Định luật của sự sống – Suy niệm Chúa Nhật 5 Mùa Chay – Năm B

19/03/2021

Tin Mừng Ga 12,20-33

Khi ấy, trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, xứ Ga-li-lê, và xin rằng : “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Đức Giê-su”. Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy”.

“Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !”. Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói : “Đó là tiếng sấm!”. Người khác lại bảo : “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!”. Đức Giê-su đáp : “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.        

************************************

ĐỊNH LUẬT CỦA SỰ SỐNG

Vài chục năm trước đây, bà Catherine Marshall (người Mỹ) có viết một bài báo nhan đề “Khi chúng ta dám tin vào Thiên Chúa”. Bà thuật lại rằng mình bị liệt giường  suốt 6 tháng, không ăn uống được gì vì bị nhiễm trùng phổi trầm trọng. Dẫu được điều trị bằng vô số thuốc men, bệnh tình vẫn không thuyên giảm khiến bà tuyệt vọng hoàn toàn. Một hôm, có người biếu bà một cuốn sách nhỏ kể chuyện một nữ tu truyền giáo bị một chứng bệnh kỳ lạ dày vò suốt 8 năm và chị không thể hiểu tại sao Chúa lại để cho thảm kịch đó xảy đến với mình. Ngày nào chị cũng cầu xin cho mình được khỏe mạnh để chu toàn công việc truyền giáo, nhưng vẫn không được Chúa nhậm. Một ngày kia, chị khóc lóc với Chúa : “Lạy Chúa, con tuyệt vọng rồi! Nhưng không sao ! Nếu Chúa muốn con trở thành tàn phế thì đó là do ý Chúa, con xin chấp nhận”. Thế rồi hai tuần sau, chị bình phục. Câu chuyện kỳ lạ này làm bà Catherine tương tự chị nữ tu : “Con đã kêu xin Chúa ban sức khỏe cho con, nhưng nay con mệt mỏi quá rồi. Thôi thì xin Chúa hãy tự mình quyết định lấy. Sao thì sao”. Vào lúc ấy, sức khỏe bà bắt đầu hồi phục. Cả hai đã biết chết cho ý riêng mình, nên đã bình phục và sinh hoa trái. Y như giáo huấn của bài Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay.

1. Ước mong “Giờ” đến.

Như Chúa nhật tuần trước, thánh Gio-an hôm nay đề nghị chúng ta suy niệm về thập giá. Vì đây đúng là lễ Vượt Qua cuối cùng của Đức Giê-su. Trang Tin Mừng này, trong văn bản Gio-an, tiếp liền trình thuật Đức Giê-su “khởi hoàn” vào Giê-ru-sa-lem ngày lễ Lá. Sau thành công ngoạn mục ấy, người Pha-ri-sêu bảo nhau: “Các ông thấy chưa, các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!” Nhận định của phái Pha-ri-sêu được minh họa ngay lập tức bằng việc mấy người Hy-lạp, ngoại quốc nhưng có thiện cảm với Do-thái giáo, tìm cách “gặp” Đức Giê-su. Như thế, trong lúc từ phía những kẻ quyết định giết chết Người, gọng kìm dần siết lại, và bầu khí chống đối của phái Pha-ri-sêu nặng nề thêm, thì đây, đầu “tuần” sau hết của Người ở trần gian, Đức Giê-su bất ngờ thoáng thấy vai trò cứu thế của mình bành trướng ơn cứu rỗi ra biên giới của Ít-ra-en. Đức Giê-su bèn cho biết Người thoáng thấy cái chết của mình “khai hoa kết quả” kỳ diệu: “sinh được nhiều hạt… kéo được mọi người lên”….

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!”, Đức Giê-su bảo. Chúng ta có khả năng chấp nhận mạc khải này chăng? “Giờ của Đức Giê-su” đó là giờ thập giá: vinh quang của Người! Tiếc thay, chúng ta vẫn tiếp tục chờ đợi một giờ khác, một cuộc biểu dương khác của Thiên Chúa. Hãy thú nhận rằng ta mơ ước cho Thiên Chúa cũng như cho mình một vinh quang khác hẳn. Thế mà Đức Giê-su lặp lại với chúng ta: “Này đã đến giờ” (Ga 12,23.27.31). Cho tới nay nó chưa đến, nhưng Đức Giê-su đã luôn nói tới nó rồi (Ga 2,4; 4,21.23; 5,25; 7,30; 8,20). “Giờ” đặc biệt ấy là giờ của thập giá: giờ Chúa Cha “tôn vinh” Chúa Con (Ga 12,23.28)… giờ “phán xét và cứu rỗi” thế gian (Ga 12,31), khi ĐGS đi vào cuộc Khổ nạn trong vài hôm nữa.

Đức Giê-su xem ra không đáp lại mấy khách “Hy-lạp” xin được gặp mình. Trong thực tế, Người đi đến tận đáy ước vọng của họ: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”, nghĩa là “giờ tỏ lộ tôi”, giờ giúp thấy Thiên Chúa đã tới gần… Người ta không thể thấy Thiên Chúa lẫn Đức Giê-su dưới một ánh sáng khác với ánh sáng thập giá, vì đó là giờ chứng tỏ tình yêu tuyệt đối hơn cả. Lạy Chúa, xin giúp con biết nhìn thập giá, chiêm ngưỡng thập giá: đó là giờ mạc khải Thiên Chúa cách lớn lao nhất. Hết thảy những gì các triết gia từng tuyên bố, các tôn giáo từng dò dẫm kiếm tìm về Thượng Đế ngoài thập giá đều thiếu sót một cách thê thảm.

Giờ của Đức Giê-su đúng là giờ Người “chết”, nhưng đồng thời cũng là giờ “sự sống Người được sinh sôi nẩy nở”. Đức Giê-su sẽ rất “cô đơn” trên thập giá. Nhưng bao bọc vô hình quanh Người sẽ là hàng tỉ tín hữu nam nữ được hy tế của Người cứu độ: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác nữa”. Loài người thuộc mọi thời đại và mọi nền văn minh đều đã nghị luận về cái chết, và tìm cách chọc thủng mầu nhiệm của nó. Đức Giê-su, trong câu nói đơn giản đây, bộc lộ cho chúng ta xác tín của Người. Chẳng cần lý luận, Người nói theo kiểu hiện sinh rằng mình quan niệm cái chết “của mình” ra sao: đó là hạt giống! Suốt đông dài, hạt lúa vùi chôn trong lòng đất có vẻ chết đi, nó chỗi dậy khi mùa xuân đến và trở thành một bông lúa căng mọng chỉ trong ít tuần, sẵn sàng chờ gặt. Đức Giê-su đã thấy mùa gặt rồi! Thi sĩ Paul Claudel (1868-1955) cũng cho khắc tên bia mộ mình: “Nơi đây yên nghỉ di hài và hạt giống của Paul Claudel”.

Như thế, đối với Đức Giê-su, sự “sống” thật, chính là chết đi! Và Đức Giê-su chẳng nói điều ấy vì thích ngược đời. Nhưng qua một công thức khó hiểu. Người cố gắng gợi cho chúng ta một chân lý không tất nhiên, nhưng hiển nhiên đối với những tâm hồn yêu mến: cái chết đích thực không phải là chết thể lý, nhưng là từ chối hiến thân, khép kín cằn cỗi trong chính mình! Để đi vào sự sống thực, phải chết đi đã. Và chính điều đó được Thiên Chúa làm cho chúng ta vì Người là “tình yêu” tuyệt đối, Người đã vì chúng ta mà thí mạng! Định luật của sự sống chính là yêu thương: hạt giống nhỏ bé nhất nhắc lại chúng ta điều đó. Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi tính ích kỷ cằn cỗi mà đôi khi chúng con gọi là “sống” cuộc đời mình. Xin dạy chúng con biết hiến thân như Chúa. Vì số phận của “hạt lúa” cũng là số phận dành cho chúng con: chết để mang lại hoa quả: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”.

2. Sợ hãi khi đến “Giờ”.

Tuy nhiên, dẫu xác tín hy tế mình sẽ sinh hoa quả, Đức Giê-su vẫn cảm thấy cái chết thật kinh khủng: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”. Ý tưởng phải chịu số phận của hạt lúa mì, chết để sống lại, làm Đức Giê-su xao xuyến sâu xa. Các tác giả Tin Mừng kia, ở chỗ khác, cho ta biết Đức Giê-su đã bị “cám dỗ” sử dụng thần tính để thoát khỏi thân phận con người: đó đã là cám dỗ đầu đời trong hoang địa (x. Mt 4,11)… đó sẽ là cám dỗ của cơn hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x. Mc 14,32). Mỗi lần như thế, Đức Giê-su đều thoát khỏi và càng thêm trung thành quyết liệt, gắn bó thảo hiếu với ý muốn Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng … xin hãy tôn vinh Danh Cha”

Đối với chúng ta cũng vậy, vâng phục đức tin là chấp nhận thân phận phải chết của mình, ban cho nó một “ý nghĩa” trong ánh sáng cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giê-su : chết để sinh hoa kết quả. Thư gửi tín hữu Do-thái đọc Chúa nhật này cũng nói cái chết của Người có ý nghĩa sâu xa là nhờ Người đã biết vâng phục: “Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9). Cái chết vẫn là một sự dữ… Khổ đau vẫn là một sự dữ… Nhưng Đức Giê-su đã không mất công trả lời các câu hỏi thuộc loại triết học do “vấn đề sự dữ” đặt ra. Người chỉ đơn giản chấp nhận cái chết như một cách vâng phục thân phận làm người của mình, vâng phục thánh ý Chúa Cha, vì yêu thương. Và như thế, Người biến đổi ý nghĩa của cái chết, biến cái chết thành ngưỡng cửa đi vào nơi vinh hiển.

Chính vì thế, Gio-an không thể kể lại biến cố Hiển dung hay bất cứ cuộc thần hiện vinh quang nào. Đối với ông, chính giờ thập giá là giờ vinh hiển. Đức Giê-su được “nâng lên” lúc đó, nghĩa là vừa “bị đóng đinh thập giá” vừa “được tôn vinh”: loài người làm hành động thứ nhất… và Thiên Chúa làm hành động thứ hai. Và khi tôn vinh Con mình là Thiên Chúa phán xét Thủ lãnh thế gian, chiến thắng sự ác và cứu rỗi nhân loại. Vâng, chính thập giá tạo nên một lực hấp dẫn vũ trụ mới, lôi kéo “mọi” người! Phải đón nhận câu nói bí nhiệm này trong đức tin và dâng lời cảm tạ. Rốt cục, đấy là câu trả lời đích thật cho những người “Hy-lạp” xin được “gặp” Đức Giê-su.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi