Đau khổ lớn nhất – Suy niệm Chúa Nhật 5 thường niên – Năm B

05/02/2021

Tin mừng Mc 1,29-39

Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh, và trừ nhiều quỷ, nhưng lại cấm không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tốt mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy!”. Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

************************************

ĐAU KHỔ LỚN NHẤT

Vị linh mục dừng lại ghé thăm một gia đình nghèo. Vừa khi ngài chào bà mẹ, bà ta ứa nước mắt kêu lên : “Ôi thưa cha, con vừa được biết cha đến thăm hôm nay. Con tin cha có thể giúp con nhiều chuyện”. Bà dốc bầu tâm sự : bao lo âu, bao rắc rối. Thỉnh thoảng vị linh mục chêm vào một vài khích lệ, nhưng ngài cảm thấy hoàn toàn bất lực trước nỗi khổ của bà. Kể xong, bà ngưng một lát rồi kêu lên : “Ôi, thưa cha, cha giúp con nhiều quá. Cha đã giải quyết cho con mọi vấn đề”. Vị linh mục bối rối, ngài chẳng giải quyết vấn đề gì cả. Rồi ngài bắt đầu hiểu ra : bà chỉ cần và mong được thông cảm. Nỗi khổ lớn nhất không nằm trong cuộc sống hay trên thân xác nhưng nơi chính tâm hồn. Tâm hồn lành mạnh và an vui là phương thuốc trừ đau khổ và nguồn mạch tuôn hạnh phúc, như Đức Giê-su cho chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

1. Cơn bệnh đúng nghĩa và sự chữa lành đích thực.

Hôm nay chúng ta tiếp tục suy niệm về “Ngày Ca-phác-na-um”, ngày đầu tiên trong sứ vụ công khai của Đấng Cứu Thế, trong đó Người giảng dạy, cứu khỏi quỷ, chữa lành bệnh nhân và cầu nguyện… một bảng tóm tắt tất cả hoạt động của Ki-tô giáo và Ki-tô hữu.

Sau khi giảng dạy khiến ai nấy kinh ngạc, rồi giải cứu một con người khốn khổ bị quỷ ám, Đức Giê-su rời chốn hội đường công khai. Người đi đến một nhà tư, nhà của hai anh em Si-môn và An-rê, bao quanh là bốn môn đồ, vì Gia-cô-bê và Gio-an cũng có mặt. Ngày nay cũng vậy, hoạt động của Thiên Chúa thi thố khắp nơi, trong mọi lãnh vực cuộc sống: tôn giáo và trần tục, công khai và riêng tư. Người ở với chúng ta trong nhà thờ, trên đường phố, chốn quảng trường, tại tư gia.

Trước tiên, Đức Giê-su cho một phụ nữ đau ốm được khỏi. Đọc Tin Mừng, ta ngạc nhiên trước vô số cuộc chữa lành Người thực hiện. Ngày xưa, bệnh tật có một ý nghĩa tôn giáo, và thầy lang chính là các tư tế. Thời nay, bệnh tật và việc chữa lành thuộc y khoa. Tuy nhiên, bất chấp mọi tiến bộ y học, bệnh tật và các đau khổ kèm theo vẫn tiếp tục đặt con người trong một nỗi bất an đáng sợ. Giữa lòng văn minh kỹ thuật của chúng ta, tồn tại một “dấu chỉ” nói lên sự yếu đuối của thân phận con người, một thân phận luôn gánh chịu những bất ngờ, không thể dự kiến. Tự đáy lòng mình, ai mà không sợ một số bệnh mình chẳng dám đọc tên ? Bệnh tật đi ngược niềm ao ước sự ổn định và vững chãi vốn có trong mọi con người. Chỉ cần một cơn sốt là đủ quật ngã kẻ mạnh nhất và buộc y ngưng việc. Nhưng còn có điều trầm trọng hơn : tự đáy lòng, tất cả chúng ta đều biết ngày kia sẽ có một cơn bệnh mà các y sĩ không chữa ta khỏi được. Và mọi cơn bệnh đều mang trong mình “dấu chỉ” sự chết ấy, biểu tượng không thể tránh của sự dòn mỏng thân phận con người.

Nghe bẩm báo mẹ vợ Phê-rô đau nặng, Đức Giê-su “lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Cử chỉ quen thuộc, thân hữu, thấm đậm tình người. Thần học quả quyết với chúng ta rằng mỗi bí tích là một “cử chỉ của Chúa Ki-tô”. Có một thánh ca hát mừng bàn tay Đức Giê-su “đã làm nhiều việc kỳ diệu”. Vâng, tính cách hiện thực của việc nhập thể đã đi tới chỗ đó. Nhưng khi đọc câu này trong bản văn Hy Lạp do Mác-cô viết, ta không thể không nhận thấy ông đã sử dụng từ ngữ “ègeire”: “phục sinh”. Đây cũng là từ được dùng khi nói đến cuộc hồi sinh con gái ông Gia-ia : “Trỗi dậy đi nào!” (Mc 5,41) và đến việc Đức Giê-su sống lại (x. Mc 12,26 ; 16,6). Như thế, đối với Mác-cô, cuộc chữa lành cụ thể này là một “dấu chỉ” theo nghĩa mạnh, một thứ dụ ngôn tiên báo Triều đại chung quyết của Thiên Chúa… khi “Thiên Chúa sẽ lau sạch mọi nước mắt. Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4). Ngay trong thời mình, tại Ga-li-lê, chắc chắn Đức Giê-su đã không chữa lành mọi bệnh tật, nhưng chỉ một số, như kiểu báo trước, thực hiện trước «Thời cùng tận» : «Ơn rỗi» duy nhất đích thực của con người không phải là được nhất thời chữa khỏi một cơn sốt chống qua, song là được sống lại. Sự chữa lành đích thực Đức Giê-su cống hiến, đó là đi từ chỗ “không tin” sang “tin”: ai tin vào Đức Giê-su thì đã biết rằng mình được cứu khỏi chết. Lúc đó, người ấy “chỗi dậy” để “hầu hạ”, “phục vụ”, “tiếp đãi”!

Sự dữ Đức Giê-su truy đuổi còn sâu xa hơn sự dữ động tới thể xác nhiều. Chính trái tim, chính “trung tâm” của con người bị bệnh… khi nó không “phục vụ” anh em. Lúc bảo rằng bệnh nhân chỗi dậy và bắt đầu “phục vụ”, Mác-cô nói với ta nhiều hơn ta tưởng. Ông nhớ lại tiếng “phục vụ” mà một hôm nào đó Đức Giê-su đã gán cho ý nghĩa là “hiến mạng sống”: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Lạy Chúa, xin dùng Thánh Thể Chúa mà chữa trái tim con người hôm nay ! Xin chữa con khỏi chính con, khỏi tính ích kỷ tinh vi của con, khỏi thái độ đặt Thiên Chúa và anh em vào hàng thứ yếu, khỏi thái độ không phục vụ, không yêu thương, không hiến mạng sống mình!

2. Sự dữ chủ yếu và phương thế hữu hiệu để tiêu trừ.

Chiều tối, Đức Giê-su lại tiếp tục chữa bệnh và trừ quỷ. Như thế có thể nói : chính trong cùng một hành động mà Đức Giê-su chữa lành bệnh tật và bày tỏ quyền uy trên Sa-tan, hiện thân của Sự Ác. Vâng, đối với Người, sự ác chủ yếu là tách rời khỏi Thiên Chúa : chính tội lỗi là bệnh tật đích thực của chúng ta. Bệnh viện trang bị tốt nhất, nhân viên y tế có khả năng nhất, sẽ chẳng bao giờ thay thế được tình yêu mà bệnh nhân còn cần hơn thuốc men dược phẩm. Hôm nay cũng như vào thời Đức Giê-su, có một cái gì đó cần được chữa khỏi nơi trái tim con người, cần phải thực sự điều chỉnh công cuộc văn minh hóa. Quan trọng không phải là “văn minh tiến bộ kỹ thuật” nhưng là “văn minh phát triển tình thương”. Không có cơn bệnh nào nặng hơn đối với sự phát triển trái đất này cho bằng cơn bệnh gây ra bởi “độc tố” do tội lỗi đem vào thế gian. Điều đó không có nghĩa là phải từ bỏ mọi tiến bộ cũng như mọi kỹ thuật chữa bệnh ! Nhưng có nghĩa là phải cho chúng một linh hồn : và đó chính là tình yêu. Và ở đây Đức Giê-su có một cái gì đó phải làm cũng như làm được cho thế giới ! Căn bệnh “tham nhũng”, “bóc lột” trầm kha đang đe dọa nhiều đất nước xuất phát từ sự thiếu vắng tình yêu trong trái tim những kẻ nắm quyền, từ một ý thức duy vật vô thần của hàng lãnh đạo xã hội, từ chỗ không thấy mình rồi phải trả lẽ trước Đấng Tối Cao ! Hãy để cho Chúa Ki-tô được quyền ăn nói với xã hội, với lòng người !

Nhưng dẫu “trừ nhiều quỷ, Đức Giê-su lại cấm không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai”. Trong cùng một ngày, chủ đề “Bí mật (về Đấng) Mê-si-a” lại tái xuất hiện (Mc 1,25 và 1,33). Đức Giê-su không muốn thiên hạ xuyên tạc ý nghĩa sứ mệnh của mình. Người bắt im tiếng tất cả những ai nói quá sớm rằng Người là “Con Thiên Chúa”. Có quá nhiều ý tưởng sai lạc lưu hành về Đấng Mê-si-a và về Thiên Chúa thời Người. Thiên hạ quá tìm cái kỳ diệu bề ngoài, quá chạy đến với Người chỉ như đến với một “lang băm”. Công bố quá nhanh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa Toàn Năng, mà không biết rằng chính Người sẽ phải đau khổ và tử nạn, đó là nói mà không biết điều mình nói, là liều mình chối bỏ Đức Giê-su khi khám phá ra thập giá của Người. Thiên Chúa không “toàn năng” theo nghĩa chúng ta hiểu… Vì tình yêu, Người sẽ trở nên “toàn nhược” (hết sức yếu đuối)… bởi lẽ Người là “tình yêu toàn năng”. “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi nào”: chúng ta luôn giữ ý tưởng Thiên Chúa lẽ ra phải tỏ cho biết mình là “Ai”! Người đã tỏ ra thật : là tình yêu vô biên, đã đi tới cùng trong việc “phục vụ”… Ta “đã đến để phục vụ và hiến mạng sống!” Trong lúc chờ đợi giây phút thập giá trên đó Thiên Chúa tỏ mình, phải “im tiếng”, “lặng câm”. Lạy Chúa, xin giúp con chấp nhận Chúa đúng như bản chất Ngài. Xin giúp con hiểu rằng Chúa không muốn “hùng mạnh” theo nghĩa thế gian… “vì cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người, và cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của nhân loại” (1Cr 1,25).

“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm” : Ngay đêm đầu tiên trải qua bên cạnh Đức Giê-su, Phê-rô đã khám phá ra điểm “chủ yếu” này : đối với Đức Giê-su, “gặp gỡ Cha” mới là điều quan trọng. Tờ mờ sáng, Người đã ra khỏi căn nhà tạm trú, rời thành Ca-phác-na-um. Hãy xem Người đang xuyên cánh đồng, đi tìm cô tịch, thinh lặng. Người lánh mình “vào một nơi hoang vắng”, dừng chân, quỳ xuống, nguyện cầu. Đức Giê-su là nhân loại “bên Cha”, là nhân loại “gặp Chúa”… Đó là nơi bạn hữu của Người phải tìm Người trước tiên. Nhưng xin lưu ý : câu Tin Mừng này không phải là một chi tiết vụn vặt. Đó là bí quyết, là kết luận, là nhịp mạnh của “ngày đầu tiên” đời công khai này. Đức Giê-su qua đó muốn “kêu lên” với chúng ta, nhưng “trong thinh lặng”: ý nghĩa cuộc sống anh em nằm trong Thiên Chúa… cơn bệnh trầm trọng nhất của anh em chính là cơn bệnh khiến anh em xa cách Người… ai biết “ẩn thân nơi Thiên Chúa” trong hoang địa là một con người được cứu… lúc ấy mọi cơn sốt, và ngay cả cái chết cũng không động tới mình được nữa ! Này bạn, người anh em bệnh tật của tôi… này bạn, người anh em đang cơn thử thách tâm hồn… bạn có biết nghe “Tin Mừng” về việc chữa lành bạn, ngay chính giữa lòng thử thách của bạn chăng?   

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi