Chúa Nhật IV Mùa Vọng B – Thiên Chúa Nhớ Lại Lòng Thương Xót – Giải thích bản văn Tin Mừng

17/12/2020

Lc 1,26-38:  Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

 Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Đọc Lc 1,26-38 trong văn mạch của 1,5-2,52: những biến cố thời thơ ấu của Chúa Giêsu và Gioan. Thiên Chúa trung tín lại có kế hoạch cứu độ con người. Người muốn tìm kiếm một người làm mẹ, vì kế hoạch ấy bắt đầu từ một hài nhi. Để thực hiện, Thiên Chúa sai sứ thần đến cùng Maria (c.26-27), để kêu gọi Maria cộng tác (c.28), Thiên Chúa trình bày kế hoạch (30-33): phần Maria sẽ làm (c.30-31) và phần của Thiên Chúa (c.32-33), Thiên Chúa trình bày cách thực hiện (35-37). Những phản ứng của Maria: không hiểu (c.29), thắc mắc (c.34) và ưng thuận (38). Hai phần c.30-33 và 35-37 là những lời giải đáp cho thắc mắc của Maria (c.29 và 34).

Đây là kế hoạch cứu độ cuối cùng của Thiên Chúa (x. Lc 20,9-19). Vì Thiên Chúa nhớ lại lời hứa với Abram (1,55.73), nên Người sẽ gởi đến Đấng cứu độ, cũng là con của Người (c.32-33.35), để con cháu Abram được hưởng ơn cứu độ: trước tiên là Maria (1,47), rồi đến những người khác (13,16.28; 16,22; 19,9) và đến muôn đời cho những ai kính sợ Người (1,50). Nên đằng sau lời của thiên sứ, Thiên Chúa là chủ của tất cả mọi hành động trong kế hoạch đó. Ngoài những lần Thiên Chúa được gọi cách rõ ràng dưới nhiều tên khác nhau như: “Thiên Chúa” (c.26.30.32.36.37), “Chúa” (c.28.32.38), “Đấng Tối Cao” (c.32.35), Người cũng là chủ ngữ của những động từ ở thể thụ động (c.26.28.32.35. 38).

Vương quyền của người Con sắp được sinh ra và được đặt trên ngôi Đavít, sẽ trải rộng cách vô tận, trên cả không gian lẫn thời gian (c.31-33.35). Chính Thánh Thần sẽ khởi đầu cho vương quyền của người Con ấy (c.35), và sau nầy, cũng chính Người sẽ tiếp tục làm cho giáo hội của người Con ấy (Tđcv 1,8), bất chấp những điều không thể đối với con người (c.37).

Maria, người Nadaret miền Galilê, được chọn làm người sinh ra Con của Thiên Chúa (c.31). Cả con người lẫn xứ sở đều nhỏ bé và vô ý nghĩa trước mặt con người (c. 27-28). Tuy nhiên, khi Thiên Chúa đã chọn vào sứ mạng cao cả, thì Người cũng đổ đầy ơn. Bởi đó, thiên sứ đã chào Maria bằng tên: “Người được đầy ơn sủng” (c.28) và người “đã tìm được ân sủng nơi Thiên Chúa” (c.30). “Được đầy ân sủng” nói cách đơn giản là người được Thiên Chúa ban đầy ơn. Còn “đã tìm được ân sủng nơi Thiên Chúa” thì nhấn mạnh về phía Maria, là người đã tìm kiếm Thiên Chúa và đã tìm thấy (x. Lc 11,10). Nhưng cuối cùng, chính Thiên Chúa là đấng ban mọi ơn, và ơn cao trọng hơn hết là Con Thiên Chúa vào trong đời mình (1,31.43; x.19:5).

Phần Maria, tự nhận là “tớ nữ của Chúa” (1,38.48), là người kính sợ Thiên Chúa (1,50) và để cho Thiên Chúa toàn năng thực hiện điều Người muốn trong đời mình. Khi Maria lên tiếng chấp nhận, thì Thiên Chúa đã qua được một bước ở ngưỡng cửa của kế hoạch cứu độ tương lai.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến