Quan niệm Đức Giêsu về của cải – Suy niệm Chúa Nhật 18 thường niên – Năm C

29/07/2022

Tin Mừng Lc 12,13-21

Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với đám đông: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”.

Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

************************************

QUAN NIỆM ĐỨC GIÊ-SU VỀ CỦA CẢI

1. Qua thái độ từ chối phân xử chuyện gia tài

“Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài của tôi”. Đây là một vấn đề cụ thể, thực tế, luôn mang tính thời sự. Để hiểu rõ câu đáp của Đức Giê-su, phải biết pháp chế thời Người. Theo luật Do-thái (Đnl 21,17), khi có chuyện thừa kế, toàn bộ gia tài bất động sản, nghĩa là đất đai và nhà cửa, đều thuộc về trưởng nam. Người này cũng được gấp đôi phần động sản (tiền của, đồ đạc…). Và chỉ con trai mới có quyền thừa kế. Chung cho toàn bộ Đông phương cổ và cho nhiều nền văn minh suốt lịch sử, pháp chế ấy muốn bảo vệ gia sản bằng cách đặt định một “gia chủ” có đặc huệ: quyền trưởng nam.

Hoàn cảnh xảy đến có lẽ là một “anh cả” đã chiếm lấy toàn bộ gia sản và không giao cho em mình phần nhỏ thuộc về nó. Chính trong bối cảnh ấy mà chàng thanh niên đã nại đến uy tín tinh thần của Đức Giê-su. Ngày nay cũng thế, người Do-thái thường xin một rabbi nổi tiếng phân xử những vấn đề quyền lợi. Đối với tất cả, câu trả lời thật rõ rệt và dễ dàng: phải bảo người anh chia sẻ cho em, đó là công lý đơn giản! Đó cũng là chiều hướng của Tin Mừng, được Đức Giê-su lặp lại lắm lần: anh em hãy yêu thương nhau… Thế nhưng câu trả lời của Đức Giê-su gây sửng sốt: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”. Rõ ràng là Đức Giê-su tránh né. Đứng trước một bất công nhãn tiền, Người xem ra chẳng màng đến sự việc. Thật quá thể! Điều đó đi ngược với cả Tin Mừng, với mọi đường hướng của Giáo Hội, và thậm chí với lương tâm nhân loại sơ đẳng nhất. Ki-tô hữu chẳng phải làm tất cả để các bất công trên thế giới này ngừng lại sao? Ki-tô hữu phải chăng có quyền bất quan tâm đến những chuyện trái đất để chỉ nghĩ tới cõi trời?

Thành thử phải cố gắng hiểu rõ thái độ từ chối này. Nhiều lối giải thích khả dĩ, có lẽ bổ túc cho nhau. 1- Theo Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đang tiến về Giê-ru-sa-lem, nơi Người sắp chết trong vài ngày nữa: vị “rabbi” trẻ có trong óc lắm chuyện khác để ưu tư hơn là những tranh chấp nhất thời này… mà rốt cục sẽ thu xếp được lúc này lúc khác. 2- Theo tính khí cá nhân và rất ư là Đông phương, Đức Giê-su năng trả lời bằng một “ẩn ngữ”, một “mashal” khiến thiên hạ phải suy nghĩ. Ta thường thấy Người khoác một dáng vẻ nghịch lý và gần như thái quá cho các lời của mình. Người đáp lại câu hỏi đặt cho mình bằng cách đặt một câu hỏi khác. Tính cách ấy, Đức Giê-su có từ lúc còn thơ: Người đã trả lời mẹ bằng lối khó hiểu đó ngay khi 12 tuổi. Trong nhiều dịp, Người xem ra không trả lời, gây nên những “ngộ nhận” thời danh, rất thường thấy trong các cuộc tranh luận nơi Tin Mừng Gio-an giữa Đức Giê-su và giới trí thức Do-thái… Có sự chênh lệch, khác “tần số”: người ta nói đến những chuyện khác nhau dù dùng từ ngữ như nhau. Phải xem lại các lần “giả bộ từ khước” này của Đức Giê-su. Chúng chẳng phải tình cờ. Tại Ca-na, Người có vẻ không chịu làm phép lạ đầu tiên theo yêu cầu của mẹ (x. Ga 2,3-4). Người nói mình sẽ chẳng “long trọng lên Giê-ru-sa-lem”, nhưng sau đó đã lên (x. Ga 7,3-6). Người chẳng chịu tiết lộ Ngày Quang lâm bằng cách quả quyết mình không biết mà “chỉ duy Chúa Cha biết” (Mt 24,36). Dân Do-thái xin “dấu lạ”, Người từ chối mà rằng sẽ chỉ cho dấu lạ Giô-na bí ẩn (x. Mt 16,1-4; 12,38-40). Thành thử ở đây, thái độ từ khước bước vào chuyện chia gia tài không đương nhiên có nghĩa Đức Giê-su chẳng quan tâm đến điều đó: phần tiếp của trình thuật sẽ cho ta thấy tư tưởng sâu xa của Người. 3- Nhưng có lẽ lý do đúng nhất của việc từ chối bày tỏ lập trường này, chính Đức Giê-su gợi lên cho ta trong câu hỏi: “Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”. Vâng, Người muốn qua đó bảo rằng các chuyện trần gian, các chuyện tiền bạc này chẳng phải là vai trò lẫn sứ mạng của Người, mà là của xã hội dân sự. Đức Giê-su từ khước sự lẫn lộn ấy. Người không chịu đặt mình thế chỗ chúng ta. Công đồng Vatican II, trong chiều hướng này, đã không ngừng đưa các giáo dân về lại ý thức và khả năng riêng của họ: “Giáo dân hãy mong đợi ánh sáng và sức mạnh tinh thần nơi các linh mục. Tuy nhiên họ đừng vì thế mà nghĩ rằng các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể có ngay một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng” (Hiến chế Mục Vụ số 43). Đó là điều Đức Giê-su đã thực hiện. Người trả lại vấn đề phân chia tài sản cho những kẻ có thẩm quyền.

“Và Người nói với đám đông: Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Việc Đức Giê-su từ chối đảm nhận trực tiếp một phận sự trần thế thành thử không có nghĩa Người chẳng có chi để nói về các chuyện thế trần. Người sắp nhắc lại một lý tưởng, một nguyên tắc chủ yếu. Vai trò của Người nằm trên chính mức độ đó, và vai trò này mang tính “chính trị” theo nghĩa sâu xa của từ ngữ… nghĩa là sứ vụ và sứ điệp của Người liên quan đến cuộc sống xã hội trần gian. Như Đức Giê-su, Giáo Hội không trung lập. Giáo Hội thấy mình phải trao ban một sứ điệp, đưa ra nhiều phán đoán về các chuyện trần gian, nhưng vẫn để cho các quan tòa, viên chức, hữu trách trần thế trách nhiệm áp dụng cụ thể sứ điệp lẫn các phán đoán này… Nguyên tắc Đức Giê-su khẳng định ở đây nằm trong trách nhiệm của Người, sứ giả của Thiên Chúa: Xã hội trần gian đâu có mục đích sản xuất và hưởng thụ tối đa của cải! Không, điều chủ yếu chẳng phải là phục vụ tiền bạc hay lợi nhuận, song là phục vụ con người! Chính “sự sống con người” mới là trên hết chứ chẳng phải của cải! Và “sự sống” này có tùy thuộc của cải đâu! Rồi Đức Giê-su triển khai tư tưởng của mình bằng cách kể một dụ ngôn đầy cao hứng gần như chế giễu, nhấn mạnh tới các lo lắng của một nhà phú hộ!

2. Qua dụ ngôn về người phú hộ ngu ngốc

“Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”. Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này…” Đức Giê-su đọc “Kinh Tin kính” của một tay duy vật chính hiệu: niềm tin vào hạnh phúc nhờ vật chất! Người lên án y bằng cách nêu bật lòng ích kỷ của y: “Tôi… tôi… tôi… Tôi sẽ làm… tôi sẽ phá… tôi sẽ dựng… Hoa lợi của tôi… kho lẫm của tôi… lúa má của tôi… bản thân của tôi…”. Nghỉ ngơi, ăn uống, khoản đãi! Vâng, Đức Giê-su đã từng thấy quanh mình các “yến tiệc” trong đó người ta “phung phí tiền bạc” vào chuyện “nhậu nhẹt” với ca nhạc đi kèm!

“Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng người, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Đồ ngốc! Mọi tính toán của nhà phú hộ tỏ ra lệch lạc cách bi thảm. Ông ta đã hoàn toàn sai lầm: của cải đâu tạo ra hạnh phúc… Chẳng có liên hệ nào giữa sự dư đầy của cải trần thế và an ninh đích thực… mạng sống con người không tùy thuộc của cải mình… tiền bạc chẳng mua được thời gian!

Kinh thánh không ngừng đối chiếu “nabal”, kẻ điên rồ… với “maskil”, người khôn ngoan… Đức Giê-su cũng khẳng định rằng chẳng biết nhận ra của cải đích thật, ý nghĩa đích thật của cuộc đời là thiếu lương tri, thiếu nhận thức. “Điên rồ” là năm thiếu nữ khờ dại đã chẳng dự trữ dầu đèn đêm đợi chờ Chàng Rể (x. Mt 25,2). “Điên rồ” là những kẻ cùng thời với Đức Giê-su chẳng biết đọc ra các “dấu chỉ thời đại” (x. Lc 12,56). “Điên rồ” là kẻ mù để kẻ mù dắt và liều mình “rơi xuống hố” (x. Lc 6,39). “Điên rồ” là tay phú hộ giới hạn chân trời của mình vào trái đất, vào mùa màng, vào kho lẫm, vào cái bụng của y.

Đấy là lý do sâu xa (lý do thứ tư) khiến Đức Giê-su từ chối can thiệp trực tiếp vào các việc đời. Người gần như dữ dội và thẳng thừng khẳng định: “sự sống” con người chẳng kết thúc ở trần gian. Sứ điệp chủ yếu, nhiệm vụ ngôn sứ của Đức Giê-su là ở đó: phần chủ yếu của cuộc sống, thường bị quên lãng, vô cùng vượt trên những gì đầu tư của chủ nghĩa duy vật. Riêng Đức Giê-su, Đấng sắp chết trong vài ngày nữa, không muốn làm giàu cho một con người, dẫu điều này là chính đáng: phần gia tài này chẳng phải là của cải đích thực của anh. Chúng ta tự nhiên nghĩ ngược lại với Người, phải thành thật thú nhận vậy. Tuy nhiên, một tiếng nói nho nhỏ trong ta bảo ta rằng Người có lý. “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Chớ bóp méo tư tưởng của Đức Giê-su. Của cải tự nó không xấu. Tiền bạc vẫn có thể trở nên tốt, nếu nó không chỉ “dùng cho mình” (Lc 12,33-34).

Có một bài thơ về tiền bạc như sau: “Công nhân đổ mồ hôi để có được nó. Kẻ hoang phí thì đốt nó. Chủ ngân hàng đem nó cho vay. Đàn bà tiêu xài nó. Tên lưu manh làm giả nó. Nhân viên thuế vụ lấy nó. Người hấp hối lìa bỏ nó. Kẻ thừa kế tiếp thu nó. Người tiết kiệm để dành nó. Gã keo kiệt thèm khát nó. Thằng ăn trộm chộp lấy nó. Tay cờ bạc bị mất nó. Phần tôi thì dùng nó”. Vấn đề là dùng nó thế nào! Và một câu chuyện về tiền bạc: “Có bà phú hộ kia qua đời. Vừa bước qua cánh cửa sự chết, bà được thánh Phê-rô dẫn đi xem Thiên đàng. Bà thấy Thiên đàng là một vùng đất mênh mông, trên đó xây vô số ngôi nhà, to có nhỏ có, xấu có đẹp có, mỗi nhà dành cho một người ở. Ngang qua một dinh thự nguy nga, bà buột miệng hỏi thánh Phê-rô: “Nhà của ai mà đẹp thế thưa Thánh cả?” – “Nhà của kẻ từng làm đầy tớ cho bà đó!” Bà phú hộ đắc chí nghĩ trong lòng: “Đầy tớ của mình mà đã như thế, mình là chủ hẳn có dinh thự huy hoàng hơn”. Đi tiếp, ngang qua một túp lều tranh tồi tàn, bà bồi hồi hỏi: “Nhà của ai mà thê thảm vậy?” – “Của bà chứ còn của ai nữa!” – “Đầy tớ con còn có dinh thự nguy nga kia, sao con là chủ mà phải ở túp lều thế này? Bất công quá!” – “Khi còn sống, hằng này bà gởi vật liệu lên thế nào thì tôi làm nhà cho bà thế ấy, kêu ca gì nữa!” Quả vậy, cái gì cho thì còn mà giữ thì mất !!

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi