Chúa Nhật XIV Thường Niên C – Người Sai Cứ Từng Hai Người – Giải thích bản văn Tin Mừng

04/07/2019

Lc 10,1-12.17-20: Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

 “Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.

 “Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

 Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

 Sau khi nói đến những đòi hỏi tận căn nơi người muốn theo Chúa Giêsu, Luca trình bày việc Chúa Giêsu sai nhóm 72 môn đệ đi. Người chỉ dẫn cho họ những việc phải làm (10,1-12). Khi trở về, họ sẽ thuật cho Người biết kết quả những việc họ đã làm (10,17-20). Bố cục của diễn từ nầy có thể phân chia như sau: – Nhập đề. Nhu cầu và những đòi hỏi nơi người được sai đi (10,1-4); – Cách cư xử khi vào một nhà (10,5-7); – Cách cư xử khi vào một thành (10,8-12).

“Sau điều đó” (10,1) là sau khi Chúa Giêsu đã cho những người muốn đi theo làm môn đệ biết những đòi hỏi của Người (9,57-62). Với tư cách là “Chúa”, Người chỉ định (anadeiknimi) 72 môn đệ khác. “Chỉ định” là chính thức giao phó một sứ mạng; như Gioan Tẩy Giả lãnh nhận sứ mạng đến với dân Israel (x. 1,80). Những người trong nhóm khác gồm 72 môn đệ nầy (x. 6,13), khác với nhóm Mười Hai mà Chúa Giêsu đã chọn (9,1-6). Nhóm Mười Hai nầy được nhắc đến nhiều lần trong tin mừng, nhất là trong trong cuộc thương khó và phục sinh của Chúa Giêsu (8,1; 9,17; 18,31; 22,3.30; 22,7). Con số 72 không đồng nhất theo truyền thống. Trong Cựu ước, nhóm 70 vị bô lão được chọn để giúp Môsê (Xh 24,1; Ds 11,6). Sứ mạng của nhóm 72 là “đi trước mặt Người” (x. 9,52), và Luca xác định rõ là “trong những làng, và những nơi Người sắp đến”. Như thế, họ là những sứ giả đi trước, làm chứng cho Người và chuẩn bị cho dân chúng sẽ gặp Người sau nầy (12,22). Quy tắc “cứ từng hai người” (x. Đnl 19,15; Gio 8,17) khi họ được sai đi là để bảo đảm lời chứng của họ về Người được nhận là xác thật.

Trong phần mở đầu của diễn từ, trước hết Chúa Giêsu đặt các môn đệ trong tương quan với Thiên Chúa (c. 2). Thiên Chúa là Chủ mùa (kurios). Thợ gặt là các môn đệ (c. 7). Họ là những người thợ làm việc cho Thiên Chúa, và theo ý của Người. Thực trạng là “Mùa gặt nhiều, thợ gặt ít”. Hình ảnh ẩn dụ “mùa gặt” ở đây không phải là hình ảnh của sự phán xét (x. Mic 4,11-13; Is 63,1-6; Giêr 25,30-31; Gioel 3,13), cũng không phải là sự quy tụ cánh chung (Is 27,12-13), mà là thời kỳ sau cùng do việc Chúa Giêsu đến trần gian. Đây là lúc mọi người được kêu gọi vào trong Nước của Thiên Chúa ngang qua lời rao giảng và con người của Chúa Giêsu. Sau Người là đến mùa gặt; không còn một ai khác được sai đến nữa. Luca ghi nhận là số người tin gia tăng nhiều trong thời kỳ các tông đồ (x. Cv 2,41.47; 4,4; 11,24). Người môn đệ phải cầu xin với Chủ mùa, vì họ không có khả năng chu toàn mùa gặt (x. 5,12; 8,38; 9,38; 22,32). Người môn đệ, như là thợ gặt, chỉ nhắm làm việc cho mùa gặt của Thiên Chúa; như thế, họ không phải lo âu vì mùa gặt quá lớn và không phải đòi hỏi nhiều cho chính bản thân (c. 4).

Tiếp đến, Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy tương quan của họ với người khác và chính bản thân (3-4). Mở đầu là mệnh lệnh “Hãy đi”. Người môn đệ như con chiên được sai vào giữa sói (c.3). Chiên thì hiền lành. Sói thì hung dữ, và cắn xé (x. Gio 10,12). Họ đi, vì được sai. Mỗi lần ra lệnh như thế, Chúa Giêsu đã thấy trước những gì sẽ xảy ra cho họ (x. 19,30). Bởi đó, họ cứ ra đi với lòng tin tưởng, và không lo lắng. Với bản thân, Chúa Giêsu đòi hỏi họ, như đã đòi hỏi nhóm Mười Hai (x. 9,3), từ bỏ tất cả: túi tiền, bao bị, giày dép, nghĩa là những thứ cần thiết và bảo đảm cho hành trình. Những gì họ cần, nhà hoặc làng họ đến sẽ cung cấp cho họ (c.7), như Người đã lo liệu cho họ tất cả rồi; nên sau nầy họ sẽ quả quyết là không thiếu gì cả (22,35). Người cấm họ chào dọc đường (c. 4b; x. 2 V 4,29), vì Người muốn họ vội vã đi đến nơi họ phải đến và khởi sự bổn phận sớm chừng nào có thể. Họ chỉ chào lúc vào trong nhà, vì lời chào của họ chính là sự hiện diện của họ, mang lại bình an cho nhà ấy (x. 1,40; 24,39).

Trong hai phân đoạn tiếp theo (10,5-7 và 10, 8-10) Chúa Giêsu cho họ biết hai trường hợp có thể xảy ra khi họ vào một nhà hay một thành. Hoặc người ta đón nhận người môn đệ, hoặc khướt từ họ; cũng có nghĩa là đón nhận hoặc khướt từ sự bình an. Nếu người ta đón nhận họ (10,6a.8), họ lưu lại đó, ăn uống những gì người ta dọn cho. Họ sẽ làm như Chúa Giêsu là chữa lành bệnh tật, và loan báo Nước Thiên Chúa đã gần (c. 8-9). “Con cái của bình an” là những người mở lòng đón nhận bình an, tin mừng và ơn chữa lành do các môn đệ mang đến (x. 2,10.14). Người môn đệ không đi nhà nầy sang nhà khác để tìm nơi ở tốt hơn, vì họ phải đặt bổn phận lên hàng đầu và không đánh mất thời giờ bởi điều phụ thuộc.

Nếu người ta không đón nhận họ (10, 6b.10), họ ra đi và phủi bụi chân lại, như nhóm Mười Hai cũng được truyền làm như vậy (9,5; x. Cv 13,51; 18,6). Hành động nầy được làm nơi “công trường” nghĩa là làm công khai cho mọi người thấy, và kèm theo lời nói cắt nghĩa hành động ấy “các con hãy nói” (c. 10). Hành vi nầy chỉ cho thấy người môn đệ không đem theo họ bất cứ cái gì của dân thành ấy. Tất cả đều được trả lại, ngay cả bụi dưới chân; nghĩa là họ không có liên hệ nào với thành ấy. Người môn đệ vẫn nói cho dân thành nầy biết “Nước Thiên Chúa đã gần đến”. Tuy nhiên, đó không phải là ơn cứu độ, mà là sự phán xét. Chúa Giêsu đã tuyệt đối tin cậy và ban uy quyền cho các môn đệ, nên ai từ chối tiếp nhận họ là từ chối tiếp nhận chính Người (x. 10,16). So sánh với sự khép lòng của các thành Sôđôma, Tyrô và Siđôn, sự từ chối của thành như thế nặng hơn, vì họ khép lòng đối với chính Chúa Giêsu.

Nhóm 72 môn đệ được sai đi rao giảng Nước Thiên Chúa cho mọi người. Việc nầy tự bản chất là khó, vì đó là công việc của Thiên Chúa.  Họ còn gặp những khó khăn đến từ bên ngoài. Điều duy nhất họ có thể vượt thắng tất cả, và mang lại hoa trái cho Thiên Chúa là từ bỏ mọi sự, và làm theo lời Người chỉ dạy.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến