Hồng Ân Phục Sinh – Suy niệm Chúa Nhật 2 Phục Sinh – Năm B

09/04/2021

Tin Mừng Ga 20,19-31

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì anh đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”

Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

************************************

HỒNG ÂN PHỤC SINH

Một hôm ma quỷ muốn cám dỗ thánh Máctinô (315-397) vào đường sai lạc, hắn hiện hình thành một vị vua oai phong đến bảo thánh nhân: “Hỡi Máctinô, Ta cám ơn con đã tin Ta. Con biết rằng Ta luôn tin tưởng con. Con biết rằng Ta luôn tin tưởng con. Ta mong con từ nay luôn ở bên Ta và tín nhiệm vào Ta”. Martinô chăm chú nhìn ông vua và hỏi: “Nhưng thưa ông, ông là ai vậy?”. Ông vua đáp: “Ta là Đức Ki-tô đây mà!” Máctinô lại hỏi: “Vậy thì những vết thương bị đóng đinh ở tay chân Ngài đâu?” – “Ta từ vinh quang trên trời xuống, nên đâu còn thương tích gì!” Máctinô nói: “Tôi chẳng muốn nhìn một Đức Ki-tô không thương tích”. Vua quỷ liền biến mất.

Trang Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta hai cuộc hiện ra của Đức Giê-su phục sinh cho các Tông đồ, một lần chiều ngày sống lại, vắng mặt Tô-ma và một lần tám ngày sau đó, với Tô-ma có mặt. Và lần nào Người cũng cho thấy các thương tích của cuộc Khổ nạn. Điều đó hết sức ý nghĩa.

1. Hiện ra cho các Tông đồ

Trước hết ta nhận thấy Đức Giê-su phục sinh tỏ mình trong ngày Chúa nhật, ngày đầu tuần. Chúng ta biết rõ là các Ki-tô hữu tiên khởi đã không tụ họp mọi ngày. Họ cũng có cuộc sống thường nhật của họ. Họ không thể ở với nhau luôn. Thế nhưng, chính trong khung cảnh cuộc “gặp gỡ” cộng đồng hằng tuần của họ mà Đức Giê-su phục sinh “đến”. Tuy nhiên, lúc thánh Gio-an viết những lời này, vẫn luôn là thời kỳ bách hại. Các môn đồ Đức Giê-su thường có thói quen họp nhau khi nhà này, khi nhà khác. Họ đón tiếp nhau, đếm số nhau, xem ai thiếu, ai từ bỏ đức tin và rời cộng đoàn. Họ cũng khóa cửa vì lo sợ. Nhưng này, mỗi Chúa nhật, “dấu lạ” Nhà tiệc ly hôm “Chúa nhật đầu tiên” ấy lại tái diễn: Đức Ki-tô lẻn vào giữa môn đồ cách bí nhiệm, nơi họ đang ở: Ê-phê-sô, Cô-rin-tô, Giê-ru-sa-lem, Rô-ma …

Hôm nay, chúng ta cũng bị cám dỗ “đóng kín” cửa nhà mình vì sợ. Hãy phá đổ các bức tường nhà tù linh hồn, mở toang cửa lòng đón Đức Ki-tô phục sinh! Người muốn đến giải thoát chúng ta khỏi tình trạng bế tắc, hoàn cảnh hãi sợ, thái độ khép kín: một tội trọng nào đó, một thử thách sức khỏe nào đó, một nghịch cảnh đau thương thất vọng nào đó, một khó khăn gia đình, nghề nghiệp nào đó… Người muốn mang đến cho chúng ta niềm vui, niềm vui phục sinh.

Nhưng niềm vui phục sinh, niềm vui Ki-tô giáo, trước hết không phải là niềm vui dễ dãi, niềm vui bộc phát, thứ niềm vui tự nhiên nâng chúng ta lên khi mọi sự xuôi thuận, khi sức khỏe tốt, khi tuổi trẻ còn, khi sinh lực đầy, khi các công cuộc chúng ta thành công, khi các quan hệ bạn bè và gia đình dễ chịu… Niềm vui phục sinh, đó là niềm vui đến sau… cơn hoảng sợ! Đó là niềm vui và bình an nổi lên từ một tình thế hoàn toàn tuyệt vọng (cái chết của một kẻ bị đóng đinh!), niềm vui mà từ nay không gì sẽ còn có thể giật mất: đó là niềm vui và bình an xuất phát từ “đức tin” vào Đấng đã chiến thắng sự chết. Bởi thế, Đức Giê-su cho môn đệ xem tay và cạnh sườn giữa hai lần chúc bình an.

Người đến để sai chúng ta đi như Chúa Cha đã sai Người! Sao? Một kẻ khốn khổ như tôi lại là “Đức Giê-su được sai tới” với anh em y như “Người” đã được Chúa Cha sai ư? Đúng thế! “Sứ vụ” của Đức Ki-tô được giao cho Giáo Hội, cho tôi, một phần. Tôi được Đức Giê-su “sai” như Đức Giê-su đã được Chúa Cha “sai”! Phải khám phá ý nghĩa của từ này… Khi gặp một ai trong công việc, trong môi trường sống, tôi không chỉ ở đó nhân danh riêng tôi, vì tôi, nhưng được Đức Giê-su “sai” đến đó, nhân danh Người, vì Người, như Đức Giê-su đã được Chúa Cha sai vậy! Tôi phải nói cho bạn một sứ điệp của Đức Giê-su : chính Người nói với bạn cái tôi sắp nói với bạn… Người đang sống trong tôi, tôi là “môi miệng” và là “thân thể” Người bên cạnh bạn, để mạc khải với bạn tình yêu của Chúa Cha: “Khi chúng ta từ giã sau một cuộc gặp gỡ, phải làm sao để lại trong lòng họ một cái gì đó của Thiên Chúa” (Têrêxa Calcutta).

Để giúp ta hoàn thành sứ vụ ấy, Đức Giê-su ban Thánh Thần. Thánh Thần Người được thông chuyển cho các môn đệ. Đức Giê-su đã “lên cùng Cha”. Các Ki-tô hữu tiếp nối Người! Họ mang lấy sinh khí “của Người”, Thần Khí Người… họ sắp tiếp tục công cuộc Người. Thông phần sứ vụ của Người, họ cũng được chia sẻ Thần Khí của Người. Thần Khí này là Thần Khí sáng tạo, Thần Khí tác sinh, “Thần Khí đã phục sinh Đức Giê-su từ trong cõi chết” (Rm 8,11), và từ nay sẽ tràn ngập thế giới và canh tân vũ trụ qua Giáo Hội.

Việc canh tân này thực hiện trước tiên qua quyền tha tội Đức Giê-su ban cho các Tông đồ. Khi ban Thần Khí của mình, Đức Giê-su cũng ban cho môn đồ mình quyền năng “cởi trói con người khỏi sự dữ” : từ nay, dưới thế này, họ là những người đem đến “lòng thương xót của Thiên Chúa” như Đức Giê-su đã làm! Ki-tô hữu được trao cho cũng một sứ mạng mà Đức Giê-su từng nói là của Người trong hội đường Na-da-rét, khi bắt đầu sứ vụ: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi, đã sai tôi đem Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa, giải thoát những ai bị tù tội…” (Lc 4,18-19). Phải chăng tôi mang tinh thần ấy, Tinh Thần giải phóng, Tinh Thần ban sự sống, Tinh Thần yêu thương và tha thứ nhân danh Đức Giê-su?

2. Hiện ra cho Tô-ma

Tô-ma là “kẻ đến chậm”, tới sau ngày gặp gỡ. Trong Tin Mừng, vị tông đồ này bao giờ cũng là kẻ chỉ cậy dựa vào lương tri của mình, là con người thiết thực dám thách thức những khẳng quyết táo bạo của Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường được” (Ga 14,5). Khi Đức Giê-su nói về sự hồi sinh La-da-rô, thì Tô-ma chỉ nhìn thấy cái chết (x. Ga 11,15-16). Nay ông cũng mạnh dạn biểu lộ nỗi nghi ngờ trước sự kiện Thầy phục sinh.

Phần Đức Giê-su, dầu đã sống lại, vẫn luôn luôn hài hước hóm hỉnh! Người đã để cho Tô-ma xem ra có lý trong một tuần. Chắc Người đã mỉm cười khi ngỏ lời với Tô-ma. Người xem ra muốn nói với ông: Anh bạn tội nghiệp, anh đã tưởng tôi chết, tôi vắng mặt, khi anh nói với bạn bè rằng mình không tin; nhưng tôi có mặt lúc đó, vô hình, chứng kiến các anh trò chuyện. Tuy nhiên, tôi đã không “tỏ mình” cho anh khi ấy. Tô-ma lúc đó chỉ còn có nước kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Đây là tiếng kêu đức tin của một con người mà giờ đây việc “đụng chạm” vết thương Thầy đã trở thành vô ích. Ông đã hiểu rằng Đức Giê-su, dẫu vô hình, vẫn luôn có đó! Người đã hiện diện ngay chính lúc ông nghi ngờ, vì từ nay Người sẽ không ngừng hiện diện. Sự kiện này giúp chúng ta dễ tin vào lời hứa của Đức Giê-su : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Và đó chính là một mối phúc, mối phúc sau cùng, mối phúc của chúng ta hôm nay, những kẻ tin dù không thấy. Các thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa không thể “thấy” được, chỉ có “đức tin” mới dẫn chúng ta vào. Đức tin đó dựa trên lời chứng (đến đổ máu) của các Tông đồ là những người đã thấy, dựa trên ân sủng của Thánh Thần mà Đức Ki-tô đã ban, dựa trên tình yêu thương xót tha thứ mà Giáo Hội đã thi thố qua bao thế kỷ.

Vì như ta đã rõ, có 3 cách biết sự thật/thực tại: một là biết bằng cảm giác (dùng ngũ quan, nhờ vật chứng), hai là biết bằng đầu óc (dùng suy luận, nhờ lý chứng), ba là biết bằng niềm tin (qua bày tỏ/mạc khải, nhờ nhân chứng). Cách biết thứ nhất và thứ hai thường liên quan đến thế giới vật chất, thế giới con người, lãnh vực của khoa học và lý luận. Còn cách biết thứ ba đặc biệt liên quan đến những gì thuộc về tâm linh, thuộc về thiên giới. Rất nhiều kẻ chỉ biết dựa vào ngũ quan và lý trí để cho rằng sự thật, thực tại chỉ có sau và giới hạn vào sự kiểm chứng/xác nhận của hai cơ năng này. Nhưng cũng có những kẻ biết dựa vào các chứng nhân (trong tôn giáo), tức những người đã có kinh nghiệm gặp gỡ thần linh thực sự và đã dám đem cuộc sống tốt lành để minh chứng lẫn cái chết anh dũng để bảo đảm. Họ tin các chứng nhân đó để chấp nhận, để đi vào lãnh vực các thực tại (các mầu nhiệm) của Thiên Chúa, dù không thể kiểm chứng bằng giác quan lẫn thấu hiểu bằng lý luận, và chính vì chỗ ấy mà Đức Ki-tô gọi họ là có phúc!

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi