Chứng nhân cho Thầy – Suy niệm Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm B

17/04/2021

Tin Mừng Lc 24,35-48

Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông sợ kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy, đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở lòng mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.      

************************************

CHỨNG NHÂN CHO THẦY

Brian Sternberg (1943-2013) là một vận động viên nhảy sào vô địch thế giới và là một quán quân nhào lộn của Châu Mỹ thập niên 60. Tuy nhiên anh ta cũng là một lực sĩ trẻ ích kỷ, kiêu căng và chẳng bao giờ cười. Nhưng rồi một hôm, trong khi tập luyện, anh bị chấn thương, gãy cột sống cổ và phải tê liệt hoàn toàn, chỉ còn mắt và miệng là cử động được. Trở thành tàn phế và bị chìm vào lãng quên, Brian cực kỳ đau khổ. Năm năm sau, trong một hội nghị các huấn luyện viên và lực sĩ bang Colorado (Mỹ), người ta gặp thấy trên sân khấu một hình nộm rách rưới với đôi tay dài và đôi chân rũ rượi treo hai bên sườn đang rè rè diễn thuyết. Hình nộm đó chính là Brian. Chàng nói như sau:

“Thưa quý bạn! Ôi, tôi cầu xin Chúa để những gì đã xảy đến cho tôi sẽ không bao giờ xảy đến cho một ai trong các bạn. Tôi cầu xin để các bạn chẳng bao giờ phải nếm mùi nhục nhã vì không thể thực hiện được một hành vi cho ra người như tôi. Ôi, tôi cầu xin Chúa để các bạn sẽ chẳng bao giờ phải chịu cảnh thương đau mà tôi đang phải chịu từng ngày. Trừ phi, thưa các bạn, đó là điều cần thiết để giúp các bạn đặt Thiên Chúa vào trọng tâm đời sống các bạn”. Những lời nói của Brian gây chấn động chẳng khác gì điện giật. Không một ai hiện diện ở đó có thể quên được chứng từ này, chứng từ của một con người đã gặp được Chúa Ki-tô nhờ đau khổ và từ nay khám phá ra rằng cuộc đời mình vẫn ý nghĩa dầu tràn ngập khổ đau.

1. Chứng kiến Đấng Phục sinh.

Hôm nay chúng ta cũng đọc được câu chuyện về một số chứng nhân của Chúa, tức các Tông đồ Người, trong phần áp chót “trình thuật Phục sinh” của Lu-ca. Biết bao biến cố bi thảm đã xảy ra cho những con người khốn khổ đó từ ba ngày này! Bữa ăn cuối cùng giữa thầy trò chiều Thứ Năm thánh. Đức Giê-su bị bắt tại vườn Ghét-sê-ma-ni, hết thảy họ bỏ trốn, nhóm trưởng Phê-rô chối thầy, bản án ô nhục với tội danh tà giáo và phạm thượng, cái chết trên thập giá ngoài cửa thành, một trong những người bạn của họ là Giu-đa treo cổ tự vẫn, nhóm 12 trở thành nhóm 11 do việc đào ngũ và quyên sinh của một người trong họ! Chính trong bối cảnh ấy mà cuộc “phục sinh” xảy tới, gây chưng hửng. Và này Đấng Phục sinh hiện diện đến với họ, thật bất ngờ!

Người chào họ theo lối chào thông thường của dân Do-thái: “Shalom!” “Bình an cho anh em!” Nhưng không thể không nghĩ rằng chiều hôm ấy, câu chúc truyền thống này hẳn đã mặc một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt, vì chính giữa lòng thất vọng của họ mà Đức Giê-su đã đến nói với họ: “Đừng sợ, hãy an tâm”. Trước khi chết, chiều ngày Thứ Năm, Người đã hứa với họ rằng họ sẽ tìm lại bình an sau một thời gian rối loạn đau khổ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). “Anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình… Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an… Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian rồi” (Ga 16,32-33). Hôm nay, chiều ngày Phục sinh, lời hứa ấy được thực hiện.

Nhưng như mọi trình thuật khác cũng cho thấy, thoạt tiên các Tông đồ sợ hãi, thậm chí “nghi ngờ”. Chốc nữa, Lu-ca sẽ nhấn mạnh rằng Đức Giê-su phải “mở trí” cho họ, bởi họ còn chưa hiểu. Trong trình thuật song song của Gio-an, Đức Giê-su cho xem “tay và cạnh sườn Người” (Ga 20,20). Đối với Gio-an, “cạnh sườn mở” là biểu tượng nguồn suối chảy ra từ Đền thờ mới, theo sấm ngôn Êdêkien. Ở đây, đối với Lu-ca, đó là tay và chân! Nhưng điểm chủ yếu của hai trình thuật vẫn là cho thấy cũng chính Đấng bị đóng đinh đã sống lại. Đức Giê-su bảo đảm với môn đồ rằng mình chẳng phải là một bóng ma, vì có một thể xác. Cuộc phục sinh không giản lược vào sự “bất tử linh hồn”. Do đó mà có mọi chi tiết cụ thể ấy: “cứ rờ xem… nhìn chân tay Thầy… có gì cho Thầy ăn với…”. Tuy nhiên chúng ta thường ảo tưởng. Phải vượt qua tính vật chất của từ ngữ để hiểu ý nghĩa sâu xa của việc Phục sinh. Vì thánh Phao-lô, cũng với ngần ấy sự thật, sẽ nói “Chúa là Thần Khí” (2Cr 3,17-18) và sẽ mô tả thân xác phục sinh như một “xác thần thiêng” (1Cr 15,44). Thân xác phục sinh là một thân xác có thật song đã được biến đổi, chẳng còn ở trong những điều kiện không gian và thời gian như bình thường.

2. Lãnh hội ý nghĩa cuộc Phục sinh

Thế nhưng cuộc Phục sinh không thể được hiểu như một thứ hiện tượng đơn lẻ, một kiểu hành vi ma thuật. Đức Giê-su nhấn mạnh là môn đệ phải biết đem “trí tuệ” vào sự kiện này. Và con đường lãnh hội thứ nhất Người gợi lên cho họ, đó là “kỷ niệm”. Người đã loan báo cái chết và sự phục sinh của mình, nay họ phải nhớ lại điều ấy. Người ao ước chúng ta liên kết “Đức Giê-su trước Vượt Qua” với “Đức Giê-su sau Vượt Qua”, Đức Giê-su lịch sử và Đức Giê-su siêu lịch sử, Đức Giê-su cụ thể và Đức Ki-tô của đức tin.

Con đường lãnh hội thứ hai là Kinh Thánh, ở đây toàn bộ Cựu Ước: Lề luật, Ngôn sứ và Thánh vịnh. Nên nhớ Đức Giê-su là một tay thành thạo Thánh Kinh, Người đã đọc đi đọc lại vì mình một số đoạn, và đã áp dụng chúng cho bản thân mình: Kinh Thánh đã viết về tôi; đọc đi, anh em sẽ thấy! Và chúng ta tưởng tượng Đức Giê-su đã làm một giáo trình chú giải Thánh Kinh ngắn gọn. Nhờ sách Công vụ, chúng ta biết đâu là các bản văn đặc biệt trong đó Đức Giê-su “thấy mình”, và bảo rằng người ta “nói về mình” (Các bản văn luôn được trích dẫn là Đnl 18,16-19; 21,23; Hs 6,1; Is 52,13; Tv 2; 22). Nhưng nói cho đúng, hết thảy Cựu Ước đều hướng về Đức Giê-su. Tất cả chương trình của Thiên Chúa, tất cả những gì đã được chuẩn bị đều hướng về sự “hoàn thành” này: hy tế vinh quang của Đức Giê-su nhờ tình yêu cứu chuộc. Các Bài ca về Người Tôi Trung, và nhiều Thánh vịnh khác, đặc biệt cho thấy rằng đau khổ của người công chính, thay vì nên vô ích, thì đã sinh hoa kết quả lạ lùng (x. Is 49-50).

Chính vì thế, “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân việc sám hối để được ơn tha tội”. Ưu tư truyền giáo dâng đầy trái tim Đức Giê-su. Người thấy trước hàng tỉ Ki-tô hữu theo mình và yêu mình. Người thấy trước hàng tỉ tội nhân được tắm trong “bể ân đức thứ tha”, chìm ngập trong tình yêu thương xót của Thiên Chúa, được thanh tẩy trong Thánh Thần “tác sinh” và xá tội. Nhưng điều này chỉ thành tựu khi các Tông đồ và chúng ta biết đón nhận và loan truyền “sứ điệp Phục sinh” bằng sự đổi đời, hoán cải! Cuộc Phục sinh là một động lực cho cuộc sống! Nó làm chuyển động đời ta để chuyển động cả thế giới, biến đổi đời ta để biến đổi vũ trụ. Và đấy là điều mà chàng lực sĩ tàn phế Brian Sternberg đã thực hiện trong câu chuyện trên kia.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi