Chúa Nhật X Mùa Thường Niên B – Ai Làm Theo Ý Thiên Chúa… – Giải thích bản văn Tin Mừng

06/06/2024

Mc 3, 20-35: Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Ngài mất trí”. Và những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Và nếu một nhà mà tự phân tán, thì nhà đó không thể đứng vững được. Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y.

Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ nói: “Người bị thần ô uế ám”.

Và mẹ cùng anh em Người đến, đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.\

Đoạn tin mừng 3,20-35 nằm trong phần chính thứ hai của nửa đầu tin mừng Marcô, bàn về mầu nhiệm Nước Trời (3,13-6,6). Ngay trước đoạn nầy là trình thuật mô tả dân lũ lượt từ khắp nơi đến với Chúa Giêsu (3,7-12) vàtrình thuật nói về việc thành lập nhóm Mười Hai (3,13-19). Chủ đề của đoạn nầy liên quan đến con người và sứ vụ của Chúa Giêsu. Đoạn được phân chia theo cấu trúc đối đảo:

A- Người nhà của Chúa Giêsu và sự sợ hãi (3,20-21)

B- Các kinh sư tố cáo (3,22)

C- Chúa Giêsu biện minh (3,23-29)

B’- Các kinh sư lại tố cáo (3,30)

A’- Mẹ và anh em thật của Chúa (3,31-35)

Chúa Giêsu và người nhà của Ngài (cc. 20-21)

Đoạn ngắn nầy không có trong tin mừng Matthêô và Luca. Trước tiên, Marcô mô tả “trong nhà” (c. 20), như ở 2,1, như khung cảnh cho Chúa Giêsu thi hành sứ vụ rao giảng và chữa bệnh; trước đây, thánh sử đã nói đến nhà của Simon và Anrê (1,29) và nhà của Lêvi (2,15). Trong trình thuật 2,1-12 cũng như ở đây, thánh sử đều cho biết là dân chúng đến “trong nhà” rất đông. Ở lần trước dân chúng của vùng Capharnaum (2,1), “không còn chỗ” trong nhà (2,2), lần nầy “từ Galilê, Giuđê, Giêrusalem, Iđumê, và từ vùng bên kia sông Giorđan, miệt Tyrô và Siđôn” (3,7-8) đến nỗi họ “không thể ăn bánh được” (3,20). Trạng từ palin, “lại” (kéo đến), liên kết câu 20 nầy với cc. 7-8 ở trên, lúc ấy dân chúng nầy đã chen chúc nhau trên bãi biển để được Ngài chữa lành; bây giờ lại kéo đến với Ngài “trong nhà”.

Họ không có thể ăn bánh”. “Họ”, autous, là Chúa Giêsu và nhóm Mười Hai. Nhóm nầy sau khi được Chúa chọn ở trình thuật ngay trước (3,13-19), đã đến với Ngài (c.13), và “trong nhà” nầy họ thực hành sứ vụ tông đồ. Ở 6,31 Marcô thuật lại thêm một lần nữa là “họ không có thời giờ để ăn”.

Tiếp đến, oi par’autou, là “người nhà của Ngài” (c. 21). Đối tượng của động từ “nghe” thường là những chuyện xảy ra ở những câu trước (x. 6,29; 10,41); ở đây là chuyện “Ngài đã không thể ăn uống”, và đó là lý do mà người nhà đã đến, erchomai, để đem Ngài đi.

Sau cùng là câu “Vì họ nói Ngài đã mất trí”. Điều gây tranh luận ở đây là ai là chủ ngữ của động từ ở ngôi thứ ba số nhiều nầy? Người nhà của Ngài? Dân chúng? Nhóm Mười Hai? Theo mạch văn, “người nhà của Ngài” nói câu nầy xem ra chắn chắn hơn; trong khi chúng ta cũng có thể nghĩ là một nhóm người khác nói, mà không phải là nhóm Tông đồ hay dân chúng.

Từ existēmi được dùng 4 lần trong Marcô, trong đó ba lần có nghĩa là “kinh ngạc” (2,12; 5,42 và 6,51); trong khi ở đây có nghĩa là “mất trí” (3,21). Thật khó có thể nghĩ rằng người nhà của Ngài cho rằng Ngài mất trí! Trong tin mừng thứ nhất, Matthêô đã thuật lại một câu nói tương tự gán cho Gioan Tẩy Giả: “Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: “Ông ta có quỉ ám” (Mt 11,18), và trong tin mừng thứ tư, Gioan ghi lại câu nói của các kinh sư và biệt phái nói về Chúa Giêsu: “Ông ấy bị quỉ ám và điên sảng” (Ga 10,20). Trong tin mừng Marcô, trước trình thuật nầy, có hai lần các kinh sư xuất hiện một mình (1,22 và 2,6). Trong lần đầu tiên, dân chúng so sánh và nói là Chúa Giêsu có uy quyền giảng dạy hơn các kinh sư (1:22). Và ngay sau đó, Chúa Giêsu đã chữa lành một người bị quỷ ám (1,23-28). Ma quỉ nhận biết Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (1,24), trong khi đó các kinh sư không phản ứng gì. Ở lần sau Marcô thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và họ về quyền tha tội. Họ đã cho Ngài là phạm thượng (2,7). Và Chúa Giêsu đã khẳng định là Ngài có quyền bính để làm việc nầy (2,10). Họ đã không nhận biết quyền bính của Chúa Giêsu, và đã giải thích việc Ngài làm là phạm thượng đối với Thiên Chúa. Hơn nữa, trong đoạn đang bàn đây, họ cho Ngài là trừ quỷ bởi “có Bêelzêbul”, và Ngài “có thần ô uế” (3,29). Cho đến lúc nầy, Marcô dùng elegon, “Họ nói”, chỉ cho các kinh sư và biệt phái (2,16), nhóm biệt phái (2,24); động từ ở thì quá khứ chưa hoàn thành diễn tả sự lập lại nhiều lần. Với những dự kiện nầy, chúng ta có thể nghĩ là chính các kinh sư và biệt phái đã nói những điều nầy giữa dân chúng, và “người nhà của Ngài” nghe được, nên họ đã đến, lập lại lời đã nghe như một lý do để đem Ngài đi. Lời nầy chuẩn bị cho sự vu khống nặng hơn trong phần tiếp theo.

Tranh luận về quyền trừ quỷ (cc. 3,22-30)

Hạn từ grammateus (cc. 22 và 30 chủ ngữ của động từ legō) đóng khung đoạn nầy. Trong cả hai câu dẫn nhập và kết luận phần nầy, các kinh sư đều vu khống cho Chúa Giêsu. Ngài sẽ biện luận trong các câu 23-29.

“Các kinh sư từ Giêrusalem xuống…” (c. 22): “các kinh sư” được nhắc đến ba lần trước đây (1,22; 2,6.16), nhưng chỉ lần nầy thánh sử nói rằng họ “từ Giêrusalem xuống”. Chi tiết nầy cho thấy tính cách trầm trọng của vấn đề. Họ tố cáo Ngài: “Ông ấy Bêelzêbul”, có  nghĩa là “bị ám” (3,30; 5,15; 7,25; 9,17), và Ngài trừ quỉ “nhờ đầu mục của quỉ!”; xem ra hai tố cáo nầy phân biệt nhau. Tuy nhiên so sánh với  Mt 12,24, và Lc 11,15, Bêelzêbul được xem là “đầu mục của quỉ”. Về “đầu mục của quỉ”, tin mừng Gioan kể đó là Satan (Ga 14,30; 16,11). Trong lời lý giải (cc. 23-26), Chúa Giêsu không nêu tên Bêelzêbul, mà chỉ nói đến Satan (cc. 23[2x]. 26).

Hạn từ satanas (cc. 23 và 26) đóng khung dụ ngôn nầy. Câu 23 đặt vấn đề là “Làm sao Satan lại có thể trừ Satan được?”. Trong câu nầy Chúa Giêsu đồng hóa “Bêelzêbul” với Satan; Rồi Ngài cho thấy sự phi lý của lời tố cáo: “Satan” (2 lần) vừa làm chủ ngữ của động từ “xua trừ”, vừa làm túc từ trực tiếp của động từ nầy; động từ ek-ballō, “xua ra”, “đuổi ra” (1,12; 5,40; 11,15; 12,8); một người không thể làm hành động nầy cho chính mình, mà phải một ai khác.

Trong ba câu tiếp theo (cc. 24-26), đều ở dạng giả định với các từ vựng tương tự nhau, trong đó Chúa Giêsu đặt vấn đề là nếu có sự chia rẻ trong chính mình, việc nầy tất dẫn đến diệt vong. Hai câu 24 và 25 bắt đầu bằng ean, “nếu”, với động từ ở thể giả định (subjunctive); trong khi đó câu 26 với ei, “nếu”, với bốn động từ ở thể indicative, chỉ một điều đang xảy ra (BDF, §372, 1b); đó là nếu Satan đang chống lại chính nó, nước của nó đang đến lúc chấm dứt. Satan được kể như có một nước, basileia, và nước của nó đối nghịch với Nước của Thiên Chúa (1,15; 4,11).

Câu 27 là kết luận của dụ ngôn. Chúa Giêsu đặt mình như là đối thủ của Satan. Satan được xem như một “kẻ mạnh”, ischyros (x. Is 49,24-25). Không ai chế ngự được nó, ngay cả xiềng xích cũng không trói, deomai, được nó (5,3-4). “Nhưng” (c. 27) không qui chiếu về các câu trình bày ngay trước (cc. 24-26), mà lời tố cáo Ngài. Chúa Giêsu là người mạnh hơn, ischyrotepos (1,7), Ngài có thể trói, deomai, ma quỉ lại, và “đoạt lấy của cải của nó” (x. Is 49,24-25). Khi bắt đầu rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu đã bắt đầu trừ quỷ (1,34.39; 3,15.22).

Sau khi nói về chính mình, Chúa Giêsu đánh giá về lời tố cáo của các kinh sư (cc. 28-29). Hai câu nầy có cấu trúc như sau: a- “Mọi sự sẽ được tha cho con cái loài người, mọi tội lỗi, mọi lời lộng ngôn”, b- “tất cả những điều chúng lộng ngôn”; b’- “còn ai lộng ngôn đến Thánh thần”, a’- “thì không được tha thứ cho đến đời đời, nó mắc một tội bất diệt”.

Cấu trúc nầy nhấn mạnh đến việc lộng ngôn, đặc biệt đến Thánh Thần; Mt 12,31; Lc 12,10 cũng nói đến sự lộng ngôn đến Thánh Thần. Blasphēmia (3,28; 7,22; 14,64) và blasphēmeō (2,7; 3,28.29; 15,29), có nghĩa là nói lời vu cáo, phỉ báng đến một ai (c. 28; 15,29). Trong đa số trường hợp khác, động từ nầy liên quan đến bản thân Chúa Giêsu Kitô. Trong 2,7, các kinh sư cho rằng Chúa Giêsu đã lộng ngôn, vì họ không chấp nhận Ngài tha tội cho người bất toại. Cũng thế, trong 14,63-64, Chúa Giêsu bị kết án là nói lộng ngôn, vì vị thượng tế không chấp nhận Ngài là “Con Người ngự bên hữu Đấng Quyền năng”. Đến đây, chúng ta có thể hiểu “lộng ngôn” là không chấp nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, và Ngài có quyền bính của một vị Thiên Chúa.

Trái lại, trong đoạn chúng ta đang bàn, chính Chúa Giêsu kết án các kinh sư là “lộng ngôn đến Thánh Thần” (c. 29), vì họ không nhận biết là Ngài có quyền trừ quỉ vì Ngài là Con Thiên Chúa, mà gán việc đó là bởi Bêelzêbul và “đầu mục thế gian” (c. 22). Chúa Giêsu Kitô đầy Thánh Thần (1,8.10.12). Chính Thánh Thần dẫn Ngài vào sa mạc và nơi đó Ngài chiến thắng ma quỉ (1,12-13; Mt 4,1-11; Lc 4,1-13). Như thế “lộng ngôn đến Thánh Thần” là từ chối quyền năng thần linh của Thánh Thần đang hoạt động nơi Chúa Giêsu, cũng là không công nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Người lộng ngôn đến Thánh Thần không bao giờ, eis ton aiōva (3,29; 11,14) có ơn tha thứ, vì họ không nhận biết quyền năng Thánh Thần hoạt động trong Chúa Giêsu Kitô, trong đó có ơn tha tội (2,10). Chối bỏ Thánh Thần cũng là không chấp nhận ơn tha thứ; do đó ở mãi trong tội.

Lời kết luận của các kinh sư, “Ông ấy có thần ô uế” (c. 30), cho thấy họ vẫn đóng lòng với Chúa Giêsu Kitô; “thần ô uế”, pneuma akatharos (c. 30) hoàn toàn đối nghịch với“Thánh Thần”, pneuma hagios (c. 29).

Mẹ và anh em thật của Chúa Giêsu (cc. 31-35)

Tương ứng với cc. 20-21 trên, đoạn nầy nhắc đến dân chúng và Mẹ Maria và anh em Ngài (c. 31), nhưng dưới khía cạnh khác. Cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và dân chúng được chia làm hai phần: – Dân chúng báo tin (cc. 31-33), – Chúa Giêsu cho biết một quan hệ gia đình mới (cc. 34-35). Đặc điểm của đoạn nầy là cụm từ “mẹ và anh em” được lập lại trong mỗi câu; adelphos, “anh em” ở số nhiều, và ở số ít chỉ ở lần cuối (c. 35b); và cảnh “dân chúng ngồi quanh Ngài” (2 lần, cc. 32.34) lập lại trong cả hai phân đoạn. “Mẹ và anh em Ngài” lần đầu tiên được nhắc đến, không phải để thông tin, mà để nói đến tương quan mới đối với Chúa Giêsu. “Họ đứng ngoài” vì dân chúng” ngồi chung quanh Ngài”, peri outon (cc. 32.34). Dân chúng ngồi chung quanh để nghe giảng dạy.

 Phân đoạn hai gồm một câu hỏi và một câu xác định. Cử chỉ Ngài “nhìn những người ngồi vòng quanh Ngài” cho biết là câu Ngài sắp nói đây ngỏ với dân chúng. Họ hiện diện gần gũi bên Ngài, và họ được mời gọi trở nên thành phần thuộc về gia đình của Ngài. Các câu 34b-35 có cấu trúc đối đảo: a- “Này là mẹ Ta”, b- “ và các anh em Ta” (c. 34b), c- “Ai làm theo ý Thiên Chúa,”(c. 35a), b’ “thì người ấy là anh và chị em”, a’- và là mẹ Ta” (c. 35b). Cấu trúc nầy phân biệt giữa “mẹ” và “anh em và chị em”, và nhấn mạnh câu “Ai làm theo ý Thiên Chúa”.

 “Ý Thiên Chúa” chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở đây trong tin mừng Marcô. Chúa Giêsu đặt người nghe lệ thuộc vào Ngài trong tương quan đối với Thiên Chúa. Ngài làm đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự, nên phải lắng nghe Ngài để biết được ý Thiên Chúa mà thi hành (9,7); do đó, “làm theo ý Thiên Chúa” cũng là nhận biết và tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (1,1; 3,11; 5,7; 15,39; Ga 6,40). Về việc nầy, mỗi cá nhân phải tự làm lấy; cả câu 35 ở số,ít. Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì trở nên mẹ và anh em và chị em của Ngài.

Ý muốn của Thiên Chúa được bày tỏ trong Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Ngài. Chỉ khi nhận biết và tin vào Ngài, con người mới biết ý Thiên Chúa mà làm theo, và do đó, được thuộc về gia đình của Ngài.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến