Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm A – Đón Tiếp Tôi – Giải thích bản văn Tin Mừng

25/06/2020

Mt 10, 37 – 42: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

 “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.    

Đoạn 10,37-42 nằm trong văn mạch của diễn từ Chúa Giêsu dành cho các môn đệ (10,5-42). Trong diễn từ lớn nầy Ngài chỉ dẫn cho họ phải làm gì khi đi thi hành sứ vụ (10,5-15), chuẩn bị cho họ về sự bắt bớ (10,16-25), đòi hỏi họ không sợ hãi mà loan báo tin mừng (10,26-36) và đặt Ngài trên mọi tương quan thân thiết nhất (10,37-39), và sau cùng loan báo cho họ phần thưởng dành cho họ (10,40-42).

Yêu Mến Chúa Giêsu Trên Hết (10,37-39)

Đoạn nầy gồm ba câu bàn về ba tương quan khác nhau của môn đệ: với gia đình (c. 37), với thập giá (c. 38) và với mạng sống mình (c. 39). Cả ba câu đều qui chiếu về Chúa Giêsu và Ngài đòi hỏi người môn đệ phải chọn Ngài trên tất cả: “yêu mến hơn Tôi”, “không xứng đáng với Tôi” (c. 37),  “… đi theo sau Tôi”, “không xứng đáng với Tôi” (c. 38), “vì Tôi” (c. 39). Đoạn nầy đóng khung bởi “Tôi” trong “hơn Tôi” (c. 37) và “vì Tôi” (c. 39), chỉ Chúa Giêsu.

Yêu mến Chúa Giêsu hơn người thân trong gia đình

Câu 37 gồm hai phần song song. Một bên là cha mẹ và bên kia là con cái. Đây là các tương quan gia đình căn bản và thân thiết nhất. Cụm từ “hơn Tôi”, “không xứng đáng với Tôi” và động từ phileō, “yêu thương” được lập lại ở mỗi bên. Chúa Giêsu, “Tôi”, đặt mình so sánh với cha mẹ, và con cái của người môn đệ. Ngài đòi hỏi Ngài được yêu thương hơn những người nầy. Giới từ huper, “trên”, chỉ sự cao trọng hơn một ai đó. Chúa Giêsu là “Thầy” của các môn đệ, nên Ngài phải được yêu thương hơn (x. 10,24). Trong các câu trước, Chúa Giêsu đã đòi hỏi các môn đệ không xấu hổ mà làm chứng cho Ngài trước mặt người đời (10,32tt), thì đây Ngài cũng đòi hỏi các môn đệ yêu mến Ngài hơn tất cả, ngay cả đối với những người thân thiết nhất trong gia đình. Khi có sự “chống đối” trong gia đình vì Chúa Giêsu, phải chọn Ngài trên hết và trước hết (x. 10,35). Azios, “xứng đáng”, chỉ tính cách phù hợp, tương xứng. Chỉ khi nào người môn đệ yêu mến Chúa Giêsu hơn những người khác, họ mới xứng đáng làm môn đệ của Ngài, và tình yêu ấy mới xứng với Ngài (x. 22:8).

Vác thập giá theo Chúa

Câu 38 cũng dùng cụm từ “không xứng đáng với Tôi” như câu trên khi Chúa Giêsu nói về việc vác thập giá và đi theo sau Ngài. Động từ lambanō, “nhận” ở đây có đối tượng là một điều gì đó hay một người nào đó đến từ Thiên Chúa: lãnh nhận nhưng không (10,8), thập giá (10,38), tiên tri, người công chính (10,41). Điều đầu tiên Chúa Giêsu đòi hỏi là biết lãnh nhận thập giá từ Thiên Chúa (x. 16,24). Động từ akoloutheō “đi theo”, đôi khi thêm giới từ opisō, “sau”, chỉ việc đi theo để làm môn đệ của Chúa Giêsu (4,19. 20tt; 8,22; 9,9). Hai hành vi “nhận lấy thập giá” và “đi theo” Chúa Giêsu làm nên sự xứng đáng của người môn đệ của Chúa Giêsu (x. 27,32).

Từ bỏ mạng sống vì Chúa

Câu 39 có cấu trúc đối đảo: a- Ai tìm mạng sống mình, b- Mất mạng sống mình, b’ Ai liều mất mạng sống mình – vì Tôi – , a’ Tìm được mạng sống mình. Yếu tố quan trọng nhất trong cấu trúc nầy là heneken emou, “vì Tôi”, nằm ở trung tâm. Nó chỉ động lực của việc liều mất mạng sống. “Vì Chúa Giêsu” là động lực đúng đắn nhất để liều mất mạng sống. Việc liều mất mạng sống mà Chúa Giêsu nói đây nằm trong bối cảnh của sự bắt bớ vì Chúa (5,11; 10,18). Vậy nếu vì Chúa mà mất mạng sống, thì cũng “nhờ Chúa” mà tìm lại được mạng sống (x. 16,25).

Phần Thưởng Dành Cho Người Đón Tiếp (10,40-42)

Sang phần nầy, Matthêô dùng đại danh từ ngôi thứ hai số nhiều “các con”, humas (c. 40) / humin (c. 42); từ đóng khung phần nầy. Đối tượng giáo huấn của Chúa Giêsu là dân chúng. Đoạn nầy gồm ba câu chia làm hai phần, và mỗi phần gồm ba yếu tố: – Sự đón tiếp (c. 40); – Phần thưởng (cc. 41-42).

Sự đón tiếp (c. 40)

Ba yếu tố “các con” – “Tôi” – “Đấng đã sai Tôi” gắn liền mật thiết với nhau bởi động từ “đón tiếp”. Sự liên kết nầy có được bởi chỉ có một việc sai đi. Môn đệ là những người được Chúa Giêsu sai đi (x. 10,16; 11,10; 15,24; 21,1tt), và Chúa Giêsu bởi Chúa Cha, “Đấng đã sai Tôi” (x. 15,24; 21,37). Như thế sứ vụ của người môn đệ bắt nguồn từ Chúa Cha do việc họ tham dự vào sứ vụ của Chúa Giêsu; do đó họ được đón tiếp như chính Chúa Giêsu và Chúa Cha. Như thế có sự đồng hoá giữa Chúa Giêsu và các môn đệ bởi sự tham dự của họ.

Phần thưởng (cc. 41-42)

Hai câu nầy gồm ba phần: tiên tri, người công chính và môn đệ. Động từ “đón tiếp” còn được dùng ở đây; như thế nó liên kết câu nầy với câu trên. Xét theo văn mạch khi Chúa Giêsu nói đến việc đón tiếp các “tiên tri”, “người công chính”, “môn đệ”, Ngài ám chỉ các môn đệ của Ngài.

Tước hiệu “tiên tri” (14,5; 21,11; 26,46) và “người công chính” (27,19) trước tiên dành cho Chúa Giêsu. Ngài chọn lựa và sai các môn đệ đi làm sứ vụ với tư cách hay danh nghĩa của Ngài, nên họ cũng được gọi là “tiên tri”, người công chính” hay “môn đệ” của Ngài. Cụm từ “vì danh nghĩa”, eis onoma, được lập lại ba lần, có nghĩa là người nầy làm tiên tri vì được Chúa tuyển chọn và sai đi, và họ được đón tiếp vì người ta nhận biết họ là tiên tri của Chúa. Như thế một cách nào đó, Chúa Giêsu tiếp tục đồng hoá chính Ngài với các môn đệ. Việc nầy chúng ta sẽ thấy rõ hơn khi Chúa Giêsu đã liên kết các môn đệ của Ngài trong sự bắt bớ của họ với “các tiên tri đến trước họ” (5,12). Trong câu 13,17, Chúa Giêsu xem các môn đệ của Ngài như là “các tiên tri và người công chính” vì họ được thấy và nghe những điều mà các tiên tri và người công chính trước đây đã ước ao không được. Sau nầy Ngài cũng nói đến việc sai “các tiên tri” của Ngài đến giữa người Do thái (23,34). Như thế, các môn đệ của Chúa Giêsu được xem như “các tiên tri” và “người công chính” của thời Ngài.

Sau cùng nói đến phần thưởng dành cho người đón tiếp các môn đệ của Chúa Giêsu. Đấng ban phần thưởng chính là Thiên Chúa (x. 6, 4.6.18). Phần thưởng dành cho các tiên tri như thế nào, thì phần thưởng cho người đón tiếp họ cũng được như vậy. Các tiên tri chịu bắt bớ sẽ được phần thưởng lớn lao trên trời (5,12), và người công chính được vào hưởng “sự sống đời đời” (25,46). Vậy lần nữa nhờ việc liên kết với Chúa Giêsu mà các môn đệ nhận được danh nghĩa tiên tri và người công chính, và những ai tiếp đó họ, thì được Chúa Cha ân thưởng.

Liên kết với Chúa Giêsu cũng là liên kết với Chúa Cha và sự sống đời đời. Với các môn đệ, sự liên kết nầy còn cần thiết hơn nữa bởi bản chất và những đòi hỏi của sứ vụ, tương quan bản thân và cả phần thưởng dành cho họ. Liên kết với Chúa Giêsu quyết định sự sống đời đời với Thiên Chúa như là phần thưởng.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến