Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất Năm C – Trong Khôn Ngoan, Vóc Dáng và Ân Sủng – Giải thích bản văn Tin Mừng

26/12/2024

Lc 2,41-52: Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

 Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

 Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

 Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Đoạn 2,41-52 là phần cuối của hai chương 1-2 ghi lại những biến cố thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Đoạn nầy được đóng khung bởi ghi nhận về sự khôn ngoan và ân sủng nơi Người (2,40 và 52). Câu 2,40 ghi nhận sự kiện là sự khôn ngoan và ân sủng của Thiên Chúa ở nơi Người; trong khi câu 2,52 nói đến sự khôn ngoan và ân sủng ấy tiến triển, không chỉ trước mặt Thiên Chúa mà cả người ta. Đoạn nầy được kết cấu theo kiểu qui tâm (chiastic): – (A) Đi lên Giêrusalem (2,41-42) – (A’) Đi xuống khỏi đền thờ (2,51); – (B) Ông bà không biết Người ở lại Giêrusalem (2,43) – (B’) Ông bà không hiểu điều Người nói (2,49-50); – (C) Ông bà tìm Người (2,44-46a) – (C’) Ông bà trách Người (2,48); Trung tâm của đoạn là sự kiện Chúa Giêsu ngồi giữa các thầy dạy (2,46b-47), và kết luận là những ghi nhận liên quan đến mẹ Người và chính Người (2,51b-52)[1].

Đi lên Giêrusalem (2,41-46a). Trong phần đầu nầy của trình thuật, Giêrusalem được xem là điểm quy chiếu của các sự kiện: trong bối cảnh của dịp lễ Vượt qua cả gia đình lên Giêrusalem (2,41), trẻ Giêsu ở lại Giêrusalem (2,42) và cha mẹ Người trở lại đó để tìm Người. Cụm từ “hằng năm” kết hợp với động từ “đi” ở thể imperfect cho thấy Giuse và Maria thường xuyên thực hành việc nầy. Mỗi năm có ba dịp lễ lớn mà người nam buộc phải lên Giêrusalem để tham dự: lễ Bánh Không Men, lễ Mùa và lễ Lều (x. Xh 23,14-17; 34,23; Đnl 16,16). Về người nữ, luật không nói gì cả. Có thể Maria lên Giêrusalem vì lòng đạo đức, như bà Anna cùng với gia đình đã làm (1 Sam 1,3, 7, 21; 2,18-19). Phần Chúa Giêsu, vào tuổi mười hai Người chưa hoàn toàn phải tuân giữ những điều lề luật buộc; chỉ ở tuổi mười ba. Tuy nhiên, Người lên Giêrusalem với cha mẹ để làm quen với những đòi buộc về lễ hội. Lễ Vượt qua kéo dài bảy ngày (Lv 23,6-8) và khách hành hương không buộc phải tham dự trọn vẹn những ngày lễ, nhưng Giuse và Maria đã làm điều ấy (2,43). Điểm then chốt của trình thuật là Chúa Giêsu ở lại đền thờ mà không cho cha mẹ  biết (2,43). Chỉ ở đây và trong câu 2,52, tên “Giêsu” được dùng cách hiển nhiên. Từ đó, bắt đầu một cuộc tìm kiếm liên lỉ, trước tiên là trong những bà con và người quen biết (2,44), sau đó là tại Giêrusalem khi họ quay trở lại nơi ấy (2,45). Đoàn người hành hương có thể gồm những người dân làng Nazaréth. “Một ngày đường” là một đơn vị phỏng đoán để đo khoảng cách (x. Ds 11,31; 1 V 19,4); nhưng ở đây có thể là sau một ngày đường ông bà mới nhận ra là không có Giêsu cùng về nhà.

Tại đền thờ Giêrusalem (2,46-47). Bối cảnh của sự kiện Chúa Giêsu được tìm thấy là “sau ba ngày”, và “trong đền thờ” (2,46a). Trung tâm chú ý lại là Chúa Giêsu và những phản ứng chung quanh Người. “Trong đền thờ” có nghĩa là “trong khuôn viên của đền thờ” (vaós mới là chính điện thờ). Rất có thể là tại nơi gọi là cửa đền Salômôn, phía tây đền thờ, dành làm nơi gặp gỡ để bàn luận về sách Thánh trước và sau khi thực hành các nghi thức tôn giáo (x. Lc 19,47; 21,37–38; Gio 10,23; Cvtđ 3,11; 5,12.21.25). Các môn đệ của Chúa Giêsu tụ tập tại nơi nầy và giáo hội sơ khai ở Giêrusalem cũng thế. Vị trí của Chúa Giêsu ngồi chính giữa các thầy dạy không chỉ muốn ngụ ý Người là Thầy, mà hơn thế nữa, Người là Thầy của các thầy dạy của người Do thái (x. Mt 26,55// Lc 19,47). Phương pháp là nghe, và đặt câu hỏi. Vì muốn cho thấy Chúa Giêsu khôn ngoan và hiểu biết, Luca nhấn mạnh đến hiệu quả của việc Người đối đáp, được tỏ hiện trên thái độ của những người chứng kiến (x. 4,32; 8,56), hơn là cho biết nội dung của những lời đối đáp ấy. Câu 2,47 giả thiết có sự hiện diện của công chúng nữa.

Đối thoại và trở lại Nazaréth (2,48-52). Phần nầy ghi lại cuộc đối thoại ngắn gọn chỉ gồm ba câu hỏi: một của Maria (2,48) và hai của Chúa Giêsu (2,49). Không có câu trả lời của cả hai bên, nhưng lại có nhận xét của Luca về cả ba người trong gia đình: Giuse và Maria không hiểu điều Người nói (2,50); Maria giữ lời ấy trong lòng (2,51b), còn trẻ Giêsu thì tùng phục hai ông bà (2,51a). Kết luận tập trung cách đặt biệt vào sự tiến triển của bản thân Chúa Giêsu (2,52). Những từ ngữ về tương quan gia đình được sử dụng cách phong phú, theo cách trực tiếp và có chủ ý ở đây: “mẹ Người”, “nầy con”, “cha con và mẹ nữa” thay vì “cha mẹ” (x. 2,41.43), “tìm con” (2:48); và “tôi”, “cha tôi” (2:49). Câu hỏi của Maria đủ cho thấy tương quan mật thiết giữa hai ông bà và Chúa Giêsu, và đó là lý do tại sao họ đã nhọc lao kiếm tìm Người. Đáp lại, Người tỏ cho biết một tương quan còn cao trọng và gắn bó hơn; đó là “Cha tôi” (2,49; 10,22; 24,49). Động từ “phải” (dei) trong Luca dùng để chỉ tương quan tình yêu và nhận biết giữa Người với Chúa Cha. Lòng Người yêu mến Chúa Cha biểu lộ qua việc hoàn thành công trình cứu độ (x. 4,43; 9,22; 17,25; 22,37; 24,7; 24,44). Như thế, trong câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu đã mở ra một viễn ảnh mới về chính Người, là Con của Thiên Chúa. Điều liên quan đến Người không chỉ khó hiểu đối với cha mẹ Người (2,50), mà cả với các môn đệ sau nầy của Người nữa (x. 9,45; 18,34). Phần Maria, mẹ giữ nguyên thái độ của mười hai năm về trước khi đứng trước mầu nhiệm Con Thiên Chúa (2,19; 51b). Theo Luca, sự khôn ngoan là của Thiên Chúa (11,31.49; Cvtđ 6,3.10). Chúa Giêsu chính là sự khôn ngoan ấy (x. 7,35); do đó, Người có thể ban sự khôn ngoan cho các môn đệ Người (21,15). Khôn ngoan không chỉ bao gồm sự hiểu biết mà cả cách hành động phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa (x. 7,33-35; Cvtđ 7,22). Cùng với sự khôn ngoan là vóc dáng (x. 2,52: 12,25; 19,3), cũng do Thiên Chúa lo liệu. Và sau cùng, chữ “ân sủng” bao hàm một tương quan, được diễn tả trong “nơi Thiên Chúa và con người”. Thiên Chúa chiếu cố đến Người và trợ lực Người vì Thiên Chúa yêu Người và cũng vì Người đang làm việc cho Thiên Chúa; đó cũng là trường hợp của mẹ Maria (x. 1,30). Vậy, đang khi làm việc cho Chúa Cha, Người lớn lên và nên vững mạnh trong Cha của Người.

Dù đã được gọi là mẹ của Chúa, mẹ Maria vẫn còn phải đón nhận và nắm giữ trong lòng những hành vi, lời nói và sự kiện đến từ Con của mẹ để mẹ có thể tiếp tục lớn lên trong ân sủng của Người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

[1]       x. H. J. de Jonge, “Sonship, Wisdom , Infancy. Lk 2:41-51a”, NTS 24 (1977/1978), p. 317-354.