Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B – Tôi Là Vua – Giải thích bản văn Tin Mừng

21/11/2024

Ga 18, 33b-37: Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”

Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.

Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”

Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.  

Văn mạch của đoạn 18,33b-37 là Chúa Giêsu chịu xét xử trước Philatô (18,28-19,16a). Đoạn nầy thuật lại nội dung cuộc thẩm vấn lần thứ nhất ngay sau khi Người bị giao nộp Philatô; lần thẩm vấn thứ hai là 19,8-12. Nội dung cuộc thẩm vấn xoay quanh việc xác định Chúa Giêsu có phải là vua hay không. Câu hỏi của Philatô và câu trả lời của Chúa Giêsu đóng khung cuộc thẩm vấn nầy (18,33b và 18,37). Có thể phân chia đoạn nầy như sau: 1- Philatô hỏi về Chúa Giêsu (18,33b-35); 2- Chúa Giêsu trả lời về chính mình (18,36-37).

Đặc điểm của phần nầy là được kết cấu bằng nhiều câu hỏi của Philatô và của Chúa Giêsu (18,33b.34.35). Philatô hỏi Chúa Giêsu hai điều: – Người có phải là vua dân Do thái không (18,33b), và Người đã làm gì (18,35b). Xen kẽ vào đó là câu hỏi của Chúa Giêsu, thay vì câu trả lời (18,34) và lời khẳng định về việc người Do thái giao nộp Người cho ông (18,35). Tước hiệu “vua của dân Do thái” mà Philatô dùng để hỏi Chúa Giêsu rất có thể là một tiếng vang từ người Do thái, chứ không phải tự ông nói lên. Có thể minh chứng điều nầy qua câu hỏi và trả lời giữa Chúa Giêsu và Philatô (18,34-35). Ông sẽ lập lại tước hiệu nầy hai lần nữa khi ông thăm dò ý kiến dân chúng để thả Người ra (18,39) và khi cho viết nó vào tấm bảng đóng trên thập giá (19,19). Đối với người Do thái, nếu họ có gọi Người bằng tước hiệu ấy, chỉ để chế nhạo Người (19,3), chứ họ không chấp nhận Người là vua của họ (19,21). Tuy nhiên, giữa dân chúng, Chúa Giêsu được gọi là “vua của Israel” hai lần (1,49; 12,13). Trong tin mừng Gioan, hạn từ “Israel” và “Do thái” đối nghịch với nhau. Từ “Israel” chỉ cách tích cực dân riêng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến để tỏ mình ra cho họ và làm vua của họ (x. 1,31). Trong khi đó, từ “Do thái” chỉ cách tiêu cực riêng giới lãnh đạo của dân Israel, đại diện cho những người chống đối và giết Chúa Giêsu (x. 5,16.18; 7,1; 8,52; 9,22; 10,31.33; 11,8; 18,35; 19,21). Vậy, Chúa Giêsu không là vua của người Do thái. Người là vua theo nghĩa khác.

 Phần thứ hai gồm hai câu dài, với nội dung là trả lời câu hỏi của Philatô (18,36-37). Đặc điểm của phần nầy là dùng chủ ngữ ở ngôi thứ nhất số ít: “vương quốc của tôi” (18,36 [3x]), “tôi là vua”, “tôi đến”, “tôi làm chứng”, “tiếng tôi” (18,37). Trong câu 18:38 Chúa Giêsu định nghĩa cách phủ định vương quốc của Người; trong khi ở câu 18,37, Người xác định cách tích cực vai trò làm vua và việc làm của Người. Khi định nghĩa vương quốc của Người [3x] (18,36), Chúa Giêsu đối nghịch nó với vương quốc xuất phát từ “thế giới nầy”. Khi dùng cụm từ “thế giới nầy”, thánh Gioan muốn ám chỉ thế giới thuộc bên dưới. Đó là thế giới đã bị kết án cùng với thủ lãnh của nó (12,31; 16,11). Cả Người và những ai ở trong vương quốc của Người đều không “bởi thế giới nầy” (x. 15,19; 17,14), vì Người từ Thiên Chúa mà đến (8,23; 17,16). Vậy, vương quốc của Người và vương quyền của Người từ Thiên Chúa mà đến.

Sau khi giải thích những gì không phải là vương quốc của Người, Chúa Giêsu tuyên bố Người là vua, những việc Người làm, và Người xác định ai là thần dân của Người (18,37). Philatô xem ra hiểu điều Người đã nói, nên lần nầy ông hỏi lại với câu ngắn hơn “Vậy ông là vua sao?”. Cách nói tiêu biểu trong tin mừng Gioan “Tôi là” để xác định chân tính của Chúa Giêsu (x. 6,48; 9,5; 10,9.11; 10,36; 11,25; 14,6; 15,1.5 18,37). Người là vua thật. Tuy nhiên, Người không đến “từ thế gian nầy”, mà từ Chúa Cha Người vào “trong thế gian” (1,9; 3,17.19; 6,14; 10,36; 11,27; 12,46). Công việc của Người là “làm chứng cho sự thật” (1,17; x. 8,32-47), rao giảng sự thật (16,7) và tìm kiếm những người theo sự thật (4,23). Thần dân của Người là những người nghe theo sự thật. Cụm từ “nghe tiếng tôi” gợi lại cách nói Chúa Giêsu dùng trong diễn từ về người mục tử “con chiên tôi thì nghe tiếng tôi” (10,3.4.5.16.27). Như thế, khi làm chứng cho sự thật, và làm cho nhiều người nghe tiếng Người, Người đã tạo nên đàn chiên của Người. Đó là dân của Người và vương quốc của Người. Dân của sự thật và vương quốc của sự thật. Phần Người, chính Người là Vua của sự thật (x. 14,6), chứ không phải là vua của người Do thái.

Sự thật giải thoát con người. Chấp nhận Chúa Giêsu làm vua và nghe tiếng Người, con người sẽ trở thành con cái tự do của Thiên Chúa.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến