Định luật và ý nghĩa cuộc đời – Suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay – Năm B

26/02/2021

Tin Mừng Mc 9,2-10

Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.

Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a “. Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

************************************

ĐỊNH LUẬT VÀ Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI

Nữ văn sĩ Công giáo người Thụy điển Selma Lagerlof (1858-1940), Nobel văn chương 1909, có kể một câu chuyện như sau : Một kỵ sĩ nọ, sau khi tham dự một cuộc thánh chiến thành công tại Thánh Địa, đã làm một lời thề. Anh muốn đốt lên một ngọn nến ngay từ trên mộ Chúa Giê-su và mang ánh sáng ấy về quê hương của anh là thành phố Firenze (Florence) bên Ý. Quyết định ấy đã biến anh thành một con người hoàn toàn mới mẻ. Từ một quân nhân hung hãn giết người không ghê tay, nay chàng kỵ sĩ đã trở nên một kẻ hiền hòa, sẵn sàng chấp nhận mọi thua thiệt. Trên đường về quê hương, tay cầm ngọn nến sáng, anh gặp không biết bao toán cướp bóc, nhưng anh chẳng hề đưa tay động đến thanh gươm đang mang trong người. Anh hứa trao cho họ bất cứ điều gì họ muốn, miễn là để cho anh giữ lại ngọn nến kỷ vật. Khi anh về tới thành phố, nhiều người chế nhạo và tìm cách dập tắt nó đi, nhưng chàng kỵ mã thà chết hơn để cho ngọn nến tắt ngụm trong tay mình. Ngọn nến ấy là biểu tượng cho ánh sáng anh đã nhận lấy trong tâm hồn nhân một lần đến quê hương Đấng Cứu Thế. Và anh thấy rằng chỉ có thể giữ được nó bằng cách chấp nhận mọi thử thách trong cuộc đời, như các môn đệ vốn đã chứng kiến cuộc biến hình của Đức Giê-su hôm nay.

1. Phải chấp nhận biến dạng nhục nhã…

Bản văn hôm nay thật ra khai mở với mấy tiếng : “Sáu ngày sau”. Có thể cho rằng đó là sáu ngày sau khi xảy ra việc các Tông đồ tuyên tín (Mc 8,27-30), việc Đức Giê-su loan báo mình sẽ phải chịu chết rồi sống lại (8,31), việc Phê-rô cản trở Thầy đi vào con đường đau khổ nên bị Thầy chỉnh một trận nên thân (8,32-33) và việc Đức Giê-su đưa ra giáo huấn về sự bỏ mình, vác thập giá theo Người nếu muốn được Người thừa nhận trong chốn vinh quang của Thiên Chúa (8,34-38).

Như bao con dân Do Thái đương thời, các Tông đồ chia sẻ niềm hy vọng của Ít-ra-en : họ mong chờ Đấng Mê-si-a, nhưng một Đấng Mê-si-a vinh quang chiến thắng, sẽ đến phục hưng vương quyền Đa-vít và Sa-lo-mon xưa trong tất cả vẻ huy hoàng rực rỡ. Thế mà trong dự định của Thiên Chúa, Sứ giả Người sai đến sẽ phải là “Tôi trung đau khổ và tự hạ” mà các Ngôn sứ đã mô tả xưa kia. Để giúp các môn đồ vượt qua thử thách, Đức Giê-su hôm nay cho họ thấy vinh quang tương lai Người có sẽ như thế nào. Bản tính khốn nghèo của chúng ta cũng nếm trải lắm sợ hãi ngập ngừng khi theo Đức Ki-tô trên con đường đau khổ. Nhưng như các Tông đồ, Người cũng dành cho chúng ta nhiều giây phút được ơn soi sáng và vui vẻ tâm hồn để giúp chúng ta đi tới cùng trong cuộc leo núi Can-vê.

Thế là “khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an…”. Tại sao chỉ ba người chứ không phải mọi môn đệ ? Đây chẳng phải là chi tiết tình cờ, mà nếu đọc cách ngây ngô thì sẽ bỏ qua. Đấy là “ba” người đã từng mục kích cuộc hồi sinh cô bé 12 tuổi (x. Mc 5,37). Cũng chính họ sẽ chứng kiến cơn hấp hối của Đức Giê-su ở vườn Cây Dầu (x. Mc 14,33). Phải chăng là hạng ưu đãi ? Không ! Họ được sống ba kinh nghiệm ngoại thường của con người để có khả năng nâng đỡ đức tin kẻ khác. Vì sao luôn muốn so sánh, ghen tương ? Mỗi con người trong chúng ta cũng đã nhận một ơn riêng, độc nhất vô nhị… không phải chỉ cho mình, nhưng để được thông chuyển.

Đức Giê-su đem ba môn đệ “đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao…”. Theo Thánh Kinh, đây là những điều kiện truyền thống để “gặp gỡ Thiên Chúa “. Một đầu óc hiện đại sẽ đốp lại : Thiên Chúa ở khắp mọi nơi mà! Tại sao phải dùng những “hình ảnh” ấy? Đúng thế. Nhưng chúng ta là những con người có thể xác, nên không thể tránh một vài biểu tượng. Bản thân bạn chẳng thấy hình ảnh “lên với Thiên Chúa” ý vị xinh đẹp sao (x. Xh 24,1; 34,2; 1V 18,20; 19,8-11)? Hãy đứng trên núi ! Hãy tạo cho mình một sơn lĩnh tâm hồn, một đỉnh cao cô độc và diện đối diện ! Hãy biết lợi dụng các chân trời bao la ! Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy chúng nếu không chịu rời các thung lũng, leo theo những lối mòn, chịu vất vả đứt hơi trên các đỉnh ngọn hiếm khí, xa vắng những đám đông ồn ào.

“Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông”: Các tiếng chứa đựng tiền tố “biến” đều thuộc loại khiến ta nghĩ tới hai sự vật một lần, hai thực tại trong nhau: biến hình… biến thái… biến thể… biến tướng… biến tính… Khi con người tìm cách diễn tả các liên hệ giữa Thiên Chúa với thế giới, nó không ngừng lắc lư giữa hai quan niệm: * một “quan niệm bi quan”: thế giới phải chết đi mới thấy Thiên Chúa. Ta có thể gọi đó là quan niệm của thánh Augustin, được Luther và Tin lành mạnh mẽ lấy lại : * một “quan niệm lạc quan”: chính “thế giới này” là vương quốc Thiên Chúa. Giá trị con người và thế giới tăng cao nhưng Thiên Chúa bất lợi. Điều này có lẽ là cám dỗ của người Công giáo, muốn biến Giáo hội thành một tuyệt đối thể, thành Vương quốc đã đến rồi. Nhưng có *một quan niệm thứ ba, “quan niệm biến hình”: vâng, xác thịt thì tốt đẹp, vâng, thân thể là do Chúa muốn, vâng, thế giới mang dấu thần linh… nhưng nó chỉ là “hình ảnh” của Thiên Chúa. Để thật sự tốt, nó chẳng cần phải bị “tiêu diệt” nhưng “biến hình”. Trên núi, Đức Giê-su đã không được soi chiếu tự bên ngoài do một thứ ánh sáng nào đó, nhưng chính Thân thể Người là Ánh sáng thật. Và tất cả những gì là xác thịt trong chúng ta phải trở nên ánh sáng, trong suốt, tinh thần. Nhưng Ánh sáng Thân thể Đức Giê-su chỉ bùng lên sau cuộc khổ nạn, ánh sáng xác thịt chúng ta chỉ rạng ngời sau khi đã được cắm Thánh giá vào đó. Đó là định luật của đời Chúa, của đời ta : mất để được, chết để sống, đau khổ để vinh quang…

2….. nếu muốn biến hình vinh quang.

Bên Đông phương Chính thống, cuộc Biến hình là đại lễ, là Ảnh thánh (Icône) đáng kính… là câu chuyện con người được Thiên Chúa xuyên qua. Kết thúc thời kỳ khai tâm vốn không chỉ học một “kỹ thuật”, họa sĩ vẽ icôn (thường là tu sĩ) phải họa một bức Đức Giê-su biến hình… để chứng tỏ mình có khả năng vẽ một khuôn mặt con người-hình ảnh-Thiên Chúa. Đây là cả một quan niệm về cuộc sống, về xã hội, về Giáo hội và về phụng vụ (vốn có mục đích biến chúng ta nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giê-su ). Nếu các viễn tượng này đối với chúng ta xem ra chóng mặt, có lẽ vì chúng ta chưa khám phá ra ý nghĩa đích thực của phép Rửa, bí tích đã “dìm” chúng ta trong Đức Ki-tô, khiến chúng ta được “tham dự bản tính thần linh của Người” (2Pr 1,4). Quả thế, tất cả cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta chỉ là một sự tham dự, một cuộc biến hình trong Đức Ki-tô. “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa, được biến đổi nên giống cũng một Hình ảnh này, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2Cr 3,18). Dĩ nhiên ở đời này, mầu nhiệm lạ lùng đó, việc biến đổi đích thật con người trong Thiên Chúa đó, vẫn đang vô hình. Tuy nhiên sự biến hình của chúng ta đã đạt được, chỉ có điều là còn che giấu, trước khi bừng sáng rực rỡ một ngày kia : “Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,3-4).

“Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào trên trần gian giặt trắng được như vậy”: Chớ cho rằng thánh Phê-rô lẫn thánh Mác-cô thư ký của ngài ngây thơ hơn chúng ta. Đây là những kẻ rất tầm thường, bình dân, đâu phải hạng chữ nghĩa. Họ có ý thức mình đang ấp úng… Họ chẳng phải biết phải nói thế nào về kinh nghiệm lạ lùng đã “xảy đến” cho họ. Vậy thì chúng ta cũng chớ nên dừng lại ở mức độ sơ đẳng của “bột giặt tốt nhất”, “màu trắng tinh tuyền”. Vấn đề không phải chỗ đó. Một lần nữa, chúng ta ở trong ngôn ngữ Kinh Thánh biểu tượng : màu trắng là màu của thiên giới… mà “không chi” trên trần gian có thể giống với, có thể đến gần. Đây là màu của thiên thần ngày Phục sinh (x. Mt 28,3), ngày Thăng thiên (x. Cv 1,10), là màu trắng của những người chiến thắng (x. Kh 3,4; 20,11; 2,17; 6,11; 7,13-15). Áo dài trắng khi chịu rửa tội, khi tuyên xưng đức tin, của cô dâu trong ngày cưới, của linh mục khi hành lễ đều lấy lại biểu tượng này. “Anh em đã được mặc lấy Đức Ki-tô!” (Gl 3,27). “Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt” (1Cr 15,53). “Anh em hãy cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới” (Cl 3,10).

“Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su” : Hai vị này tượng trưng niềm mong đợi của Ít-ra-en, niềm mong đợi đã được ghi khắc trong “Lề luật” và các “Ngôn sứ”. Chúng ta thấy họ không chỉ đóng “vai phụ”, đứng “làm vì”. Hai nhân vật này, chết nhiều thế kỷ trước, đều đồng thời và đàm đạo với Đức Giê-su. Họ liên lạc sống động với Người. Đây là một ánh sáng soi chiếu thế giới bên kia, cho ta biết về những người thân đã quá vãng. Thay vì là một tận điểm, cái chết chỉ là một “ngưỡng cửa” đưa chúng ta đi vào thế giới của Thiên Chúa.

Mô-sê và Ê-li-a là hai đại nhân vật Cựu Ước đã được Thiên Chúa tỏ mình ra cho, mà cũng “trên núi” như vậy. Truyền thống Do Thái từng chờ đợi họ trở lại Thời tận cùng để chuẩn bị cho Đấng Mê-si-a đến (x. Mt 3,22-24). Vả lại đó cũng là câu hỏi các môn đồ đặt ra cho Đức Giê-su, tiếp ngay sau quang cảnh này (x. Mc 9,11-13). Với Đức Giê-su, Thời cuối cùng đã khởi sự.

Thấy ba vị, Phê-rô liền cất tiếng, đề nghị xây ba lều. Một lần nữa, ông lại là người phát ngôn. Chính ông mấy ngày trước đã tuyên tín tại Xê-da-rê nhân danh cả nhóm (x. Mc 8,27-33). Chính ông đã đóng vai tên cám dỗ Xa-tan bên cạnh Đức Giê-su, khi từ chối viễn ảnh Thập giá khổ nạn (Mc 8,33). Hôm nay ông vẫn chưa hiểu được bao nhiêu. Đây là một chứng nhân chẳng bịa đặt gì. Nhiều biến cố đã xảy đến cho ông ngoài ý muốn, cưỡng bức ông phải chấp nhận. Sau này ông sẽ viết : “Chẳng phải là những chuyện hoang đường thêu dệt… chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người… khi chúng tôi ở với Người trên núi thánh” (2Pr 1,16-18). Xin nhắc lại : Phê-rô chưa từng là một nhà thần nghiệm (có được linh kiến)… mà chỉ là một ngư phủ ! Chúng ta có thể tin tưởng vào khiếu quan sát của ông. Vả lại, ông thừa nhận rằng điều đó khó hiểu. Nhưng “cái đó” đã áp đặt lên ông, khiến ông “chẳng biết nói gì”…

“Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng : Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” : Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, “mây” chính là sự “hiện diện của Thiên Chúa” (x. Xh 16,10; 19,9; 24,15 ; Ds 14,10). Tiếng nói cũng chính là tiếng nói ngày Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Mc 1,11). Nhưng lúc ấy, nó chỉ ngỏ cho Đức Giê-su. Hôm nay, tiếng nói ngỏ với môn đồ. Vậy Đức Giê-su là ai ? Giải đáp cho câu hỏi căn bản này không đến với chúng ta từ những “lý luận” hay “nghiên cứu Kinh Thánh” của chúng ta, nhưng từ một lời cầu nguyện, nhờ ở “riêng trên núi”, trong thái độ “lắng nghe” hoàn toàn! Căn tính đích thực của Đức Giê-su chỉ được tỏ cho ta nhờ “mạc khải” của Chúa Cha, và chỉ sau khi Người đã trải qua đau khổ nhục nhã: “Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi