Chúa Nhật XI Thường Niên B – Về Nước Thiên Chúa – Giải thích bản văn Tin Mừng

13/06/2024

Mc 4,26-34: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.   

Đoạn tin mừng 4,26-34 là phần kết của diễn từ về các dụ ngôn (4,1-34), trong đó Marcô trình bày hai dụ ngôn: hạt giống mọc lên một mình (4,26-29) và dụ ngôn hạt cải (4,30-32), sau đó là phần kết luận của toàn bộ diễn từ (4,33-34). Sau phần nầy là sưu tập các câu chuyện về phép lạ (4,35-5,43). Hai dụ ngôn nầy tiếp tục chủ đề về hạt giống, được giải thích là “lời” (4,14); logos đóng khung diễn từ các dụ ngôn nầy (cc. 14 và 33). Hai dụ ngôn nầy ngỏ với đám đông dân chúng (4,33-34). Khác với dụ ngôn người gieo giống, nhấn mạnh các thái độ khác nhau đón nhận lời Chúa; do đó sinh hoa trái khác nhau (x. 4,1-9), hai dụ ngôn nầy trình bày hạt giống mọc lên tự mình và phát triển đến mức viên mãn. Dụ ngôn nầy ám chỉ Nước Trời, tiến đến sự sung mãn mà không lệ thuộc vào sự can thiệp của con người. Trong các chương tiếp theo Ngài sẽ cho thấy sức mạnh và hiệu quả của Lời đang hoạt động, khi Ngài dùng lời của Ngài mà khiến cho sóng biển phải thinh lặng (4,35-41), xua trừ quỉ ám (5:1-20), và chữa lành bệnh tật (5,21-24, 35-43 và 5,24b-34).

Dụ ngôn hạt giống mọc lên (4,26-29)

Dụ ngôn nầy chỉ tìm thấy trong tin mừng Marcô. Dụ ngôn lấy lại ba yếu tố của dụ ngôn người gieo giống là hạt giống, sporos (4,3; 4,26), đất, (4,8.20, đất tốt; 4,26.28) và sinh hoa trái, karpophoreō (4,20; 4,28). Ba hạn từ “người gieo giống”, “hạt giống” và “đất”, thay phiên nhau làm chủ ngữ các động từ.

Hạt giống được gieo xuống (c. 26b)

“Và  Ngài nói Nước Trời giống như người kia gieo hạt giống xuống đất…” (c. 26). Cụm từ “Ngài nói” xuất hiện 4 lần trong Marcô, và ba lần trong chương nầy (4,9.26.30; 14,36). Dân chúng là đối tượng dụ ngôn nầy ngỏ đến (4,2b. 21a. 24a) và các môn đệ (4,2b. 21a. 24a). Trong tương quan với dụ ngôn người gieo giống (4,1-9) và lời giải thích (4,13-20), dụ ngôn nầy và dụ ngôn tiếp theo là những minh họa cho “mầu nhiệm Nước Trời” (4,11-12).

So sánh Nước Trời, “giống như”, hos, thay vì hos ean, chỉ một tình cảnh tổng quát hiện tại. Trong dụ ngôn người gieo giống, Marcô đã nói đến “người gieo giống”, ho speirōn, phân từ hiện tại của động từ speirō, “gieo”. Và trong lời giải thích (cc. 13-20), động từ nầy được dùng lập lại nhiều lần ở thể thụ động (cc. 14-20), mà Thiên Chúa là tác nhân. Cũng thế động từ nầy được dùng ở thể thụ động trong dụ ngôn tiếp theo về hạt cải (cc. 31.32). Nội dung của dụ ngôn và phần giải thích đều tập trung vào hạt giống.

Có nhiều lý do để nghĩ là dụ ngôn nầy chú trọng đến vai trò của hạt giống. Hạt giống xuất hiện từ đầu cho đến cuối, và bản văn mô tả các giai đoạn phát triển liên tục của nó, từ khi được gieo xuống cho đến mùa gặt. Trong khi đó vai trò của người gieo hạt rất là thứ yếu. Người nầy xuất hiện hai lần: ban đầu lúc gieo hạt giống xuống (c. 26) và lần cuối lúc tra lưỡi liềm gặt hái mùa màng (c. 29). Sau khi gieo hạt, người nầy trở về với cuộc sống thường ngày; “ngủ và thức” cả hai động từ ở thì hiện tại, và cụm từ “đêm và ngày” chỉ ngày tháng liên tục trong một thời gian (x. Lc 2,37; Cv 20,31; 26,7). Trật tự từ “đêm và ngày” chỉ cách tính của người do thái là một ngày khởi đầu lúc mặt trời lặn. Và “ông không biết”; động từ oida, ở thời hoàn thành, cho biết là hiện tại ông hoàn toàn không hay biết gì về việc hạt giống mọc lên và phát triển như thế nào từ khi nó được gieo xuống. Câu 4,28a sẽ giải thích sự phát triển của hạt giống.

Hạt giống mọc lên và phát triển (cc. 27b-28)

Sau khi hạt giống được gieo xuống, người gieo trở thành thụ động và hạt giống trở nên chủ động. Dụ ngôn tập trung mô tả các giai đoạn phát triển của hạt giống: trước tiên thành mạ, rồi thành đòng đòng, rồi thành lúa chắc nơi gié” (c. 28), và “mùa gặt” (c. 29). Tiến trình nầy hoàn toàn bởi tự sức nó; từ automatē, “tự nó”, đặt ngay đầu câu 28 nhằm trả lời cho câu nằm ngay trước đó “người ấy không biết thế nào” (c. 27c). Sang câu 28, “đất” làm chủ ngữ, “đất sinh trái”; vẫn không có sự tham dự nào của người gieo giống vào đây. Hạt giống cứ phát triển và tiếp tục sinh trái cho đến mùa gặt; động từ karpophoreō, “sinh trái” (c. 20) ở thời hiện tại chỉ hành động đang còn diễn ra. Như thế, Thiên Chúa làm cho Nước của Ngài tiến đến mức viên mãn, “mùa gặt”, chứ không bởi sức riêng của con người (x. Kn 8,22)

Mùa gặt (c. 29)

Câu 29 mở đầu bằng liên từ de, “nhưng” chỉ sự tương phản. Đó là sự tương phản giữa hạt giống trước đây được gieo xuống, nay đã chín và mùa màn đã đến. Mệnh đề chỉ thời gian “Nhưng khi hoa trái đã chín” chỉ sự phát triển cao điểm của hạt giống, cũng là sự viên mãn của Nước Trời; điều nầy còn được diễn tả bởi từ euthus, “tức thì”. Lúc nầy bản văn vẫn còn tập trung trên hạt giống. Hai hạn từ karpos “trái” và therismos, “mùa màng” đóng khung lại câu nầy. Mệnh đề nằm ở giữa nói đến người gieo hạt. Người nầy xuất hiện lại, và tra liềm gặt. Tuy nhiên, bởi vì hạt giống đã chín, nên mùa gặt mới đến, và người nầy mới tra lưỡi liềm gặt hái mùa màng. Nước Trời đang đến và chắc chắn sẽ đến ngày viên mãn. Từ ngữ và hình ảnh  drepanon, “cái liềm”, therismos “mùa gặt” dùng trong câu 29 diễn tả ngày cánh chung (Gioel 4,13; Kh 14,15).

Hạt giống là Tin mừng, và cũng là Nước Trời (4,14). Chúa Giêsu mang Tin mừng Nước Trời đến trần gian (1,1.14.15), và Tin mừng đang mọc lên và sinh hoa trái. Nhiều người đã tin vào tin mừng và đi theo làm môn đệ Chúa Kitô (1,16-20; 2,13-17; 3,13-19. 31-35). Chỉ mình Thiên Chúa đưa Nước Trời đến mức viên mãn khi làm cho Tin mừng được rao giảng khắp nơi (x. 14,9; 16,15-16).

Dụ ngôn hạt cải (cc. 30-32)

Dụ ngôn nầy cũng nói đến sự triển nở của Nước Trời. Dụ ngôn mở đầu bằng hai câu hỏi (4,30), và đáp lại bằng hai câu trình bày về sự tương phản giữa cỡ nhỏ tí của hạt (c. 31) và cỡ của thân cây khi đã lớn (c. 32); “đức tin nhỏ bằng hạt cải” (Mt 17,20; Lc 17,6). Sự tương phản nầy còn được diễn tả trong sự bất đối xứng của hai câu trả lời. Về nội dung, hạt cải khi được gieo xuống là “nhỏ hơn các hạt trên mặt đất” (c. 31b), nhưng khi đã lớn lên thì “thành to lớn hơn mọi thứ rau cỏ, trổ những cành lớn” (c. 32b).

Sự khác biệt giữa hạt cải nhỏ tí và thân cây to lớn khi đã mọc lên minh họa cho sự khác biệt giữa sự biểu hiện khởi đầu và sau cùng của Nước Trời. Marcô dùng động từ speirō ở thời aorit, để nói đến hành động gieo hạt cải xuống đất ban đầu; trong khi để trình bày sự lớn lên của nó, Marcô dùng tới ba động từ ở thời hiện tại: anabainō ”mọc lên”, ginomai ”trở nên”, poieō, “làm”, diễn tả các giai đoạn phát triển như sự phát triển của hạt giống trong dụ ngôn trước.

“Hạt cải là một loại cây được trồng cả trong vườn lẫn ngoài ruộng đồng để lấy hạt, nghiền ra làm gia vị, và làm dầu ăn (Mt 13,31-32; 17,20). Ở Palestina, có loại cải đen (Brassica nigra, hay Sinapis nigra L.), có thể lớn cao tới 3 mét, nhưng đó là loại hạt nhỏ nhất trong các hạt khi trồng xuống” (Myers, Allen C., The Eerdmans Bible Dictionary, Grand Rapids, 1987, p. 738). Hình ảnh chim trời đến làm tổ trong bóng của nó (4:32) được xem như một hình ảnh cánh chung, tháp nhập lương dân vào trong dân của Thiên Chúa (Quan án 9,15; Ezek 17,23; 31,6; Dan 4,9.12.21; LXX Tv 103,12)

Hai dụ ngôn nầy nói đến việc Nước Trời đang đến. Trong 1,15, Chúa Giêsu loan báo Nước Trời gần bên. Ngài cho thấy Nước Trời đã đến trong lời giảng dạy và việc Ngài chữa lành bệnh tật. Nhưng Nước Trời sẽ đến trong sự sung mãn và vượt ngoài sự đo lường và mong đợi của con người. Chính dân ngoại cũng được tụ họp thành dân của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đem Nước Trời đến trần gian. Nước Trời mở ra cho mọi người.

Kết luận (cc. 33-34)

Hai câu nầy tóm kết diễn từ dụ ngôn (4,1-34). Marcô cho thấy cách ông hiểu mục đích Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để rao giảng tin mừng. Hạn từ được dùng trong cả hai câu là “dụ ngôn”, và cụm từ “Ngài nói với họ”. Trong hai câu nầy Marcô phân biệt hai đối tượng khác nhau “dân chúng” (c. 33) và “các môn đệ” (c. 34).

Ngay đầu chương 4, Marcô đã ghi nhận là “Ngài dạy họ nhiều điều trong  các dụ ngôn” (4,2). “Nhiều dụ ngôn như thế” (c. 33) ám chỉ các dụ ngôn đã nói trong 4,3-8; 26-29 và 30-32. Thính giả là dân chúng (4,1), và cả “nhóm Mười Hai” (4,10). Cụm từ elalei autois ton logon, “Ngài nói lời cho họ”, tìm thấy nguyên văn (verbatim) trong 2,2; trong ngữ cảnh nầy “lời” được hiểu là “tin mừng” mà Chúa Giêsu rao giảng (x. 1,45). Trong 4,14-20, hạt giống được giải thích là “lời”. Như thế, “lời” được rao giảng trong các dụ ngôn, chính là tin mừng của Nước Trời.

Các dụ ngôn đến với họ bằng việc “nghe”. (4,3. 9 [2x]. 12. 23. 24. 33). Liên từ kathōs, trong phần cuối của câu 33 có thể hiểu hai cách, hoặc là “như” hoặc là “theo mức độ mà”, “đến chừng mực mà” hàm ý một giới hạn. Ở đây chúng ta hiểu theo nghĩa thứ hai. Dụ ngôn người gieo giống (4,2-8) và lời giải thích (4,14-20) cho thấy việc gieo giống chỉ là một, nghĩa là Chúa Giêsu “nói lời” cho mọi người như nhau, đám đông đều nghe như nhau (4,2), nhưng việc đón nhận “lời” “theo mức độ” khác nhau, thậm chí có người nghe mà không muốn hiểu (4,12).

Nửa phần đầu của câu 34 lập lại dưới dạng phủ định trình bày khẳng định của câu 33. Nửa phần sau, Marcô nhắc lại điều đã nói ở 4,10-11: Các môn đệ hỏi điều liên quan đến các dụ ngôn (4,10), và Chúa Giêsu giải thích các dụ ngôn cho họ (4,34). Cụm từ kat’ idian, có  nghĩa là “một cách riêng” giữa Chúa Giêsu và môn đệ (4,10; 9,28; 13,4). Tính từ idios dùng với từ “môn đệ” có nghĩa là “môn đệ riêng” của Ngài. Chính phạm vi riêng tư giữa Chúa Giêsu và các môn đệ riêng nầy phân biệt các môn đệ với những tois ezō, “người ngoài”, nghĩa là những người nghe mà không hiểu (4,12). Động từ epilyō, nghĩa đen là “tháo ra điều đã bị buộc lại, đã niêm phong”; nghĩa bóng là “giải quyết” (Cv 19,32), “giải thích điều tối tăm và khó hiểu” (Thayer). Với các môn đệ, Ngài giải thích tất cả, panta, “mầu nhiệm Nước Thiên Chúa”; tất cả những điều nầy Ngài nói với “người ngoài” trong các dụ ngôn (4,11).

Lời kết của diễn từ dụ ngôn đóng khung lại phần trình bày việc rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Như người gieo giống “ra đi” gieo hạt giống (4,3), Chúa Giêsu ra đi rao giảng tin mừng cho mọi người (1,45). Nhiều người đã đến lắng nghe lời Ngài, nhưng hiệu quả tùy thuộc vào sự đáp trả và đi sâu vào trong Lời của Ngài.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến