Chúa Nhật XVII Thường Niên B – Thấy Dấu Lạ Người Làm – Giải thích bản văn Tin Mừng

22/07/2021

Mc 6,1-15Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.

Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.

Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

Đoạn 6,1-15 thuộc về phần thứ nhất của chương 6, ghi lại việc Chúa nuôi dân chúng. Chương nầy có thể chia làm hai phần đối xứng và liên hệ nhau: phần thứ nhất gồm việc làm bánh hoá nhiều (6,1-15) và đi trên biển (6,16-21); và tiếp theo đó là hai cuộc đối thoại liên quan đến bánh: tìm kiếm Chúa (6,22-26) và xin một dấu lạ từ trời (6,27-31); phần thứ hai là diễn từ về Bánh Hằng Sống (6,32-59); và tiếp theo là hai cuộc đối thoại liên quan đến Bánh: một số môn đệ bỏ đi (6,60-65) và nhóm Mười Hai ở lại (6,66-71).

 Trình thuật 6,1-15 về việc làm bánh ra nhiều để nuôi dân chúng bao gồm: thời gian và nơi xảy ra biến cố (cc. 1-4); đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ về vấn đề bánh cho dân chúng ăn (cc. 5-9); cách giải quyết của Người là làm bánh hóa nhiều (cc. 10-11); kết quả  là dân chúng được no nê – bánh thừa (cc. 12-13), dẫn đến phản ứng của họ là muốn tôn Người làm vua (cc. 14-15). Trình thuật nầy được đóng khung bởi hai yếu tố chủ yếu giúp hiểu nó trong ý hướng của Gioan: ”thấy những dấu lạ” (cc. 2 và14), ”Người lên núi” (cc. 3 và 15). Ngay trong những câu đầu tiên, Gioan nêu lên lý do thúc đẩy dân chúng đi theo Chúa Giêsu là ”thấy Người đã làm những dấu lạ trên bệnh nhân” (c.2); và trong phần kết, cũng là do thấy Người đã làm dấu lạ nuôi họ no nê, họ nghĩ Người là một ngôn sứ, và muốn tôn Người làm vua (c. 14). Về phía Chúa Giêsu, Gioan trình bày Người như một vị Thầy (rabbi) khi nói ”Lên núi Người ngồi với các môn đệ” (c. 3; 6,35). ”Ngồi” là tư thế Người thường có khi Người giảng dạy (8,2; cf. Mc 4,1, 9,35, Mt 26,55, Lk 4,20, 5,3). Ngoài ra, Gioan đã trình bày tương tự như Marcô là Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng sau khi thấy họ kéo đến với Người và trước khi làm bánh ra nhiều cho họ (x. Mc 6,34). Tuy nhiên, vì dân chúng đã không hiểu đúng Chúa Giêsu là ai (x. 6,26), Người lại rút lên núi một mình (c. 15); lần nầy là để tránh họ.

Vị trí của trình thuật nầy được đặt trong tin mừng của Gioan, khác với các tin mừng nhất lãm, cho thấy ý định của ông là trình bày Chúa Giêsu qua câu chuyện làm bánh ra nhiều như là Đấng ban Bánh Hằng Sống, chứ không nhấn mạnh Người là mục tử nuôi dưỡng đàn chiên (x. Mt 14,13-21; Mc 6,32-44; Lc 9,10b-17); và qua đó, mời gọi dân chúng tin vào Người. Trong mạch văn rộng hơn, đoạn 6,1-15, được đóng khung bởi những lần nhắc đến Môsê như là chứng nhân cho Chúa Giêsu (5,45-47) và là người ban manna cho dân chúng trong hoang địa (6,32). Như thế, Chúa Giêsu được hình dung trong tương quan với Môsê. Như Môsê, Người ban bánh cho dân chúng (x. Dân số 11,13). Trổi vượt hơn Môsê, khi bánh ấy tự Người ban cho (6,11-12). Bánh ấy sẽ là bánh bởi trời ban sự sống, vì chính là thân thể Người (6,35); trong khi Môsê chỉ cho dân chúng manna hư nát. Như thế, khi nói Người là một ngôn sứ và muốn tôn Người lên làm vua, dân chúng chỉ nhận ra nơi Người là một Môsê khác, ngôn sứ và vua, chứ không phải là Con Thiên Chúa, được gởi đến trần gian và phải tin vào Người (x. 6,26.29). Chính vì lý do nầy mà Chúa Giêsu đã rút lên núi một mình.

Trong phần chính của trình thuật làm bánh ra nhiều (6:5-13), Gioan đã trình bày những sự kiện cách khác biệt ít nhiều so với câu chuyện ấy trong các tin mừng nhất lãm. Trước tiên, Chúa Giêsu có sáng kiến thực hiện chuyện nầy. Hầu như Người là chủ ngữ của mọi động từ trong đoạn nầy: ngước mắt lên, thấy dân chúng, hỏi Philiphê (c. 5), ra lệnh cho các môn đệ, cầm lấy bánh, tạ ơn, phân phát bánh cho dân chúng (cc. 10-11), bảo các môn đệ đi thu lượm bánh vụn (c. 12). Tiếp đến, vai trò trung gian của các môn đệ rất hạn chế. Họ chỉ làm hai việc: sắp đặt chỗ ngồi cho dân chúng và đi thu lượm những mẫu bánh thừa. Sau cùng, Gioan dùng những hạn từ khác: bánh lúa mạch, cá (đã nấu chín sẵn sàng để ăn) (6,9; 21,9.13), câu trả lời của Philiphê về ”hai trăm quan tiền cũng không đủ” (c. 7) là để nhấn mạnh (x. Mc 6,37).

 Chỉ mình Chúa Giêsu có thể thực hiện những dấu lạ kỳ diệu mà chẳng ai có thể làm được (3,2). Dấu lạ Người làm không chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất, mà còn để gây nên lòng tin nơi người nào nhìn thấy nó (2,11.23). Dấu lạ bánh ra nhiều nuôi sống dân chúng mời gọi tin vào Đấng có thể ban Bánh Hằng Sống cho muôn người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến