Đón ơn cứu độ – Suy niệm Chúa Nhật 4 Mùa Vọng – Năm B

18/12/2020

Tin Mừng Lc 1,26-38

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được 6 tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, để gặp một thiếu nữ đã kết hôn với một người tên là Giu-se, con cháu nhà Đa-vít. Thiếu nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

*********************************************

ĐÓN ƠN CỨU ĐỘ

Một trong những việc sửa soạn tốt nhất cho lễ Giáng sinh, đó là suy niệm trình thuật Truyền tin. Thánh Lu-ca hiển nhiên đã gặp gỡ các môi trường “Do Thái-Pa-lét-ti-na”, nơi lưu giữ các truyền thống về gia đình Đấng Cứu Thế. Cũng có thể ông đã gặp đích thân Đức Ma-ri-a, người hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Vì muốn làm sử gia, ông đã quan tâm gặp gỡ những ai “đã được chứng kiến ngay từ đầu…” để “tra cứu đầu đuôi mọi sự” trước khi viết ra (Lc 1,2-3). Ngoài ra, Lu-ca còn là một nghệ sĩ tinh tế, tinh tế nhất trong bốn Thánh sử. Hơn chúng ta hôm nay, vì gần với các biến cố mầu nhiệm đã xảy đến, ông hẳn đã cảm thấy vấn đề ngôn ngữ: làm sao diễn tả qua vài tiếng cái kinh nghiệm thần bí đã được sống trong một thiếu nữ, cái kinh nghiệm vốn chẳng là gì khác ngoài việc cưu mang “theo xác thịt” Ngôi Lời Thiên Chúa “sinh từ muôn thuở bởi Chúa Cha”! May thay, Lu-ca có sẵn truyền thống văn chương và thần học lâu dài của Kinh Thánh. Thành thử ông đã đúc “thông tin” của mình trong các khuôn ngôn ngữ vốn đã được Thánh Thần chuẩn bị kỹ lưỡng giữa lòng Israel. “Bức tranh” Truyền tin được dệt bằng nhiều “sợi chỉ” Kinh Thánh. Khi phát hiện chúng, ta sẽ ý thức rõ hơn rằng Mạc khải là một kho tàng kỳ diệu, đầy những thành ngữ, hình ảnh, biểu tượng, có thể giúp diễn ra ngôn ngữ con người mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa.

1. Người đến như đã tiên báo.

“Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, để gặp một thiếu nữ”: Với câu mở đầu này, Lu-ca chủ ý đặt đối nghịch việc truyền tin về Gio-an Tẩy giả với việc truyền tin về Đức Giê-su. Một bên thì tại Giê-ru-sa-lem, trong Đền thờ, cho một tư tế cứng lòng… Bên thì tại Na-da-rét, trong nhà riêng, cho một thiếu nữ nhu thuận… Vâng, Na-da-rét là một thôn xóm bé nhỏ, khoảng 20 nóc nhà, với 150 cư dân, các chuyên gia khảo cổ bảo thế. Còn Ga-li-lê là một tỉnh bị khinh rẻ: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?(Ga 1,46). Nét đơn sơ của căn nhà Ma-ri-a tương phản với vẻ trang trọng của cuộc truyền tin cho vị tư tế, trong khung cảnh vĩ đại và thiêng thánh của Đền thờ, tại Giê-ru-sa-lem thủ đô (x. Lc 1,5-25). Khi dùng trí tưởng tượng của mình chiêm ngắm Ma-ri-a trong ngôi nhà nhỏ bé nghèo hèn vô danh, tôi chiêm ngắm sự khiêm tốn của của Thiên Chúa Nhập thể: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ (Pl 2,7).

“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng bà”. Hẳn chúng ta trông chờ nghe câu nói: “Chào cô Ma-ri-a!” Thế mà, thay chữ Ma-ri-a, có chữ “Đấng đầy ân sủng” thế vào như tên gọi. Như trong nhiều trình thuật về ơn gọi, Thiên Chúa đổi tên của một người nào đó, thì ở đây Ma-ri-a trở thành “Đấng đầy ân sủng”, một tên mà ta cũng có thể dịch là “Kẻ được Thiên Chúa biệt ái”. Từ này, trong tiếng Hipri, gợi nhớ từ “Người yêu dấu” của Diễm ca. Còn từ Hy lạp được sử dụng để nói “kính chào” chính là “kairé” trong thực tế có nghĩa “Mừng vui lên”. Đây là một hoài niệm Kinh Thánh (x. Xp 3,14; Dcr 2,14; 9,9; Is 54,1). Các ngôn sứ đã yêu cầu “thiếu nữ Xi-on” hãy hét lên vui mừng khi thấy Đấng cứu độ của mình xuất hiện: “Hỡi nữ tử Xi-on, hãy vui lên, hãy la mừng”. Và ta biết chủ đề niềm vui rất thường gặp trong Lu-ca. Thành thử “Mừng vui lên!” là tiếng đầu tiên của Thiên Chúa cho trần thế.

Đức Chúa ở cùng bà”: Đây là kiểu nói thông thường của Thiên Chúa khi muốn trấn an những ai Người gọi nhận những trách nhiệm nặng (x. St 15,1; Xh 4,12; Tl 6,12.17): “Đừng sợ, Ta ở với con!”. Nhưng vừa nghe những lời ấy, Ma-ri-a bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Nếu coi đây như một phản ứng tâm lý thì ta đã hiểu cách nông cạn. “Nỗi bối rối hãi sợ” đều có trong các cuộc “truyền tin” của Cựu Ước. Đó là một ngôn ngữ Kinh Thánh có nghĩa: Chú ý! mầu nhiệm nằm nơi đây! các lời này mang một ý nghĩa ẩn tàng phải khám phá! Thiên Chúa có mặt, nghiêm trọng lắm! Vâng, Thiên Chúa luôn là “Đấng gây bối rối”, “bất ngờ”, “mai ẩn”… Mọi cuộc tiếp cận Thiên Chúa đều gây ra nơi phàm nhân tình cảm giật lùi, hãi sợ linh thánh…

Thế nhưng sứ thần đã trấn an: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su “. Lu-ca sử dụng ở đây một công thức đúc sẵn, nhiều lần sử dụng trong Kinh Thánh (x. St 16,11; 17,19; Tl 13,5-7; Is 7,14): “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi Người là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Sấm ngôn của Na-than (2 Sm 7,12-17) được sứ thần nhắc lại đây, Ma-ri-a đã thuộc lòng. Đối với chúng ta, có vẻ hơi khó hiểu. Nhưng đối với mọi con dân Do Thái, sấm ngôn có nghĩa: trẻ này sẽ là Đấng Mê-si-a (Ki-tô) từng được loan báo và trông đợi.

2. Người đến không như đã tiên báo.

Một lần nữa, Ma-ri-a lại phản ứng: Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng? Theo phong tục Do Thái đương thời, việc đính hôn đã cho đôi nam nữ mọi quyền phối ngẫu, kể cả các quan hệ xác thịt. Ở đây, Ma-ri-a thắc mắc vì hiểu/tưởng rằng bà sẽ thụ thai ngay tức khắc (với Giu-se mà bà đã đính hôn). Bản văn chẳng có yếu tố nào gợi ý Ma-ri-a đã khấn giữ mình đồng trinh cả. Động từ ở thì hiện tại chỉ một thực trạng, không nói đến một ý định hay một lời khấn. Một số nhà chú giải hiện đại (như Audet, Auer, Bauer, Gewiess, Haugg, Jellouschek, Jones, Landersdorfer, Schmaus, Schmid…) cho rằng: Như mọi thiếu nữ đương thời, Ma-ri-a khi lấy Giu-se đã nghĩ tới việc sinh con và có thể cũng đã ước mơ đứa con của hai người sẽ được Thiên Chúa chọn làm Đấng Mê-si-a trông đợi. Cựu Ước (và Ma-ri-a) đã không thể ngờ rằng Đấng Mê-si-a đó lại là con Thiên Chúa theo nghĩa đặc biệt nhất: đồng bản tính với Người, như lời sứ thần nói rõ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Như thế, dù trước đó có ý định hay chăng, thì từ nay Ma-ri-a sẽ giữ mình đồng trinh mãi mãi, và đấy mới là điều quan trọng. Cho rằng ý định có con với Giu-se khi lấy ông làm phai mờ ít nhiều sự trong sạch và thánh thiện của Ma-ri-a, thì có lẽ phải phủ nhận sự thánh thiện của hôn nhân, một công trình của Đấng Tạo Hóa mà Kinh Thánh không ngừng tán dương ca tụng.

Tuy nhiên, chớ tưởng tượng Ma-ri-a đã nhận ra mầu nhiệm Ngôi vị Chúa Con qua các định nghĩa trừu tượng của tín lý. Không! Chính qua các hình ảnh và biểu tượng mà bà đã hiểu cái bà phải hiểu. Ở đây, thiên sứ nói đến “Thánh Thần” (hay Thần khí) và “bóng mây” (hay đám mây), dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa (xem Xh 16,10; 1V 8,10). Thần khí Thiên Chúa đã bay là là trên mặt nước để tạo ra sự sống thời nguyên thủy (x. St 1,2). Nên đây là một cuộc sáng tạo mới trong Ma-ri-a. “Đám mây” đã bao phủ Nhà tạm của dân Israel bằng “bóng” của mình (x. Xh 40,35). Nên đây, Ma-ri-a trở thành nơi Thiên Chúa hiện diện. Và “vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

“Thánh Thần”, “Quyền năng”, “Đấng Thánh”, “Đấng Tối Cao”, “Con Thiên Chúa”: Lu-ca muốn nói với ta qua đó rằng nhân tính của Đức Giê-su, ngay từ giây phút đầu tiên, đã được Thần khí Thiên Chúa xâm nhập. Ai không chấp nhận ngôn ngữ Kinh Thánh này là ngôn ngữ đức tin, thì sẽ không hiểu trình thuật nổi. Lạy Chúa, xin giúp con biết dừng lại trước mầu nhiệm đang biểu lộ trong ngôn ngữ gợi hình này và tôn thờ cách cung kính. Một cái noãn không có yếu tố nam mà vẫn đậu thai trong cung lòng một phụ nữ, đấy quả là một mầu nhiệm lạ lùng vượt quá mọi định luật thiên nhiên. Nhưng chỉ vì đó là “Ngôi Lời Thiên Chúa trở nên người phàm” (Ga 1,14).

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi