Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa B – Con Là Con Chí Ái Ta – Giải thích bản văn Tin Mừng

07/01/2021

Mc 1,9-11: Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”

Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Đoạn 1,9-11 nằm trong phần chuẩn bị của Tin mừng theo thánh Marcô. Phần đầu nói về Gioan Tẩy Giả (1,1-8), và phần tiếp theo là sự xuất hiện đầu tiên của Chúa Giêsu (1,9-13). Đối chiếu hai phần với nhau, Gioan Tẩy Giả là người dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Lời tuyên bố của ông về việc một “Đấng quyền thế hơn” (1,7) sẽ đến mở ra đoạn giới thiệu chân dung của Chúa Giêsu trong bối cảnh chịu phép rửa. Bởi đó, biến cố phép rửa là chóp đỉnh sứ vụ của Gioan Tẩy Giả, và đồng thời cũng khép lại sứ vụ của ông.

Có thể phân chia bố cục của đoạn 1,9-11 như sau: – Bối cảnh của phép rửa (1,9); Mạc khải về Chúa Giêsu (1,10-11).

Bối cảnh của phép rửa (1,9)

Trong câu mở đầu tin mừng (1,1), Marcô giới thiệu Chúa “Giêsu” cách tổng quát với độc giả của ngài như thể họ đã quen biết Người. Mở đầu phần nầy (1,9), ông cung cấp thêm thông tin về căn tính của Người. Và ở phần tiếp theo bắt đầu nói về sứ vụ công khai, tên “Giêsu” được nhắc đến cách long trọng thêm một lần nữa. Như thế, Marcô đánh dấu những mốc chính thời kỳ đầu của Chúa Giêsu bằng cách nêu tên của Người ra.

Trong bốn tin mừng, chỉ Marcô xác định cách chi tiết “Nazaréth xứ Galilêa”; Matthêô chỉ nói đến “Galilêa”. Tên làng “Nazaréth” chỉ được nhắc đến một lần duy nhất ở đây trong Marcô mà thôi. Tên nầy xác định nơi sinh trưởng của Người (Mt 2,23; Lc 1,26; 2,4.39.51; 4,16); đồng thời tên nầy gắn liền với sứ vụ của Người “Ông ấy là Giêsu, tiên tri xuất thân từ Nazarét xứ Galiliêa” (x. Mt 21,11; Gio 1,45). Ghi nhận về nơi sinh quán của Chúa Giêsu chuẩn bị cho việc xác định sau nầy: “Giêsu người Nazarhéth” (1,24; 10,47; 14,67; 16,6). Xứ “Galilêa” phía bắc phân biệt với xứ Giuđêa phía nam. Khi ghi nhận những người đến với Gioan để chịu phép rửa, chỉ mình Chúa Giêsu là người đến từ xứ Galilêa; trong khi những người khác đến từ xứ Giuđêa và Giêrusalem (1,5); sự tập trung đặt vào Chúa Giêsu. Hơn nữa, khi làm phép rửa cho dân chúng, Marcô ghi nhận là “bởi ông”(1,5); trong đối với Chúa Giêsu thì “bởi Gioan”.

Động từ “thanh tẩy” ở thể phủ định và tác nhân trực tiếp của hành động là “bởi Gioan” được xác định cách rõ ràng; Matthêô và Luca không nhắc đến tên “Gioan” (x. Mt 3,16; Lc 3,21). Ghi nhận “bởi Gioan” làm nổi bật sự tương phản với điều Gioan xác định ở trên (1,7-8). Ông tiên báo một Đấng quyền thế hơn ông sẽ đến, và so với Đấng ấy, ông không đáng cởi quai dép. Hơn nữa, phép rửa Người sẽ làm là “bằng Thánh Thần”, vượt trên “phép rửa bằng nước” của ông. Vậy mà Đấng ấy lại đến chịu phép rửa “bởi Gioan”.

Vậy hai yếu tố riêng của Marcô “Nazaréth” và “bởi Gioan” để cho thấy Chúa Giêsu rất gần với nhân loại trong phép rửa. Người rất khiêm tốn và gần gũi với mọi người, bởi Người xuất thân từ làng Nararéth nhỏ bé, và chịu phép rửa “bởi Gioan” như bao tội nhân khác.

Chúa Cha và Chúa Thánh Thần mạc khải Chúa Giêsu (1,10-11)

Phần nầy gồm hai câu (1,10-11): câu 10 là mạc khải của Chúa Thánh Thần bằng hành động: Ngài ngự xuống trên Chúa Giêsu với hình chim câu. Câu 11 là mạc khải của Chúa Cha bằng lời nói “Con là Con chí ái của Ta”. Cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đều mạc khải về Chúa Giêsu.

Việc Chúa Giêsu “lên khỏi nước”, ana-bainō, tương ứng với việc Chúa Thánh Thần ngự xuống, kata-bainō, trên Người (c. 10). Hai động từ có chung một gốc –bainō được dùng ở thì phân từ hiện tại chỉ hai hành động đồng thời đi lên khỏi nước của Chúa Giêsu và đi xuống của Chúa Thánh Thần. Việc Thánh Thần ngự xuống khi Chúa Giêsu lên khỏi nước – không phải lúc dìm xuống nước – cho thấy phép rửa của Gioan bằng nước không có hiệu lực thật sự trên Chúa Giêsu. Thật vậy, trong câu 8 Marcô đã đề cập đến phép rửa-nước và phép rửa-Thánh Thần. Hai phép rửa không tương xứng và rất cách biệt. Chúa Giêsu, Đấng sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần, đã có một liên kết hoàn hảo rồi với Thánh Thần.

Marcô xác định “Người thấy” (song song với Mt 3:16); trong Luca là mọi người đều thấy biến cố nầy (3,22), và trong Gioan, ông làm chứng về điều nầy (Gio 1,32-33). “Người thấy” ám chỉ Người có thị kiến (x. Êzek 1,1; Cvtđ 10,11). Bởi đó, tiếng từ trời phán ra là tiếng Thiên Chúa nói trực tiếp với Người: “Con là Con chí ái của Ta” (1.11// Lc 3,22); trong khi Matthêô và Gioan dùng ở ngôi thứ ba “Người nầy là Con chí ái của Ta” (Mt 3,17), “Người nầy là Con Thiên Chúa” (Gio 1,34).

Động từ schizō, “xé ra” (so sánh với Matthêô // Luca: anoigō, “mở ra”) được dùng chỉ hai lần trong Marcô và ở vào vị trí rất ý nghĩa. Lần thứ nhất khi Chúa Giêsu chịu phép rửa; đây là lần đầu tiên Người xuất hiện sau thời gian ẩn dật. Lần thứ hai là khi Người vừa tắt thở trên thập giá (15,38), khi Người hoàn thành sứ vụ Chúa Cha giao phó. Trong cả hai lần, việc trời (1,10) và màn trong đền thờ xé ra (15,38) đều diễn ra trước và tiếp sau đó là một mạc khải hay một tuyên xưng liên quan đến Chúa Giêsu: Người là Con Thiên Chúa. Như thế Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” là mạc khải chính đóng khung toàn vẹn tin mừng của Marcô.

Ý nghĩa của việc “trời xé ra” có thể hiểu thêm trong lời cầu nguyện ở Is 63,19 là xin Thiên Chúa xé trời mà xuống, “Đã từ lâu rồi chúng tôi là những người không được Ngài cai trị, và không kêu cầu danh Ngài. Vậy xin Ngài hãy xé trời mà ngự xuống, và trước thánh nhan Ngài núi đồi sẽ rung chuyển”. Lời cầu nguyện của dân chúng trong Is 63,7-64,11 gợi nhớ lại những công cuộc cứu độ Thiên Chúa đã làm ngày xưa trong thời kỳ Môsê. Thời kỳ ấy đã qua. Nay họ cầu xin một người chăn dắt họ, “Bấy giờ, dân Người nhớ lại thời quá khứ, thời ông Mô-sê. Ðâu rồi Ðấng đã đưa vị mục tử đàn chiên của Người lên từ biển? Ðâu rồi Ðấng đã đặt nơi ông thần khí thánh của Người”. (Is 63,11). Vậy chính trong ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thiên Chúa đã xé trời mà ngự đến, và ban cho họ một vị Mục Tử mới chăn dắt dân của Ngài (x. 6,34).

Hình ảnh chim câu tượng trưng cho Thánh Thần ngự xuống có thể giải thích là thời kỳ gia phạt đã chấm dứt, và nay đang đến thời kỳ hoà giải và cứu độ. Trong câu chuyện lụt đại hồng thủy thời ông Nôê, chim câu trở lại với nhành ôliu là dấu hiệu báo cho biết mưa lụt đã chấm dứt (Kn 8,8-12); cũng có nghĩa là Thiên Chúa không còn gia phạt dân của Ngài nữa. Như thế, việc Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu cho biết trong Chúa Giêsu thời kỳ cứu độ và hồng ân đang đến (x. Lc 4,18-19).

Sau cùng lời phán từ trời ngỏ trực tiếp với Chúa Giêsu xác định căn tính và sứ mạng của Người (1,11). Đây là lời của chính Chúa Cha (9,7; 12,6; 14,1; 15,39); so sánh với 1,2b-3 trích lời ngôn sứ Isaia để nói về Gioan. Thiên Chúa mạc khải trực tiếp về Chúa Giêsu, vì đó là Con của Ngài: “Con là Con chí ái của Ta”. Ngài đã không nói với ai như vậy, vì không ai có tương quan như vậy với Thiên Chúa. Lời xác nhận từ trời nầy có thể đọc song song với lời của ngôn sứ Isaia trong bài ca thứ nhất về người tôi tớ (Is 42,1-4). Người tôi tớ ấy được yêu thương, tuyển chọn và đổ tràn Thần Khí để được sai đi mang công bình cho mọi dân tộc. Áp dụng lời nầy cho Chúa Giêsu, Người được Thần Khí ngự xuống, được yêu thương và tuyển chọn để sai đi, nhưng không phải như một tôi tớ mà là Con của Thiên Chúa. Như thế căn tính là Con của Thiên Chúa và sứ mạng của Người gắn liền với nhau.

Vậy Chúa Giêsu đã đến. Những gì Gioan tiên báo về Người đã bắt đầu thực hiện. Người cao trọng hơn ông, vì Người là Con Thiên Chúa. Người khiêm tốn đứng giữa các tội nhân trong phép rửa của Gioan để đưa họ đến phép rửa trong nước, máu và Thánh Thần của Người (x. 1 Gio 5,6-9).

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến