác hơn là thuật lại cho thế hệ mai sau một câu chuyện ly kỳ về cuộc viếng thăm bí mật của nhiều khách ngoại bang thế giá đối với “Vua dân Do Thái”.

2. Đồng hương đối xử tệ bạc

Trước hết, độc giả dễ dàng nhận ra ngay được ba cặp đối lập nhau (tiên báo cuộc Khổ nạn) làm thành cái khung của câu chuyện: 1- Giê-ru-sa-lem, trung tâm chính trị và tôn giáo khước từ Đấng đến để hoàn tất các lời hứa xưa, đối chọi với Bê-lem, nơi hạ sinh của Con vua Đa-vít mà các ngôn sứ đã loan báo từ bao thuở. 2- Các đầu mục dân Ít-ra-en (thượng tế và kinh sư) là những kẻ tự cho mình hiểu biết Kinh thánh nhưng lại không thể rời bỏ nơi ở của mình là Giê-ru-sa-lem để ra đi; họ đối chọi với các đạo sĩ ngoại giáo đã biết tìm kiếm, lên đường và sau cùng đã tìm gặp. Trong lúc phía bên kia “bối rối, xôn xao” thì phía bên này “mừng rỡ vô cùng”. 3-Hê-rô-đê, kẻ được gọi là “vua” nhưng nơm nớp lo sợ cho ngai báu của mình, đối chọi với Hài Nhi Bê-lem, Đấng là vua đích thật. Nơi Người đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia 60,1-6 (bài đọc 1), lời ngôn sứ Mikha 5,1 nói đến Bê-lem như nơi Đấng Mê-si-a sinh hạ, và lời tiên tri của Bi-lơ-am (Ds 24) báo trước sẽ có một “ngôi sao mọc lên từ nhà Gia-cóp”.

Như thế, qua nét tinh tế của bố cục và lối viết của mình, Mát-thêu đã công bố căn tính nhiệm mầu của Đức Giê-su, loan báo sứ mạng của Người, nói trước việc Người sẽ bị các đầu mục của dân mình chối bỏ (một chủ đề sẽ bàng bạc trong khắp cả Tin Mừng), cũng như sự kiện dân ngoại sẽ tìm đến với Hội thánh. Tắt một lời, chúng ta đang có trước mắt một “Tin Mừng thu nhỏ” (Cl. Tassin).

Ở đây có một câu hỏi: tại sao người ta lại biến các đạo sĩ thành những ông vua? Trong trình thuật của Mát-thêu đã có một ông vua: Hê-rô-đê khát máu, kẻ sẽ tàn sát các hài nhi ở Bê-lem. Mát-thêu muốn tiên báo điều sẽ xảy ra với Đức Giê-su chiều ngày Thứ Sáu trên gò Sọ. Ông cũng muốn nói rằng ngay từ khởi thủy, quyền lực chính trị đã phản ứng thô bạo để khử trừ tay thợ mộc thành Na-da-rét. Biến ba đạo sĩ này thành ba vua thờ lạy, phải chăng các tín hữu cổ thời muốn làm dịu bớt sự căng thẳng giữa quyền lực thế gian và Hài nhi yếu đuối? Nhưng ba vua đã hồi hương mà không gặp lại tên vua khát máu. Họ không muốn dính dáng với quyền lực. Họ trở về quê xa, lòng vẫn nhớ mãi kỷ niệm về một hài nhi bé nhỏ, nhưng sẽ làm lịch sử thế giới đổi chiều.

3. Lương dân tôn kính lạy thờ

Quả thế, ngay từ lúc bắt đầu viết, khi cho Đức Giê-su kết thúc trang gia phả như là hậu duệ của Ap-ra-ham và là mầm chồi từ dòng dõi Đa-vít, Mát-thêu dường như có ý xác định rằng Cứu Chúa của Ít-ra-en cũng là Cứu Tinh của mọi dân tộc. Các đạo sĩ đại diện cho toàn thế giới ngoại giáo đến phủ phục trước mặt Người. Nhờ các ngài mà “dân ngoại” lại là những kẻ đầu tiên tuyên xưng rõ rệt vương quyền của Đức Giê-su trên toàn thế giới, và có lẽ vì nhận vương quyền ấy mà tuyên xưng cả thần tính của Hài nhi Bê-lem nữa. Những sứ giả của “chư dân” này đi tìm Vua Do Thái mới sinh để dâng lễ vật cho Người. Tác giả Thánh vịnh đã chẳng tán tụng trước cử chỉ này đó sao? “… Từ Tác-sít đến hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật” (Tv 71,10). Sau khi đã tìm được “nhà” Người cư ngụ, các đạo sĩ dâng ba lễ vật: vàng là lễ vật cổ điển dâng cho nhà vua, nhũ hương bày tỏ sự thần phục tôn thờ Thiên Chúa và mộc dược, chất nhựa thơm dùng ướp xác, nói lên sự công nhận Đức Giê-su thực là người (Mát-thêu muốn chống lại phái “Ảo thân” chăng?). Đó là lối giải thích truyền thống sau này. Nhưng không ai nghi ngờ là độc giả đầu tiên của Mát-thêu, vì quá quen với Kinh thánh, nên qua cử chỉ của các đạo sĩ, đã khám phá ra hình ảnh lời sấm của I-sai-a (60,6) nói về Giê-ru-sa-lem vinh hiển thời cứu độ: “…Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa”. Cuộc phiêu lưu kỳ diệu này được bản văn Kinh thánh gợi ý nhiều hơn là tường thuật. Truyền thống Công giáo coi đó như là điển hình của việc tiến tới đức tin.

Không có gì cấm đoán chúng ta suy nghĩ như đa số các Giáo phụ: các đạo sĩ là những người thừa kế một truyền thống phát xuất từ Bi-lơ-am, vốn cũng là một Đông phương đạo sĩ (Ds 24,17), kẻ đã từng nói tiên tri: “…Một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng chỗi dậy từ Ít-ra-en”. Nên hiểu ngôi sao này không như một hiện tượng thiên văn, vật lý cho bằng như một ánh sáng của đức tin soi chiếu trong tâm hồn, một tiếng gọi nhiệm mầu mời gọi các đạo sĩ từ bỏ tất cả để lên đường, bất chấp những nguy hiểm của một cuộc hành trình dài lâu. Ánh sáng đó có khi đã vụt tắt, tiếng gọi đó có khi đã im tiếng, để các đạo sĩ đơn độc giữa đường (Mát-thêu nói ngôi sao chỉ xuất hiện bên Phương Đông, tắt khi gần đến Giê-ru-sa-lem và lại hiện lên lúc ra khỏi đó). Những người khác có lẽ đã quay gót trở về. Nhưng đức tin của các bậc dũng cảm này nhìn thấy con đường vẫn đi được. Họ tiếp tục hành trình không gì hướng dẫn cho đến Giê-ru-sa-lem. Ở đó, nhờ KT qua miệng những kẻ kém đức tin hơn mình (“ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái” Ga 4,22), họ đã nhận được lời chỉ vẽ, để lại đi cho tới Bê-lem.

Khi đưa dẫn các khách phương xa này đến tận Máng cỏ, Mát-thêu muốn loan báo rằng Đức Giê-su đã đến vì tất cả mọi người, đã trở nên người giữa mọi người. Người đã mời gọi ai nấy vượt qua các biên giới để gặp gỡ nhau trong tình yêu nhận được từ Cha chung. Người đã gầy dựng một nhân loại hợp nhất. Kể từ nay, ai cũng là một con người, một người con của Thiên Chúa, một kẻ được ưu tuyển, ưu ái, cho dù họ thuộc màu da sắc tiếng nào đi nữa.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi