Chúa Nhật VII Mùa Thường Niên C – Cha Anh Em là Đấng Nhân Từ – Giải thích bản văn Tin Mừng

21/02/2019

Lc 6,27-38: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

 Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

 Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Đoạn 6,27-38 nằm tiếp ngay sau đoạn về các mối phúc, nói đến cách hành xử của những người đang lắng nghe Chúa Giêsu phải có. Đoạn nầy có thể chia cách tổng quát thành hai phần: 1/ Cách đối xử với người thù ghét (6,27-35); 2/ Cách đối xử với nhau (6,36-38). Đoạn 6,27-35 có thể phân chia cách chi tiết như sau: – Nhập đề (6,27a); – A Những mệnh lệnh  đối với người thù ghét (6,27b-28a); – B Bốn thí dụ (6,29-30); – C Qui luật tổng quát (6,31); – B’ Không hành xử theo cách của người tội lỗi; A’ Những mệnh lệnh đối với kẻ thù (6,35a); Kết luận: Phần thưởng, lời hứa và mẫu gương (6,35b). Cấu trúc đoạn nầy gồm hai phần đối xứng nhau AB và A’B’, và trung tâm là qui luật C, hướng dẫn mọi hành động. Phần A và A’ là những mệnh lệnh tích cực đối với người thù ghét, “yêu thương và làm điều tốt cho họ”; hai cụm từ nầy đóng khung đoạn (6,27b và 6,35a). Phần B và B’ đưa ra những hành động cụ thể và những so sánh dưới dạng các câu điều kiện, qua đó có thể  thấy được cách hành xử riêng biệt của người lắng nghe Chúa Giêsu. Chủ đề của đoạn nầy liên kết với mối phúc thứ tư. Đáp lại những đối xử tàn tệ của người thù ghét (x. 6,22), người môn đệ phải yêu mến và làm điều tốt cho họ. Động từ “làm” và động từ liên quan “làm điều tốt” là những từ chính và xuất hiện đến 7 lần (6,27.31[2].33[3x].35). Nó chi phối ý tưởng trong các phần. Đặc điểm của đoạn nầy là chỉ dùng thì hiện tại và tương lai để chỉ tính thời sự và giá trị hiện thời của những đòi hỏi nơi người lắng nghe Chúa Giêsu.

Diễn từ nầy ngỏ cho những người “đang lắng nghe” (6,27a). Tuy nhiên, lắng nghe để thực hành (x. 6,47.49). Loạt hành động đầu tiên: yêu thương, làm điều tốt, chúc lành và cầu nguyện đối nghịch với những hành động tiêu diệt của những người thù ghét: thù địch, ghen ghét, nguyền rủa và ngược đãi (6,27b-28); ngoài ra, còn có thể thêm: loại trừ, sỉ vả và xóa tên (6,22). “Kẻ thù” và “người ghét” thường đi đôi với nhau (x. 1,71; 19,14.27); tiếng Việt dùng chung một tiếng “kẻ thù ghét”. “Kẻ thù” được xếp bên cạnh Satan, rắn và bò cạp và được xem là những quyền lực thù nghịch hại đến con người (x. 10,19); do đó, kẻ thù thì đáng ghét (x. Mt 5,43), đáng bị tiêu diệt (x. 19,27) và bị thống trị (x. 20,43). “Nguyền rủa” là dùng lời nói chống lại người khác để làm hại họ. Những ai bị nguyền rủa được kể như đã bị kết án (x. Mt 25,41); cây vả bị nguyền rủa đã ra khô héo (Mc 11,21). Chúa Giêsu không muốn người môn đệ hành xử theo thói thường của người đời, mà sống theo cách của Thiên Chúa. Những mệnh lệnh Chúa Giêsu đưa ra: yêu thương kẻ thù, làm điều tốt, chúc lành, và cầu nguyện cho kẻ thù (6,27-28.35) rất mạnh. Những thí dụ đưa ra trong các câu 6,29-30 là để dạy không lấy vũ lực đáp lại vũ lực; trái lại, làm điều thiện hảo cho chính kẻ thù. Thay vì đánh trả khi bị tấn công và tước đoạt, thì sẵn sàng đưa má kia và cho luôn cả tấm áo bên trong. “Dâng” chính là “không từ chối (6,29); cũng như “cho” nghĩa là “không đòi lại” (6,30). Xem dụ ngôn người Samaritanô nhân lành (10,25-37). Chính Người đã cầu nguyện cho những kẻ giết Người (24,34; Mt 5,44; Stêphanô: Cv 7,60; x. Rom 12,14; Giacôbê 3,9).

Tiếp đến là qui luật tổng quát (6,31). Động từ ở ngôi thứ hai số nhiều như trong câu 6,27-28 và 32-35. Xét theo nội dung, câu nầy khó đi chung với những câu 6,32-35 tiếp theo vì trong những câu ấy từ chối sự hỗ tương. Trong Matthêô, câu nầy đứng riêng một mình (Mt 7,21). Trong ngữ cảnh của đoạn, qui luật nầy có thể hiểu là điều mà người nghe Chúa nhận ra là tốt và muốn được đối xử như thế thì họ phải làm điều ấy cho người khác. Chắc chắn là họ muốn được yêu, được làm điều tốt lành, được chúc lành và cầu nguyện; nên họ chỉ có thể làm như thế cho kẻ thù, chứ không thể làm điều gì khác. Qui luật tự nhiên nầy sẽ được hoàn thiện và vượt qua khi hành xử như Thiên Chúa Cha: “Các con hãy nên nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (6,36).

Những câu tiếp theo (6,32-34) bàn tiếp cách hành xử đối với kẻ thù và xác định mục đích của nó. Chúa Giêsu không chấp nhận sự yêu thương và tử tế với người khác nhằm được đáp trả lại. Người phê bình cách hành động hỗ tương ấy (x. 14,12-14). Về việc cho vay, luật Môsê cấm cho vay lấy lời (Xh 22,25; Lv 25,35-37; Đnl 23,20). Vậy người ta cho vay không phải để thu lợi tức, mà để lấy tiếng tốt lành và được trợ giúp lại lúc gặp hoạn nạn; xem câu chuyện người quản lý bất lương (x. 16,1-9). Cuối cùng phần thưởng của những người yêu thương kẻ thù là được Thiên Chúa ân thưởng bội hậu và cho làm con của Người (6,35). Như thế, có thể nói là người bị ghét  được thưởng kép (6,22.27). Như là nạn nhân bị ghét bỏ và bị bắt bớ, họ đã được phần thưởng trên trời (6,23); đàng khác, một cách tích cực, họ yêu thương và đối xử tốt ngược lại người thù ghét họ và hành xử nhân từ như Cha trên trời, họ lại được thưởng bội phần. Vậy, yêu thương và làm điều tốt cho người thù ghét lấy Đấng Tối Cao làm mẫu gương: Người tử tế với hết mọi người (6,35).

Nếu vì Chúa Kitô mà các môn đệ bị người ta ghét bỏ (21,17), cũng vì Người mà họ yêu ngược lại những người thù ghét mình.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến