Chúa Nhật XXXI Thường Niên B – Điều Răn Trọng Nhất – Giải thích bản văn Tin Mừng

31/10/2024

Mc 12,28b-34: Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:

“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.   

Đoạn tin mừng 12,28-34 nằm trong ngữ cảnh của những tranh luận khác nhau của Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem (11,1-13,37). Trong ngày thứ ba (11,20-12,44), Người giáo huấn các môn đệ của Người về đức tin và việc cầu nguyện (11,20-25); Người gặp gỡ hội đồng công nghị (11,27-12,12); chuyện nộp thuế (12,13-18); vấn đề sống lại (12,19-27); giới răn trọng nhất (12,28-34); quyền làm con của Đức Kitô (12,35-37); giữ mình khỏi các luật sĩ (12,38-40); câu chuyện bà goá (12,41-44). Về bố cục, đoạn 12,28-34 có thể được phân chia như sau: 1- Câu hỏi của kinh sư (12,28); 2- Giới răn yêu thương (12,29-31); 3- Sự đồng ý của kinh sư (12,32-33); 4- Kết luận của Chúa Giêsu (12,34). Đoạn 12,28-34 được đóng khung bởi hai chữ “thấy” và “đối đáp” (12,28.34). Có thể nhận ra cách dễ dàng hai phần đối xứng trong đoạn nầy (12,28-31 và 12,32-34) qua hai hành động đối xứng nhau của Chúa Giêsu và kinh sư: – kinh sư “thấy” Người “đối đáp” hay nên hỏi Người (12,28), và – Người “thấy” ông “đối đáp” khôn ngoan, nên nói với ông…” (12,34).

Giới răn là lời của Thiên Chúa (7,13), trong đó ý muốn của Người được bày tỏ. Tuân giữ giới răn là cách thờ phượng Thiên Chúa đích thật nhất (x. 7,7); nhờ đó, có thể đạt đến sự sống muôn đời (10,17-19). Khi đặt câu hỏi với Chúa Giêsu, ông kinh sư muốn biết Người xếp hạng thế nào các giới răn để biết phải đặt chú tâm vào đâu nhất mà thực hành. “Giới răn đứng đầu” (12,28) là giới răn quan trọng nhất trong bậc thang các giới răn. Điều nầy được lập lại cách khác ở thể phủ định “không có giới răn nào lớn hơn các giới răn nầy” (12,31). Các giới răn (x. 10,19), hay gọi cách khác “giới răn (số ít) của Thiên Chúa” (7,8), là toàn bộ những điều khác nhau phải tuân giữ mà Thiên Chúa đã qui định trong luật Môsê.

Giới răn quan trọng nhất đối với Chúa Giêsu là giới răn yêu thương. Hạn từ “yêu thương” được dùng đến 4 lần trong đoạn ngắn nầy. Đây là động từ chính diễn tả trọn vẹn ý tưởng liên quan đến giới răn đứng đầu của Chúa Giêsu. Để trả lời câu hỏi được đặt ra, Chúa Giêsu lấy hai giới răn trong Đnl 6,4-5 và Lêvi (Lv 19,18), và trình bày chúng theo ý muốn của Người. Trong phần đầu (12,29), Chúa Giêsu đã lấy Đnl 6,4, “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta, Đức Chúa là duy nhất”. Người dùng công thức long trọng “Nghe đây, hỡi Israel” để mở đầu cho giới răn riêng của Người, như nó cũng được dùng để mở đầu toàn bộ Thập giới (Đnl 5,1) và phần chính của bộ luật Môsê (6,4). Giới răn nầy không mang tính cách cá nhân, mà nói cho toàn thể Israel, nghĩa là cho mọi người. Phải lắng nghe để biết Thiên Chúa chúng ta thờ là ai. Người là Thiên Chúa duy nhất, và không có thần nào khác như Người (x. 12,32). Chỉ mình Người là Đấng tạo dựng mọi loài (13,19), và thực hiện những điều mà chẳng ai có thể làm được (2,7; 10,18). Thiên Chúa ấy không xa lạ. Người là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp…(12,26) và của chúng ta (12,29). Vậy, nền tảng của sự thờ phượng và việc tuân giữ giới răn là lòng tin chung vào một Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa của chúng ta.

Tiếp theo, Chúa Giêsu nói đến giới răn yêu mến Thiên Chúa và người thân cận, dưới dạng một mệnh lệnh “Ngươi hãy yêu mến” (12,30-31). Đại danh từ sở hữu ngôi thứ hai số ít “của anh/ngươi” được dùng ở  đây, “Thiên Chúa của anh/ngươi” (12,30), “người thân cận của anh/ngươi” (12,31), thay vì đại danh từ sở hữu ngôi thứ nhất số nhiều như  trong “Thiên Chúa của chúng ta”. Việc thay thế nầy nhấn mạnh tương quan cá nhân của người thực hành giới răn với Thiên Chúa và người thân cận. Yêu thương trước hết mang tính cá nhân hơn là tập thể. Bốn khả năng: con tim, linh hồn, trí khôn và sức lực “của ngươi” không thể tách rời nhau. Chúng chỉ một con người toàn vẹn. Như thế, mỗi cá nhân cụ thể phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả những gì là chính nó. Giới răn thứ hai được trình bày ngắn gọn hơn “yêu thương người thân cận ngươi như chính mình”. Câu nầy tóm tắt tất cả các giới răn liên quan đến người thân cận (x. Rom 13,9; Gal 5,14). Hai giới răn nầy không thể tách rời nhau, vì: – “Thiên Chúa của chúng ta” là nguồn gốc phát sinh chúng; – Lòng tin chung vào Người đã tạo nên một cộng đoàn “Thiên Chúa – người thân cận – anh/ngươi”; do đó, tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân không thể tách rời nhau. Mặt khác, vì Thiên Chúa là nền tảng và động lực của tất cả, nên có thể hiểu là giới răn thứ hai phát xuất từ giới răn thứ nhất, và yêu mến người thân cận là bằng chứng quyết định để biết có tình yêu đối với Thiên Chúa hay không (1Ga 4,20). Vậy có thể gọi đây là một giới răn – kép yêu thương.

Ông kinh sư lập lại lời của Chúa Giêsu để bày tỏ sự đồng ý của mình (12,32-33); đồng thời ông cũng thêm một phần câu trích dẫn từ Ôsêa 6,6. Lời của ông ở thể loại so sánh hơn thua, “Yêu thương… thì quý hơn mọi lễ toàn thiêu và lễ hy sinh” (12,33). Trong đó, động từ “yêu thương” được dùng ở dạng nguyên thể để nhấn mạnh chính hành động (12,33), và hành động “yêu thương” nầy thay thế cho “lòng thương xót” và “sự nhận biết” (x. Os 6,6). Theo ngữ cảnh của đoạn 6,1-6, Ôsêa kêu gọi dân Israel sám hối vì Thiên Chúa sẽ phục hồi họ trong công chính. Ông không dẹp bỏ các hình thức lễ tế, mà chỉ kêu gọi dân làm những điều Thiên Chúa ưa thích hơn khi họ phải sửa đổi cuộc sống để trở về với Người. Vậy, yêu thương được đánh giá cao trọng hơn lễ toàn thiêu và lễ hy sinh, vì yêu thương là hoàn tất mọi điều Thiên Chúa muốn (x. Rom 13,8).

Yêu thương và trao ban chính mình cho Thiên Chúa và cho người khác thì cao trọng hơn mọi sự.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến