Khởi đầu nhỏ bé – Kết thúc vĩ đại – Suy niệm Chúa Nhật 11 thường niên – Năm B

13/06/2024

Tin Mừng Mc 4,26-34

26Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28Đất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa”.

30Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? 31Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. 32Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

33Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. 34Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

************************************

 KHỞI ĐẦU NHỎ BÉ – KẾT THÚC VĨ ĐẠI

Chương về các dụ ngôn của Mc (4,1-34) có hai phần lớn: phần dụ ngôn người gieo giống (cc.3-8) với lời giải thích (cc.14-20) và phần dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc (cc.26-29) cùng dụ ngôn hạt cải phát triển mạnh (30-32). Ngoài ra, người ta còn gặp một lời tuyên bố về mục đích các dụ ngôn (cc.11-12), hai tiểu dụ ngôn nói lên trách nhiệm của các thính giả là cái đấu và cái đèn (cc.21-25), sau cùng là câu kết luận về việc Đức Giê-su dùng phương pháp dụ ngôn (cc.33-34). Ba phần nhỏ bổ túc này rất giàu ý nghĩa. Chúng cho thấy cách thức tác giả quan niệm về các dụ ngôn.

Hôm nay chúng ta nghiên cứu hai dụ ngôn cuối cùng trong 5 dụ ngôn của Mc bằng cách đặt chúng lại trong bối cảnh Đức Giêsu thi hành sứ vụ của Người.

1. Hạt giống âm thầm mọc: công trình tại thế của Đức Giê-su

Hạt giống được trình bày với nhiều giai đoạn tăng trưởng được mô tả khá chi tiết (cc.27-28). Tuy nhiên, người ta lưu tâm đến thái độ của kẻ gieo hơn. Sau khi gieo, bác nông phu trở lại đời thường: “Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” Lòng đất tự làm việc, cho sinh hoa kết quả. Điểm nhấn mạnh nằm ở chỗ ấy: thời gian lúa lớn lên, bác nông phu không phải làm chi trong ruộng của mình cả.

Đột nhiên với c.29, tình hình thay đổi. «Lúa vừa chín», bác nông phu liền đem liềm ra gặt. Sự chú ý tập trung trên ông lần nữa, trên việc thay đổi đột ngột thái độ của ông.           

Câu “Người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa” là một trích dẫn ám tàng Ge 4,13: “Các nggươi hãy tra liềm vào, vì đã tới mùa lúa chín”. Đây là đoạn văn thời danh trong đó ngôn sứ loan báo việc phán xử Thiên Chúa sắp thi hành trong thung lũng Giô-sa-phát trên các dân tộc (Ge 4,12-16). Khải huyền 14,14-16 cũng ám chỉ điều đó: “Xin vung liềm của Ngài mà gặt, vì đã đến giờ gặt: mùa màng trên đất đã chín rồi” ! Đấng ngự trên mây quăng liềm của mình xuống đất và đất bị gặt”. Rõ ràng mùa gặt mà câu kết dụ ngôn nói đến chính là cuộc Phán xét trong Ngày cánh chung ; sự can thiệp của người nông phu lúc gặt khiến liên tưởng đến sự ra tay cuối cùng của Thiên Chúa.

Giờ ta hãy nói tới thời gian dài trước mùa gặt, lúc bác nông phu chẳng quan tâm đến ruộng mình. Theo điều mới thấy trên, thái độ của ông giúp ta hiểu thái độ của Thiên Chúa. Đúng là như thế vì ta đang đứng trước một dụ ngôn về Nước Trời: bởi lẽ việc Vương quốc Thiên Chúa đến chỉ có thể là công việc của chính Thiên Chúa, nên nhân vật chính trong dụ ngôn này tự nhiên minh giải cách thức Người dùng để thiết lập vương triểu của Người.

Thành ra dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc giả thiết rằng: trước khi Thiên Chúa can thiệp vào Ngày Phán xét, có một thời gian Người để mọi vật đi theo đường của chúng và cho cảm tưởng là bất quan tâm đến các việc xảy ra nơi đồng ruộng thế gian. Nhưng thời ở dưng này vẫn có tầm quan trọng và nó khiến ta nghĩ rằng Đức Giê-su đã đụng đến trong đó mối bận tâm của các thính giả. Mối bận tâm này xuất hiện nơi nhiều đoạn Tin Mừng, đặc biệt đoạn nói về nỗi ngạc nhiên của Gioan Tẩy giả trước thái độ của Đức Giê-su (x. Mt 11,2-6). Đức Giê-su tuyên bố vương triều Thiên Chúa gần đến. Thế là ai nấy đều nghĩ: việc thiết lập Vương triều phải bắt đầu bằng chuyện trừng phạt hay loại trừ mọi tội nhân không đáng thông phần ân huệ của Vương triều (x. Mt 3,10.12). Vậy nếu, như lời Đức Giê-su phán, Thiên Chúa đã thực sự quyết định lập vương triều Người trên trái đất, tại sao chưa thấy có dấu gì về cuộc ra tay khủng khiếp phải chuẩn bị cho Vương triều ấy cả ?

Để giải đáp thắc mắc này, Đức Giê-su dùng một kiểu so sánh: như người nông phu không can thiệp gì trong ruộng đồng trước khi đến mùa gặt, Thiên Chúa cũng chẳng làm khác hơn. Nhưng đừng lầm tưởng: thời gian sứ vụ này của Đức Giê-su, trong đó Thiên Chúa gây cảm tưởng bỏ bê công việc đã bắt đầu, chính là thời gian đi trước và liên hệ tới Mùa gặt Cánh chung. Khi giải thích cho thính giả hiểu sự ở nhưng của Thiên Chúa vốn làm họ ngạc nhiên và bất mãn, Đức Giê-su kêu mời họ chớ quên rằng thời kỳ hiện tại, thời kỳ sứ vụ tại thế của Người, là giai đoạn cuối cùng của lịch sử cứu độ, chuẩn bị cho sự can thiệp tối hậu của Thiên Chúa nhằm phán xét và dứt khoát thiết lập Vương quốc của Người. Sứ vụ của Đức Giê-su liên quan chặt chẽ với các biến cố sau cùng, từ đó tạo ra tính nghiêm trọng của giờ phút ta đang sống trong lịch sử. Số phận chung quyết của ai nấy tùy thuộc thái độ của họ lúc này đối với sứ mệnh Đức Giê-su.

Qua dụ ngôn thứ nhất này, Đức Giê-su kêu mời ta hãy biết chuẩn bị cho mùa gặt tối hậu. Như hạt giống mỗi ngày âm thầm mọc lên, sinh bông rồi chắc hạt, đời ta cũng phải âm thầm xây dựng với bao nỗ lực từng mỗi phút giây. Nỗ lực thanh luyện tâm hồn, gạn lọc ý hướng, giáo dục lương tâm, nói tóm là nỗ lực tập chọn Thiên Chúa để có thể sẵn sàng nói lên tiếng chọn lựa dứt khoát vào giờ sau cùng (mà có khi bất ngờ) của cuộc đời ta. Đừng tưởng Thiên Chúa như bất can thiệp mà sống không chuẩn bị, không cố gắng, nghĩ rằng mình sẽ ăn năn trong giờ sau hết. Hạt lúa có chờ đợi lúc đến gần mùa gặt để đâm bông sinh trái đâu. Thiên Đàng là kết quả của bao tháng ngày sống thánh hiện tại chứ chẳng phải là sự lật ngược tình thế nhờ ăn năn vào giây phút cuối đời.

Người ta kể rằng một hôm Xa-tan tổ chức buổi kiểm tra xem đàn em đồng đảng cỉa nó có những thủ đoạn nào để lôi kéo con người xuống hỏa ngục. Nó hỏi: “Bọn bay có độc chiêu nào không ?” – “Tôi sẽ bảo con người là chẳng có thiên đàng !” – “Không được ! Nói thế, con người không tin đâu” – “Hay là bảo chúng: đừng lo, chẳng có hỏa ngục !” – “Cũng không được ! Chúng biết sẽ gánh hậu quả nếu làm điều dữ !” – “À ! Tôi nghĩ ra rồi ! Chúng ta cứ nói với thiên hạ rằng: các ngươi cứ vui chơi, cứ hưởng thụ, cứ phạm tội… thời gian còn dài mà ! Từ từ ăn năn hối cải. Việc gì mà phải vội. Gần chết xưng tội là xong…”. Xa-tan khoái chí quyết định: “Tuyệt vời ! Ý mày quả là độc chiêu, độc đáo. Nào ! mau lên trần gian thực hiện đi”.

2. Cây cải lớn phát khiếp: chiến thắng tối hậu của Nước Trời

Dụ ngôn này đến tay chúng ta dưới hai hình thức khác biệt: một là bản văn Mc, hai là bản văn Lc (13,18-19). Khác biệt chủ yếu nằm trong sự kiện Mc dùng thể miêu tả, nói lên phương cách các sự việc thường xảy ra, đang khi Lc dùng thể ký thuật, kể lại những gì đã xảy ra một lần nào đó cho một người từng vất một hạt cải trong vườn mình.

Cấu trúc của dụ ngôn cũng khác nhau hẳn. Bản Mc nhấn mạnh sự tương phản giữa tình trạng hạt cải lúc ban đầu: “Nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống trên mặt đất”, và lúc kết thúc: “nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau, cành lá sum suê”. Trái lại trong Lc, trình thuật theo một chuyển động thẳng hàng, nhấn mạnh đến sự tất nhiên của tiến trình biến đổi hạt giống thành một cây to. Tính chất tương phản trong bản văn Mc khiến dụ ngôn này gần gũi hơn với dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc hay dụ ngôn người gieo giống đi ngay trước. Tính chất ấy tương ứng với vấn đề (vừa nêu trên) từng hơn một lần được đặt ra cho Đức Giê-su trong sứ vụ công khai của Người.

Như đã thấy, nét cuối cùng xoay hướng, điều khiển việc giải thích. Để diễn tả tầm vóc to lớn của cây cải, Mc viết: “chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Thành ngữ này gợi lại chiêm bao của Na-bu-cô-đô-nô-xo trong Đn 4. Nhà vua nằm mộng thấy một cây khổng lồ: “Thú vật ngoài đồng tìm bóng mát dưới gốc, chim trời trú ngụ trên cành” (c.9). Đa-ni-en tiếp: cây đó (x. c.18) biểu hiện chính nhà vua. Ed 31,6 cũng mô tả Pha-ra-ô, vua Ai cập, dưới đường nét một cây bá hương lộng lẫy: “Trên cành cây, mọi chim trời đến làm tổ ; dưới bóng lá cành, mọi dã thú nảy nở sinh sôi; và dưới bóng nó, vô số dân tộc đến cư ngụ”. Thành thử hình ảnh cây làm nơi cư ngụ cho chim chóc rất thích hợp để gợi lên cảnh một vị vua ra tay che chở thần dân mình (x. thêm Ed 17,22-23). Ở đây sự chú ý không quy hướng đến vị vua cho bằng đến tình trạng phát triển vốn trùng hợp trong thực tế với Vương triều Thiên Chúa vào Ngày cánh chung. Một khi đã để ý tới nhập đề của dụ ngôn và bối cảnh chung lời Đức Giê-su rao giảng, ta thấy đó cũng là điều đoạn cuối dụ ngôn Tin Mừng muốn gợi lên: cây mà chim trời đến đậu biểu hiệu tình trạng sẽ ưu thắng khi Thiên Chúa thiết lập Vương triều của Người trong thế giới mai hậu.

Có thể cây cải xem ra khiêm tốn để nói lên sự uy hùng vĩ đại của Vương triều Thiên Chúa. Sở dĩ Đức Giê-su đã chọn nó, vì Người muốn nhấn mạnh tính cách quá nhỏ bé ban đầu của Nước Trời. Vào lúc quá trình vốn phải dẫn tới việc xuất hiện vinh quang của Vương triều được phát động, người ta có cảm tưởng đó chỉ là một biến cố vô nghĩa, không đâu. Thế nhưng các thính giả và cả chúng ta chớ có lầm lẫn: Thiên Chúa vốn hoạt động trong sứ vụ Đức Giê-su, đã bắt đầu cuộc can thiệp quyết định sẽ đưa đến việc bày tỏ hoàn toàn Vương triều Người. Nhìn nhận sứ mệnh Đức Giê-su có ý nghĩa đích thực như vậy là đồng thời biết rằng: thái độ đối với sứ mệnh đó nói lên việc chấp nhận hay từ chối quyền tối thượng của Thiên Chúa vào Ngày Cánh chung; và số phận trong thế giới tương lai của mỗi người tùy thuộc thái độ này, tùy thuộc ý thức của mình về tầm quan trọng quyết định của giây phút mình đang sống. Dưới một hình thức hơi khác, đấy cũng là giáo huấn của dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc.

Dụ ngôn cây cải như thế mời ta nhìn vào Giáo Hội để mà vững tâm. Thực tế đã làm chứng cho điều Đức Giê-su mô tả và tiên báo về Giáo Hội. Với một tiểu tổ yếu đuối lúc đầu, với một vị sáng lập bị hành quyết sau khi khởi công, rồi với biết bao giai đoạn bị quyền lực này, thể chế nọ bách hại, Giáo Hội đã lớn lên, phát triển và lan cùng mặt đất, đã là men trong khối bột nhân loại suốt hơn 2000 năm lịch sử, đã là người khai sáng văn minh thế giới, như sắc lệnh Truyền giáo số 8 nói rõ: “Trong lịch sử nhân loại, cả về phương diện trần thế, Tin Mừng thật sự đã là men cho tự do và tiến bộ, và mãi mãi vẫn là chất men khơi dậy tình huynh đệ, hợp nhất và hòa bình”. Xét trong vĩnh cửu, ta càng có lý do vững tâm vào tiến đồ Giáo Hội, vì Giáo Hội là thực thể sau cùng sẽ chiến thắng, là nơi quy tụ hết những gì lành thánh, thiện hảo của nhân loại. Vấn đề là mỗi người chúng ta tham gia được vào chiến thắng đó, bằng cuộc sống chiến đấu cho đức tin và hoạt động cho đức ái mỗi ngày như một thành viên tích cực của Giáo Hội !

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi