Chúa Nhật Lễ Lá C – Chúc Tụng Đức Vua – Giải thích bản văn Tin Mừng

11/04/2019

Lc 19,28-40: Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con “Tại sao các ông mở dây?”, thì hãy nói thế này: “Vì Chúa cần dùng đến nó”. Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi rằng: “Sao các ông mở dây lừa con?” Hai ông đáp: “Vì Chúa cần đến nó”. Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời”. Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: “Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi”. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên”.

Đoạn 19,28-40 là phần cuối của hành trình Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem (x. 9,51; 18,31; 19,11.28; 18,35-19,46); như thế chấm dứt sứ vụ rao giảng. Vào thành Giêrusalem mở ra giai đoạn cuối cùng trong sứ vụ của Người ở trần gian là chịu thương khó và sống lại, như lời Người đã tiên báo (x. 9,51; 12,50; 18,31-32). Đoạn nầy có thể phân chia như sau: – Bối cảnh của trình thuật (19,28); – Sai hai môn đệ đi dẫn con lừa về (19,29-34); – Người vào thành như vị vua (19,35-37); – Phản ứng của nhóm Pharisêô và quả quyết của Chúa Giêsu (19,39-40). Đoạn nầy liên hệ rất mật thiết với dụ ngôn mười nén bạc, đặt ngay trước nó (19,11-27). Trong phần mở đầu của dụ ngôn nầy, Luca ghi nhận là khi Người đến gần Giêrusalem, người ta nghĩ là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện (19,11; x. 10,9.11). Và người quý tộc trong dụ ngôn ấy sắp đi xa để nhận lãnh một nước; nghĩa là ông sẽ làm vua. Những đồng bào của ông không muốn ông làm vua trên họ. Cả trong số gia nhân, cũng có một người từ chối làm lợi nén bạc được ông giao; chỉ vì không muốn ông làm vua trên anh ta (19,20-21). Quyết định sau cùng của vua rất dứt khoát: thưởng cho người làm theo lệnh ông, và trừng phạt những người không muốn ông làm vua trên họ (19,27). Dụ ngôn nầy chuẩn bị cho trình thuật vào thành Giêrusalem: Chúa Giêsu là vua, Nước Thiên Chúa đến giai đoạn quyết định khi Người vào thành Giêrusalem để hoàn tất cuộc thương khó, các thủ lãnh người Do thái và dân chúng từ chối Người là vua của họ (x. 19,39).

“Lên Giêrusalem” (19,28) mang ý nghĩa rất đặc biệt trong tin mừng Luca. Ông đã dành mười chương để thuật lại những lời nói và biến cố quan trọng suốt hành trình, từ khi Chúa Giêsu quyết định lên Giêrusalem (9,51) cho đến lúc Người long trọng vào thành (19,37-38). Tất cả nhằm chuẩn bị cho biến cố hôm nay. Tuy biết Giêrusalem là nơi đã từng giết các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến (13,34), cũng là nơi cái chết của Người sẽ diễn ra, Người vẫn mạnh dạn tiến về đó như vị vua vào thành đô của mình. Bethania và Bethphage ở núi Cây Dầu là hai làng cuối cùng trên đoạn đường từ Giêricô về Giêrusalem. Đến đây, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi dẫn về cho Người một con lừa (19,29-34). Phương cách ra lệnh và chỉ dẫn của Người cho thấy Người chủ động và biết trước mọi việc sẽ xảy ra. Các môn đệ ra đi và mọi việc xảy ra đúng như Người nói trước. “Chúa cần đến nó” (19,31.34), các môn đệ lấy uy tín của Người – lời của chính Người – để dẫn con lừa về. Việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem ngồi trên lưng con lừa đã được loan báo trước trong Zacharia 9,9: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng chính trực, Đấng cứu độ, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ”. Bối cảnh của lời loan báo là vị vua nầy sẽ khôi phục lại đất nước Israel. Đặc tính của vị vua là chính trực, khiêm tốn và mang lại ơn cứu độ. Đó cũng là những đặc tính của Người Tôi Tớ đau khổ (x. 49,5; 53,11). Vậy, Chúa Giêsu sẽ tiến vào thành đô của Người như một vị vua khiêm tốn và chính trực để cứu dân.

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem (19,35-37). Trong câu 19,35 tên “Giêsu” được nêu lên hai lần, chỉ sự quan trọng của nó. Người đăng quang. Các môn đệ đem con lừa đến cho Người, phủ áo trên lưng con vật và họ đưa Người lên. Với những hành vi nầy họ tôn vinh Chúa Giêsu là vua của họ. Tiếp theo đó, dân chúng trải áo xuống đường để Người đi trên đó (19,36). Việc nầy mang ý nghĩa là họ công nhận Người là vua của họ, như trong câu chuyện của Jêhu. Ông báo tin cho những thuộc hạ của ông biết là Thiên Chúa sẽ xức dầu tấn phong làm vua trên Israel, tức thì họ reo hò và trải áo dưới chân ông bước đi (x. 2 Vua 9,12-13). Phần các môn đệ, bắt đầu reo hò lớn tiếng và ca ngợi Thiên Chúa (19,37). Có thể các môn đệ ca ngợi Thiên Chúa là vì họ đã từng chứng kiến những việc Người làm và nhất là họ đã nhận ra Thiên Chúa đang làm những việc kỳ diệu ấy trong vị Thầy của họ, như sau khi Chúa Giêsu đã chữa lành đủ loại bệnh nhân được mang đến, Luca ghi nhận là dân chúng “ca ngợi Thiên Chúa” (18,43).

Lời các môn đệ dùng để ca ngợi Thiên Chúa lấy từ Thánh vịnh 118,26, loan báo Đấng Thiên sai đến: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến” (19,38a). Luca thêm vào đây “Đức Vua” và phần hai của câu “bình an trên trời và vinh quang trên cao thẳm” (19,38b). Gioan Tẩy Giả đã sai các môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu có phải Người là “Đấng phải đến?”. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi, mà chỉ bảo họ thuật  lại cho Gioan điều họ xem thấy (7,19-20; 3,16). Vậy đến lúc nầy câu hỏi ấy được trả lời trực tiếp. Ma quỉ biết trước Người đến như là Đấng Thánh của Thiên Chúa (4,34). Câu thánh vịnh nầy đã được trích dẫn trước đây trong mạch văn Chúa Giêsu than khóc vì sự cứng lòng của Giêrusalem (13,35). Theo lời Người, chính người Pharisêô sẽ nói lời nầy; nghĩa là họ sẽ phải tin vào Người mới được thấy Người. Điều nầy chưa được thực hiện bây giờ, khi Người vào thành. Lúc nầy, chỉ các môn đệ ca ngợi Người. Danh hiệu “vua” lần đầu tiên được dùng cho Chúa Giêsu. Nó mang ý nghĩa quan trọng trong chương 23. Người sẽ bị tố cáo là tự xưng là vua (23,2). Người xác nhận là vua trước mặt Philatô (23,3). Chính ông sẽ cho ghi tấm bảng “Đây là vua người Do thái” đóng trên thánh giá của Người (23,38). Điều nghịch lý là chính người Do thái không chấp nhận vua của họ, mà lại chế giễu Người (23,37). Tuy vậy, Người vẫn là vua.

Phần hai của lời ca ngợi trong Luca khác với Mathêô và Marcô (x. Mt 21,9; Mc 11,10), “Bình an trên trời và vinh quang trên cao thẳm” (19,38b). So sánh với lời của thiên sứ trong trình thuật giáng sinh, lời nầy thay đổi thành “bình an trên trời”; thay vì “bình an trên trần gian” (x. 2,14). Có thể hiểu như thế nầy là trong ngày giáng sinh, các thiên sứ ca ngợi Con Thiên Chúa xuống trần và mang theo cả sự bình an cho những người Thiên Chúa hài lòng (1,78; 2,14). Đó là những người bé mọn, chứ không phải hạng thông thái và khôn ngoan (10:21). Trong suốt thời gian thi hành sứ vụ Người ban sự bình an nầy cho những người bé mọn ấy (x. 7,50; 8,48; 10,5-6). Sự bình an chính là bản thân Chúa Giêsu. Người ở đâu, ở đó có sự bình an. Việc Chúa Giêsu là vua vào thành Giêrusalem được hiểu như Người đang tiến về thánh đô trên thiên quốc của Người. Vì đây là lúc chấm dứt sứ vụ rao giảng và đã bắt đầu hành trình về lại với Chúa Cha. Như thế, các môn đệ ca ngợi Thiên Chúa vì Chúa Giêsu – Bình An đang trở lại thánh đô trên trời (x. 19,38). Chữ “bình an” trong Luca xuất hiện lần cuối cùng trong lời Chúa Giêsu nói với những người trong thành Giêrusalem, khi Người than khóc nó. Sự bình an nầy ẩn giấu khỏi mắt họ, vì họ chẳng chấp nhận Người (19,47). Chỉ sau khi Người đã sống lại, chữ “bình an” mới được dùng lần nữa trong câu ban bình an của Người cho các môn đệ (24,36). Điều nầy có nghĩa là thời gian từ lúc vào thành đến lúc Người sống lại là thời gian của bóng tối và bất an, nên sự bình an không thể chung sống với chúng trên mặt đất nầy. Dân thành Giêrusalem không chấp nhận đức Vua của họ, mà còn giết Người. Biểu hiện trước tiên là người Pharisêô yêu cầu Người bảo các môn đệ của Người im lặng đi và không tung hô Người nữa. Họ từ khước cách cứng cỏi (19,39). Trong câu kết luận, Chúa Giêsu đưa ra một giả thiết là nếu các môn đệ của Người thôi không ca ngợi nữa, thì các hòn đá sẽ thét lớn tiếng ngợi khen Người (19,40).

Như là Chúa và vua của dân Israel (19,31.33.34) Người vào thành Giêrusalem để chịu chết, Người sẽ ra khỏi đó trong vinh quang phục sinh và được Thiên Chúa đặt làm Chúa và Đấng Kitô của muôn người (Cv 2,36).

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến