Người ở giữa anh em – Suy niệm Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – Năm B

11/12/2020

Tin Mừng GA 1,6-8.19-28

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?”. Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô”. Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?”. Ông nói: “Không phải”. “Ông có phải là vị Ngôn sứ chúng tôi đang trông đợi chăng?”. Ông đáp: “Không”. Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”. Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói”.

Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là Ê-li-a hay vị Ngôn sứ?”. Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

*********************************************

NGƯỜI Ở GIỮA ANH EM

Charles Lamb là một văn sĩ nổi tiếng nước Anh thế kỷ 18. Buổi tối nọ, năm sáu văn sĩ khác tụ họp ở nhà ông để thảo luận về các đề tài văn chương. Bỗng nhiên, có một người đặt vấn đề: Chúng ta sẽ làm gì nếu được gặp gỡ các danh nhân thế giới trong các thời đại đã qua. Rồi ông ta đưa ví dụ: “Nếu giờ đây Dante (đại thi hào nước Ý) bước vào phòng này? Giả như đêm nay có Shakespeare (kịch tác gia nước Anh) cùng tham gia thảo luận với chúng ta?”. Lamb hô to: “Tôi sẽ hân hoan giơ tay đón tiếp các vị như những ông hoàng của tư tưởng”. Cuối cùng một người nói: “Còn nếu Đức Ki-tô bước vào phòng này?”. Charles nghiêm nét mặt nói: “Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều quỳ xuống!” Đó là thái độ đúng đắn để tiếp đón Đức Ki-tô. Người khác với mọi danh nhân trong lịch sử, vì Người là Thiên Chúa. Gio-an Tẩy giả đã làm chứng điều này.

1. Chứng nhân.

Cùng với Ma-ri-a, Gio-an Tẩy Giả là khuôn mặt lớn của mùa Vọng. Mỗi năm, Chúa nhật thứ hai và thứ ba mùa này được dành cho ông hoàn toàn. Một thánh ca đã hát về vai trò độc nhất vô nhị của Gio-an như sau: “Là ngôn sứ sau cùng của Cựu Ước, chứng nhân đầu hết của Đức Giê-su Ki-tô, là tiếng kêu vang lên trong hoang địa, rồi khiêm tốn tắt dần trước Đấng mình loan báo: đó là sự cao cả và niềm hân hoan của ông, mà bây giờ đã nên trọn. Hỡi chứng nhân của ánh sáng, xin nói cho chúng tôi hay Đấng Mêsia sẽ đến với chúng tôi bằng con đường nào?” Thật thế, không một con người nào đã tượng trưng mùa Vọng hơn Gio-an. Ông là vị sau cùng trong các ngôn sứ lớn của Cựu Ước (x. Lc 1,76; Mt 11,9): thành thử là con người gạch nối giữa quá khứ với tương lai.

Ông đến như “chứng nhân ánh sáng”! Tước hiệu nào đẹp hơn nữa! Gio-an là con người của chứng từ. Ba Tin Mừng kia trình bày ông như “kẻ rao giảng lòng hối cải”. Tin Mừng thứ tư cho thấy ông như “chứng nhân của ánh sáng”, “chứng nhân đầu tiên của Đức Giê-su Ki-tô”. Xin nhớ từ “chứng nhân” trong tiếng Hy Lạp viết là “martyros (tử đạo), và trong thực tế, Gio-an đã là vị “tử đạo đầu tiên” của Đức Giê-su (x. Mc 6,27). Tin Mừng thứ tư sở dĩ trình bày Gio-an như thế bởi lẽ nó đầy ắp ý tưởng: thế gian “kiện tụng” Đức Giê-su. Thiên hạ từ chối Người, tố cáo Người. Và vụ kiện này tóm tắt trong câu hỏi: “Nhưng ông ta là ai?” Lúc đó, nhiều chứng nhân đứng lên để làm chứng cho bị cáo. Tiếng “lời chứng” được sử dụng 14 lần, và động từ “làm chứng” 33 lần. Chứng nhân đầu tiên ra trình diện, đó là Gio-an Tẩy Giả: “Ông đến để làm chứng cho ánh sáng”. Tôi có khả năng bênh vực cho Đức Giê-su khi thiên hạ tố cáo Người chăng?

Gio-an Tẩy giả, đó là “chứng nhân” ở trạng thái tinh ròng, kẻ chỉ hiện hữu để quy chiếu về một người khác! Ông từ chối tước hiệu Ki-tô (x. Ga 1,20). Ông mong “lu mờ” để Người “nổi bật” (Ga 3,30). Ông không phải là Ánh sáng, nhưng là ngọn đèn nhỏ cháy trong đêm (x. Ga 5,35). Ông là “tôi tớ” không đáng cởi quai dép cho chủ (Ga 1,27). Ông chỉ là “bạn của Tân lang”, đứng xa xa, ẩn lánh (Ga 3,29). Ông đã hoàn tất “sứ vụ” bằng cách tự đình công việc để có lợi cho Đức Giê-su, bằng cách tự tước bỏ mọi môn đồ để phái họ đi theo một “Đấng khác” (Ga 1,35-39). Sau cùng, trước khi thấy chiến thắng của Đấng phục sinh, ông đã chết trong tăm tối của sự nghi ngờ: “Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?(Mt 11,2-19). Như thế, Gio-an không chỉ là “chứng nhân” tuyệt hảo, song cũng là “tín hữu điển hình”: “kẻ không thấy mà tin” (Ga 20,29).

2. Chứng từ.

“Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do Thái hỏi ông: “Ông là ai? Tại sao ông làm phép rửa?…”: Câu này mời gọi ta tự vấn về vai trò nhân chứng của mình. Mọi Ki-tô hữu phải là một chứng nhân cho Đức Ki-tô. Thế mà chúng ta thấy chính cách sống của Gio-an đã khiến kẻ đương thời đặt câu hỏi. Thiên hạ hỏi ông về căn tính của ông. Phải chăng ta cũng là một câu hỏi cho những ai nhìn thấy ta sống? Phải chăng trong các thái độ của ta, có cái gì khiến thiên hạ suy nghĩ? Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống cách nào khiến chung quanh con, đồng nghiệp con, những người liên hệ với con tự hỏi về “bí quyết” đã giúp chúng con sống như vậy.

“Tôi không phải là Đấng Ki-tô… Vị Ngôn sứ… tôi chỉ là một “tiếng kêu” trong hoang địa…”. Như thế, sau câu hỏi về căn tính của Gio-an, người chứng… thiên hạ tìm kiếm căn tính của Đức Giê-su. Câu hỏi đầu tiên của những kẻ điều tra là: “Phải chăng ông tự coi mình là Đấng Ki-tô?” và câu hỏi thứ hai, câu hỏi đích thật đốt cháy môi miệng của họ, liền được gợi: “Nhưng Đấng đó là ai? Ông có biết Người không nhỉ?” Câu trả lời của Gio-an có hai vế: ông bắt đầu bằng cách khiêm tốn nói mình chẳng phải là Đấng Ki-tô… đoạn thêm rằng mình chỉ muốn là “tiếng”, tiếng của một người! Hôm nay, Giáo Hội và mỗi Ki-tô hữu phải biết lấy lại lời chứng can đảm của Gio-an. “Hỡi Giáo Hội, ngươi nói về mình thế nào? Ngươi tự coi mình là ai? Hỡi Ki-tô hữu, ngươi nói về mình thế nào? Ngươi tự coi mình là ai?” Không! Tôi không phải là Đức Ki-tô. Tôi chỉ là một âm vang của Người. Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi các tham vọng của mình, tham vọng chiếm hữu chân lý, tham vọng làm “đại lý độc quyền” của Đức Giê-su Ki-tô.

Vì Đức Ki-tô loài người tìm kiếm đã ở giữa lòng các hy vọng, các đấu tranh, các tình yêu loài người chứ không chỉ ở nơi Giáo Hội hay Ki-tô hữu: “Nhưng có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Sự trổi vượt duy nhất của Giáo Hội, của Ki-tô hữu, đó là “nhận biết”, “chỉ ra” Đấng mà loài người chờ đợi và dò dẫm tìm kiếm nhưng đã hiện diện trong cuộc sống của họ rồi. Ví dụ khi Liên Hiệp Quốc công bố “Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới” ngày 10-12-1948, chúng ta nhận ra rằng đó là một sự “hiện diện” của Đấng đã ở “giữa” mặc dầu Người không được “biết”. “Ta đói, và các ngươi đã công nhận quyền được tôn trọng phẩm giá của Ta…”. Nhân loại ngày càng khao khát công lý hơn, điều đó nói lên sự hiện diện của Đấng là “tất cả sự công chính”. Việc nhiều người thuộc mọi tôn giáo, nhiều lãnh đạo Quốc gia thuộc mọi ý thức hệ, đã có thể công bố một bản văn như vậy, đó chẳng phải là một “dấu chỉ thời đại” sao? “Ở giữa anh em có Đấng cao cả… cho dẫu anh em không gọi tên được Người”. Ki-tô hữu sẽ làm trái khi “lấy lại”, “đoạt lại” phong trào tranh đấu cho Nhân quyền này…, vì chúng ta cũng thuộc số những kẻ năng nhạo báng các quyền đó, mỗi lần chúng ta khinh bỉ một người anh em. Nhưng làm sao chúng ta không vui được khi trong nhân loại hôm nay, đòi hỏi tôn trọng mọi người đó đang lớn mạnh, vì chúng ta là những kẻ biết Thiên Chúa đã làm “người”, biết rằng trong Đức Ki-tô, “bản tính nhân loài đã được nâng lên một phẩm giá trổi vượt…”, biết rằng điều ấy chẳng những có giá trị đối với những ai tin vào Đức Ki-tô, mà còn đối với mọi người thiện chí, đang được ân sủng tác động cách vô hình trong tâm hồn…” như quả quyết minh nhiên của Công đồng Vatican II (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 22/2.4)

“Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết, Người sẽ đến sau tôi…”: Tất cả cuộc sống Đức Giê-su đã được đánh dấu bằng sự “ẩn danh” này. Thiên Chúa không đến như một tiếng kèn vang, hay như tiếng ầm của một cơn giông tố. Người đâu phải là “đấng đè bẹp” hay “thống trị”. Người tựa tiếng thì thầm của “gió mà ta không biết từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Ga 3,8). Thiên Chúa là “Đấng để cho mình bị tố cáo, đóng đinh, đè bẹp”. Phi lý! Không! Đó là sự thật, vì Người là “Thiên Chúa mai ẩn”, vì “Hữu thể” của Người vượt thoát mọi nắm bắt của chúng ta. Căn tính của Đức Giê-su (“Vậy ông là ai?) cũng vượt thoát mọi dò xét của lý trí, vì Người đúng là vị “Thiên Chúa mai danh” “giấu ẩn”!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra Người ở đâu Người trốn ẩn. Con đã tìm Chúa trong sức khỏe, trong thành công, trong tình bạn, trong hạnh phúc cuộc sống (và Chúa cũng có đó!). Nhưng cái đã xảy đến cho con, ấy là bệnh tật, là nghèo khổ, là thất bại trong cuộc sống hôn nhân, cuộc sống gia đình, cuộc sống nghề nghiệp. Lạy Chúa xin giúp con chớ bỏ qua sự hiện diện giấu ẩn của Người. Này bạn, nếu bạn khám phá Ta luôn hiện diện dù ẩn giấu, bạn sẽ khám phá ra một nguồn vui mà không ai, chẳng gì sẽ có thể lấy mất được… niềm vui của lời kinh những kẻ khó nghèo: “Hồn tôi ngợi khen Chúa” (Magnificat), niềm vui của Gio-an Tẩy giả khi thấy bản thân nhỏ dần, thì nỗi hân hoan càng “trọn vẹn” (Ga 3,29-30).

Lm Phêrô Phan Văn Lợi